Nữ anh hùng kháng chiến, nhà báo cộng sản Pháp Madeleine Riffaud qua đời tại Paris

21/11/2024
Ngày 6/11/2024, bà Madeleine Riffaud, nữ anh hùng kháng chiến, nhà báo cộng sản Pháp và cũng là một người bạn vô cùng thân thiết, hết lòng đấu tranh vì hòa bình cho Việt Nam, đã qua đời tại Paris ở tuổi 100.
Bà Madeleine Riffaud (nguồn ảnh Báo Nhân dân điện tử)

Nữ chiến sĩ cách mạng Pháp Madeleine Riffaud sống mãi trong trái tim những người Pháp yêu chuộng hòa bình và những người Việt Nam yêu nước

Madeleine Riffaud, sinh ngày 23/8/1924 tại làng Arvillers thuộc tỉnh Somme ở phía bắc nước Pháp, là một chiến sĩ kháng chiến, nhà thơ và nhà báo người Pháp.

Khi là phóng viên chiến trường của báo Nhân đạo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Pháp, bà trực tiếp có mặt trong cuộc chiến tranh ở Algieria và sau đó là theo dõi, viết bài về cuộc chiến tranh do đế quốc Mỹ tiến hành ở Việt Nam.

Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, năm 1955, lần đầu tiên Madeleine Riffaud đến Việt Nam để làm phóng sự về Việt Nam. Madeleine Riffaud vinh dự được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 19/9/1966 tại Hà Nội. Bà luôn tự hào khi lần đầu tiên được gặp Người trong dịp thăm Pháp với tư cách là Thượng khách của Chính phủ Pháp và được Người yêu quý gọi là “con gái”.

Là nữ phóng viên nước ngoài đầu tiên được đi theo cuộc chiến đấu của các chiến sĩ quân giải phóng trong các bưng biền “Việt Cộng”, trở về Pháp, Madeleine Riffaud đã cho ra đời tác phẩm Trong chiến khu “Việt Cộng” và được Tổ chức Quốc tế các Nhà báo (OIJ) tặng giải thưởng năm 1966.

Năm 1966, khi giặc Mỹ ngày càng leo thang và mở rộng chiến tranh ra miền bắc, dùng máy bay đánh phá Hà Nội, Hải Phòng và nhiều thành phố khác, Madeleine Riffaud đến miền bắc Việt Nam để quay phim, đưa tin về cuộc chiến đấu anh dũng của nhân dân Việt Nam.

Năm 1972, là phóng viên nước ngoài duy nhất có mặt ở những nơi máy bay B52 của Mỹ trút bom xuống hủy diệt nhà ga, bệnh viện, trường học... ở Hà Nội và Hải Phòng, Madeleine Riffaud đã quay được những thước phim quý giá, là bằng chứng đanh thép tố cáo cuộc chiến tranh phi nghĩa của Mỹ tại Việt Nam. Hoạt động quả cảm của bà đã giúp Việt Nam tranh thủ được thêm sự ủng hộ của dư luận thế giới cũng như có thêm ưu thế trên bàn đàm phán về Hiệp định Paris.

Bà từng nói: “Việt Nam là quê hương thứ hai của tôi. Tôi chiến đấu đến hơi thở cuối cùng vì Việt Nam”.

Những phóng sự, những bài báo được bà viết dưới bom đạn hay những cuốn sách được phát hành sau này, chia sẻ về cuộc sống và những hy sinh, đau thương mà các chiến sĩ và nhân dân Việt Nam đã phải trải qua, là những tư liệu quý báu để nhân dân thế giới hiểu thêm về thời kỳ chiến tranh tại Việt Nam.

Tình cảm đặc biệt mà Madeleine Riffaud dành cho đất nước và Nhân dân Việt Nam từ cuộc kháng chiến thống nhất đất nước cho tới nay luôn là nguồn cổ vũ và khích lệ tinh thần lớn lao.

Ghi nhận những đóng góp lớn lao của bà đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam đã trao tặng Madeleine Riffaud Huân chương Kháng chiến hạng Nhất đúng vào dịp kỷ niệm ngày giải phóng miền nam, 30/4/1984 và Huân chương Hữu nghị vào ngày 24/8/2005.

 

Cuộc gặp gỡ cuối cùng của nữ tướng Nguyễn Thị Định với nữ nhà báo Madeleine Riffaud

Xúc động trước sự ra đi của Madeleine Riffaud, bà Nguyễn Hạc Đạm Thư, nguyên Phó ban Quốc tế  TW Hội LHPN Việt Nam đã hồi tưởng lại một câu chuyện về cuộc gặp gỡ cuối cùng của nhà báo Madeleine Riffaud với nữ tướng Nguyễn Thị Định vào năm 1987 như sau:

Một buổi chiều thu năm 1987, nhà báo Madeleine Riffaud đã có cuộc gặp gỡ thân mật và bất ngờ với nữ tướng Nguyễn Thị Định, khi đó đang là Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam. Bà Madeleine Riffaud hồ hởi nhắc lại 20 năm trước đó, bà đã từng được gặp nữ tướng Nguyễn Thị Định; đồng thời bày tỏ ấn tượng sâu sắc với Đội quân tóc dài độc đáo với chiến thuật đấu tranh chính trị, binh vận hiệp đồng, tay không có vũ khí mà các mẹ và các chị đã khiến kẻ địch phải chùn tay, bớt hung hăng và Hội mẹ chiến sĩ cũng là sáng kiến giúp bao chiến sĩ trẻ được các mẹ thương yêu chăm sóc.

Trong cuộc gặp gỡ này, Cô Ba Định đã hỏi Madeleine Riffaud: Nhân khánh thành Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, tôi thấy thiếu kỷ vật của bạn trong chuyến thăm Việt Nam vào năm 1968. Nếu bạn còn giữ bộ bà ba đen với mũ tai bèo với khăn rằn năm 1968 thì gửi cho chúng tôi để Bảo tàng Phụ nữ lưu giữ kỷ vật của bạn.

Bà Madeleine Riffaud trả lời: Là phóng viên chiến trường đi nhiều nơi, mình làm sao giữ lại được. À, may ra còn tấm khăn choàng bằng dù chiến lợi phẩm màu xanh các bạn đã tặng hồi đó.

Cô Ba Định: Thế thì bạn gửi ngay nếu tìm lại được. Quý lắm đấy.

Cũng trong dịp gặp gỡ này, bà Madeleine Riffaud đã trân trọng tặng Cô Ba Định một cuốn sách sưu tầm những chuyện kể của các phụ nữ Pháp đã tham gia kháng chiến chống Phát xít Hit-le trong Chiến tranh thế giới lần thứ 2.

Cuốn sách được Cô Ba Định đánh giá là tặng phẩm quý giá thể hiện tình cảm hữu nghị giữa phụ nữ Pháp và Việt Nam, được lưu giữ ở Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.

Theo hồi ức của bà Nguyễn Hạc Đạm Thư

 

Nguồn thông tin tổng hợp từ: https://nhandan.vn/; bà Nguyễn Hạc Đạm Thư, Nguyên Phó ban Quốc tế TW Hội LHPN Việt Nam

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video