5 năm Hội LHPN Việt Nam cùng NHCSXH thực hiện cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách

10/08/2008
Thực hiện Nghị định 78/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, ngày 10/4/2003, NHCSXH Việt Nam và Trung ương Hội LHPN Việt Nam ký Văn bản liên tịch số 213/VBLT “Về tổ chức thực hiện uỷ thác cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác”.

Trong 5 năm thực hiện Văn bản liên tịch, các cấp Hội PN đã cố gắng khắc phục khó khăn, đạt được nhiều thành tích trong việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về chính sách tín dụng cho các hộ nghèo và các đối tượng chính sách, tạo điều kiện cho phụ nữ nghèo từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống, đóng góp vào việc cải thiện đáng kể diện mạo nghèo đói ở các vùng miền, góp phần giảm nhanh tỷ lệ nghèo đói của cả nước.

Ngay sau khi ký Văn bản thoả thuận với NHCSXH, Trung ương Hội LHPN Việt Nam kịp thời chỉ đạo Hội PN các cấp phối hợp với NHCSXH cùng cấp ký Văn bản liên tịch, hợp đồng ủy thác làm cơ sở pháp lý để thực hiện hoạt động cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách một cách thống nhất, đảm bảo quyền lợi và trách nhiệm của 2 bên. Nội dung mang tính xuyên suốt trong quá trình chỉ đạo của Trung ương hội tới các cấp hội là coi trọng chất lượng quản lý cho vay, lồng ghép các chương trình hoạt động của hội; phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan tập huấn, hướng dẫn, giúp đỡ thành viên sử dụng vốn đạt hiệu quả.

Trong công tác chỉ đạo, Trung ương hội và NHCSXH Việt Nam thường xuyên trao đổi thông tin về tình hình thực hiện ủy thác cho vay để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; rà soát, điều chỉnh nội dung Văn bản thỏa thuận cho phù hợp với tình hình thực tế, tăng cường trách nhiệm của NHCSXH và Hội PN các cấp trong việc thực hiện uỷ thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Các cấp hội bằng nhiều hình thức đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước như: Tổ chức quán triệt Nghị định 78 của Chính phủ, Văn bản liên tịch của 2 ngành, các Quyết định về tín dụng của Thủ tướng Chính phủ đến đội ngũ uỷ viên Ban chấp hành các cấp; họp chi, tổ phụ nữ; qua hệ thống truyền thanh... đã có gần 100% hội viên biết về nguồn vốn vay lãi suất ưu đãi của Chính phủ.

Để việc thành lập Tổ TK&VV đạt chất lượng cao, công tác lựa chọn đội ngũ cán bộ tổ được hội coi trọng hàng đầu, hội lựa chọn, giới thiệu những chị em có uy tín, có kinh nghiệm hoạt động tín dụng tiết kiệm... để bầu vào các vị trí chủ chốt của tổ. Hội đã phối hợp với ngân hàng tập huấn nghiệp vụ quản lý cho gần 700 ngàn lượt cán bộ hội và Tổ trưởng các Tổ TK&VV. Ngoài ra hàng năm từ nguồn phí uỷ thác, nhiều tỉnh, thành hội còn tổ chức riêng các lớp tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ ở các huyện, xã khó khăn, trình độ cán bộ cơ sở hạn chế, nơi tỷ lệ nợ quá hạn cao...

Việc bình xét cho vay luôn đảm bảo dân chủ công khai, đúng quy trình, đúng đối tượng, tập trung ưu tiên cho vay những hộ nghèo do phụ nữ làm chủ. Số lượng phụ nữ nghèo được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ tăng từ 910 ngàn hội viên năm 2004 lên trên 2,1 triệu hội viên phụ nữ nghèo năm 2007, trong đó có trên 30% hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ.

Hội PN cơ sở chú trọng chỉ đạo các tổ, nhóm duy trì sinh hoạt theo Điều lệ hội và quy chế của Tổ TK&VV, cùng với việc thực hiện hoạt động tín dụng, tiết kiệm, thông tin về tình hình sử dụng vốn của các thành viên, hội còn lồng ghép các hoạt động như: Hướng dẫn kiến thức về sản xuất, chăm sóc sức khoẻ, KHHGĐ... qua đó giúp cho phụ nữ nghèo nâng cao hiểu biết và tự tin áp dụng các kiến thức, kỹ năng mới vào trong thực tế cuộc sống và lao động sản xuất. Hiệu quả sử dụng vốn vay là yếu tố quan trọng quyết định chất lượng quản lý dịch vụ uỷ thác, các cấp hội đã tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn phụ nữ áp dụng kiến thức mới trong sản xuất thông qua phối hợp chặt chẽ với ngành NN&PTNT ở các cấp theo tinh thần Nghị quyết liên tịch giữa 2 ngành về việc “Hỗ trợ phụ nữ nông thôn phát triển sản xuất nâng cao chất lượng cuộc sống”. Với sự phối hợp này, hàng năm có hơn 2 triệu lượt phụ nữ nghèo vay vốn được tham gia các lớp khuyến nông, các mô hình trình diễn chuyển giao công nghệ, kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi. Với việc áp dụng kiến thức mới, rất nhiều phụ nữ đã sử dụng vốn có hiệu quả, hoàn trả vốn lãi đúng hạn, không chỉ XĐGN thành công mà còn trở thành điển hình làm kinh tế giỏi với thu nhập hàng chục, hàng trăm triệu đồng/năm. Mô hình “Hướng dẫn phụ nữ nghèo cách làm ăn và khuyến nông, khuyến lâm” do Trung ương hội chỉ đạo được tập trung thực hiện tại các xã đặc biệt khó khăn của 15 tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và miền Trung, với phương châm cầm tay chỉ việc, cung cấp trực tiếp cây giống mới, kết hợp vận động chị em tham gia tập huấn kỹ thuật và hướng dẫn tại chỗ đã giúp phụ nữ nghèo các dân tộc chuyển đổi thói quen canh tác lạc hậu, trồng các cây giống mới giá trị kinh tế cao, góp phần tăng thu nhập, XĐGN. Theo báo cáo của các tỉnh, thành hội, đã có trên 400 ngàn hộ phụ nữ vay vốn từ nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH đã thoát nghèo. Các tỉnh, thành có tỷ lệ phụ nữ thoát nghèo so với số phụ nữ tham gia vay vốn đạt cao như: Bà Rịa - Vũng Tàu 12.908 hộ (57,7%), Đắk Nông 3.912 hộ (40%), Hà Tĩnh 15.270 hộ (38%), Quảng Nam 14.360 hộ (31%), Kon Tum 5.454 hộ (26%)... Từ nguồn vốn của NHCSXH được chị em sử dụng làm ăn có hiệu quả và với các hình thức giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ do hội tổ chức, Đà Nẵng chỉ trong 2 năm 2005 - 2006 đã có 5.179 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ thoát nghèo (bằng 45% tổng số hộ thoáựt nghèo của thành phố).

Công tác kiểm tra giám sát được các cấp hội tăng cường chỉ đạo. Hàng năm các tỉnh, thành hội tổ chức kiểm tra giám sát 100% đơn vị huyện, quận và 50 - 60% cơ sở xã/phường/thị trấn; cấp huyện, quận kiểm tra giám sát trên 60% đơn vị cơ sở trên địa bàn. Các tỉnh, thành như: Hải Dương, Hà Nội, Hà Tây, Đà Nẵng, Gia Lai,... hàng năm kiểm tra giám sát được trên 90% cơ sở. Trung ương hội coi công tác kiểm tra giám sát hoạt động dịch vụ uỷ thác là nhiệm vụ chung của tất cả các ban, đơn vị phong trào. Trong 2 năm 2006 và năm 2007, riêng tại cấp Trung ương đã tổ chức được 49 đoàn đi kiểm tra, giám sát hoạt động ủy thác tại 220 cơ sở, 141 huyện tại 64 tỉnh/thành. Với sự tăng cường các đoàn đi kiểm tra, giám sát như vậy đã kịp thời hướng dẫn, uốn nắn, phát hiện và giải quyết những tồn tại trong quản lý cho vay của các cấp hội trong 5 năm qua.

Đến nay, hoạt động uỷ thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đã được triển khai ở tất cả các tỉnh/thành hội trong cả nước. Đối tượng tham gia chương trình năm 2004 chỉ có hộ nghèo, đến nay đã tham gia cả 6 chương trình cho vay của NHCSXH gồm các chương trình: Cho vay hộ nghèo; HSSV; cho vay NS&VSMTNT, cho vay phát triển lâm nghiệp, hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn và hộ gia đình SXKDVKK.

Đến 31/12/2007, Hội PN đang quản lý số Tổ TK&VV là 82.556 tổ với trên 2,2 triệu hộ nghèo được vay vốn, số dư trên 13 ngàn tỷ đồng, chiếm trên 40% tổng dư nợ ủy thác của ngân hàng. Có 32 tỉnh/thành hội có số dư nợ trên 200 tỷ đồng, đặc biệt Thanh Hoá dư nợ trên 727 tỷ đồng, Nghệ An trên 448 tỷ đồng. Tỉnh có dư nợ thấp nhất cũng đạt trên 45 tỷ đồng. Tỷ lệ hoàn trả trong cả nước luôn xấp xỉ 98%, trong đó 24 tỉnh có tỷ lệ nợ quá hạn dưới 0,5%, đặc biệt còn có nhiều tỉnh nợ quá hạn rất thấp,dưới hoặc bằng 0,1%. Các tỉnh tỷ lệ nợ quá hạn thường xuyên duy trì ở mức rất thấp: Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình 0,01%; Hà Nội 0.05%, Hải Phòng 0,09%, Tây Ninh 0,08%. Riêng hai tỉnh có dư nợ cao nhất nhưng tỷ lệ nợ quá hạn chỉ 0,17% (Thanh Hoá) và 0,43% (Nghệ An).

Thông qua việc cung cấp vốn cho phụ nữ nghèo, năng lực của đội ngũ cán bộ hội, nhất là cán bộ hội cấp cơ sở được nâng cao về khả năng phối hợp và tổ chức điều hành, tỷ lệ phụ nữ tham gia sinh hoạt hội tăng lên, vượt chỉ tiêu Đại hội phụ nữ toàn quốc lần thứ IX đề ra. Hoạt động của hội trong việc thực hiện dịch vụ ủy thác đã góp phần ổn định chính trị tại các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên. Đồng thời, Hội PN Việt Nam có điều kiện làm tốt hơn chức năng chăm lo, bảo vệ quyền của phụ nữ trong thời kỳ đổi mới của đất nước. Các cấp hội được nhận phí ủy thác, Tổ TK&VV được hưởng hoa hồng, có điều kiện tập trung đầu tư cho công tác tập huấn nghiệp vụ quản lý chương trình, kiểm tra giám sát, khen thưởng và phụ cấp trách nhiệm..., tạo điều kiện cho các hoạt động của các cấp hội nhằm nâng cao chất lượng hiệu quả vay vốn XĐGN và khuyến khích động viên cán bộ hội tham gia quản lý thực hiện chương trình.

Kết quả đạt được trong hoạt động ủy thác cho vay đốivớihộ nghèo và các đối tượng chính sách khác của các cấp hội đã khẳng định được vai trò, vị trí và trách nhiệm của tổ chức Hội PN trong việc thực hiện chương trình XĐGN. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động còn một số tồn tại cần khắc phục, đó là:

1. Còn nhiều phụ nữ nghèo thiếu vốn đầu tư cho sản xuất, nhất là tại các vùng miền núi, dân tộc. Hoạt động hướng dẫn kiến thức làm ăn cho phụ nữ nghèo ở vùng sâu, vùng xa vẫn còn hạn chế. Còn một bộ phận phụ nữ mù chữ, rất khó khăn trong tiếp cận kiến thức kỹ năng mới.

2. Trình độ cán bộ hội, cán bộ tổ, nhóm, đặc biệt ở các xã miền núi, dân tộc còn hạn chế. Một số cán bộ tổ, nhóm chưa thực hiện đúng các quy định về thu hồi vốn, lãi.

3. Công tác kiểm tra giám sát chưa được thực hiện thường xuyên, thành nề nếp tại tất cả các địa bàn. Vẫn có trường hợp cho vay ké, cá biệt còn hiện tượng cán bộ hội lạm dụng tiền vốn, tiết kiệm của thành viên.

Từ thực tế chỉ đạo hoạt động uỷ thác trong 5 năm qua, Hội PN Việt Nam rút ra một số bài học kinh nghiệm như sau:

Một là, chất lượng tín dụng là vấn đề quan trọng hàng đầu, để chị em nghèo trả nợ được đầy đủ, đúng hạn bằng nguồn mình làm ra từ hiệu quả sử dụng đồng vốn vay, làm được điều đó sẽ đẩy nhanh, tái tạo nguồn vốn phục vụ cho XĐGN.

Hai là, hội thường xuyên làm tốt trong công tác tuyên truyền vận động chị em chấp hành nghĩa vụ trả nợ, tránh trông chờ, ỷ lại; phối hợp với các ngành liên quan khai thác nguồn lực về kinh phí, hỗ trợ về kỹ thuật để tổ chức các khóa tập huấn chuyển giao KHKT công nghệ mới, quản lý kinh tế hộ gia đình, quản lý kinh doanh, giúp chị em có kiến thức ứng dụng vào thực tế lao động sản xuất tăng giá trị hàng hóa, tăng thu nhập.

Ba là, để có được đội ngũ cán bộ làm việc có hiệu quả, hội cần lựa chọn giới thiệu những cán bộ có tinh thần trách nhiệm, có uy tín và kinh nghiệm công tác, mặt khác tăng cường phối hợp với NHCSXHđào tạo cho đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cán bộ tổ/nhóm giúp chị em có trình chuyên môn, nghiệp vụ thực hiện nhiệm vụ được giao.

Bốn là, thường xuyên thực hiện công tác kiểm tra, giám sát hoạt động uỷ thác của các cấp hội cũng như việc sử dụng vốn của thành viên phát hiện kịp thời khó khăn vướng mắc, yếu kém để có biện pháp khắc phục.

Năm là, chính sách cho vay hộ gia đình SXKDVKK theo Quyết định 31/2007/QĐ-TTg ngày 05/3/2007 và cho vay HSSV theo Quyết định 157/2007/QĐ-TTg ngày 27/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ là cơ hội để tăng trưởng vốn ủy thác, thu hút thêm đối tượng vay vốn qua Tổ TK&VV của tổ chức hội, song cũng đặt ra nhiều trách nhiệm và thách thức mới.

Các cấp hội sẽ phối hợp với NHCSXH thực hiện tốt các nhiệm vụ và giải pháp sau:

- Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách tín dụng của Nhà nước để hội viên phụ nữ và người dân nắm vững và chấp hành nghiêm chỉnh chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước;

- Thường xuyên củng cố nâng cao chất lượng tín dụng, duy trì tỷ lệ nợ quá hạn <1,5%. Củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ TK&VV, triển khai thành lập tổ theo đúng Quyết định 783/QĐ-HĐQT ngày 29/7/2003 của Chủ tịch HĐQT NHCSXH, thu hút phụ nữ nghèo làm chủ hộ tham gia;

- Tiếp tục phối hợp với NHCSXH tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ quản lý vốn cho cán bộ hội các cấp theo Văn bản liên tịch số 2912/VBLT ngày 27/11/2006 của Hội PN Việt Nam và NHCSXH;

- Tăng cường công tác quản lý, kết hợp tốt công tác kiểm tra giám sát, khắc phục những tồn tại, hạn chế, đảm bảo an toàn vốn vay. Hàng năm, Trung ương hội và các tỉnh, thành hội xây dựng kế hoạch kiểm tra chia ra quý từ đầu năm để làm cơ sở thực hiện trong năm;

- Đẩy mạnh lồng ghép các hoạt động của hội gắn với vay vốn và chuyển giao tiến bộ KHKT, dạy nghề tạo việc làm... nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế của chị em phụ nữ nghèo;

- Các tỉnh, thành hội quan tâm đầu tư nguồn lực, tập trung chỉ đạo xây dựng mô hình tổ phụ nữ hợp tác, liên kết sản xuất kinh doanh, thu hút sự tham gia của phụ nữ nghèo để hỗ trợ phụ nữ thoát nghèo;

- Hàng năm tiến hành sơ kết đánh giá hoạt động dịch vụ ủy thác. Tăng cường công tác tuyên truyền các điển hình tập thể, cá nhân thực hiện tốt Văn bản thỏa thuận với NHCSXH và điển hình phụ nữ nghèo vượt khó vươn lên thoát nghèo và làm giàu;

- Hội PN các cấp thực hiện tốt chế độ thông tin về hoạt động dịch vụ ủy thác với hội cấp trên và NHCSXH cùng cấp theo quy định: hàng quý, 6 tháng và báo cáo năm.
Nguyễn Thị Thanh Hòa - Ủy viên TW Đảng - Chủ tịch

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video