“Xưởng may gia đình” kết nối hội viên

03/02/2016
Những năm gần đây, đời sống nhiều gia đình ở xóm Mỹ An, thôn Mỹ Tân, xã Bình Chánh (Bình Sơn, quảng Ngãi) đã được cải thiện cơ bản nhờ vào mô hình “xưởng may gia đình” theo sáng kiến của Hội LHPN xã.

Trong thời gian chồng bám biển vươn khơi, chị em tự sắm máy, nhận hàng từ các đầu mối ở TPHCM để may gia công.

Trước đây, kinh tế của hầu hết các gia đình ở xóm nghèo ven biển này gần như hoàn toàn phụ thuộc vào những chuyến đi biển của những người đàn ông trong gia đình. Nếu vào những mùa trời yên biển lặng, tôm cá dồi dào thì thu nhập khấm khá, gia đình đầy đủ được một thời gian. Nhưng những mùa biển động, tàu thuyền phải nằm bờ thì nguồn tài chính dự trữ nhanh chóng cạn kiệt, sự túng thiếu trở lại, đe dọa mọi người. Không chỉ thiếu miếng ăn mà một số trẻ em đã phải sớm nghỉ học để phụ giúp cha mẹ làm kinh tế. Cũng vì nghèo khó mà tình hình xã hội ở địa phương cũng trở nên phức tạp, một số tệ nạn phát sinh, đe dọa sự yên ổn của nhiều gia đình.

Chính vì vậy, một khi thu nhập gia đình đã được bổ sung với một nguồn thu nhập khác khá ổn định thì nhiều vấn đề nan giải có thể được giải quyết một cách cơ bản. “Kinh tế gia đình bây giờ không còn phụ thuộc nhiều vào việc đi biển của chồng nữa. Công việc làm ngay tại nhà nên vừa may vá, vừa có thể chăm sóc con rồi làm các công việc phụ nên mình thấy rất thuận tiện”, chị Nguyễn Thị Út, một thành viên tham gia mô hình này cho biết.

Chị Võ Thị Ánh Ly vốn là một công nhân may từ TPHCM trở về. Chị cho biết, nếu như thu nhập với công việc may gia công tại nhà có phần thấp hơn so với hồi làm ở TPHCM nhưng bù lại, chị không phải tốn các chi phí khác nên vẫn có “của ăn của để”. Hơn nữa, tính chất tương đối “tự do” của công việc tại nhà cũng giúp chị có thời gian nhiều hơn để phụ giúp gia đình, nhất là “đầu tư” cho đời sống tình cảm riêng tư của mình.

Lãnh đạo địa phương cho biết, mô hình xưởng may gia của chị em ở xóm Mỹ An được thực hiện 3 năm trở lại đây đã giải quyết việc làm cho hơn 100 chị em, với hơn 10 xưởng may gia đình được thành lập. Mỗi xưởng đã tạo việc làm cho 10-15 chị và thu nhập của các chị em ổn định từ 3 - 3,5 triệu đồng/người/tháng. Theo ông Nguyễn Hữu Quân, Bí thư chi bộ thôn, “Từ khi chị em thành lập xưởng may gia đình, họ đã tự chủ được nguồn kinh tế của mình. Hơn nữa còn giúp đỡ, tạo công ăn việc làm cho các chị em khác để cùng nhau phát triển kinh tế”.

Còn chị Phạm Thị Văn – chi hội trưởng chi hội phụ nữ xóm – nhận xét: Mô hình xưởng may gia đình tự phát này còn tạo được mối đoàn kết rất lớn giữa các chị em ở địa phương. Đây là mô hình đã nhận được sự khích lệ rất lớn không chỉ của những người chồng, người mẹ mà còn nhận được sự quan tâm của các cấp địa phương. Chúng tôi luôn khích lệ tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong việc phát triển kinh tế và đoàn kết giữa các chị em phụ nữ ở địa phương”.

Theo: Đình Diệu, báo PNVN (KK)

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video