"Gian khổ nào lay nổi má đào!"

07/09/2018
Cụ bà lão thành cách mạng Phạm Thị Trinh là một cán bộ ưu tú của Đảng. Cụ là một cán bộ lão thành cách mạng kiên trung, là vợ của Trung Tướng QĐND Việt Nam Nguyễn Chánh

Cụ bà lão thành cách mạng Phạm Thị Trinh (được kết nạp Đảng năm 1930 lúc mới 16 tuổi) là một cán bộ ưu tú của Đảng. Cụ nay đã 105 tuổi, 88 tuổi Đảng, đang sống tại số nhà 16 ngõ 315 phường Khương Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Cụ là một cán bộ lão thành cách mạng kiên trung, là vợ của Trung Tướng QĐND Việt Nam Nguyễn Chánh. Cụ từng là Đại biểu Quốc Hội khóa II và III.

Cụ Trinh người Quảng Ngãi, sinh năm 1914 trong một gia đình yêu nước, cha mẹ tham gia phong trào Văn Thân, các anh trai đều thuộc lớp cách mạng lão thành (ông Phạm Ngọc Trân (Sáu Trân), Trưởng ty công an đầu tiên của Quảng Ngãi năm 1945; Trung tướng Phạm Kiệt, Thứ trưởng Bộ Công an, Tư lệnh kiêm Chính ủy Công an nhân dân vũ trang...).

Từ bé, cô Trinh đã tham gia canh gác, rồi hoạt động cùng các anh. Hai lần bị địch bắt (năm 1931, 1941) bị tra tấn, dụ dỗ, hăm dọa, nhưng cô Trinh đã giữ khí tiết kiên trung. Cô và các đồng chí bị địch bắt đã biến nhà tù thành trường học: Học chữ, học lý luận cách mạng, noi gương đấu tranh của các bậc đàn anh. Trong hoạt động cách mạng nhiều chông gai, cô Trinh còn là một nữ thi sỹ với những vần thơ tài hoa, nâng cao ý chí chiến đấu vì độc lập, tự do dân tộc:

 

Ý chí

Chiến đấu càng căng, chí càng cao

Lòng trong như ngọc, sáng như sao

Trăm năm giữ trọng niềm son sắt

Gian khổ nào lay nổi má đào!

(Năm 1930)

 

Trong lao cấm cố

Tháng ngày quanh quẩn chốn nhà lao

Xiềng xích, cùm lim xích má đào

Ngang dọc chỉ trong vòng cửa sắt

Nhảy bay khó vượt lớp tường cao

 

Kìa bay nghiêm cấm bao điều nghiệt

Mà sức hô hào chẳng lãng xao

Chết bỏ, sống về tranh đấu mãi

Gian nan chi núng phận tơ đào

(Năm 1931 bị tù, cuối năm 1935 mới ra tù)

 

Năm 1940, Phạm Thị Trinh bị sốt rét quật ngã: đôi chân bị bại, đôi mắt bị mờ không nhìn thấy gì. Mẹ đẻ và chị dâu Sáu Trân phải đón Trinh và 2 con từ nhà ông nội (vì chồng là đồng chí Nguyễn Chánh đang bị tù ở nhà lao Buôn Mê Thuột) về chăm sóc. Được tin giặc đã tuyên án tù khổ sai anh Chánh, Trinh không lo ngày tù dài dằng dặc mà mừng vì chồng mình đã bảo vệ được cơ sở, lòng trung với Đảng, tình đồng chí, tình vợ chồng được giữ trọn trong bước đường thử thách. Chị dâu phải dắt Trinh đi bộ mãi gần 12 giờ trưa mới lên tới tỉnh thì xe cam nhông của địch chở anh Nguyễn Chánh đi đày đã nổ máy. Chị Sáu Trân kêu lên: “Chú Chánh ngồi đằng sau hai tay hai chân đều bị xích, cô không nhìn thấy à?”. Xe đã chạy, chỉ còn nghe tiếng anh vọng lại: “Anh đi đây, mình ở nhà chữa bệnh và nuôi các con!”. Trinh muốn nhìn thấy anh lần cuối trong giờ ly biệt nhưng không nhìn rõ, chỉ thấy khói phụt ra từ xe và nghe câu nói của anh dội lại từng hồi không dứt…

 

Tiễn chồng đi đày

Tiếng còi như xé nát tâm can

Giọt lệ không ngăn nổi, ứa trào

Làn khói nỡ đưa người cách biệt

Vòm cây đành choán kẻ yêu đang (đương)

Xót đau này khó dằn cơn giận

Chia rẽ không ngăn nổi tấm lòng

Tiếng gọi trên xe còn vọng mãi

Dễ gì thù ấy lại mau tan!

 

Năm 1941 Phạm Thị Trinh bị giam ở nhà lao Quảng Ngãi, cô làm bài thơ gửi cho chồng là Nguyễn Chánh bị giam ở nhà lao Buôn Mê Thuột.

Em cũng như anh

Em cũng như anh, cùng cảnh tù

Chúng ta đâu phải vụng đường tu?

Tuy rằng cay đắng nhiều hơn nữa

Ta vẫn cùng chung mối hận thù.

 

Từ đây giam hãm mấy phương trời

Cảnh ngộ chung mà đứa một nơi

Vì phận chim lồng không cất cánh

Nỗi lòng ai có thấy chẳng ai!

 

Ta nuốt đau thương nửa cuộc đời

Nhưng lòng ta vẫn cứ vui tươi

Vui mà sống với ngày mai đẹp

Ta cứ chờ nhau phút tái hồi.

 

Sống vẫn mang theo mối hận này

Phá tan xiềng xích bấy lâu nay

Trùng phùng âu có ngày đưa lại

Bùi ngọt ta bù lúc đắng cay.

 

Trong thời kỳ Ba Tơ khởi nghĩa, Phạm Thị Trinh lúc ấy là Ủy viên của Ủy ban vận động cứu quốc Quảng Ngãi, phụ trách công tác phụ nữ tỉnh Quảng Ngãi, đã làm bài thơ kêu gọi chị em hưởng ứng phong trào đánh đuổi Pháp - Nhật. Khi Đội du kích Ba Tơ chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa (3/1945), Hội trưởng Hội Phụ nữ cứu quốc tỉnh Phạm Thị Trinh đã trao thanh gươm cho chính trị viên Đội du kích Ba Tơ - Nguyễn Chánh - cũng chính là chồng cụ.

 

Ngọn lửa Ba Tơ

Ngọn lửa Ba Tơ đã cháy bùng

Phất cờ khởi nghĩa giữa mùa xuân

Anh em du kích tay bồng súng

Cách mạng từ đây cướp chính quyền

 

Giặc Pháp đi rồi, Nhật lại sang

Đấu tranh còn lắm trận gian nan

Gươm kia tuốt vỏ đang mài sáng

Ta bảo cùng nhau: “Hãy kết đoàn!”

 

Ta bảo cùng nhau: “Giữ ngọn cờ”

Ngọn cờ ánh sáng giữ Ba Tơ

Tấm gương cứu nước còn soi mãi

Nào chị em mình tiến bước theo

Chị hãy cùng tôi, ta bước đi

Việt Minh cờ đỏ rực ba kỳ

Ta đi theo tiếng đoàn quân gọi

Đuổi Pháp về Tây, đuổi Nhật về.

 

Cách mạng Tháng Tám ở Quảng Ngãi thành công ngày 30/8/1945, cụ Trinh là phụ nữ duy nhất có mặt trên Chủ tịch đoàn cuộc mít tinh của tỉnh mừng cách mạng thành công và ra mắt UBND cách mạng tỉnh Quảng Ngãi. 

Trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp, cụ Phạm Thị Trinh là Hội trưởng Hội Phụ nữ tỉnh Quảng Ngãi, Hội trưởng Hội Phụ nữ Liên khu 5 (1946 - 1954). Sau này tập kết ra Bắc, cụ đảm nhiệm các chức vụ: UV Đảng Đoàn, Thường trực Phụ vận TW Hội, Trưởng ban Tổ chức cán bộ Hội LHPN Việt Nam; Bí thư Đảng ủy Cơ quan Trung ương Hội. Chồng cụ - Trung Tướng Nguyễn Chánh là UV TW Đảng. Tiếc rằng Tướng Nguyễn Chánh lâm bệnh mất lúc mới 43 tuổi.

Với công lao cống hiến của mình, cụ Phạm Thị Trinh đã vinh dự được Nhà nước tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất.

 

Nhà văn Lý Thị Trung (baophunuthudo. vn)

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video