Bài học trong ứng xử về quan hệ hôn nhân và gia đình từ vụ việc tử vong của bé gái 8 tuổi

29/12/2021
Những ngày này, Công an quận Bình Thạnh, TP.Hồ Chí Minh đang điều tra làm rõ nguyên nhân cháu N.T.V.A, 8 tuổi tử vong trên địa bàn, nghi bị bạo hành; Thông tin về vụ việc này cũng đã và đang gây ra làn sóng dư luận phẫn nộ, lên án hành động đánh đập con chồng của mẹ kế.
Ảnh minh họa

Bố mẹ ly hôn, ai cũng có quyền mưu cầu hạnh phúc mới. Nhưng yêu ai, tái hôn với ai cũng vẫn phải có trách nhiệm yêu thương, quan tâm và săn sóc con riêng của mình. Trách nhiệm của bố mẹ với con cái, là phải cho con một môi trường sống an toàn về thể chất lẫn tinh thần. Nuôi không có nghĩa là cho ăn, mà còn là cho con sự yên tâm và tự tin rằng chúng vẫn là điều tuyệt vời nhất, là sự ưu tiên trong cuộc đời bố mẹ, dù họ có chung sống hay không.

Cứ cho rằng tâm lý ích kỷ đã khiến người đến sau không đủ bao dung, rộng lượng, khiến họ cảm thấy ghét bỏ với những đứa trẻ là kết quả của cuộc tình trước, ít nhiều sẽ có va chạm. Nhưng còn bố, còn mẹ đã nhận nuôi đứa trẻ thì sao? Họ đã làm gì khi máu mủ của mình bị chà đạp? Nếu họ yêu con như sinh mạng, ngăn chặn những hành vi, nguy cơ bạo lực với con về cả thể chất lẫn tinh thần, liệu những hành vi đó có tiếp diễn?

Câu hỏi lớn mà dư luận xã hội vẫn quan tâm rằng bố đẻ của cháu bé ở đâu khi con phải chịu những đau đớn tận cùng ngay tại nhà của bố? Tại sao anh ta không ngăn cản bạo hành từ người tình? Điều gì thực sự đã xảy ra sau những tiếng khóc lóc, la hét thảm thiết kia của bé gái hàng năm trời...

Cuối cùng cháu bé đã bị tước đi mạng sống, không phải ở xã hội đầy hiểm ác rối ren ngoài kia, mà ngay trong nhà mình, nơi có bố đẻ của cháu vẫn đang ở đó, người có thể đồng tình để cô tình nhân xinh đẹp "dạy dỗ" con mình bằng việc đánh cho nó sợ và thậm chí là bạo hành nhẫn tâm.

Bản chất sự việc như thế nào, công an điều tra sẽ làm rõ hành vi, trách nhiệm của người bố trong tình huống này. Trong trường hợp người bố biết về hành vi đánh đập con nhưng không can ngăn mà lại còn đồng tình thì người bố này cũng sẽ bị xử lý hình sự với vai trò đồng phạm với người đã bạo hành cháu bé.

Theo quy định của Luật trẻ em, Luật Hôn nhân và Gia đình thì bố mẹ có nghĩa vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục con cái mình đến khi trưởng thành. Trong trường hợp ly hôn và tái hôn thì bố dượng, mẹ kế cũng có nghĩa vụ phải bảo vệ, chăm sóc, giáo dục con riêng của chồng, của vợ mình đến khi trưởng thành. Nếu đã không bảo vệ, chăm sóc mà còn đánh đập, hành hạ thì đây là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, hình phạt sẽ nghiêm khắc hơn.

Một bài học sâu sắc rút ra từ vụ việc này là, những bậc làm cha, làm mẹ, thậm chí là cả những người “hàng xóm tắt lửa tối đèn có nhau”, những người có chức trách ở các khu dân cư, hãy đừng thờ ơ với tiếng khóc bất thường của một đứa trẻ nào ngay trong nhà mình hay từ nhà hàng xóm. Giá như Ban quản lý tòa nhà sau khi nghe phản ánh sự việc bé gái bị đánh đập nhiều lần, có động thái vào cuộc, giải quyết triệt để thì sự việc đau lòng này chưa chắc đã xảy ra.

Nói về người bố vô tình hay đóng vai kẻ đồng lõa, anh ta sẽ phải đối diện với pháp luật và hơn hết là tòa án lương tâm của chính mình. Bất kỳ sự hối hận nào cũng không mang trả lại được mạng sống cho cháu bé vô tội. Trong số những vụ bạo hành trẻ em xảy ra gần đây, không ít vụ việc đau lòng gây ra bởi những người được gọi là "mẹ kế", "dì ghẻ"... khiến dư luận phẫn nộ. Phải chăng chính sự mắt nhắm mắt mở cho qua, sự dung túng cho vợ mới, người tình của người bố hay sự khó chịu trong mối quan hệ "mẹ ghẻ - con chồng" đã châm ngòi cho những trận bạo hành thừa sống, thiếu chết suốt thời gian dài.

Đây là một bài học cho tất cả mọi người trong ứng xử về quan hệ hôn nhân và gia đình, về sự thiếu trách nhiệm, thiếu đạo đức và cả ý thức coi thường pháp luật. Vợ chồng có thể chia tay, hợp tan cũng là chuyện thường thấy, nhưng không được mải vui bên hạnh phúc mới mà quên mất  sự an toàn về thể xác lẫn tinh thần của con mình.

TS. Vũ Thị Minh Huyền

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video