An Giang: Tổ Phụ nữ tự quản vùng biên

07/10/2019
Những người phụ nữ trung niên, da mặt rám sạm vì gió nắng biên thùy; những người phụ nữ mà cái chữ chỉ vừa đủ để đọc và viết nguệch ngoạc; những người phụ nữ hằng ngày đang phải nai lưng kiếm miếng cơm, manh áo cho chồng, cho con... luôn hăng hái tham gia Tổ phụ nữ tự quản vùng biên

Dắt chúng tôi đến cột mốc 241 (Tân Châu - An Giang) - ranh giới duy nhất chưa bị con nước xóa nhòa ở nơi sông Tiền đang vào mùa nước lớn. Trong cái nắng gắt gay vùng biên giới, đá và nền xi-măng hắt ra cái nóng bỏng rát. Bóng các chị thoăn thoắt di chuyển, người quét, người lau, người nhổ cỏ… Tít trên đỉnh cột cờ chót vót, đôi lá cờ phần phật bay trong gió.

“...Tổ chúng tôi có mười lăm chị em. Tất cả đều buôn bán nhỏ và ở nhà nội trợ. Ðược sự vận động của các chú bộ đội biên phòng, tôi đứng ra kêu gọi chị em tham gia Tổ Phụ nữ tự quản vùng biên. Cứ khi nào rảnh thì “alô” cho nhau, hẹn tập trung ở khu vực cột mốc làm vệ sinh, rồi nghe tuyên truyền luật biên giới, tâm sự chuyện con cái, làm ăn”, - chị Trần Thị Ngọc Minh vừa nhổ cỏ, vừa rỉ rả. Chị Huỳnh Thị Cẩm Vân kéo tôi ngồi xuống, gần gũi như đã thân quen: - Cô biết không, tui tham gia từ năm 2013, nhà tui nghèo lắm, tui đi mần thuê cho người ta nên không có thời gian nhiều. Lần đó, tui tham gia thử cho biết, thấy mấy chú bộ đội nói hay quá. Tự nhiên tui cũng ý thức được việc bảo vệ cột mốc biên giới là rất quan trọng. Nào ngờ, tham gia cùng chị em nên biết được bao nhiêu luật về dạy con mình, nói với chồng mình. Rồi khi ốm đau, các chị em đến thăm. Khi thì tụ tập lại hùn tiền nấu ăn, vui lắm. Vậy nên sau này, tui đi mần thuê, giao trước với chủ, khi có tuần tra, vệ sinh cột mốc là phải cho tui nghỉ để tham gia.

Phụ nữ giúp nhau phát triển, phụ nữ phối hợp với biên phòng bảo vệ chủ quyền… Ðó là những câu chúng tôi được nghe nhiều nhất dưới gốc hoa sứ sau khi các chị dừng tay uống nước. Những người phụ nữ trung niên, da mặt rám sạm vì gió nắng biên thùy. Những người phụ nữ mà cái chữ chỉ vừa đủ để đọc và viết nguệch ngoạc. Những người phụ nữ hằng ngày đang phải nai lưng kiếm miếng cơm, manh áo cho chồng, cho con. Vậy mà đằng sau những khó nhọc và vất vả ấy, họ vẫn vui cười.

Mùa nước nổi là mùa thử thách nhất đối với người lính biên phòng ở vùng sông nước biên giới Tây Nam này. Nhưng, đó cũng là thời khắc đẹp nhất của “những đứa con của Mê Công” khi đổ vào biên giới Việt Nam. Sông Tiền bàn giao chúng tôi cho sóng nước sông Hậu khi mũi chiếc tắc ráng chạm vào địa phận Thị trấn Long Bình, huyện An Phú, tỉnh An Giang. Ðó cũng là nơi đóng quân của Ðồn Biên phòng cửa khẩu Long Bình. Bên dòng Hậu Giang hiền hòa, các anh kể cho chúng tôi nghe rất nhiều câu chuyện huyền thoại về một làng Chăm. Không chần chừ, chúng tôi tìm đến làng. Trưa đứng bóng, những đứa trẻ tụ tập trong một lớp học kinh Koran, dạy chúng là một cô giáo ngoài hai mươi tuổi, mắt to, sâu và giọng nói trong vắt như dòng nước ngoài búng Bình Thiên. Khi phát hiện có người lạ, lũ trẻ nhốn nháo, cô giáo đỏ lựng mặt rồi cho các em ra về. Cô khẽ kéo chiếc khăn xuống cằm, để lộ ra một khuôn mặt đẹp, nước da bánh mật mịn màng, đôi mắt hun hút sâu thẳm như lòng sông. Cô tên là Asi Giah, nữ đảng viên duy nhất ở xóm Chăm này. Ngoài việc dạy chữ Chăm cho con em trong xóm, Asi Giah còn tham gia công tác chính quyền tại địa phương. Sau này, do sức khỏe không cho phép nên cô chỉ tham gia Tổ Phụ nữ biên giới tự quản vùng biên, cột mốc. Theo lời Asi Giah, phụ nữ ở biên giới chịu nhiều thiệt thòi. Phần do xuất phát từ những phong tục, điều luật của dân tộc như phụ nữ không được tham dự các buổi cầu kinh trong thánh đường, hay phụ nữ phải luôn mặc kín, khăn che ngang mặt… đặc biệt, phần đông phụ nữ Chăm ít được đi học đến nơi đến chốn nên họ có phần rụt rè và hiểu biết hạn chế. Thấy được những thiệt thòi của chị em nên Asi Giah tham gia Tổ Phụ nữ để phối hợp chống buôn lậu, buôn bán phụ nữ. Cô cũng chủ động dịch các loại sách kinh từ tiếng Chăm ra tiếng Việt và dịch ngược lại từ tiếng Việt qua tiếng Chăm các điều luật, chính sách của Nhà nước, đặc biệt những quy định về quyền lợi, trách nhiệm của phụ nữ ở vùng biên để chị em hiểu biết, vững vàng hơn khi tham gia buôn bán ở khu vực biên giới.

 

 Bộ đội cùng Ðoàn thanh niên và các chị phụ nữ đang chung sức chăm nom khu tưởng niệm

Chợ biên giới Long Bình nằm dọc theo mép sông Hậu đoạn chảy qua An Giang, cách đồn biên phòng độ vài trăm mét. Trời ngả về chiều, chợ dần thưa người qua lại. Phó Ðồn trưởng, Trung tá Lại Xuân Trường vừa thực hiện nhiệm vụ tuần tra chợ vừa làm hướng dẫn viên cho đoàn khách phương xa còn đang bỡ ngỡ. Anh dừng lại chỗ gian hàng nhỏ của cô gái trên dưới hai mươi, hỏi han chuyện bán hàng, và gửi lại lời động viên thân mật trước khi dời đi: “Cố gắng nhé!”. Phải đến tối, khi cùng ngồi uống trà gần vọng gác, gió sông Hậu thổi vi vút trong màn đêm, chúng tôi cùng hướng mặt ra sông, khi giọng anh hòa vào tiếng ghe tàu trên sóng chúng tôi mới được biết: Cô bé hồi chiều tên là Vân. Năm 2010, Vân bị lừa bán sang Cam-pu-chia khi mới mười lăm tuổi. Em bị ép làm gái mại dâm rồi bị bắt. Bộ đội Biên phòng đã phối hợp cùng Hội Phụ nữ xã làm thủ tục đưa em về nước. Rồi hỗ trợ vốn cho em buôn bán, làm ăn lương thiện. “Các anh biết không, đây là địa bàn có tỷ lệ người nhiễm HIV/AIDS cao nhất tỉnh, nạn buôn bán người, mại dâm và ma túy cũng nhiều không kém, đặc biệt ở khu vực chợ. Vậy nên, nếu không có Tổ Phụ nữ tự quản, không có các chị em giám sát tiếp thì công việc sẽ gặp nhiều khó khăn. Mà bộ đội cũng nghèo, chả giúp lại được là bao. Chỉ mỗi năm vào dịp Tết thì tặng được chút quà. Các chị em có nhiều cách làm hay lắm, từ món quà của biên phòng, các chị vận động thêm nguồn xã hội hóa, thực hiện mô hình “bữa cơm thân thiện” đối với người già neo đơn. Trên địa bàn thị trấn có 17 cụ, cứ luân phiên tuần này các chị nấu cơm rồi dọn mâm ăn chung với cụ này, tuần sau tới nhà cụ khác. Nhờ vậy mà các cụ thêm phấn chấn, được an ủi lúc tuổi già. Phụ nữ đúng là những bông hoa cho cuộc đời”, anh Trường chia sẻ.

Rời sông Hậu, chúng tôi lênh đênh trên tắc ráng dọc theo biên giới hướng về phía bờ tây sông Châu Ðốc tìm đến dòng kênh Vĩnh Tế. Ðây là con kênh đào lớn nhất trong lịch sử Việt Nam do Tổng trấn Nguyễn Văn Thoại chỉ huy đào và sau này được đặt theo tên một người vợ của ông. Xuôi thuyền trên dòng kênh, tôi nhận ra sự đồng điệu ngẫu nhiên giữa những dòng sông, dòng kênh với tấm lòng của những người phụ nữ. Tâm tưởng ấy lớn dần và vững chắc hơn khi tôi đặt chân đến Vĩnh Gia - vùng biên giới đầu tiên trong tỉnh cho ra đời mô hình Tổ Phụ nữ tự quản đường biên, cột mốc. Cũng phải kể lại, Vĩnh Gia xưa kia là một vùng hoang hóa, dân cư thưa thớt do đất phèn và nhiễm mặn. Theo lời Ðại tá Trịnh Ngọc Sơn, nguyên Chủ nhiệm Chính trị - Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng An Giang, Vĩnh Gia là nơi đầu tiên anh nhận nhiệm vụ công tác sau khi ra trường. Khoảng hơn ba mươi năm trước, nơi đây vô cùng khó khăn do thiếu nguồn nước ngọt. Các cô gái địa phương hầu hết da xám xịt, đen nhẻm, tóc cháy khô, bàn tay, bàn chân cô nào cũng dính mầu vàng gỉ của đất phèn. Vậy mà ai cũng bám đất. Trong cái khó ló cái khôn, người ta bắt đầu dẫn nước từ kênh Vĩnh Tế vào đồng ruộng để thau rửa phèn rồi canh tác. Từ một vụ, sang hai vụ rồi lại đắp đê bao làm ba vụ. Ngày nay hầu hết diện tích đất nông nghiệp nằm trong vùng đê bao đều canh tác ba vụ lúa nên đời sống nhân dân khấm khá lên nhiều.

Tổ Phụ nữ tự quản đường biên, cột mốc ở Vĩnh Gia có mười thành viên, rải rác ở các ấp. Các chị đều làm nghề đan đệm và làm ruộng. Một tháng đôi lần, họ phối hợp cùng đồn biên phòng địa phương tham gia tuần tra biên giới. Nhờ có Tổ Phụ nữ, việc nắm thông tin và phát hiện ra thông tin bất lợi ở biên giới nhanh nhạy hơn, công tác tuyên truyền pháp luật, đặc biệt là Luật Biên giới quốc gia ở xã cũng được thuận lợi hơn trước, giúp bà con hiểu luật để tránh vi phạm, gây hậu quả nghiêm trọng…

Chia tay Vĩnh Gia, chúng tôi lại xuôi dòng. Nghe sông nước ngân nga những câu chuyện đẹp. Cũng giống như những dòng sông, trên những vùng đất biên cương này đang nuôi dưỡng những trái tim dịu dàng mà rất đỗi kiên dũng, mềm mại như nước nhưng vẫn luôn ẩn chứa nguồn sức mạnh vô song, bảo vệ từng tấc đất, ngọn sóng của Tổ quốc.

nhandan.com

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video