Để chị em dân tộc Dao đến với tổ chức Hội

10/05/2007
Vận động phụ nữ đã khó, vận động phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia tổ chức Hội càng khó hơn. Làm thế nào để tập hợp, thu hút chị em đến với Hội và đưa phong trào vốn “dậm chân tại chỗ” lên bước phát triển mới – đó là bài toán, là trăn trở trong suốt nhiệm kỳ 2001-2006 của chị Ngô Thị Xuyến - Chủ tịch Hội LHPN xã Hữu Sản, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang cùng tập thể BCH.

Là xã vùng sâu, vùng xa của tỉnh Bắc Giang, Sơn Động có 99% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Nghèo đói, mù chữ khiến nhiều chị em không muốn tham gia sinh hoạt cũng như gia nhập tổ chức Hội. Xác định “cán bộ nào phong trào ấy”, muốn vực dậy phong trào không còn con đường nào khác là phải xây dựng được đội ngũ cán bộ có năng lực, trình độ và thực sự tâm huyết, chị đã cùng tập thể BCH tham mưu với cấp uỷ Đảng, chính quyền quan tâm đến công tác tạo nguồn, đào tạo đội ngũ cán bộ nữ; không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; nâng cao chất lượng sinh hoạt Hội, đồng thời mạnh dạn nhận các công trình tiểu dự án, tìm nguồn, tạo việc làm cho chị em lao động gây quỹ Hội; chỉ đạo thành lập các CLB chuyên đề, xây dựng nhóm phụ nữ tín dụng tiết kiệm; xây dựng và nhân rộng các mô hình điểm; xây dựng đội ngũ hội viên nòng cốt; phân công cụ thể các chị trong BCH đến từng thôn bản tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của chị em để tìm ra giải pháp, chỉ đạo đúng, trúng và kịp thời.

 

Bên cạnh đó, chị còn phối hợp với các ngành tổ chức các hoạt động VHVN, TDTT, hội thi, tham quan học tập kinh nghiệm, khai thác các nguồn vốn cho vay, nhất là chị em nghèo làm chủ hộ, mở lớp tập huấn chuyển giao KHKT và hướng dẫn chị em làm ăn phát triển kinh tế gia đình…

 

Đối với 2 bản Phiêng Hưng và Khe Nhùng, nơi có đông đồng bào dân tộc Dao sinh sống và dân cư ở rải rác, thưa thớt trên các sườn đồi, chị đã tìm ra phương thức riêng. Chị cùng tập thể BCH lăn lộn, dành thời gian học tiếng Dao để truyền đạt kinh nghiệm cũng như chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước một cách cụ thể, ngắn gọn để đồng bào dễ hiểu, dễ nhớ, dễ nghe.

 

Mặc dù đường đi từ trung tâm xã vào đến bản đồng bào Dao phải qua 7 con suối, đường mòn, dốc men theo sườn núi nhưng các chị đã không quản mưa nắng, ngày đêm lặn lội đến tận nơi lên tận nương rẫy kiên trì giảng giải thuyết phục chị em. Mưa dầm ngấm đất, chị em đã hiểu và “động lòng” tham gia sinh hoạt Hội. Kết quả đã có 100% số hộ bản dân tộc Dao có phụ nữ từ 18 tuổi trở lên tham gia tổ chức Hội. Cùng với vận động thuyết phục chị em, chị còn tham mưu với Đảng uỷ, UBND xã tổ chức lớp học vào ban đêm, lớp tiểu học bổ túc văn hoá cho cán bộ, hội viên phụ nữ và nhân dân trong bản, thu hút 52 chị theo học.

 

Bằng quyết tâm, sự bền bỉ, khéo léo,số chị em gia nhập tổ chức Hội tăng lên rõ rệt. Đến nay toàn xã có 6 chi Hội (15 tổ phụ nữ) với 336 hội viên (tăng 4 chi Hội và 154 hội viên so với năm 2000).

 

Hội cũng đã thành lập được 3 CLB phòng chống TNXH, 2 CLB phụ nữ với công tác DS-KHHGĐ, 4 tổ phụ nữ không có người sinh con thứ 3, có 6 đội văn nghệ, 9 tổ tín dụng tiết kiệm. Hội cũng đã giới thiệu được 17 hội viên ưu tú cho Đảng xem xét kết nạp và đã kết nạp được 10 hội viên.

 

Từ một cơ sở khó khăn của Hội LHPN huyện Sơn Động, qua chặng đường phấn đấu không mệt mỏi, Hội LHPN xã Hữu Sơn đã được Đảng uỷ xã công nhận tập thể xuất sắc, được Hội LHPN tỉnh, huyện tặng giấy khen cho tập thể và các cá nhân điển hình.

Đỗ Hoa - Trung tâm Thông tin

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video