“Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”

14/11/2007
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến công tác cán bộ. Người khẳng định: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”, “Có cán bộ tốt thì việc gì cũng xong” (Hồ Chí Minh toàn tập, T.5, Tr.269).

Tư tưởng về công tác cán bộ được Người thể hiện trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” (năm 1947), tác phẩm “Đạo đức cách mạng” và một số tác phẩm khác. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, người cán bộ tốt phải có những tiêu chuẩn cơ bản sau:

 

Một là, người cán bộ phải có bản lĩnh, lập trường tư tưởng vững vàng, trung thành với tổ quốc và nhân dân, suốt đời phấn đấu vì độc lập, tự do cho tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân.

 

Hai là, người cán bộ phải có lý luận, biết vận dụng một cách nhuần nhuyễn lý luận với thực tiễn (thực tế); kết hợp chặt chẽ giữa lý luận với thực tiễn. Người rút ra kết luận: cán bộ tinh thông lý luận, nắm chắc thời cuộc, biết vận dụng lý luận vào thực tiễn, là những cán bộ trong công tác ít mắc sai lầm. Nếu người cán bộ không có lý luận, chỉ có thực tế, người cán bộ đó sẽ phải mò mẫm suốt đời và rất khó tránh khỏi những sai lầm trong công tác.

 

Ba là, người cán bộ phải có quan điểm nhân dân sâu sắc; phải “làm cho dân mến, khi sắp tới dân mong, khi đi dân tiếc, chớ vác mặt làm quan cách mạng cho dân ghét, dân khinh, dân không ủng hộ” (Hồ Chí Minh toàn tập, T.4,Tr.101).

 

Bốn là, người cán bộ phải có đạo đức cách mạng trong sáng, có khả năng hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đó là phẩm chất và năng lực, đức và tài. Phẩm chất và năng lực thể hiện trước hết ở việc hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Rề rà, đại khái, làm không dứt điểm, không hiệu quả, kém chất lượng, cẩu thả, chụp giật, so đo, đố kỵ, ganh tỵ, suy bì với đồng nghiệp đều là những thứ xa lạ với phẩm chất và năng lực người cán bộ.

 

Năm là, người cán bộ phải biết sử dụng vũ khí tự phê bình và phê bình một cách mạnh dạn, thẳng thắn, khoa học. Người chỉ ra phương pháp tốt nhất trong tự phê bình và phê bình là dùng cách giải thích, thuyết phục, cảm hóa. Dùng mệnh lệnh thường dẫn đến căng thẳng trong quan hệ công tác và sinh hoạt.

 

Sáu là, nâng cao tầm văn hóa của người cán bộ. Người nói: “Cán bộ phải có văn hóa làm gốc” (Hồ Chí Minh toàn tập, T.8, Tr.224). Người cán bộ có tầm văn hóa bao giờ cũng sống đàng hoàng, chững chạc, đối xử tốt với mọi người, không bao giờ sa đà và ngã vào vũng lầy của tiêu cực. Đứng trước một vấn đề gì bao giờ người đó cũng bình tĩnh xem xét, phân tích sâu sắc sự vật và hiện tượng, rồi mới đi đến kết luận và tìm ra những giải pháp hợp lý. Đó là người cán bộ có tầm văn hóa cao.

 

Bảy là, biết dùng người đúng đắn. Làm cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý, một trong những tiêu chuẩn quan trọng nhất là phải biết dùng người. Người nói: “Dùng người cũng như dùng gỗ. Người thợ khéo thì gỗ to, nhỏ, thẳng, cong đều tuỳ chỗ mà dùng được” (Hồ Chí Minh toàn tập, T.5, Tr.72).

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến việc đánh giá, lựa chọn, sử dụng, chăm sóc đội ngũ cán bộ. Muốn vậy: “Phải biết rõ cán bộ”, “phải cất nhắc cán bộ cho đúng”, “phải khéo dùng cán bộ”, “phải giúp cán bộ cho đúng”, “phải giữ gìn cán bộ”. Muốn lựa chọn cán bộ đúng cần phải căn cứ vào: “Những người tỏ ra rất trung thành và hăng hái trong công việc, trong đấu tranh. Những người liên lạc mật thiết với dân chúng, hiểu biết dân chúng. Luôn luôn chú ý đến lợi ích của dân chúng. Những người có thể phụ trách giải quyết các vấn đề trong những hoàn cảnh khó khăn. Những người luôn giữ đúng kỹ luật,…Đó là những khuôn khổ để lựa chọn cán bộ”.

 

Để bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ cán bộ có đủ năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổng kết những cách làm việc với đội ngũ cán bộ như sau:

- Chỉ đạo những phương hướng, đường lối công tác cho cán bộ, để họ phát huy năng lực và tinh thần sáng tạo trong những công việc cụ thể.

- Nâng cao trình độ cho cán bộ bằng cách tạo điều kiện để họ học thêm lý luận và chuyên môn.

- Thường xuyên kiểm tra rút kinh nghiệm, sửa chữa những khuyết điểm, phát huy ưu điểm trong quá trình công tác.

- Khi họ sai lầm thì dùng cách thuyết phục, cải tạo, giúp họ sửa chữa.

- Giúp đỡ họ bảo đảm những điều kiện sinh hoạt, chăm sóc họ khi đau ốm. Tùy điều kiện có thể giúp họ giải quyết những vấn đề gia đình.

 

Được Đảng, nhà nước, các cấp, các ngành quan tâm chăm sóc và giúp đỡ, cùng với sự nỗ lực của bản thân cán bộ Hội, đội ngũ cán bộ Hội LHPN tỉnh Sóc Trăng có bước ổn định và ngày càng trưởng thành. Sau Đại hội Phụ nữ các cấp tỉnh Sóc Trăng nhiệm kỳ 2006 - 2011, toàn tỉnh có 1.555 ủy viên BCH Hội LHPN các cấp (tỉnh, huyện, xã). Trong đó, 14,08% có trình độ chuyên môn từ sơ cấp đến trên đại học (sơ cấp: 1,48%, trung cấp: 6,69%, cao đẳng: 2,25%, đại học và trên đại học: 3,67%); 23,54% cán bộ có trình độ lý luận chính trị từ sơ cấp đến đại học (sơ cấp: 11,25%, trung cấp: 10,03%, cao cấp: 1,61%, đại học: 0,64%). Hầu hết cán bộ Hội phụ nữ các cấp đều có bản lĩnh, lập trường tư tưởng vững vàng, trung thành với tổ quốc và nhân dân, có quan điểm nhân dân sâu sắc và đạo đức cách mạng trong sáng, gắn bó với hội viên và quần chúng phụ nữ, có kinh nghiệm thực tiễn phong phú (thực tế),...

 

Thành tích của Hội, kết quả của phong trào phụ nữ trong thời gian qua gắn liền với vai trò to lớn của đội ngũ cán bộ Hội. Cán bộ là khâu then chốt trong toàn bộ hoạt động của Hội. Chính cán bộ Hội là nhân tố quyết định đến chất lượng và hiệu quả hoạt động của tổ chức Hội, là người tổ chức, khơi dậy và hướng dẫn phong trào phụ nữ.

 

Theo quan điểm của Bác, người cán bộ phải có lý luận, biết vận dụng một cách nhuần nhuyễn lý luận với thực tiễn (thực tế); kết hợp chặt chẽ giữa lý luận với thực tiễn. Lý luận, trước hết là trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ Hội. Với thực trạng tình hình cán bộ Hội Phụ nữ hiện nay, còn 85,92% cán bộ Hội chưa có trình độ chuyên môn nghiệp vụ và 76,46 % chưa có trình độ lý luận chính trị. Điều này nói lên rằng: cán bộ Hội Phụ nữ Sóc Trăng còn hạn chế về trình độ lý luận. Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Nếu người cán bộ không có lý luận, chỉ có thực tế, người cán bộ đó sẽ phải mò mẫm suốt đời và rất khó tránh khỏi những sai lầm trong công tác".

 

Để khắc phục tình trạng trên, đồng thời để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, Hội LHPN tỉnh Sóc Trăng đã phối hợp với Trường Chính trị và Trường Cán bộ Phụ nữ Trung ương tổ chức một lớp trung cấp chính trị và phụ nữ cho 120 cán bộ Hội phụ nữ các cấp (2007 - 2008). Đồng thời, tham mưu cho cấp ủy Đảng quy hoạch đào tạo cán bộ Hội, nhất là cấp cơ sở; đưa cán bộ Hội thuộc diện quy hoạch đi đào tạo chính trị, chuyên môn nghiệp vụ theo tiêu chuẩn chức danh cán bộ công chức.

 

Nhằm bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ cán bộ Hội Phụ nữ có đủ trình độ, năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới, theo tư tưởng Hồ Chí Minh rất cần được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng trong công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hội Phụ nữ các cấp.

 

Kế thừa, vận dụng sáng tạo và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ, hy vọng trong thời gian tới, ngày càng có nhiều cán bộ nữ nói chung, cán bộ Hội Phụ nữ nói riêng có trình độ lý luận, biết vận dụng một cách nhuần nhuyễn lý luận với thực tiễn (thực tế ), đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, đưa phong trào phụ nữ và công tác Hội ngày càng phát triển.
Như Quân - Sóc Trăng

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video