Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng huyện Gia Lâm: điểm sáng trong phòng chống bạo lực gia đình

24/07/2019
Từ khi thành lập đến nay, các địa chỉ tin cậy tại cộng đồng của huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội đã hỗ trợ, giúp đỡ và tư vấn hòa giải thành công 102 trường hợp mâu thuẫn gia đình.

Các mô hình phòng chống bạo lực gia đình (BLGĐ) ở huyện Gia Lâm, Hà Nội được thành lập để triển khai nội dung về xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, phát hiện sớm, ngăn chặn BLGĐ và truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về phòng chống BLGĐ tại gia đình và cộng đồng.

Thôn Cây Đề (thuộc xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm) là điểm sáng về phong trào phòng chống BLGĐ. Nhiều năm nay, thôn Cây Đề đã không có vụ BLGĐ nào nghiêm trọng. Trong năm 2018, tỷ lệ gia đình văn hóa của thôn đạt 96%. 

Bà Nguyễn Thị Cung, Chi hội trưởng Phụ nữ thôn Cây Đề chia sẻ, bí quyết để phong trào phòng chống BLGĐ trên địa bàn đạt hiệu quả cao là do hoạt động tuyên truyền mạnh với nhiều hình thức phong phú như qua hệ thống loa phát thanh thôn đến các nhóm tổ phụ nữ, phát tờ rơi đến từng hộ gia đình... Các tổ chức đoàn thể thôn phối hợp lồng ghép tuyên truyền các nội dung Luật Phòng chống BLGĐ, xây dựng gia đình hạnh phúc, tiến bộ... trong các cuộc họp giao ban.

Cụ thể, Hội Nông dân tổ chức tuyên truyền cho các ông chồng về vai trò của nam giới trong xây dựng tổ ấm gia đình; Hội Phụ nữ tuyên truyền xây dựng gia đình văn minh, hạnh phúc, nuôi con khỏe, dạy con ngoan, kỹ năng ứng xử với chồng trong hôn nhân...; Đoàn Thanh niên tổ chức tuyên truyền đến thế hệ trẻ về kỹ năng xây dựng gia đình trẻ...; các hội viên phụ nữ nòng cốt được “cài cắm” trong các nhóm thể dục thể thao, nhóm phụ nữ giúp nhau làm kinh tế... để nắm bắt tâm tư nguyện vọng của chị em, kịp thời giải quyết vướng mắc và sự việc khi mới khởi phát...; mỗi cán bộ hòa giải là một tấm gương trong xây dựng gia đình văn minh hạnh phúc, nói không với BLGĐ... 

Gần 40 năm làm công tác phụ nữ và công tác hòa giải tại cơ sở, bà Cung đã từng giải quyết nhiều vụ BLGĐ từ những vụ việc mâu thuẫn nhỏ đến lớn. Điều đặc biệt là nhiều vụ đã được tổ hòa giải hàn gắn thành công. Trong nhiều cuộc hòa giải, tổ hòa giải thôn Cây Đề thường phân tích với người vợ về kỹ năng hóa giải mâu thuẫn trong gia đình, yêu cầu người chồng không được bạo lực với vợ. Bởi hành vi đó không chỉ vi phạm pháp luật mà còn đẩy mâu thuẫn lên cao hơn.

“Chúng tôi kiên trì hòa giải, có những cuộc hòa giải phải đến nhà hai vợ chồng 5-7 lần, có khi 11 giờ đêm, chúng tôi phải cắt cử nhau đến xem xét phòng khi hai vợ chồng họ xung đột giữa đêm” - bà Cung nói.

Cụ thể như: Vợ chồng chị A và anh T kết hôn 5 năm và có hai con. Từ khi anh T bị tai nạn lao động, không đi làm được nên tâm lý bất ổn. Chị A không thấu hiểu và chia sẻ nên có những lời lẽ không hay với chồng. Xung đột vợ chồng lên đến đỉnh điểm, anh T đã đánh vợ, khiến chị A bỏ về ngoại ở. Tổ hòa giải đã can thiệp, làm việc với từng người, khéo léo nhờ mẹ chồng anh T và mẹ đẻ chị A cùng vào cuộc hòa giải mâu thuẫn của các con. Anh T đã hiểu ra sai lầm của mình nên đã xin lỗi và đón vợ về. Chị A cũng không còn nặng lời với chồng. Từ đó đến nay, đã gần 10 năm, cuộc sống vợ chồng chị A hòa thuận, hai vợ chồng cùng tham gia thể thao và các hoạt động do thôn tổ chức.

Huyện Gia Lâm được đánh giá cao về phong trào phòng chống BLGĐ không chỉ làm tốt ở công tác tuyên truyền phòng ngừa mà còn có nhiều mô hình hay, có hiệu quả. Cụ thể như: xã Lệ Chi phối hợp với các câu lạc bộ thơ sáng tác các bài tuyên truyền phòng chống BLGĐ bằng... thơ, vè phát đến tay từng hộ dân; xã Kim Sơn xây dựng CLB “Phụ nữ lên tiếng uống có trách nhiệm”; xã Đặng Xá với mô hình “Gia đình nói không với BLGĐ”; xã Kiêu Kỵ và thị trấn Yên Viên mời nam giới tham gia tuyên truyền pháp luật liên quan tới phòng chống BLGĐ...

Các tổ hòa giải làm việc hiệu quả, được đào tạo kỹ năng tham vấn, tư vấn. Hiện nay trên địa bàn huyện có 191 tổ hòa giải với 1.241 hòa giải viên trong đó nữ chiếm 34,8%. Số lượng vụ việc hòa giải thành công đạt 84%.

Theo chị Vũ Lan Anh, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Gia Lâm, “các mô hình CLB sinh hoạt có sự đổi mới, tăng cường trao đổi, tọa đàm, sinh hoạt qua hình thức sân khấu hóa. Sắp tới, chúng tôi sẽ chỉ đạo xây dựng điểm mô hình câu lạc bộ “nam giới đi đầu trong phòng chống bạo lực gia đình” tại xã Yên Viên”…

Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện Gia Lâm cũng đẩy mạnh xây dựng các địa chỉ tin cậy tại địa phương. Cả huyện có 187 địa chỉ tin cậy tại 22/22 xã, thị trấn do UBND xã, thị trấn ra quyết định thành lập. Các địa chỉ này được tập trung đặt tại nhà của cán bộ, hội viên phụ nữ nòng cốt, bí thư chi bộ, trưởng thôn, tổ trưởng dân phố, chi hội trưởng các tổ chức đoàn thể.

Danh sách, số điện thoại liên hệ của các địa chỉ tin cậy tại cộng đồng được công khai niêm yết tại nhà văn hoá các thôn, tổ dân phố, được thông báo rộng rãi trên hệ thống phát thanh cơ sở đều đặn 2 lần/tuần, đồng thời tổ chức tuyên truyền pháp luật; quan tâm công tác tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ hoạt động cho các địa chỉ tin cậy…

Do đó, từ khi thành lập đến nay, các địa chỉ tin cậy tại cộng đồng của huyện Gia Lâm đã hỗ trợ, giúp đỡ và tư vấn hòa giải thành công 102 trường hợp mâu thuẫn gia đình.

PNTĐ

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video