Để làm lành mạnh hoá quan hệ hôn nhân giữa cô dâu Việt Nam - chồng Hàn Quốc: Cần nỗ lực từ hai phía

22/05/2006
Sau “sự kiện 21/4”, khi Nhật báo Chosun (Hàn Quốc) đăng bài “Các cô gái Việt Nam đến Hàn Quốc - mảnh đất của hy vọng”, đã gây nên phản ứng dữ dội cả ở Việt Nam và Hàn Quốc. Để làm lành mạnh mối quan hệ hôn nhân giữa phụ nữ Việt Nam và đàn ông Hàn Quốc rất cần tiến hành đồng bộ các giải pháp và sự nỗ lực từ hai phía.

Nguyên nhân không chỉ có một

 

Trong số phụ nữ Việt Nam lấy chồng nước ngoài, số chị em kết hôn với người Hàn Quốc chiếm khá đông. Trả lời cho câu hỏi tại sao một số phụ nữ Việt Nam có nhu cầu kết hôn với người Hàn Quốc tăng trong những năm gần đây, có rất nhiều nguyên nhân. Ngoài nguyên nhân do quá khó khăn về kinh tế đã dẫn đến một bộ phận cô gái muốn “cứu mình, cứu nhà” bằng con đường lấy chồng ngoại còn có những nguyên nhân khách quan sâu xa khác, góp phần không nhỏ vào việc đẩy nhanh số lượng cô dâu Việt Nam trên đất Hàn Quốc.

 

Có cầu ắt có cung – đó là quy luật. Theo báo cáo của Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giaoViệt Nam và theo một số nguồn tin trên báo chí Hàn Quốc cho thấy, đàn ông nông thôn Hàn Quốc “ế” vợ đã không còn là chuyện hiếm. Năm 2004 Hàn Quốc có 25.594 trường hợp kết hôn với người nước ngoài (chiếm 8,2% số vụ kết hôn trong năm) và cứ 4 người đàn ông kết hôn thì có 1 người lấy vợ nước ngoài. Trong khi các cô gái nông thôn Hàn Quốc không muốn lấy chồng ở quê thì các cô dâu Việt Nam lại được đánh giá rất cao so với các cô dâu đến từ các nước châu Á khác.

 

Mặt khác, quy trình và thủ tục kết hôn có yếu tố nước ngoài tại Hàn Quốc còn chưa chặt chẽ. Việc đăng ký kết hôn được đăng ký tại một trong hai nơi: Có thể ở Việt Nam hoặc ở Hàn Quốc. Thời gian gần đây, khi các cơ quan chức năng Việt Nam tăng cường kiểm soát việc đăng ký kết hôn chặt chẽ hơn thì các đôi nam nữ lại có xu hướng chuyển sang đăng ký tại Hàn Quốc. Theo số liệu tổng hợp của một số sở Tư pháp, 3 tháng đầu năm 2006 tỷ lệ đăng ký kết hôn giữa hai nước là rất lớn: Ở Hải Phòng, số các cô dâu lấy chồng Hàn Quốc đăng ký tại Việt Nam là 8 trong khi đăng ký tại Hàn Quốc lên tới 182. Tương tự, ở Tây Ninh, tỷ lệ này là 7-108, Bạc Liêu: 0-243 và Cần Thơ 11-233. Đồng thời với nguyên nhân trên, hoạt động môi giới hôn nhân của các tổ chức, cá nhân ở Hàn Quốc và ở Việt Nam diễn ra khá mạnh. Ở Hàn Quốc, các công ty môi giới được phép hoạt động công khai, hợp pháp và thu lợi nhuận. Vì mục đích thương mại, các công ty môi giới hôn nhân đã quảng cáo về các cô gái Việt Nam một cách thái quá như quảng cáo một thứ hàng hoá. Ở Việt Nam, mặc dù pháp luật Việt Nam nghiêm cấm nhưng trên thực tế có nhiều tổ chức, cá nhân vẫn hoạt động lén lút và biến tướng nhưng không kém phần quyết liệt. Hơn nữa, các tổ chức, cá nhân môi giới hai nước lại móc nối, cấu kết với nhau, tạo nên trào lưu kết hôn với nam giới Hàn Quốc của các cô gái Việt và hiện tại số cô dâu Việt Nam tại Hàn Quốc chỉ đứng thứ ba sau Trung Quốc và Phillippin.

 

Tiến hành đồng bộ các giải pháp và thực hiện biện pháp mạnh tạm thời – hai nhiệm vụ song hành

 

Theo số liệu điều tra của Bộ Tư pháp cho thấy, phần lớn số cô gái Việt Nam kết hôn với người Hàn Quốc tập trung chủ yếu ở đồng bằng sông Cửu Long và TP. Hồ Chí Minh. Cùng với lý do về kinh tế cũng phải thừa nhận rằng trong khi các nữ thanh niên miền Bắc và miền Trung chịu khó, chăm chỉ làm ăn thì một bộ phận nữ thanh niên thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long lại có biểu hiệncủa tư tưởng lười lao động, muốn đổi đời và trông chờ vào một cuộc sống an nhàn, sung túc nơi phương trời xa. Cũng theo báo cáo của Bộ Tư pháp, có địa phương như xã Tân Lộc, huyện Thốt Nốt, TP Cần Thơ đã mở cơ sở dạy nghề miễn phí cho chị em, thậm chí sau đào tạo nghề may còn cấp không cho mỗi chị em một máy khâu, tạo điều kiện cho chị em có công ăn việc làm song vẫn không thu hút được chị em. Chính vì vậy, công tác giáo dục, tuyên truyền, nhất là ở các vùng có số đông chị em lấy chồng nước ngoài cần được các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể quan tâm, cùng “xắn tay” vào cuộc. Bên cạnh đó, hoạt động tạo vốn, dạy nghề, giải quyết việc làm cũng cần đẩy mạnh nhằm thu hút ngày càng nhiều chị em tham gia, giúp họ yên tâm làm ăn, sống êm ấm tại quê nhà.

 

Về mặt thể chế, các cơ quan chức năng cũng cần nghiên cứu đề nghị Quốc hội bổ sung, sửa đổi các quy định và điều kiện kết hôn quy định tại Luật Hôn nhân và gia đình, bảo đảm nguyên tắc hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, trong đó lưu ý về độ tuổi chênh lệch giữa nam và nữ nhằm loại bỏ việc kết hôn không lành mạnh, không nhằm xây dựng hạnh phúc gia đình. Vấn đề ngôn ngữ cũng cần được xem xét, luật hoá một cách chính thức. Nếu thông qua hình thức phỏng vấn kết hôn, các đôi nam nữ không thể trao đổi những thông tin tối thiểu, cán bộ hộ tịch có thể đề nghị từ chối việc kết hôn như Chỉ thị 03/2005/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý nhà nước với quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài đã đề cập. Nhằm khắc phục những sơ hở trong khâu làm thủ tục đăng ký kết hôn, điều kiện bắt buộc là hai bên nam nữ phải có mặt để ký vào sổ đăng ký kết hôn.

 

Để ngăn chặn và hạn chế hoạt động của các tổ chức, cá nhân môi giới kết hôn trái phép, cần đẩy mạnh việc thành lập các Trung tâm hỗ trợ kết hôn trực thuộc Hội LHPN các tỉnh, thành Hội - địa chỉ tin cậy để chị em có thể gửi gắm tâm tư, nguyện vọng của mình, đồng thời được tư vấn, hướng dẫn những thông tin, kiến thức cần thiết nhằm xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.

 

Trong khi các giải pháp về kinh tế, tư tưởng, văn hoá chưa đem lại hiệu quả và chưa triển khai được cần có giải pháp hành chính và pháp luật một cách mạnh mẽ để bảo vệ phụ nữ, bảo vệ uy tín và danh dự của dân tộc.

 

Biện pháp cuối cùng và không kém phần quan trọng là Chính phủ cần sớm đàm phán ký Hiệp định tương trợ tư pháp với Chính phủ Hàn Quốc trong lĩnh vực hôn nhân gia đình để bảo hộ các quyền, lợi ích chính đáng của các cô dâu Việt Nam tại Hàn Quốc.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Đỗ Hoa - Trung tâm Thông tin

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video