40 năm vẫn nhớ bữa cơm bản vùng biên

24/02/2017
Cuối tháng 9/1978, lúc ấy tôi là cán bộ Hội LHPN tỉnh, được phân công tháp tùng chị Lò Thị Định, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh đi công tác lên xã Nậm Chạc, huyện Bát Xát, tỉnh Hoàng Liên Sơn (nay là tỉnh Lào Cai).

Lần đầu 2 chị em lên xã vùng cao giáp biên giới Trung Quốc, không có cán bộ huyện đi cùng nên vừa đi, vừa hỏi thăm đường. Đến địa phận xã thì trời mưa, sương mù nên đường đất trơn trượt lại rậm rạp, phải vén cỏ lấy lối đi (thời bấy giờ không có đường nhựa, không có xe cộ, hoàn toàn đi bộ). Càng đi, đường dốc càng cao, hoang vắng, không bóng người. Đói, mệt, mồ hôi đầm đìa hai chị em ngồi bẹp giữa đường giở cơm nắm ra ăn lấy sức đi tiếp. Gặp lối mòn rẽ thành hai ngả, lưỡng lự chưa biết theo ngả nào tôi bỗng phát hiện ra ở lưng chừng núi cách tôi khoảng 50 mét bên lối rẽ phải có ngọn cây to đung đưa, nghiêng ngả, trời thì không có gió, các cây xung quanh vẫn đứng yên phăng phắc. Lạnh toát người, tôi nghĩ tới thú dữ hoặc thám báo (vì tình hình biên giới lúc này đang bất ổn, thám báo hay rình rập bắt cóc, bắn, giết cán bộ của ta) càng thêm áp lực trách nhiệm tháp tùng lãnh đạo Tỉnh hội. Lo lắng nếu không tìm được đường vào bản trước khi trời tối thì càng nguy hiểm nên chị em tôi quyết vượt dốc dựng đứng bên lối rẽ trái. Tôi vừa đón, vừa kéo tay chị, mũi miệng tranh nhau thở hổn hển, leo lên đỉnh dốc. Bỗng nghe lao xao vọng lại tiếng chó sủa, gà kêu... Chúng tôi mừng rơn, vội theo lối mòn, hướng về tiếng chó sủa lần xuống, hết khu rừng già thì đến bản nhỏ của người Dáy. Thấy cô giáo quét sân trước lớp, tôi vội chạy đến hỏi thăm. Cô niềm nở mời chúng tôi vào nghỉ chân uống nước.

Cô giáo đưa chị em tôi đến nhà bác Mẩy, Chủ tịch Hội LHPN xã thì trời sẩm tối. Bác đi nương thu hoạch lúa vừa về. Bác hỏi thăm, ân cần dặn dò, bố trí cơm nước, nghỉ ngơi cho chúng tôi luôn ở nhà bác rồi mới bàn vào công việc. Sáng hôm sau, cuộc họp phụ nữ triệu tập, chị em đến đông đủ. Họp xong không kịp ăn cơm, chúng tôi vội chia tay bà con để kịp sang xã khác tiếp tục nhiệm vụ.

Cỏ gianh bên đường cao ngập đầu, chị em tôi đang mải mê vén cỏ bước thì nghe tiếng người rì rầm. Khoảng 10 mét bên kia đồi có tốp đàn ông đang hút thuốc. Không dám nói gì, chúng tôi vén cỏ bước cho thật nhanh; bất ngờ vấp ngay vào xác chết đàn ông, máu me bê bết ở giữa lối đi. Quá hoảng hốt, theo phản xạ tự nhiên, cả 2 chị em nhảy vội sang bên lề đường, suýt rơi xuống vực thẳm rồi chạy thục mạng xuống tận chân núi, tim đập thình thịch...

Trời dần quang mây, xung quanh nương lúa chín vàng, thơm ngọt ngào, xa xa có hai phụ nữ người Mông đang gặt lúa bên cạnh một ngôi nhà nhỏ đơn sơ... Đẹp và bình yên quá. Tôi lại gần dùng tiếng Mông hỏi đường. Các chị vui vẻ chỉ dẫn và mời vào nhà cơm nước, dặn cứ tự nhiên ăn no, có sức mới đi được vì đường còn dài. Cơm gạo nương thơm lừng cùng thịt gà băm ớt xào măng chua, bí luộc giữa lúc đói sao mà ngon đến thế. Gần 40 năm đã qua mà tôi vẫn nhớ như in cảm giác ngon lành lúc đó. Vừa ăn, vừa chuyện trò được biết chủ nhà tên là Sáo, họ Sùng và chồng là Dế, họ Thào. Còn người chết gặp lúc trước là do đi săn, bị lợn rừng cắn, mọi người đang khênh về để làm ma. Tôi rùng mình vỡ lẽ: Thì ra mấy người khiêng đã đặt người đàn ông xấu số giữa đường để dừng nghỉ hút thuốc.

Tạm biệt gia đình chị Sáo, anh Dế; tạm biệt bác Mẩy, cô giáo trẻ cùng chị em, bà con dân bản... Chúng tôi cảm động, mến mộ và biết ơn họ thật nhiều. Cuộc sống còn nghèo túng, khó khăn nhưng tấm lòng người vùng cao mến khách, tâm lý, chân thành luôn rộng mở.

Về đến cơ quan an toàn chúng tôi nhận được tin: Cùng ngày hôm đó tại xã Pha Long anh Nguyễn Đình Ấm, đội trưởng Đội công tác tăng cường cho xã bị thám báo bắt cóc mất tích. Tôi thấy hú vía và nhẹ cả người vì đã hoàn thành nhiệm vụ được giao.

PNVN theo bà Giàng Thị Mỷ - nguyên Trưởng Ban Dân vận, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Lào Cai

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video