Bắc cầu hữu nghị

08/07/2005
Bà Kay Lane khóc òa khi gặp những người thân vừa trở về Mỹ sau chuyến đi dài sang Việt Nam hoàn tất ước nguyện của con gái bà, Sharon Ann Lane.

Trạm Y tế do Quĩ Sharon Ann Lane tài trợ sau mấy năm hoạt động tốt đã được bàn giao cho ngành y tế địa phương ở Chu Lai (Tam Hiệp, Núi Thành, Quảng Nam) quản lý.

 

Bà nói đến ngày giỗ của Sharon sắp tới, tổ chức hằng năm tại Bệnh viện đa khoa Aultman (Canton, bang Ohio, Mỹ), bà đã có thể thầm vui nói với con gái rằng: “Con ơi, mẹ đã làm xong mong ước của con rồi”...

 

Ngày ấy, năm 1969, Sharon Ann Lane bị điều động sang chiến trường Việt Nam, bà Kay giấu nỗi đau trong lòng để tiễn biệt con. Sharon, khi đó vừa tròn 26 tuổi, tạm gác ước mơ làm y tá tại quê nhà để đi phục vụ tại Bệnh viện số 312 ở Chu Lai chăm sóc những người loạn lạc do chiến tranh.

 

Sharon đã chăm sóc mọi bệnh nhân bằng sự tử tế, tôn trọng và nhân đạo, dù bất kể nguồn gốc. Sharon mong ước im tiếng súng để được khám bệnh cho người dân hiền hòa xứ này. Hai tháng rưỡi sau khi sang Việt Nam, Sharon tử thương vì trúng đạn lạc trên đường đi khám bệnh.

 

Thi hài Sharon được đưa về Mỹ, bà Kay chỉ biết khóc. Sharon được bình chọn là “Y tá xuất sắc của nước Mỹ” năm 1969. Cuộc đời của Sharon được Phillip Bigler viết thành sách “Giữa làn đạn: Cuộc đời và sự ra đi của y tá Lane tại Việt Nam”. Tên của Sharon về sau có một chỗ trên bức tường đá đen tuyền tưởng niệm 58.209 người Mỹ chết trận tại Việt Nam đặt ở thủ đô Washington.

 

Trang đời của Sharon lại được viết tiếp vào năm 1993 khi nữ bác sĩ Kathleen Fennell trên chuyến bay từ Mỹ sang Đà Nẵng theo nhóm bác sĩ chương trình Phẫu thuật nụ cười tình cờ đọc được cuốn sách của Bigler.

 

Tôi phải làm một điều gì đó để hoàn thành ước mơ dang dở của Sharon. Và tôi nghĩ không có gì ý nghĩa hơn việc xây một trạm y tế nơi Sharon đã từng làm việc, để sự nghiệp chăm sóc người bệnh của cô ấy như vẫn còn”, bà Kathleen - bây giờ là chủ tịch Quĩ Sharon Ann Lane - kể.

 

Về nước, bà đi tìm nhà văn Bigler, về Ohio gặp bà Kay -mẹ của Sharon và bàn kế hoạch với những y tá đã từng có mặt tại Việt Nam thời chiến tranh.

 

Quĩ Sharon Ann Lane ra đời, quyên tiền rồi cử đại diện sang Chu Lai xin phép xây dựng một trạm y tế. Năm 2001, công trình được khởi công ngay tại nơi Sharon ngày trước vẫn thường khám bệnh cho người dân.

 

Năm 2002, trên “vùng trắng” y tế, trạm y tế Tam Hiệp cao 2 tầng với đầy đủ trang thiết bị ra đời và trở thành địa chỉ khám bệnh tin cậy của người dân trong khu vực. Cuối tháng 5/2005, thêm hai container trang thiết bị y tế vượt đại dương chuyển đến, trạm y tế được chính thức bàn giao cho chính quyền địa phương.

 

Ngày bàn giao, đại diện gia đình Sharon -cựu binh Mỹ Mike Boehm phát biểu rằng Trạm Y tế này là “cây cầu hữu nghị giữa 2 đất nước, cây cầu ấy sẽ đưa những cựu binh Mỹ và cựu binh Việt Nam, người Mỹ và người Việt Nam cùng tất cả mọi người hàn gắn vết thương cũ, hiểu nhau hơn”.

 

Từ nước Mỹ, người mẹ già của Sharon nghẹn ngào qua điện thoại: “Tôi thật hạnh phúc vì cuối cùng cái ngày mong chờ này đã đến. Tôi không có mong mỏi nào hơn là hai đất nước sẽ tiếp tục cải thiện mối quan hệ và tình bằng hữu thật sự sẽ phát triển mối quan hệ giữa hai dân tộc...”.

Theo báo Tuổi trẻ

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video