Anh hùng cho tất cả, đâu chỉ cho riêng mình

24/07/2019
Hình ảnh nữ thanh niên xung phong quả cảm ngồi trên quả bom và hát trong những năm tháng đỏ lửa tại con đường 12A lịch sử ở Quảng Bình đã thôi thúc nhóm phóng viên báo nhân dân tìm về phường Đồng Sơn, TP Đồng Hới, tìm gặp bà Trần Thị Thành. Ở tuổi 76, bà Thành đón tiếp khách bằng những câu chuyện lịch sử, lúc nhớ, lúc quên nhưng cảm xúc thì vẫn còn nguyên vẹn.

1. Bà Thành tua chậm lại những câu chuyện về cuộc đời mình. Những câu chuyện của bà thi thoảng bị ngắt quãng, lúc nhớ, lúc quên. Nhưng sự khốc liệt của mảnh đất lịch sử hứng chịu hàng trăm tấn bom đạn từ cửa khẩu Cha Lo, về cầu Khe Ve, Cha Quang, Bú Giạ… thì bà kể không xót một chi tiết.

Từ Đại đội phó C759 đến Chính trị viên đại đội C759, bà Trần Thị Thành đã cùng đồng đội của mình quản lý 10 km đường từ Khe Cấy đến Bãi Dinh - một tọa độ lửa chịu sự tàn phá nặng nề của bom đạn Mỹ. Đại đội C759 có nhiệm vụ vừa lấp hố bom, vừa phá đường, mở đường cho vũ khí, lương thực, quân đội đi theo tuyến đường vòng men theo dãy núi Trường Sơn để chuyển vào miền Nam.

Bà Thành kể, năm 1966, Đại đội thanh niên xung phong C759 của tỉnh Quảng Bình nhận nhiệm vụ tối cấp là phải bảo đảm thông tuyến, không được chậm trễ một giây. Dường như quân Mỹ cũng có tin tình báo, đêm đó, chúng dồn lực đánh điểm quan trọng. Tại đoạn đường qua Khe Ve, chúng đổ xuống 50 quả bom nổ chậm, rơi dọc suối, đồi, hư hỏng nặng con đường.

Đại đội phó C759 Trần Thị Thành cùng Đại đội trưởng đội công binh lên đồi để xem còn bao nhiêu quả bom chưa nổ. Chưa lên tới đồi, một quả bom phát nổ hất văng cả hai anh em xuống đường, ngay sát một quả bom khác, chưa được kích nổ.

Với khẩu hiệu “Máu C759 có thể đổ, nhưng đường C759 không thể tắc", khi phát hiện ra quả bom nổ chậm nằm sát con đường huyết mạch, Đại đội trưởng Trần Thị Thành nhận được thông báo hôm nay có “một trận bão” đi qua, phải bảo đảm an toàn cho tuyến đường.

Bà Trần Thị Thành kể, lúc ấy, không còn nỗi sợ hãi nào lớn hơn nhiệm vụ phải có được con đường an toàn thông tuyến, bà Thành quyết định mình sẽ là người đứng lên trên quả bom. Bà hiên ngang tiến lại gần vị trí bom, sang sảng nói “Các đồng chí yên tâm san đường, tôi đứng trên quả bom, nếu nghe thấy tiếng lò xo chuyển động hết độ kích nổ, tôi sẽ hô”. Và giữa tiếng chuyển động ầm ầm của núi rừng, của những đoàn xe rầm rập, bà vừa đứng trên quả bom, vừa hát động viên đồng đội.

“Đêm đó thật may mắn, khi cào san lấp đường xong, “bão đi qua” an toàn thì quả bom nổ”, bà kể. Câu chuyện ấy, đến giờ vẫn được nhiều lớp thanh niên xung phong truyền miệng.

 

 Mệ không ngăn được những giọt nước mắt khi nhớ về sự hy sinh của đồng đội


2. Tôi đặc biệt chú ý đến một góc nhỏ trong căn nhà của bà Thành, nơi treo rất trang trọng một bài báo viết về sự tích Đồi 37 của bà và đồng đội từ năm 2005.

Đồi 37 là nơi chứng kiến cuộc chia ly đẫm nước mắt của bà và các đồng đội khi chứng kiến nhiều anh chị em đã hy sinh, hy sinh tới hai lần, lót đường cho đoàn xe đi qua.

Bà Thành kể, bấy giờ, quân Mỹ biết đoạn đường có hai lối đi ngầm nên đánh phá ác liệt, sập cả quả đồi, cả ngàn mét khối đá lấp hết con đường, vùi lấp nhiều đồng đội. Tranh thủ vừa làm đường để thông xe, bà và các anh em đi tìm dấu tích của đồng đội bị vùi lấp. “Chỗ nào có mùi hôi, thấy nhặng bâu, ắt là có đồng đội”, bà nói với đồng đội rồi cứ theo dấu mà tìm. Nhưng cứ thấy dấu đồng đội thì Mỹ lại ném bom, vùi lấp mất vị trí.

Cuộc tìm kiếm vào năm 1966 đó khiến cho bà không bao giờ có thể quên hình ảnh một đồng đội của mình Cao Thị Thường hy sinh trong tư thế còn đang đứng xúc đất, bị vùi lấp nhiều ngày dưới đất đá. Đưa đôi bàn tay gân guốc lên để mô tả về cuộc đào bới tìm đồng đội còn in hằn trong tâm trí, bà kể bằng chất giọng nghẹn ngào, ngắt quãng vì những cơn xúc động “Khi đó, tôi đỡ đầu của đồng chí đã hy sinh để đồng đội bới sâu xuống. Càng bới sâu, thân thể của đồng chí càng bị rữa ra. Nhưng trên chỉ đạo phải lấy nguyên thi thể, nên anh em cứ chia thành từng tốp ba người thay phiên nhau cào đất, đá để mang nguyên vẹn thi thể đồng chí về”.

 
 

Thế nhưng, nỗi thương tâm ấy, chưa thể bằng sự hy sinh hai lần của đồng chí Trần Văn Trường. Trận bom dội xuống của Mỹ không chỉ vùi lấp một lần nữa đồng chí Trường, mà còn làm tắc nghẽn đoạn đường. “Nếu tắc đường, sự hy sinh có thể còn lớn hơn rất nhiều. Chúng tôi vừa khóc, vừa nói “Xin phép đồng chí lót đường cho xe qua vì nhân dân, vì đất nước, vì hòa bình. Đồng chí nằm yên nghỉ ở dưới đỡ cho xe vượt qua được sang Lào. Phải đến năm năm sau, chúng tôi mới lấy được thi thể của đồng chí Trường”, bà Thành đưa đôi bàn tay rắn rỏi gạt nước mắt.

3. Sự hun đúc lên con người kiên trung, quả cảm và kiên định Trần Thị Thành, chính là bằng tuổi thơ gian khó và những nỗi mất mát không thể thành lời khi còn quá trẻ.

Bà Thành mồ côi bố năm 9 tuổi và mồ côi mẹ khi vừa chớm sang tuổi thứ 10. Lúc ấy, em gái út của bà Thành mới vừa tròn 1 tuổi. “10 tuổi mà rắn rỏi lắm” - bà kể. Vừa làm cha, vừa làm mẹ, trong cảnh đói nghèo chiến tranh liên miên, ba chị em bấu víu nhau đi ăn xin, đi làm thuê, đi mót lúa ngoài đồng mà nuôi nhau qua ngày. Cứ thế, ba chị em lớn lên như cỏ cây mọc dại ven đường tại mảnh đất Tuyên Hóa, Quảng Bình.

Trong cuộc đời bà, có quá nhiều cuộc chia ly đau đớn, tận tay cào đất đá tìm đồng đội và chôn cất họ. Nhưng cuộc ly biệt đau đớn nhất bà, đó là ly biệt với mối tình đầu trong cuộc kháng chiến ác liệt và đã mất đi người em gái bé nhỏ Trần Thị Thế.

16 tuổi, bà đã có người thương là anh bộ đội cùng làng. Những ngày tháng người yêu chiến đấu kiên cường trên chiến trường ác liệt tại mảnh đất Trường Sơn, bà tham gia thanh niên xung phong tại binh trạm 12 trong Đại đội C759, bám trụ tại con đường 12A, giáp biên giới Lào trải dài 44 km từ ngã ba Khe Ve (xã Hóa Thanh, huyện Tuyên Hóa) lên đèo Mụ Giạ. Bà mang theo em gái thứ hai Trần Thị Thế chỉ mới 15 tuổi. “Các anh không cho Thế đi, nhưng tôi bảo, đánh giặc không trừ ai cả”, bà cương nghị nói.

Chưa đầy năm đứng cùng trên mảnh đất đầy bom đạn, người yêu bà Thành hy sinh năm 1965. Bao nhiêu yêu thương và hy vọng bóp nghẹt trái tim người phụ nữ này khi chỗ dựa tinh thần của bà đã không còn trở lại. Sự hy sinh ấy, càng thôi thúc bà phải kiên trung, gan dạ, để dù có ngã xuống, cũng là một cơ hội để bà được hội ngộ với người lính quả cảm năm nào.

Thế nhưng, nỗi buồn chưa kịp nguôi ngoai, bà Thành lại tiếp tục mất đi cô em gái đang ở độ tuổi rực rỡ nhất, sau ba năm theo chị lên trận địa bom ác liệt (năm 1968). Thi thể cô Trần Thị Thế đã tan thành sương khói khi bị một quả rốc két thả vào hầm tại đồi Ba Trại. Thứ còn lại duy nhất là chiếc khăn quàng đỏ của cô Thế bay lên mắc vào một cành cây. “Bây giờ chiếc khăn ấy được lưu trữ ở đâu đó mà bà không còn nhớ. Còn cô Thế, chỉ mang về được một nắm đất”, bà nghẹn nào kể cho tôi nghe, rồi tiến về bàn thờ, vén chiếc rèm che, trong đó bàn thờ cô Thế nằm một góc nhỏ nhắn phía bên trái, gương mặt còn rất trẻ trong màu áo trắng.

4. Bước qua những ngày tháng đối mặt với bom đạn ác liệt, năm 1969, Chính trị viên Đại đội C759 Trần Thị Thành được cấp trên điều về Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình làm việc. Bà được ra Hà Nội học tập và được cử sang Liên Xô học tập. Hết thời gian học, bà về Trung ương Đoàn công tác. Mảnh đất quê hương một lần nữa lại đón nhận người con quả cảm khi bà trở về làm Phó Chủ tịch thường vụ huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình và sau đó về UBND tỉnh Quảng Bình phụ trách khối văn hóa xã hội.

Hơn 20 năm lùi về an dưỡng tuổi già, nhưng bà vẫn không cho phép mình nghỉ ngơi một ngày. Bà vẫn tham gia Ban chấp hành Cựu thanh niên xung phong của tỉnh Quảng Bình, làm công tác phụ nữ của Ban chấp hành Hội Nghĩa tình Trường Sơn. Bởi vì với bà, tham gia với đồng đội, còn có nhiều cơ hội gặp lại những người cũ, được ôm nhau mà khóc, mà cười kể về những năm tháng gian khổ mà vinh quang, để được trân trọng nhau từng khoảnh khắc trong thời bình.

Năm 1967, đơn vị C759 của bà là tập thể lực lượng thanh niên xung phong thời kỳ chống Mỹ cứu nước được phong tặng Anh hùng lao động đầu tiên của cả nước. Tiểu đội trưởng Nguyễn Thị Kim Huế được phong Anh hùng Lao động cá nhân.

Tôi hỏi bà, vì sao bà không nhận danh hiệu Anh hùng Lao động cá nhân, bà khiêm tốn lắc đầu và bảo “Công lao đó có xá gì. Cấp trên bảo tôi làm hồ sơ, nhưng tôi không làm. Cả đội C759 được phong Đơn vị Anh hùng Lao động rồi, mình không cần chi danh hiệu cho bản thân”. Hơn 50 năm cống hiến không ngừng nghỉ, điều mà bà Thành mong muốn không phải là danh hiệu cá nhân cho bản thân. Bà chỉ ao ước có được một mảnh đất nhỏ để cất một nhà thờ trang trọng cho cha mẹ và em gái mình. Chỉ còn nỗi canh cánh đó, vẫn đang ấp ủ và nhen nhóm bấy lâu, chưa thành hiện thực.

Chào tạm biệt bà Thành trong cơn mưa lất phất, chúng tôi nghẹn ngào ôm bà bằng cái ôm của người con thời bình mang biết bao sự thành kính, tạ ơn với thế hệ đi trước. Những thước phim bà tua chậm lại trong chừng hai giờ đồng hồ với chúng tôi, dù chẳng thể rõ nét từng ngày, từng tháng, nhưng là những cảm xúc, những dấu ấn sẽ không bao giờ bị xóa nhòa bởi thời gian.

nhandan.com.vn

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video