Áo dài xứ Huế

20/12/2021
Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, chiếc áo dài vẫn luôn được xem là trang phục truyền thống không thể thiếu của mỗi người dân xứ Huế từ xưa cho đến nay.
Các đại biểu tham dự Hội thảo “Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam” - ảnh Bảo Minh

Nếu đối với nữ, chiếc áo dài là trang phục tôn vinh vẻ kín đáo, dịu dàng, thanh lịch của người con gái Huế, thì áo dài nam lại là trang phục mang nét trang trọng, lịch lãm, góp phần tạo nên tâm hồn, tính cách của người đàn ông. Bên cạnh đó, áo dài còn thể hiện những giá trị đặc sắc về đạo đức, thẩm mỹ, là một di sản sống động, sản phẩm du lịch độc đáo của mảnh đất Cố đô Huế. Trong quá trình giữ gìn, tôn vinh áo dài truyền thống, vai trò của phụ nữ đặc biệt quan trọng.

Giá trị bản sắc Áo dài Huế

Áo dài có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời, gắn bó với đời sống của người Huế nói riêng, người Việt Nam nói chung và là biểu tượng, hồn cốt của người phụ nữ Việt. Trải qua suốt chiều dài lịch sử, chiếc áo dài Huế được may thêu tinh tế và sắc sảo bởi đôi bàn tay khéo léo của những người thợ tài ba xứ Huế từ lâu đã trở thành một món quà lưu niệm văn hóa, tinh thần độc đáo không thể thiếu cho người dân địa phương cũng như khách du lịch. Người phụ nữ Huế thừa hưởng tính cách nhẹ nhàng, đằm thắm mang đặc trưng của vùng đất một thời là Kinh đô của đất nước. Vẻ đẹp truyền thống với những nét dịu dàng, e ấp của cô gái Huế trong tà áo dài tím vẫn còn nguyên vẹn và có sức lay động lòng người. Phụ nữ Huế luôn coi áo dài như một trang phục thường ngày chứ không chỉ dùng trong những dịp lễ, Tết hay sự kiện đặc biệt nào đó và tùy theo điều kiện kinh tế mà ai cũng có vài bộ áo dài dành cho riêng mình. Còn với nam giới thì chiếc áo dài Ngũ thân là trang phục thường xuyên không chỉ trong các nghi thức quan trọng mà còn trong cả đời sống thường nhật. Tuy nhiên, áo dài Huế cũng trải qua một giai đoạn không được coi trọng, thậm chí, chiếc áo dài Ngũ thân nam giới đã gần như mất hẳn sau khi người Pháp vào Đông Dương mang theo quần Âu, áo sơ mi, comple và những biến cố trong chiến tranh, kinh tế đất nước gặp nhiều khó khăn, chỉ còn lại những chiếc áo thụng, áo tấc xuất hiện trong các nghi lễ tế tự, cúng giỗ của các đình làng, nhà họ, gia đình..., vì vậy rất nhiều người không biết áo dài ngũ thân nam truyền thống là gì. Mãi từ năm 1986 trở lại đây, cùng với sự đổi mới của đất nước, áo dài Huế mới dần dần được hồi sinh với diện mạo mới, nhất là áo dài của nữ giới.

Ngày hội Áo dài và Lễ hội Ẩm thực Huế 2020 - ảnh Bảo Minh

Vai trò của phụ nữ Huế trong việc gìn giữ và tôn vinh áo dài

Đi khắp nẻo đường xứ Huế, từ thành phố đến nông thôn, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh chiếc áo dài với nhiều kiểu dáng, màu sắc phong phú của các mẹ, các cô, các chị và các em học sinh... Áo dài làm tôn lên tính cách đức độ, kín đáo, thùy mị, toát lên được thần thái của người phụ nữ Huế trong cách đi đứng, ứng xử. Đặc biệt, hình ảnh những nữ sinh Huế với tà áo dài trắng, áo dài tím đạp xe trên phố đã đi vào thi ca nhạc họa với vẻ đẹp hồn nhiên, trong sáng, tinh khôi, góp phần bảo tồn và phát huy nét văn hóa đặc sắc, quý giá của dân tộc.

Với mong muốn góp phần quan trọng trong việc nâng cao vị thế vẻ đẹp áo dài Huế, thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai cuộc vận động phụ nữ mặc trang phục áo dài vào sáng thứ hai đầu tuần đến nơi làm việc, ngày Quốc tế Phụ Nữ 8/3, Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10. Sau một thời gian thực hiện cuộc vận động đã tạo được hiệu ứng tích cực và nhận được sự hưởng ứng sâu rộng của phụ nữ trong tỉnh. Cùng với đó, Hội LHPN tỉnh phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức thành công Hội thảo “Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam” mang tính lý luận và khoa học cao nhằm hướng đến xây dựng thương hiệu “Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam”, đưa Áo dài đến gần hơn trong cộng đồng. Sau hội thảo, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ đã mặc áo dài ngũ thân, đội khăn đón tiếp bà Robyn Mudie, Đại sứ Australia tại Việt Nam và đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp cho phía đối tác. Hành động này vừa góp phần quảng bá áo dài ngũ thân nói chung và áo dài của nam giới nói riêng, khẳng định rõ nét hơn bản sắc văn hóa Việt Nam, vừa thể hiện quyết tâm của Thừa Thiên Huế trong việc xây dựng thương hiệu “Huế - Kinh đô áo dài Việt Nam”.

Để thực sự đưa áo dài truyền thống vào cuộc sống đương đại, từ tháng 9/2020, Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế đã khuyến khích cán bộ, công chức khối Văn phòng Sở mặc áo dài ngũ thân vào ngày thứ Hai để dự Lễ chào cờ đầu tháng và các sự kiện văn hóa, lễ hội. Thông qua các hoạt động này để từng bước xây dựng hình ảnh, thương hiệu Áo dài Huế, đưa áo dài trở thành sản phẩm văn hóa du lịch đặc sắc của Cố đô Huế.

Hội LHPN tỉnh chỉ đạo các cấp Hội thành lập mô hình áo dài “Phụ nữ Thừa Thiên Huế - đồng hành cùng sắc tím”. Đến nay, 85% cơ sở Hội đã hưởng ứng và thành lập mô hình; tất cả cán bộ, hội viên phụ nữ đều mặc áo dài màu tím trong những dịp lễ, Tết, sự kiện, những lần sinh hoạt chi, tổ Hội… Trong các kỳ Festival Huế (năm chẵn), Festival nghề truyền thống Huế (năm lẻ), Hội LHPN tỉnh đã vận động nữ cán bộ, công nhân viên chức ở các đơn vị; hội viên phụ nữ, chị em tiểu thương ở các chợ mặc trang phục áo dài. Tỉnh Hội đã phát động cuộc thi ảnh online “Áo dài với di sản văn hóa Huế”, các cấp Hội tổ chức các hội thi, hội thảo tìm hiểu về áo dài, thành lập mô hình “Áo dài yêu thương”,… Ngoài ra, Sở Văn hóa và Thể thao đang phối hợp với Hội LHPN tỉnh tiến hành xây dựng hồ sơ “Nghề may đo áo dài truyền thống Huế” đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; tạo tiền đề quan trọng tiến tới đệ trình UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể  của nhân loại.

Thanh Hải

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video