Đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới trong các quan hệ dân sự

29/06/2015
Đó là những ý kiến phát biểu của bà Nguyễn Thị Thanh Hoà, Uỷ viên TW Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh tại phiên thảo luận hội trường góp ý dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) chiều 25/5 vừa qua.

Về nguyên tắc bình đẳng giới trong các quan hệ dân sự

Chủ tịch Thanh Hoà đồng tình với ý kiến của đại biểu Đỗ Mạnh Hùng - Thái Nguyên là bộ luật cần bổ sung nội dung bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới trong thiết lập thực hiện thúc đẩy và hoàn thành giao dịch dân sự tại Điều 3.

 Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng - Thái Nguyên

“Tôi đề nghị bổ sung nguyên tắc bình đẳng giới vào phần các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của dự thảo Bộ luật. Trong quan hệ dân sự các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự là những quy định rất quan trọng, những quy định này chi phối toàn bộ các quy định cụ thể của bộ luật, đồng thời cũng là căn cứ chủ yếu để áp dung pháp luật khi Bộ luật dân sự không có quy định cụ thể về một vấn đề nào đó. Dự thảo Bộ luật dân sự quy định 5 nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, bao gồm các nguyên tắc: bình đẳng, tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận, thiện chí trung thực. Các nguyên tắc đó cũng đã bao hàm phần nào nguyên tắc bảo đảm bình đẳng giới. Tuy nhiên so với Bộ luật dân sự hiện hành thì nguyên tắc bình đẳng giới chưa được thể hiện rõ nét.

Điều 5, Bộ luật dân sự năm 2005 quy định trong quan hệ dân sự các bên đều bình đẳng, không được lấy lý do khác biệt về dân tộc, giới tính, thành phần xã hội, hoàn cảnh kinh tế, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hóa, nghề nghiệp để đối xử không bình đẳng với nhau. Trong khi đó dự thảo Bộ luật chỉ quy định trong quan hệ dân sự các bên đều bình đẳng không được lấy bất cứ lý do gì để đối xử không bình đẳng với nhau. Việc bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới trong quan hệ dân sự là yêu cầu quan trọng cần xuyên suốt trong Bộ luật dân sự, đặc biệt trong nhiều quy định cụ thể của Bộ luật dân sự. Ví dụ, quy định về đại diện hộ gia đình khi tham gia vào các quan hệ dân sự, vấn đề chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung của hộ gia đình. Trong Hiến pháp mặc dù đã có những điều quy định về nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật, không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, nhưng Hiến pháp vẫn có những điều quy định riêng về nguyên tắc bảo đảm bình đẳng giới. Vì thế tôi xin đề xuất bộ luật này theo mô hình Hiến pháp, ngoài những quy định chung thì phải có những quy định cụ thể về bình đẳng giới”

Về năng lực hành vi dân sự của cá nhân

Chủ tịch đồng tình với quy định bổ sung đối tượng bị giới hạn quyền đó là người có khó khăn trong nhận thức làm chủ hành vi này tại Điều 24 dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi). Tuy vậy, Chủ tịch cho rằng chế định này vẫn còn một số nội dung cần nghiên cứu, cân nhắc thêm trước khi dự thảo được thông qua. Chế định cần được quy định chặt chẽ nếu không sẽ rất bất lợi cho phụ nữ cao tuổi. Nguyên nhân do người khó khăn trong nhận thức làm chủ hành vi chủ yếu là ở người cao tuổi. Do phụ nữ có tuổi thọ cao hơn nam giới nên có thể phụ nữ cao tuổi sẽ là người chịu tác động của quy định này nhiều hơn là nam giới. Đa số phữ nữ lớn tuổi, góa chồng thường ở với con trai, ảnh hưởng của cơ chế thị trường, trong nhiều gia đình luôn ẩn chứa những bất hòa về kinh tế. Chủ tịch đề nghị phải có đánh giá tác động của quy định về người có khó khăn trong nhận thức làm chủ hành vi, lấy ý kiến của đối tượng liên quan như là người cao tuổi, người có khó khăn trong nhận thức làm chủ hành vi, của các chuyên gia y tế. Nếu bổ sung chế định này, cần sửa đổi theo hướng Điều 24 là đề nghị thay tổ chức y tế có thẩm quyền, bằng tổ chức giám định pháp y tâm thần trong việc xác định người có khó khăn trong nhận thức làm chủ hành vi, như là quy định đối với người mất năng lực hành vi dân sự.

Về quyền nhân thân

Khoản 2, Điều 26 quy định quyền đối với họ tên, họ của cá nhân được xác định họ của cha đẻ hoặc họ của mẹ đẻ theo thỏa thuận của cha mẹ, nếu không có thỏa thuận thì họ của con được xác định theo tập quán v,v... Quy định này chưa thể hiện rõ trường hợp đứa trẻ sinh ra từ việc mang thai hộ, sẽ theo họ của cha mẹ là người nhờ mang thai hộ, hay là đặt theo của chính người mang thai hộ.

Hiện nay, vấn đề mang thai hộ đã được quy định trong Bộ luật dân sự và Luật hôn nhân và gia đình năm 2014. Tuy nhiên, cả hai luật này còn quy định rất chung. Vì vậy, đề nghị cần có quy định cụ thể về họ của đứa trẻ được sinh ra từ việc mang thai hộ là họ của cá nhân được sinh ra từ việc mang thai hộ được xác định theo họ của người nhờ mang thai hộ theo Luật hôn nhân và gia đình.

Về di chúc chung của vợ, chồng.

Đề nghị xem xét lại quy định về sửa đổi, bổ sung thay thể, hủy bỏ di chúc chung của vợ, chồng tại Điều 658. Quy định như vậy, không bảo vệ quyền lợi hợp pháp chính đáng của các bên. Theo quy định thì vợ, chồng có thể sửa đổi di chúc bất cứ lúc nào, nếu bên kia không đồng ý thì người kia có quyền lập di chúc liên quan đến phần tài sản của mình. Khi quy định di chúc chung nhằm đảm bảo quyền định đoạt của vợ chồng đối với tài sản chung ở khía cạnh nào đó cũng là bảo vệ quyền lợi cho người vợ, người không đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng đất.

Tuy nhiên, trong thực tế tài sản phần nhiều đang đứng tên người chồng, nếu có mâu thuẫn trong cuộc sống chung vợ chồng không thống nhất được mà phải sửa đổi, thậm chí hủy bỏ di chúc chung thì mỗi người có quyền lập di chúc liên quan đến tài sản của mình. Người phụ nữ ít có cơ hội và điều kiện thực hiện quyền này vì thực tế như tôi đã nêu trên là rất ít người phụ nữ có tên trong giấy chứng nhận quyền sở hữu các tài sản hoặc là việc chứng minh được tài sản đó là tài sản chung cũng rất khó khăn.

Về vấn đề thừa kế

Đề nghị xem xét bổ sung các quy định nhằm bảo đảm quyền lợi của con dâu, con rể trong vấn đề thừa kế. Chủ tịch Thanh Hoà nhất trí với ý kiến của đại biểu Khúc Thị Duyền (Thái Bình). Dự thảo này chưa đề cập đến đối tượng trong quan hệ gia đình đó là con dâu và con rể. Có rất nhiều trường hợp con dâu và con rể chung sống với bố mẹ chồng hoặc bố mẹ vợ trong thời gian dài và đã có nhiều đóng góp công sức để vun đắp, chăm sóc cho gia đình nhà chồng, nhà vợ. Sự đóng góp này không tính được bằng vật chất. Ngược lại tài sản giá trị nhất của gia đình thường là bất động sản thì lại đứng tên của bố mẹ vợ hoặc chồng. Khi bố mẹ vợ, bố mẹ chồng mất đi không để lại di chúc thì những người này không được hưởng thừa kế. Thực tế cũng cho thấy có không ít chị em phụ nữ có cuộc sống hôn nhân không may mắn khi buộc phải ly hôn thì ra đi trắng tay vì tài sản có giá trị là nhà đất thì lại đứng tên bố mẹ chồng, vợ dù trước đó họ cũng có phần lớn công sức phụng dưỡng bố mẹ chồng trong thời gian dài.

Về phương diện pháp lý, Luật hôn nhân và gia đình quy định rất rõ quyền và nghĩa vụ của con dâu, con rể và cha mẹ, vợ, chồng chung sống với nhau. Các bên có quyền nghĩa vụ tôn trọng, quan tâm chăm sóc và giúp đỡ nhau theo quy định tại các Điều 69, 70,71,72 của luật này.

Bổ sung quy định như vậy đảm bảo sự bình đẳng giữa các mối quan hệ trong gia đình và quyền lợi của những người con dâu, rể sống chung với bố mẹ vợ, chồng trên cơ sở nuôi dưỡng lẫn nhau.

Về quyền của người quản lý di sản ở Điều 634

Dưới góc độ giới có một số điểm chưa hợp tình hợp lý, bất lợi cho phụ nữ, nhất là những người phụ nữ góa chồng, đang ở trên nhà đất, mà nhà đất đứng tên của bố mẹ chồng. Mục a, Khoản 2, Điều 632 quy định người đang chiếm hữu sử dụng quản lý di sản quy định tại Khoản 2 Điều 632 của bộ luật này có các quyền sau đây được tiếp tục sử dụng di sản theo thỏa thuận trong hợp đồng với người để lại di sản hoặc được sự đồng ý của người thừa kế. Giả sử người con dâu góa chồng đó không có thỏa thuận với người để lại di sản và cũng không được sự đồng ý của người thừa kế thì không biết sẽ ở đâu chắc phải ra khỏi nhà. Chủ tịch đề nghị sửa lại là người đang chiếm hữu, sử dụng, quản lý di sản có quyền tiếp tục chiếm hữu, sử dụng và quản lý di sản. Tôi xin hết ý kiến, xin cảm ơn Quốc hội.

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video