“Làm cách mạng tới khi đất nước không còn kẻ xâm lược”

19/10/2018
Đó là tinh thần đấu tranh bất khuất trực diện với bọn quan lại làm tay sai cho đế quốc Pháp và quan Toàn quyền người Pháp Patxkiê của cụ bà lão thành cách mạng 105 tuổi Phạm Thị Trinh khi ở tuổi 17 tuổi.

Sau những tháng đi gây cơ sở ở các làng, các xã, đi nói chuyện công khai ở bãi bể, bến sông, các làng xã, các chợ… hôm Phạm Thị Trinh về huyện Sơn Tịnh, các đồng chí bố trí Trinh cầm cờ chỉ huy cuộc biểu tình lớn. Nghĩ đến kinh nghiệm những lần diễn thuyết trước đây kết quả tốt được khen nên cô thấy yên tâm. Đoàn biểu tình đi dọc đường ôtô, thanh niên, phụ nữ các làng hai bên đường nhập vào rất đông và hô to các khẩu hiệu “Đả đảo đế quốc Pháp!”, “Đả đảo quan lại làm tay sai cho Pháp”, “Đả đảo khủng bố, bắn giết đồng bào trong cuộc biểu tình lần trước của Sơn Tịnh”. Tên tri huyện Bính sợ quá phải mặc áo dài, đội khăn đen ra tiếp cô Trinh. Phạm Thị Trinh dõng dạc lên án việc khủng bố bắn giết đồng bào. Trước khí thế đấu tranh sôi sục của đoàn biểu tình, huyện Bính hốt hoảng phải đứng ra xin lỗi đồng bào và nhận bản yêu sách của người chỉ huy đưa và hứa sẽ “đệ trình” lên tỉnh để giải quyết. Tiếng hô khẩu hiệu lại vang lên. Cuộc biểu tình đã thắng lợi về chính trị.

Trong năm 1930, phong trào của tỉnh Quảng Ngãi phát triển mạnh. Huyện nào cũng tổ chức mít tinh, biểu tình. Từ năm 1931, đế quốc Pháp đã tung nhiều bọn ác ôn, mật thám, chỉ điểm vào Quảng Ngãi để bắt cán bộ, phá phong trào. Cán bộ cách mạng phải rút vào bí mật. Phạm Thị Trinh cùng ba đồng chí phải rút vào rừng. Một đêm, Trinh và 3 đồng chí bị giặc bắt giải về huyện. Sau 10 ngày không khai thác được gì, chúng đưa cả bốn người lên tỉnh giam vào xà lim, hết dỗ dành đến tra tấn nhưng Trinh đều không khuất phục. Cuối cùng, chúng đành trả Trinh về cho tuần phủ Trác giam giữ.

Tháng 7/1932 có đoàn đại biểu Bộ thuộc địa Pháp sang kiểm tra tình hình chính trị ở Đông Dương. Tên lính đề lao mở cửa phòng cấm cố chị em, đưa Trần Thị Hiệp - người phụ nữ Tỉnh ủy Đảng bộ Quảng Ngãi đầu tiên, và Phạm Thị Trinh lên xe ô tô. Đích thân tên Lyvécxê, Chánh mật thái lái xe. Trinh và Hiệp không biết bị giặc đưa đi đâu. Nghi có chuyện chẳng lành, Trinh bình tĩnh quay lại dặn dò các nữ tù: “Nếu chị em tôi bị giết, nhờ các anh, các chị báo tin và an ủi gia đình”. Cuối cùng chúng đưa các chị tới gặp quan Toàn quyền. 

Tên toàn quyền hỏi chị Hiệp trước, sau đó tới Trinh.

- Vì sao chị còn nhỏ mà đã theo cộng sản?

- Tôi là người dân mất nước, không muốn ai cai trị nước tôi. Tôi không muốn làm người dân nô lệ nên theo cộng sản.

- Chị có phải là Đảng viên cộng sản không? Mục đích của chủ nghĩa cộng sản như thế nào?

Mặc dù đã được kết nạp Đảng năm 16 tuổi, nhưng Trinh vẫn bình tĩnh trả lời:

- Tôi không là Đảng viên. Mục đích của chủ nghĩa cộng sản là làm cho xã hội không còn giai cấp, không còn người bóc lột người, ai cũng bình đẳng như nhau, nước này không xâm chiếm nước kia, dân tộc này bình đẳng với dân tộc khác.

- Mục đích của cộng sản như thế thì bao giờ thành công?

- Để đạt được mục đích của chủ nghĩa cộng sản phải có thời gian lâu dài, chúng tôi tin rằng việc làm của chúng tôi sẽ thành công.

- Cách mạng thành công thì cộng sản đối với người Pháp ở đây như thế nào?

- Bất cứ người nước nào, dân tộc nào cùng chung một mục đích với chúng tôi, ủng hộ chúng tôi thì họ là bạn. Ai chống lại chúng tôi thì họ là kẻ thù. Những người xâm chiếm nước chúng tôi, chúng tôi trục xuất ra khỏi đất nước.

- Thế thì chị làm cách mạng đến bao giờ?

- Đến khi nào đất nước chúng tôi không còn kẻ xâm lược.

Biết không thể dùng áp lực “bảo hộ” để trấn áp tư tưởng của người nữ tù cộng sản trẻ tuổi, toàn quyền Paxtkiê lại giơ tay ra hiệu cho tên lính đưa Phạm Thị Trinh về nhà lao.

Sau cuộc nói chuyện này, báo Tiếng dân của ta đăng tin “Toàn quyền Paxtkiê gặp hai cô thiếu nữ Phạm Thị Trinh và Trần Thị Hiệp”. Về sau ở ta mới rõ báo L’hecmaníte Nhân đạo của Pháp đã có bài viết tỉ mỉ cuộc gặp giữa toàn quyền Paxtkiê và hai thiếu nữ tù cộng sản và chuyến điều tra tình hình chính trị ở thuộc địa và cuộc gặp gỡ một số tù chính trị. Họ đánh giá cao phong trào cộng sản ở Đông Dương, nhất là ở Việt Nam. Sau đó ở Pháp có cuộc biểu tình lớn kéo đến Quốc hội Pháp đòi trả độc lập cho nhân dân Việt Nam.

Sau này cụ Phạm Thị Trinh đã đảm đương các cương vị:  Tỉnh ủy viên Quảng Ngãi; Hội trưởng PN tỉnh Quảng Ngãi; Hội trưởng PN liên khu V; Trưởng ban tổ chức TƯ Hội LHPN Việt Nam; Ủy viên Đảng đoàn thường trực T.Ư Hội; Đại biểu Quốc hội khóa II và III. Cụ đã được nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất; Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng.

Cụ cũng là phu nhân của Anh hùng LLVTND Nguyễn Chánh, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội NDVN.

Nhà văn Lý Thị Trung (baophunuthudo. vn)

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video