"Xóm Chài" vùng ven

17/08/2008
"Xóm Chài" ở vùng ven sông Hồng (Hà Nội) đã hình thành được khoảng 20 năm nay. Cư dân sống nơi đây phần lớn là người ngoại tỉnh.

Rời quê lên thành phố, không có tiền mua nhà, họ ghép bè làm thành những chiếc lều nổi ở ven sông. Sống giữa bốn bề sông nước, muốn lên bờ người dân phải lội nước hoặc dùng thuyền nhỏ để di chuyển.

Vợ chồng anh Vũ Văn Học, chị Phạm Thị Thanh là một trong cư dân đầu tiên của "Xóm Chài". Quê ở xã Thọ Vinh, huyện Ân Thi, Hưng Yên, lên Hà Nội không có nghề nghiệp, anh phải đi đánh giày, còn chị đi thu gom giấy vụn bán đồng nát để kiếm sống. Do mải làm ăn không quan tâm đến biện pháp tránh thai nên từ khi ra “Xóm Chài” tới nay, chị Thanh đã sinh 3 đứa con. Anh Học hay đau yếu, từ năm 2004 lại bị bệnh lao phổi. Chị Thanh phải làm ăn tần tảo kiếm tiền nuôi chồng, nuôi con.

Chị Phạm Thị Lĩnh, quê ở xã Quảng Minh, huyện Việt Yên (Bắc Giang) ra “Xóm Chài” năm 2000. Mọi sinh hoạt của gia đình vỏn vẹn trong diện tích khoảng 8m2 trên bè. Hoàn cảnh đơn thân nuôi con, chị Lĩnh một tay chèo chống, làm ăn vất vả mà cuộc sống vẫn túng thiếu. Các con chị đều không có điều kiện ăn học đầy đủ. Có lẽ, chúng không ốm đau bệnh tật là may mắn lắm rồi.

Bãi giữa Sông Hồng cũng là nơi cư trú của những người lao động ngoại tỉnh. Vào mùa nước cạn, họ đến bãi giữa dựng lều ở tạm để trồng ngô, rau, hoa màu. Vợ chồng chị Nguyễn Thị Liên quê xã Bình Minh, huyện Khoái Châu (Hưng Yên) đến bãi giữa sông Hồng. Chị có 2 con: cháu lớn 9 tuổi gửi ông bà nội nuôi ăn học ở quê, cháu bé mới sinh được 3 tháng.

Cuộc sống sinh họạt của những cư dân bãi ở giữa sông Hồng thiếu thốn đủ bề. Bước chân ra khỏi túp lều là mênh mông đất trời sông nước. Không có điện, không có nước máy, không có phương tiện giải trí. Đêm hôm không may ai bị đau ốm muốn đưa đi cấp cứu cũng không có phương tiện qua sông.

Hiện nay, trên địa bàn phường Phúc Xá có gần 2.000 người lao động ngoại tỉnh đến làm ăn sinh sống, tạm trú ở khu vực gần chợ Long Biên, cư trú ở “Xóm Chài” và bãi giữa sông Hồng, gây khó khăn cho địa phương về nhiều mặt. Công an phường Phúc Xá lập hồ sơ quản lý những đối tương lao động ngoại tỉnh và có biện pháp bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

Phường Phúc Xá nằm gần bến tàu xe và có chợ đầu mối Long Biên nên có nhiều người lao động ngoại tỉnh đến làm ăn sinh sống. Phần lớn lao động ngoại tỉnh là người lao động thuần khiết, họ làm ăn chăm chỉ và chấp hành nghiêm túc chính sách pháp luật của Nhà nước.

Với quan điểm coi những người lao động ngoại tỉnh tạm cư trên địa bàn là một bộ phận của cộng đồng dân cư ở địa phương, Chính quyền phường Phúc Xá quan tâm, tạo điều kiện để họ làm ăn sinh sống và tiếp cận với các dịch vụ xã hội.

Theo Pháp luật TPHCM

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video