Điện Biên: Phát huy vai trò của phụ nữ trong xu thế hội nhập

12/03/2015
Tỉnh Điện Biên đã có nhiều chủ trương, chính sách, cụ thể như Nghị quyết 11 – NQ/TƯ về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

Xu thế toàn cầu hóa và yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đặt ra cơ hội cùng những thách thức mới đối với phụ nữ. Để phát huy vai trò của phụ nữ trong xu thế hội nhập, tỉnh Điện Biên đã có nhiều chủ trương, chính sách, cụ thể như Nghị quyết 11 – NQ/TƯ về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong đó, với vai trò là nòng cốt trong công tác phụ nữ, Hội LHPN các cấp thực hiện đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để động viên phụ nữ nỗ lực phấn đấu, trưởng thành đáp ứng nhu cầu phát triển của tỉnh, của đất nước trong tình hình mới.

Trước hết, các cấp Hội Phụ nữ tập trung chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm là nâng cao kiến thức, năng lực, trình độ nhận thức mọi mặt và phát huy giá trị đạo đức của phụ nữ Việt Nam. Để nâng cao nhận thức, năng lực, trình độ mọi mặt cho phụ nữ, góp phần thúc đẩy tiến bộ xã hội, bảo đảm môi trường phát triển bền vững, những năm qua, công tác tuyên truyền, giáo dục thường xuyên được các cấp hội xác định là nhiệm vụ quan trọng để vận động các tầng lớp phụ nữ hăng hái thi đua lao động, sản xuất, học tập, cống hiến sức lực và trí tuệ của mình vì sự phát triển chung của tỉnh, của đất nước. Những năm qua, Hội Phụ nữ các cấp tập trung tuyên truyền các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên phụ nữ các dân tộc. Cùng với đó là vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ phát huy truyền thống cách mạng, phẩm chất phụ nữ Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phấn đấu xây dựng người phụ nữ Điện Biên “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”. Để cung cấp kiến thức cơ bản cho hội viên, phụ nữ, các cấp Hội đã duy trì 24 tủ sách và 130 ngăn sách do Hội Phụ nữ quản lý. Phong trào đọc sách được cán bộ, hội viên ở nhiều cơ sở hội hưởng ứng góp phần cung cấp những kiến thức, kỹ năng cơ bản cho phụ nữ, nhất là ở khu vực nông thôn. Nội dung tuyên truyền, giáo dục được các cấp Hội tập trung vào những vấn đề liên quan mật thiết đến phụ nữ như: giáo dục truyền thống và phẩm chất đạo đức cho phụ nữ; giáo dục ý thức chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; những kiến thức về giới, về chăm sóc sức khỏe, nuôi dạy con, xây dựng gia đình hạnh phúc... Cùng với tập trung nâng cao kiến thức, năng lực, trình độ nhận thức cho hội viên, phụ nữ; công tác xây dựng và phát triển tổ chức Hội vững mạnh cũng được chú trọng thực hiện bằng việc mở rộng các hình thức tập hợp hội viên, nâng số hội viên phụ nữ toàn tỉnh năm 2014 lên 86.669 người. Đồng thời, phong trào học tập được triển khai sâu rộng trong các tầng lớp phụ nữ, giúp chị em nâng cao trình độ học vấn, kiến thức xã hội, phấn đấu đạt tiêu chí người phụ nữ mới "có sức khỏe, tri thức, kỹ năng nghề nghiệp, năng động, sáng tạo, có lối sống văn hóa, có lòng nhân hậu". Hội LHPN tỉnh phối hợp với Sở Giáo dục – Đào tạo thực hiện chuyên đề giáo dục mầm non, đẩy mạnh công tác chống mù chữ, củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và phát triển trung tâm học tập cộng đồng nhằm xóa mù chữ, nâng cao kiến thức cho hội viên, phụ nữ ở nông thôn. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ Hội cơ quan chuyên trách cũng được chú trọng thực hiện nhằm nâng cao năng lực tập hợp, vận động hội viên, phụ nữ của cán bộ Hội. Qua đó, góp phần xây dựng nguồn nhân lực nữ đáp ứng yêu cầu thời kỳ mới, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ; từng bước cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của đông đảo chị em, nhất là phụ nữ ở nông thôn, vùng đặc biệt khó khăn.

Hội LHPN tỉnh quan tâm thực hiện công tác hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững. Thông qua việc phát động các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động để phát huy phẩm chất tốt đẹp, khả năng sáng tạo, nâng cao vai trò phụ nữ trong việc góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Điển hình là các phong trào: "Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế gia đình", “Phụ nữ làm kinh tế giỏi”, "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, nuôi dạy con tốt, xây dựng gia đình hạnh phúc"... Thực hiện công tác này, các cấp Hội Phụ nữ chủ động phối hợp với các ngành, doanh nghiệp, các công ty tuyên truyền tư vấn giới thiệu việc làm và xuất khẩu lao động. Thời gian qua, Hội LHPN tỉnh duy trì hỗ trợ Hợp tác xã Thêu, dệt thổ cẩm dân tộc Thái, xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên phát triển bằng các hình thức: tư vấn quản lý, hỗ trợ xây dựng gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, giao tiếp trong kinh doanh... góp phần phát triển văn hóa, sản phẩm du lịch trên địa bàn. Hội tích cực khai thác, duy trì quản lý tốt các nguồn vốn vay và tích cực tuyên truyền cán bộ, hội viên tham gia các loại hình tiết kiệm để có nguồn vốn giúp phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn phát triển sản xuất... Tham gia phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, phụ nữ phát huy được quyền tham gia trao đổi, bàn bạc và ra quyết định về những vấn đề của cuộc sống, từng bước nâng vị thế của mình trong gia đình và xã hội.

Với vai trò của mình, thông qua việc thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm công tác Hội, nhất là trong công tác hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo; xây dựng gia đình hạnh phúc và phụ nữ tham gia giám sát việc thực hiện và phản biện xã hội về luật pháp, chính sách liên quan đến phụ nữ và bình đẳng giới... đã góp phần tạo bình đẳng thực sự để phụ có cơ hội thể hiện, cống hiến năng lực của mình. Phụ nữ có thêm tri thức, kỹ năng, kinh nghiệm để ổn định cuộc sống sẽ có điều kiện "giữ lửa" cho mái ấm gia đình. Điều này là động lực thúc đẩy sự phát triển chung trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. 

baodienbienphu

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video