Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của tổ chức Hội Phụ nữ

29/10/2008
Toàn tỉnh Tuyên Quang hiện có 96.619 hội viên sinh hoạt ở 2.081 chi hội phụ nữ. Những năm qua, tổ chức Hội Phụ nữ các cấp đã ngày càng nâng cao chất lượng hoạt động, thực hiện tốt vai trò đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho phụ nữ.

Các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, giáo dục, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, tổ nhóm phụ nữ không có chồng và con mắc tệ nạn xã hội, câu lạc bộ phụ nữ không sinh con thứ ba...

 

Trong những năm qua, các cấp hội tập trung tuyên truyền, phổ biến các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho cán bộ, hội viên; vận động chị em tích cực tham gia hưởng ứng cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” gắn với phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”. Thông qua các hoạt động tuyên truyền giáo dục đã nâng cao nhận thức, giáo dục truyền thống, phẩm chất tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam, giáo dục đạo đức, lối sống cho cán bộ, hội viên phụ nữ. Các cấp Hội Phụ nữ xây dựng kế hoạch giám sát việc thực hiện luật pháp, chính sách liên quan trực tiếp đến phụ nữ như Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Hôn nhân và gia đình; kịp thời có biện pháp tích cực bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ khi bị vi phạm. Công tác hoà giải, tư vấn pháp luật, giải quyết đơn thư được tổ chức Hội Phụ nữ quan tâm và thực hiện có hiệu quả. Cán bộ hội các cấp được tập huấn, bồi dưỡng trang bị kiến thức pháp luật, kỹ năng tư vấn, giám sát, phản biện xã hội. Từ năm 2007 đến nay, các cấp hội đã tiếp nhận 31 đơn thư của phụ nữ, trong đó đã phối hợp giải quyết được 28 đơn thư. Các cơ sở hội đã tham gia hoà giải được 56 vụ việc mâu thuẫn trong gia đình và tranh chấp về đất đai.


Vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng là một trong những chương trình trọng tâm của tổ chức hội. Hội Phụ nữ các cấp xây dựng đề án giảm nghèo giai đoạn 2006 - 2010 với những giải pháp cụ thể, trong đó, duy trì phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”, vận động chị em giúp nhau công lao động, cây giống, con giống trị giá hơn 340 triệu đồng; phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội nhận uỷ thác vay vốn cho chị em đầu tư phát triển kinh tế.


Toàn tỉnh thành lập 2.260 nhóm phụ nữ tiết kiệm và vay vốn, tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ, quản lý, tổ chức hoạt động vay vốn. Đến nay, tổng dư nợ từ nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội là 216 tỷ 600 triệu đồng cho hơn 34 nghìn lượt gia đình hội viên vay. Chị em trong nhóm phụ nữ tiết kiệm và vay vốn duy trì hoạt động tiết kiệm hàng tháng, tạo thêm nguồn vốn tại chỗ giúp những hội viên gặp khó khăn, rủi ro đột xuất vay với lãi suất thấp. Số tiền huy động từ tiết kiệm đạt trên 1 tỷ 883 triệu đồng cho 3.640 chị em gặp khó khăn vay.


Để nguồn vốn phát huy hiệu quả, đầu tư đúng mục đích, các cơ sở hội phối hợp với cán bộ khuyến nông tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, phòng chống dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi, tổ chức lớp dạy nghề thổ cẩm, mây giang đan, làm chổi chít, đan cót. Hội LHPN tỉnh đã tổ chức 6 lớp tập huấn khởi sự doanh nghiệp, cung cấp kiến thức về phát triển doanh nghiệp, hướng dẫn xây dựng các mô hình doanh nghiệp nhỏ ở nông thôn.


Công tác xây dựng, củng cố tổ chức hội được xác định là nhiệm vụ then chốt để ngày càng thu hút, tập hợp phụ nữ tham gia. Trong đó, tập trung chỉ đạo củng cố tổ chức hội ở cơ sở, nhất là các chi hội thôn bản ở vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Các cơ sở hội tổ chức khảo sát, nắm thực tế số hộ có phụ nữ từ 18 tuổi trở lên nhưng chưa tham gia vào tổ chức Hội Phụ nữ để tuyên truyền, vận động kết nạp. Tỷ lệ thu hút hội viên hàng năm đều tăng, năm 2006 đạt 77%, đến năm 2008 là 78%.

Trình độ, năng lực của cán bộ hội cơ sở ngày càng tăng lên. Nhiệm kỳ 2006 - 2011, toàn tỉnh có 23 chủ tịch hội phụ nữ cơ sở trình độ cao đẳng, đại học, chiếm 16,4%; 95 đồng chí trình độ trung cấp, chiếm 67,8%; trình độ lý luận chính trị trung cấp chiếm 76,4%, sơ cấp 12,9%. Kết quả phân loại cơ sở hội cuối năm 2007, có 81% xếp loại tốt (tăng gần 18% so với năm 2006), 15,6% xếp loại khá và chỉ còn 3,4% cơ sở hội xếp loại trung bình, không có cơ sở hội phụ nữ xếp loại yếu.

Hoài Yên
Theo Tuyên Quang điện tử

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video