Báo cáo sơ kết hoạt động Hội và phong trào phụ nữ 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2008

29/07/2008
Sáu tháng đầu năm 2008, tình hình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước có nhiều khó khăn: kinh tế tăng trưởng chậm, tình hình lạm phát, giá cả lương thực, thực phẩm và một số mặt hàng thiết yếu tăng cao, thời tiết diễn biến bất lợi, dịch bệnh gia súc gây thiệt hại lớn, tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên tăng … đã tác động lớn đến tư tưởng, đời sống của nhân dân, trong đó có phụ nữ. Trong bối cảnh đó, các cấp Hội phụ nữ đã tổ chức quán triệt học tập, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu PNTQ lần thứ X và tập trung thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm công tác Hội.

Phần thứ nhất

ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC

 

I/ KẾT QUẢ THỰC HIỆN MỘT SỐ TRỌNG TÂM CHỈ ĐẠO:


1. Tổ chức quán triệt, tập huấn, tuyên truyền, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu PNTQ lần thứ X ở các cấp Hội.

Đoàn Chủ tịch TW Hội đã sớm hoàn thiện văn kiện, tài liệu về Đại hội phát hành đến cơ sở, hỗ trợ miễn phí 35.000 cuốn văn kiện và Điều lệ Hội cho cơ sở và các địa bàn khó khăn. Chuẩn bị, biên soạn tài liệu công phu, kỹ lưỡng thành các chuyên đề và xây dựng kế hoạch hoạt động toàn khoá theo từng nhiệm vụ; lập kế hoạch tổ chức các lớp tập huấn triển khai Nghị quyết cho 154 uỷ viên Ban Chấp hành TW Hội và 100% uỷ viên Ban Thường vụ của 64 tỉnh/thành Hội, 2 đơn vị trực thuộc tại 3 vùng miền. Việc tổ chức thành công đảm bảo chất lượng các lớp tập huấn của Trung ươnglà cơ sở để các cấp Hội trong cả nước tổ chức quán triệt, học tập, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội PNTQ hiệu quả.

Các tỉnh, thành Hội, đơn vị trực thuộc trong cả nước đã nghiêm túc thực hiện Kế hoạch số 07/KH-ĐCT ngày 15/1/2008 của Đoàn Chủ tịch về triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ X với tinh thần khẩn trương và trách nhiệm cao. Chương trình của lớp tập huấn cơ bản đều được bố trí theo đúng kế hoạch đề ra. Nội dung tài liệu chú trọng lồng ghép các vấn đề của địa phương, phân tích những điểm mới của Nghị quyết và Điều lệ Hội so với nhiệm kỳ IX; một sốtỉnh đã nghiên cứu, biên soạn tài liệu tập huấn dành cho cấp huyện và cấp xã; biên soạn tờ rơi, lồng ghép nội dung vào Thông tin Phụ nữ của tỉnh hoặc phổ biến tài liệu Hỏi và đáp Nghị quyết của TW Hội tới hội viên. Nhiều nơi đã tranh thủ được sự chỉ đạo của cấp uỷ, phối hợp trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện mở lớp tập huấn cho BCH phụ nữ, lồng ghép với chương trình bồi dưỡng cho cán bộ chủ chốt, cán bộ quy hoạch của Hội phụ nữ xã. Chủ động phối hợp với các cơ quan tuyên truyềnphổ biến nội dung Nghị quyết, biểu dương những đơn vị làm tốt. Một số đơn vị, địa phương đã phát động mỗi đơn vị xây dựng 1 công trình, 1 phần việc thực hiện Nghị quyết Đại hội. Tính đến cuối tháng 6/2008, các tỉnh, thành Hội, đơn vị trực thuộc đã hoàn thành tập huấn Nghị quyết Đại hội đại biểu PNTQ tới cán bộ Hội cấp xã, chi, tổ, đa số đã triển khai tới hội viên, phụ nữ đúng tiến độ.

Đoàn Chủ tịch đã tổ chức kiểm tra toàn diện kết quả triển khai, học tập Nghị quyết của các cấp Hội ở 34 tỉnh, thành, các đơn vị còn lại chỉ đạo tự kiểm tra. Đoàn Chủ tịch TW Hội đã đánh giá, rút kinh nghiệm chỉ đạo các cấp Hội trong cả nước (báo cáo số 39/BC-ĐCT ngày 30/5/2008). Nhìn chung, đợt tập huấn, triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu PNTQ đến cán bộ, hội viên, phụ nữcả nước đã cơ bản hoàn thành theo tiến độ của kế hoạch đã đề ra. Hầu hết các cấp Hội đã gắn triển khai Nghị quyết Đại hội PNTQ lần thứ X với việc bổ sung, điều chỉnh kế hoạch hành động toàn khoá của từng cấp Hội, xác định nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên để tập trung chỉ đạo phù hợp với địa bàn. Song song tập huấn triển khai Nghị quyết, Đoàn Chủ tịch đã tập trung chuẩn bị các đề án cụ thể trình Hội nghị Ban Chấp hành lần thứ ba và tổ chức các hội nghị chuyên đề về công tác thi đua, công tác văn phòng, công tác tổ chức – kiểm tra để cụ thể hoá hơn việc đưa Nghị quyết vào cuộc sống.

2. Triển khai Kế hoạch chỉ đạo điểmthực hiện Nghị quyết Đại hội phụ nữ toàn quốc lần thứ X.

Đoàn Chủ tịch TW Hội đã chọn 6 tỉnh/thành đại diện các vùng miền là điểm chỉ đạo của TW: Đồng Tháp, Gia Lai, Quảng Ngãi, Thái Bình, Sơn La, thành phố Hồ Chí Minh. Nội dung chỉ đạo điểm của TW tập trung vào những vấn đề khó khăn như: nâng cao năng lực đại diện của tổ chức Hội, thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; xoá mù chữ cho phụ nữ và cán bộ Hội; xoá đói giảm nghèo; công tác vận động phụ nữ dân tộc, tôn giáo, nữ thanh niên; xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc; lấy chồng nước ngoài vì mục đích vụ lợi. Đến nay, đã hoàn thành khảo sát, thống nhất nội dung, giải pháp thực hiện với cấp Hội địa phương trong từng năm và cả nhiệm kỳ. Tại các điểm chỉ đạo cấp uỷ đánh giá cao chủ trương chỉ đạo điểm của Hội. Bước đầu cho thấy để chỉ đạo điểm thành công cần có sự quan tâm của cấp uỷ, sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể và đặc biệt là sự chủ động của các cấp Hội; các nội dung chỉ đạo cần được lựa chọn kỹ càng phù hợp với đặc điểm địa phương.

3. Trước những diễn biến bất thường của nền kinh tế, lạm phát và biến động về giá cả, thực hiện Kết luận số 22-KL/TW ngày 04/4/2008 của Bộ Chính trị “về một số vấn đề về kinh tế - xã hội quí 1/2008 cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo”, Đoàn Chủ tịch đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các tỉnh/thành Hội, các ban/đơn vị trực thuộc TW Hội tổ chức thực hiện đẩy mạnh công tác giáo dục ổn định tư tưởng, tập trung tuyên truyền, vận động cho cán bộ, hội viên hiểu rõ tình hình kinh tế của đất nước đang trong thời điểm khó khăn, vận động phụ nữ tăng cường thực hành tiết kiệm, đoàn kết, giúp nhau giải quyết khó khăn về đời sống, đồng tâm hiệp lực vượt qua mọi thử thách, tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và điều hành của Chính phủ. Chỉ đạo các cấp Hội phát huy vai trò đại diện, giám sát việc thực hiện các chính sách hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả của thiên tai, nắm bắt diễn biến tư tưởng của quần chúng phụ nữ, phát hiện những bất cập, phản ánh, kiến nghị đề xuất với Chính phủ và chính quyền các cấp điều chỉnh phù hợp, đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân.

Nhằm góp phần kiềm chế lạm phát, cơ quan chuyên trách các cấp Hội đã nghiêm túc thực hiện tiết kiệm trong chi tiêu ngân sách, nâng cao chất lượng hội họp, cải tiến hình thức hội nghị… ở Trung ương, cuộc họp ĐCT toàn thể quý 1/2008 được tổ chức bằng hình thức gửi tài liệu xin ý kiến qua mạng Internet; tổ chức Hội nghị lần thứ ba BCH TW Hội LHPN Việt Nam khoá X gắn với các hội nghị chuyên đề của Hội; giảm số đoàn đi công tác nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước, chú trọng lồng ghép các nội dung hoạt động một cách đồng bộ, nâng cao chất lượng, hiệu quả đi công tác địa phương. Hoạt động của các cấp Hội ở địa phương ngày càng bám sátthực hiện nhiệm vụ chính trị, tập trung vào các vấn đề liên quan đến an sinh xã hội.

II. KẾT QUẢ THỰC HIỆN PHONG TRÀO THI ĐUA VÀ 6 NHIỆM VỤ:

1. Phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”.

Trong 6 tháng đầu năm, các cấp Hội tập trung triển khai thực hiện công tác thi đua khen thưởng và phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” gắn với cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và kỷ niệm 60 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc.

Trung ương Hội đã đầu tư xây dựng các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện; tổ chức tập huấn; hoàn thiện sổ sách theo dõi để thống nhất thực hiện trong cả nước. Các tỉnh/thành đã chủ động triển khai và chỉ đạo tới các cấp Hội xây dựng nội dung tiêu chí thi đua năm 2008 tập trung vào việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, Nghị quyết Đại hội phụ nữ toàn quốc lần thứ X, cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” gắn với phong trào thi đua, đặc biệt quan tâm động viên chị em thực hành tiết kiệm trong chi tiêu, quản lý tài chính của gia đình góp phần thiết thực cùng nhân dân cả nước tham gia kìm chế lạm phát. Tập trung tuyên truyền những điểm mới trong tổ chức thực hiện phong trào thi đua (PTTĐ), huớng dẫn cơ sở Hội và chi Hội phụ nữ ghi chép theo dõi phụ nữ thực hiện phong trào thi đua qua hệ thống sổ sách; tổ chức cho hội viªn, phụ nữ đăng ký thi đuabổ sung vào dịp 8/3; gắn kết với c¸c hoạt động nhân kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc.

Qua kiểm tra kết quả triển khai thực hiện phong trào thi đua, Đoàn Chủ tịch TW Hội đã đôn đốc một số tỉnh triển khai thực hiện PTTĐ còn chậm và chưa mở rộng tổ chức cho đối tượng phụ nữ đăng ký thực hiện; thống nhất hệ thống sổ sách theo dõi PTTĐ ở cơ sở và chi Hội; tăng cường chỉ đạo lồng ghép phong trào thi đua của Hội với Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh...Việc chỉ đạo cụ thể, có kiểm tra, rút kinh nghiệm kịp thời từ Trung ương đã góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả triển khai thực hiện phong trào thi đua ở các cấp Hội trong cả nước. Đến nay, đã có trên 90% cơ sở Hội tổ chức quán triệt, phổ biến nội dung phong trào thi đua tới cán bộ, hội viên và đã có 80% cán bộ, hội viên đăng ký thực hiện.

2. Nhiệm vụ 1: Nâng cao nhận thức, trình độ, năng lực của phụ nữ đáp ứng yêu cầu tình hình mới; xây dựng người phụ nữ Việt Nam có sức khoẻ, có tri thức, kỹ năng nghề nghiệp, năng động, sáng tạo, có lối sống văn hoá, có lòng nhân hậu.

Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”:Sau sơ kết một năm thực hiện Cuộc vận động, căn cứ hướng dẫn của Ban Chỉ đạo TW Đảng, Trung ương Hội đã kiện toàn Ban chỉ đạo cuộc vận động và tập trung chỉ đạo: chọn điểm chỉ đạo ở 6 tỉnh, xây dựng tài liệu sinh hoạt hội viên quý 2, quý 3/2008 về nội dung cuộc vận động và thực hành tiết kiệm chống tham ô, lãng phí. Các cấp Hội xây dựng tài liệu, rà soát, sửa đổi, bổ sung các nội quy, quy chế, quy định cụ thể của cơ quan/đơn vị, công khai thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở trong cơ quan chuyên trách các cấp Hội nhằm vận động cán bộ hội viên tích cực rèn luyện, tu dưỡng theo tiêu chuẩn khung về đạo đức lối sống, thực hiện tốt việc tiết kiệm và thay đổi lề lối làm việc khoa học. Cử cán bộ, hội viên tham gia hội thi kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh tổ chức ở các địa phương, tỷ lệ báo cáo viên là nữ chiếm ưu thế và đạt giải cao ở Hội thi các cấp thể hiện tình cảm biết ơn trân trọng đối với Bác Hồ và thể hiện tinh thần trách nhiệm hưởng ứng thực hiện cuộc vận động của phụ nữViệt Nam.

Nhìn chung, các cấp Hội đã triển khai sâu rộng cuộc vận động đến cơ sở và đạt được một số kết quả bước đầu đáng ghi nhận. Tổ chức nhiều hình thức hoạt động nhằm đẩy mạnh tính tự giác của mỗi cán bộ, hội viên, tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn. Cán bộ, hội viên, phụ nữđã hưởng ứng thực hiện làm theo bằng những hành động cụ thể, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Nhiều mô hình tiết kiệm thiết thực đã được phát động mới hoặc tiếp tục duy trì ở nhiều địa phương như tăng tiền tiết kiệm trong các nhóm PNTK, tiết kiệm chi tiêu điện nước, đã xuất hiện một số mô hình hay như: hũ gạo, ống tiền tiết kiệm trong mỗi gia đình hội viên ở Tân Kỳ, Nghệ An; hũ gạo tiết kiệm tình thương cho phụ nữnghèo tại mỗi máy xay xát ở Quảng Ngãi… gắn kết cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh với đời sống của phụ nữ ở cơ sở một cách thiết thực. Đặc biệt, cơ quan chuyên trách Hội ở địa phương đã thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí, cải tiến lề lối làm việc thu được kết quả cụ thể, nhiều đơn vị đã được cấp uỷ đánh giá, ghi nhận và khen thưởng.

Thực hiện kế hoạch toàn khoá, Trung ương Hội đã tập trung xây dựng dự thảo Đề án Tuyên truyền giáo dục phẩm chất đạo đức cho phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH – HĐH đất nước; đề xuất và được Ban Bí thư đồng ý và xây dựng xong Đề án cấp báo Phụ nữ Việt Nam miễn phí cho Hội LHPN xã đặc biệt khó khăn và chi hội thôn, bản thuộc xã đặc biệt khó khăn trình Hội đồng thẩm định của Bộ, ngành liene quan và Chính phủ phê duyệt, thực hiện thí điểm từ năm 2009. Một số tỉnh đã triển khai thực hiện Kế hoạch xây dựng tủ sách báo và xây dựng Đề án nâng cao chất lượng đội ngũ tuyên truyền viên của Hội và đang triển khai thực hiện.

Kỷ niệm 98 năm ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, 1968 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng, Đoàn Chủ tịch TW HộiLHPN Việt Nam tổ chức nhiều hoạt động như: tổ chức Lễ kỷ niệm, tổ chức triển lãm chuyên đề “Đồng chí Nguyễn Thị Thập – Cuộc đời và sự nghiệp” nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của đồng chí Nguyễn Thị Thập - Cố Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam; tổ chức Lễ truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho anh hùng liệt sĩ Hoàng Ngân – Bí thư Trung ương đoàn phụ nữ cứu quốc; tổ chức cuộc gặp mặt các đồng chí lãnh đạo là trưởng/phó Ban Dân vận tỉnh/thành uỷ và đại biểu nữ dự Hội nghị công tác Dân vận toàn quốc; tổ chức gặp mặt các nữ đại biểu Quốc hội khoá XII tại kỳ họp thứ ba. Tại các địa phương, các cấp Hội đã tổ chức nhiều hoạt động với nội dung, hình thức phong phú: gặp mặt, toạ đàm, hội thảo, hội thi, nói chuyện chuyên đề, giao lưu văn hoá - văn nghệ… đã có tác dụng lớn trong tuyên truyền giáo dục và thu hút sự quan tâm của xã hội.

3. Nhiệm vụ 2: Tham gia xây dựng, phản biện xã hội và giám sát việc thực hiện luật pháp, chính sách về Bình đẳng giới.

Nhiệm vụ 2 được xác định là một nhiệm vụ có nhiều điểm mới và tương đối khó thực hiện trong nhiệm kỳ này. Vì vậy, trong quá trình tập huấn tập huấn triển khai Nghị quyết Đại hội, Trung ương Hội đã cố gắng cụ thể hoá nhiệm vụ này.

Các hoạt động tham gia xây dựng và phản biện văn bản quy phạm pháp luật, giám sát việc thực hiện pháp luật về bình đẳng giới (chủ yếu là tham gia xây dựng các văn bản của Trung ương) trong 6 tháng đầu năm đã từng bước nâng cao vai trò đại diện của Hội LHPN Việt Nam: tham gia ý kiến xây dựng Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân; tổ chức hội thảo lấy ý kiến tham vấn xây dựng các dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Bình đẳng giới và Luật Phòng chống bạo lực gia đình, góp ý lồng ghép giới vào dự thảo Luật Người cao tuổi; Thông tư liên tịch hướng dẫn thi hành hoạt động hỗ trợ kết hôn có yếu tố nước ngoài và các văn bản quy phạm pháp luật khác. Tổ chức các Hội thảo xây dựng mô hình giám sát; xây dựng đề cương bộ chỉ số giám sát thực hiện Nghị quyết 11, Luật Bình đẳng giới...

Các hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật tiếp tục được củng cố và đẩy mạnh từ trung ương tới địa phương, nâng cao về chất lượng nội dung và đổi mới về hình thức nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền, phổ biến. Trung ương Hội tiến hành kiện toàn Hội đồng phổ biến giáo dục pháp luật, tham gia Ban soạn thảo Đề án phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân nông thôn và dân tộc thiểu số thuộc Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật của Chính phủ giai đoạn 2008 – 2012. Cung cấp 30 ngàn bản tin pháp luật cho 100% xã, phường, thị trấn sử dụng làm tài liệu sinh hoạt hội viên đã có tác dụng bổ sung tài liệu cho các cơ sở Hội tuyên truyền giáo dục pháp luật cho hội viên, phụ nữ trong các buổi sinh hoạt chi, tổ Hội. Một số tỉnh tổ chức tập huấn kỹ năng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đội ngũ báo cáo viên.

Đặc biệt, các cấp Hội tích cực tham mưu cho các cấp uỷ Đảngtriển khai thực hiện Nghị quyết 11- NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh CNH - HĐH đất nước. Trên cơ sở tài liệu nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết và chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 11, Đoàn Chủ tịch TW Hội đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương ra văn bản hướng dẫn triển khai tổ chức thực hiện nghị quyết đến cấp cơ sở. Các tỉnh/thành Hội chủ động tham mưu cho cấp uỷ xây dựng kế hoạch, chương trình hành động triển khai nghị quyết đến cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp và cán bộ, đảng viên. Nhiều tỉnh/thành uỷ đã coi chỉ tiêu về cán bộ nữ và đảng viên nữ là tiêu chí thi đua của cấp uỷ Đảng, tập trung cho công tác cán bộ nữ như đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, năng lực, hỗ trợ phụ nữ xoá đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng, xây dựng gia đình hạnh phúc... Đến nay, 62/64 tỉnh, thành uỷ đã ban hành chỉ thị, kế hoạch, chương trình hành động thực hiện nghị quyết 11,một số tỉnh có Đề án về công tác cán bộ nữ giai đoạn 2005-2010, đề án đào tạo bồi dưỡng cán bộ nữ cấp huyện, xã và đề án Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế gia đình, xây dựng Chương trình đào tạo cán bộ công chức, viên chức nữ giai đoạn 2006 - 2010. Cấp uỷ một số nơi đã quan tâm công tác quy hoạch cán bộ nữ lãnh đạo quản lý, có nơi cấp ủy chỉ duyệt quy hoạch với điều kiện đảm bảo đủ cơ cấu tỷ lệ nữ theo quy định, mạnh dạn thực hiện đề bạt vượt cấp, hoặc đề bạt giữ các chức vụ chủ chốt cấp tỉnh đối với cán bộ nữ có năng lực và đủ tiêu chuẩn.

Công tác tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, giải quyết đơn thư và hoà giải ở cơ sở được các cấp Hội phối hợp với các ngành chức năng giải quyết theo đúng luật định. 6 tháng đầu năm 2008, các cấp Hội đã nhận được 7016 đơn thư, đã phối hợp giải quyết 2789 đơn, chuyển các ngành chức năng giải quyết 438 đơn; 12 tỉnh/thành Hội đã đưa Trung tâm tư vấn pháp lý vào hoạt động; tham gia hoà giải thành công 12.707 vụ việc ở cơ sở góp phần bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của phụ nữ.

4. Nhiệm vụ 3: Hỗ trợ phụ nữphát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập.

Hoạt động hỗ trợ phụ nữphát triển kinh tế được các cấp Hội từ TW đến địa phương bám sát các chỉ tiêu nhiệm kỳ để triển khai thực hiện, tiếp tục quan tâm chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm. Đến nay, hầu hết các tỉnh/thành Hội đã tiến hành hoặc phối hợp với các Ban, ngành chức năng tiến hành khảo sát các hộ đói nghèo, lập danh sách hộ nghèo do phụ nữ làm chủ, đồng thời chỉ đạo các cơ sở lập kế hoạch cụ thể phân công giúp đỡ cho từng hộ nghèo theo địa bàn dân cư với nhiều hình thức: cho vay vốn, giống phát triển sản xuất; thực hiện Ngày tiết kiệm vì phụ nữ nghèo; thành lập mới tổ tín dụng tiết kiệm; đóng góp xây dựng nhà tình thương; phối hợp với Trung tâm khuyến nông, khuyến ngư tổ chức tập huấn chuyển giao tiến bộ KHKT; giới thiệu việc làm, đẩy mạnh phong trào giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ. Đặc biệt, trong bối cảnh giá cả tăng cao và ảnh hưởng của thời tiết, các cấp Hội đã tập trung giúp phụ nữ nghèo đặc biệt là phụ nữ nghèo làm chủ hộ ổn định cuộc sống. Tiếp tục triển khai chương trình Hỗ trợ Phụ nữ khuyết tật năm 2008 với nhiều hoạt động như dạy nghề cho phụ nữ khuyết tật, thành lập các nhóm Phụ nữ tự lực, tập huấn kiến thức, kỹ năng cho phụ nữ khuyết tật nòng cốt.

Phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình” tiếp tục được các cấp Hội triển khai, đẩy mạnh dưới các hình thức vận động chị em giúp nhau ngày công, cây con giống, quyên góp xoá nhà tạm, nhà tranh tre dột nát cho phụ nữ nghèo... 6 tháng đầu năm đã xoá được và sửa chữa được 95 nhà tranh tre, xây dựng được 113 nhà tình thương, 31 nhà tình nghĩa (báo cáo của 55 tỉnh/thành Hội).

Hoạt động tín dụng được các cấp Hội duy trì thông qua khai thác và sử dụng các nguồn vốn Ngân hàng Chính sách - Xã hội, Ngân hàng NN&PTNT, Quỹ quốc gia giải quyết việc làm, các dự án quốc tế và nguồn vốn tự huy động qua các tổ nhóm tín dụng tiết kiệm. Tăng cường chỉ đạo, giám sát việc thực hiện hoạt động uỷ thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đến nay, Hội LHPN Việt Nam tiếp tục là một trong những đơn vị nhận uỷ thác lớn nhất của Ngân hàng Chính sách xã hội (dư nợ tăng trên 3000 tỷ đồng so với năm 2007 và tỷ lệ nợ quá hạn thấp 0,92% thấp hơn năm 2007).

Trong 6 tháng đầu năm Quỹ Hỗ trợ phụ nữ nghèo đã giải ngân được 38 tỉ đồng cho 24 tỉnh/thành, giải ngân cho 8.593 thành viên được vay số tiền trung bình từ 3-5 triệu đồng/thành viên ở 450 tổ, nhóm, chủ yếu đầu tư vào chăn nuôi trồng trọt, trồng rừng, buôn bán nhỏ và làm nghề phụ. Số vốn còn lại 2 tỉ đồng, đã được Đoàn Chủ tịch phân bổ cho tỉnh Đồng Tháp để thực hiện chỉ đạo điểm về xoá đói giảm nghèo và vấn đề phụ nữ kết hôn với người nước ngoài.

Hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nữ tiếp tục được duy trì và phát triển. Trung ương Hội phối hợp trao giải Bông hồng vàng năm 2007 cho 36 nữ doanh nhân có thành tích xuất sắc trong năm và tặng bằng khen cho 95 nữ doanh nhân tiêu biểu. Hội LHPN thành phố Hà Nội phối hợp với Mạng lưới nữ doanh nhân và Câu lạc bộ doanh nghiệp Hà Nội tổ chức thành lập Hiệp hội nữ doanh nhân Hà Nội.

Trong công tác dạy nghề, giải quyết việc làm, 6 tháng đầu năm các cấp Hội đã tổ chức tư vấn giới thiệu việc làm cho 11.916 người, giới thiệu việc làm cho 5.227 người, số người có việc làm ổn định là 3.957 người (báo cáo của 55 tỉnh). TW Hội đã tập trung xây dựng dự thảo Đề án đào tạo nghề cho phụ nữ; chuẩn bị các hoạt động cho Hội nghị tổng kết 5 năm công tác dạy nghề và giới thiệu việc làm; hướng dẫn các tỉnh/thành Hội xây dựng đề án Dạy nghề cho lao động nông thôn năm 2008. Trung tâm dạy nghề, giới thiệu việc làm của các tỉnh/thành Hội duy trì các khoá đào tạo về những ngành nghề truyền thống và ngành nghề mới dưới hình thức đào tạo ngắn hạn, dài hạn, tại trung tâm hoặc các lớp dạy nghề lưu động.

5. Nhiệm vụ 4: Hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.

Hoạt động hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc đã được các cấp Hội tập trung vào một số trọng tâm cơ bản: chỉ đạo, tổ chức phát động cuộc vận động Phụ nữ cả nước thực hiện VSATTP vì sức khoẻ gia đình và cộng đồng; tuyên truyền giới thiệu nội dung Luật Phòng chống bạo lực gia đình; xây dựng dự thảo Đề án truyền thông thay đổi hành vi của 5 triệu bà mẹ về nuôi dạy con; đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 07 của Ban Chấp hành TƯ Hội khoá IX về một số vấn đề xã hội bức xúc liên quan đến phụ nữ và trẻ em gái; phối hợp với ngành Công an triển khai thực hiện Nghị quyết liên tịch 01 giai đoạn 2008 - 2012; đánh giá kết quả thực hiện Chương trình hành động của Hội thực hiện Chiến lược quốc gia về DS – KHHGĐ…

Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam về thực hiện cuộc vận động “Phụ nữcả nước thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm vì sức khoẻ gia đình và cộng đồng”, 51/64 tỉnh/thành Hội đã tổ chức Lễ phát động trong dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 với sự tham gia của 24.367 người; có 203 quận, huyện tổ chức Lễ phát động. Các cấp Hội đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú: 3.286 tin, bài phóng sự được đăng tải trên kênh thông tin đại chúng của địa phương; 75.766 tờ rơi đã được cung cấp từ Trung ương đến tỉnh; in mũ tuyên truyền; lồng ghép tuyên truyền, huớng dẫn trong hội thi, các buổi sinh hoạt nhóm, câu lạc bộ, chi, tổ phụ nữ; đăng ký xây dựng mô hình sản xuất, chế biến lương thực, thực phẩm sạch, quán cơm an toàn, bếp ăn an toàn, giữ gìn vệ sinh, phòng chống các dịch bệnh. Đến nay, cuộc vận động Phụ nữ cả nước thực hiện VSATTP vì sức khoẻ gia đình và cộng đồng do TW phát động bước đầu đã có tác dụng thiết thực, góp phần nâng cao nhận thức bảo vệ sức khỏe cho gia đình, cho phụ nữ và cộng đồng.

Đẩy mạnh công tác truyền thông về Luật phòng chống bạo lực gia đình; chăm sóc sức khoẻ phụ nữ và gia đình như phòng chống suy dinh dưỡng, lao, sốt rét, tác hại của thuốc lá; vận động trẻ em bỏ học trở lại trường; vệ sinh môi trường; Công tác phòng chống tệ nạn xã hội được các cấp Hội tiếp tục duy trì và triển khai thực hiện. Các tỉnh tổ chức Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm thực hiện Nghị quyết liên tịch số 01 về “Quản lý, giáo dục con em trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội”; thực hiện Đề án “Tuyên truyền, giáo dục trong cộng đồng về phòng chống, tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em” giai đoạn II.

Các hoạt động hậu phương quân đội, nhân đạo từ thiện tiếp tục được duy trì dưới các hình thức: vận động tân binh lên đường nhập ngũ; thăm hỏi, tặng quà tân binh, các gia đình chính sách với tổng số tiền, quà trị giá hơn 1,4 tỷ đồng, giúp đỡ các gia đình chính sách trên 3,4 tỷ; giúp 1845 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn với số tiền 614 triệu đồng. Kỷ niệm 61 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ, 40 năm chiến thắng ngã ba Đồng Lộc, TW Hội đã tặng 5 sổ tiết kiệm trị giá 10 triệu đồng cho 5 phụ nữ TNXP có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của tỉnh Hà Tĩnh; thăm tặng quà trung tâm nuôi dưỡng thương binh nặng các tỉnh Thanh Hoá, các gia đình chính sách. Mẹ Việt Nam anh hùng ở 11 tỉnh/thành trị giá gần 40 triệu đồng.

6. Nhiệm vụ 5: Xây dựng, phát triển tổ chức Hội vững mạnh

Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu PNTQ lần thứ X và Nghị quyết số 10/NQ-TW của Ban Chấp hành TW Đảng khoá X về đổi mới kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan Đảng, định hướng về đổi mới bộ máy nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, trên cơ sở Kế hoạch hoạt động toàn khoá của Hội, trong 6 tháng đầu năm, Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam tập trung đầu tư xây dựng và ban hành Hướng dẫn thực hiện Điều lệ Hội; xây dựng Đề án kiện toàn tổ chức bộ máy cơ quan Trung ương Hội nhiệm kỳ 2007-2012; Hướng dẫn thực hiện điều 5 Điều lệ Hội LHPN Việt Nam giữa Đoàn Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam với Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Triển khai nghiên cứu, xây dựng, hoàn thành các đề án quan trọng thực hiện Nghị quyết Đại hội về xây dựng, phát triển tổ chức Hội.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hội đợc quan tâm chỉ đạo bằng nhiều hình thức: Trường cán bộ phụ nữTW tăng cường mở rộng hoạt động liên kết với các địa phương đào tạo nâng cao trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ cơ sở; xây dựng chương trình, giáo trình, tài liệu của trường. Các cấp Hội đã tổ chức tập huấn cho cán bộ Hội cơ sở. Nội dung đào tạo kết hợp đào tạo lý luận chính trị với bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Hội và các kiến thức kỹ năng theo chuyên đề, tập trung vào các chuyên đề mới và khó với các cấp Hội như giám sát thực hiện luật pháp, chính sách, quản lý hội viên… Đặc biệt, Đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hội chủ chốt cấp huyện và xã đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện chỉ tiêu nhiệm kỳ về đào tạo, bồi dưỡngcán bộ chủ chốt cấp huyện, cơ sở đảm bảo tiêu chuẩn theo chức danh.

Công tác vận động phụ nữdân tộc, tôn giáo trong 6 tháng qua tập trung vào: tập huấn nâng cao năng lực, kiến thức cho cán bộ Hội vùng dân tộc thiểu số và tôn giáo; chỉ đạo kịp thời cấp Hội một số địa phương tham gia điểm nóng liên quan đến phụ nữdân tộc thiểu số, tôn giáo; hướng dẫn hoạt động của Hội phụ nữ trong dịp lễ phật đản và mùa an cư kiết hạ; xây dựng lực lượng hội viên nòng cốt có hiệu quả, quan tâm chăm lo đời sống phụ nữnghèo dân tộc thiểu số, tôn giáo bằng nhiều hình thức thiết thực với từng địa bàn.

Các địa phương đã tập trung chỉ đạo nâng chất lượng hoạt động của tổ chức cơ sở Hội; tiếp tục vận động phát triển hội viên trong các gia đình có phụ nữ 18 tuổi trở lên; đa dạng loại hình tập hợp, tăng tỷ lệ tập hợp hội viên. Trong 6 tháng, đã kết nạp mới 147.865 hội viên (báo cáo của 49 tỉnh).

Các tỉnh/thành Hội đã tập trung triển khai thực hiện Điều lệ Hội, phần lớn các chi, tổ Hội duy trì sinh hoạt định kỳ thường xuyên, tỷ lệ hội viên tham gia đóng hội phí đạt tương đối cao theo quy định của Điều lệ. Các cấp Hội chú trọng việc xây dựng Quỹ Hội góp phần chăm lo đời sống cho hội viên và tổ chức các hoạt động của Hội. Nhiều tỉnh/thành Hội đã tiến hành thực hiện công tác kiểm tra và tự kiểm tra theo kế hoạch đề ra, lồng ghép kiểm tra triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội, thực hiện Điều lệ và quản lý các nguồn vốn vay. Tại nhiều tỉnh/thành, các cấp Hội đã duy trì tốt chế độ giao ban phản ánh tình hình hoạt động theo định kỳ.

7. Nhiệm vụ 6: Mở rộng quan hệ và hợp tác quốc tế vì Bình đẳng, phát triển và hoà bình.

Trong 6 tháng đầu năm, các hoạt động đối ngoại của Hội đã không ngừng được phát triển với nhiều hoạt động đa dạng và khá sôi động. Các hoạt động hữu nghị, hợp tác với Lào, Cămpuchia, Trung Quốc...tiếp tục được đẩy mạnh. TW Hội đã tổ chức Cuộc họp đánh giá 5 năm thực hiện Văn bản Hợp tác giữa Hội LHPN VN và Hội PN Campuchia vì Hoà bình và Phát triển tại TP Hồ Chí Minh. Đây là một trong những hoạt động có ý nghĩa chính trị quan trọng góp phần thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng. Đại diện lãnh đạo Hội đã tham gia đoàn đại biểu Việt Nam thăm hữu nghị Lào do PCT nước Nguyễn Thị Doan dẫn đầu.Đặc biệt, tại một số tỉnh có đường biên giới với Trung Quốc, Lào, Campuchia, Hội phụ nữ các cấp đều chủ động và linh hoạt trong quan hệ ngoại giao với các nước láng giềng, phối hợp phòng chống buôn bán phụ nữtrẻ em.

Trước những tổn thất do trận động đất ngày 12/5 ở Trung Quốc và trận bão Nagris ở Myanma, Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội đã gửi điện chia buồn tới Hội Liên hiệp Phụ nữ Toàn quốc Trung Hoa và Liên đoàn các Vấn đề Phụ nữ Myanma, vận động cán bộ Trung ương Hội quyên góp ủng hộ cho nạn nhân.

Hoạt động đối ngoại nổi bật và đáng chú ý là việc Hội tổ chức thành công một số Hội nghị, Hội thảo Quốc tế như Cuộc họp với Ngoại giao đoàn và các nhà tài trợ quốc tế nhân ngày 8/3/2008 và Hội thảo phối hợp với UNESCAP và Hội người Cao tuổi Việt nam “Bảo trợ xã hội-An toàn sức khoẻ đáp ứng giới cho người cao tuổi”. Phối hợp với VCCI đăng cai tổ chức thành công Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ Toàn cầu lần thứ 18 tại Hà Nội. Các hội nghị, hội thảo được tổ chức đã giúp cho các nhà tài trợ, bạn bè quốc tế hiểu thêm về Việt Nam và phụ nữ Việt Nam.

Các cấp Hội từ Trung ương đến địa phương đã chủ động khai thác và quản lý có hiệu quả các dự án hợp tác quốc tế về chăm sóc sức khoẻ, phòng chống và giảm thiểu tác hại HIV/AIDS, thúc đẩy bình đẳng giới, nâng cao đời sống tinh thần cho phụ nữ, qua đó có tác dụng chăm lo lợi ích thiết thực cho phụ nữ, trẻ em gái và các đối tượng đặc thù. Trong 6 tháng đầu năm 2008, TW Hội đã vận động được 03 dự án/hoạt động với tổng kinh phí 115.200 USD và 1.000 Euro. Số lượng dự án và giá trị tài trợ thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái (06 dự án với tổng kinh phí 1.167.166 USD). Hoạt động trao đổi đoàn vẫn diễn ra với 14 đoàn vào (32 lượt khách) và 37 đoàn ra (72 lượt cán bộ). Các cuộc tiếp khách tại Hội là 63 cuộc với 226 lượt khách. Đáng chú ý là nhân Hội nghị thượng đỉnh phụ nữ toàn cầu đã có nhiều đoàn đại biểu đại diện Bộ Phụ nữ và tổ chức phụ nữ của một số nước đến thăm và tìm hiểu hoạt động của Hội.

III. ĐÁNH GIÁ CHUNG:

Nhận thức được ý nghĩa quan trọng của 6 tháng đầu năm 2008 trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu PNTQ lần thứ X và những năm tiếp theo, Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội đã chỉ đạo các ban chuyên môn TW bám sát Nghị quyết Hội nghị lần thứ hai và Kế hoạch hoạt động toàn khoá của Ban Chấp hành Trung ương Hội khoá X, khẩn trương hoàn tất hệ thống văn bản cụ thể hoá triển khai thực hiện Nghị quyết: kế hoạch, hướng dẫn, chương trình, đề án…Hoàn thiện các văn bản hướng dẫn kịp thời, theo hướng cụ thể, rõ ràng, dễ thực hiện; tập trung vào những vấn đề quan trọng như: xây dựng các đề án trong đó có Đề án thực hiện thí điểm cấp báo Phụ nữ Việt Nam miễn phí tới các chi Hội, Hội LHPN các xã đặc biệt khó khăn; tham mưu với Ban Bí thư chỉ đạo Ban Tổ chức Trung ương phối hợp với Đảng Đoàn TW Hội đánh giá công tác cán bộ nữ...

Các tỉnh, thành Hội và đơn vị trực thuộc đã nghiêm túc, đầu tư tập trung chỉ đạo dứt điểm việc phổ biến, quán triệt học tập, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu PNTQ lần thứ X tới cán bộ, hội viên, phụ nữcả nước và chỉ đạo thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm của Hội theo hướng tiếp tục đầu tư và hướng mạnh về cơ sở,gắn hoạt động của Hội với thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương; tích cực tham gia kìm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội, tăng cường công tác tuyên truyền ổn định tư tưởng và chăm lo đời sống của chị em, chú trọng tổ chức các hoạt động hỗ trợ phụ nữphát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập, nhất là hỗ trợ XĐGN cho phụ nữ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn. Tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn các cấp Hội trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội kịp thời phát hiện những khó khăn, bất cập, điều chỉnh chỉ đạo trong các cấp Hội cả nước.

Những khó khăn, tồn tại và những vấn đề đặt ra:

- Trước những diễn biến bất thường của nền kinh tế, lạm phát và biến động về giá cả nhưng các cấp Hội chưa thực sự chủ động trong việc giám sát, đề xuất với cấp uỷ, chính quyền địa phương có những biện pháp cụ thể hỗ trợ sản xuất, chăm lo đời sống của người dân trong đó có phụ nữ.

- Việc đầu tư chỉ đạo để có các mô hình, việc làm cụ thể thiết thực làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh còn hạn chế, chưa có nhiều mô hình sáng tạo, chưa phổ biến nhân rộng các điển hình.

- Trong triển khai thực hiện Chương trình hành động của Hội LHPN Việt Nam thực hiện Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị, một số tỉnh, thành Hội chưa chủ động tham mưu, đề xuất với cấp uỷ để chỉ đạo thực hiện kịp thời, thậm chí đến đầu tháng 6/2008 vẫn còn cấp uỷ địa phương chưa ban hành chương trình thực hiện Nghị quyết.

- Trong tình hình thay đổi về bộ máy của ngành dân số, khi tỷ lệ tăng dân số và tỷ lệ sinh con thứ ba có hiện tượng tăng khá mạnh ở nhiều địa phương nhưng các cấp Hội chưa quan tâm đầu tư chỉ đạo công tác tuyên truyền vận động phụ nữ thực hiện DS - KHHGĐ.

- Việc xây dựng mô hình mới thu hút tập hợp hội viên, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh ở cơ sở còn nhiều khó khăn: thu hút phụ nữ ở lứa tuổi thanh niên và phụ nữ cao tuổi (trên 55 tuổi), duy trì và nhân rộng mô hình...

- Sau các hội nghị chuyên đề, Trung ương Hội chậm hoàn thiện và ban hành văn bản chính thức để thực hiện thống nhất trong cả nước.

- Công tác tổng hợp, thông tin, báo cáo của một số ban, đơn vị Trung ương Hội, một số ít tỉnh/thành, đơn vị chưa được quan tâm đúng mức, mặc dù Đoàn Chủ tịch đã ban hành quy định về công tác thông tin báo cáo trong hệ thống Hội LHPN Việt Nam nhiệm kỳ 2007 – 2012 nhưng vẫn còn không ít đơn vị báo cáo chậm, thiếu thông tin làm ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng công tác tổng hợp chung của Hội. Có 13 tỉnh, thành Hội và đơn vị không báo cáo tự kiểm tra về việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu PNTQ lần thứ X theo yêu cầu của Đoàn Chủ tịch.

 

Phần thứ hai

CÁC NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM 6 THÁNG CUỐI NĂM 2008


Căn cứ vào tình hình kinh tế - xã hội của đất nước, thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, trên cơ sở Kế hoạch hoạt động toàn khoá của các cấp Hội, Đoàn Chủ tịch đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

1. Tập trung chỉ đạo các cấp Hội nghiêm túc thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng và Nhà nước về kinh tế - xã hội nhằm góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng bền vững và ổn định an sinh xã hội.

- Tăng cường vận động cán bộ, hội viên phụ nữ gương mẫu thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong sản xuất, tiêu dùng theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

- Phát động cuộc vận động hỗ trợ, xây dựng, sửa chữa Mái ấm tình thương cho phụ nữ đơn thân, khuyết tật, phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (trong 6 tháng cuối năm, mỗi tỉnh, thành Hội, đơn vị trực thuộc hỗ trợ, xây dựng, sửa chữa ít nhất 2 nhà, với số tiền ít nhất 10 triệu đồng/nhà).

- Chỉ đạo các tỉnh, thành tổ chức giám sát việc thực hiện chính sách an sinh xã hội phù hợp. Mỗi tỉnh, thành chọn ít nhất một nội dung, chính sách liên quan đến phụ nữ, trẻ em để giám sát và có kiến nghị, đề xuất cụ thể.

2. Tập trung triển khai tổ chức các hoạt động tại các điểm chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu PNTQ lần thứ X, kịp thời rút kinh nghiệm, phổ biến nhân rộng trong cả nước.

3. Đẩy mạnh chỉ đạo thực hiện phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” gắn với thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh“.

4. Tập trung thực hiện có hiệu quả 6 nhiệm vụ trọng tâm:

Nhiệm vụ 1:

- Tổ chức phổ biến, xây dựng và triển khai chương trình hành động thực hiện các Nghị quyết của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành TW khóa X về công tác thanh niên, về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ CNH - HĐH; về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

- Tiếp tục tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, luật pháp của Nhà nước tập trung vào các nội dung: Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị về Công tác phụ nữthời kỳ CNH - HĐH đất nước; Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Nghị quyết 32 của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông.

- Hoàn thiện việc xây dựng Đề án tuyên truyền giáo dục phẩm chất đạo đức cho phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH - HĐH đất nước.

- Xây dựng và triển khai thực hiện Đề án biên soạn Lịch sử Hội LHPN Việt Nam.

- Triển khai thực hiện Đề án “Tuyên truyền, giáo dục cộng đồng phòng chống tội phạm buôn bán phụ nữtrẻ em” giai đoạn II (2008 - 2010).

Nhiệm vụ 2.

- Nghiên cứu biên soạn tài liệu tập huấn kiến thức, kỹ năng phản biện xã hội. Chỉ đạo các cấp Hội địa phương thí điểm thực hiện hoạt động phản biện xã hội. Ban Chấp hành Trung ương Hội bàn chuyên đề về thực hiện giám sát, phản biện.

- Phối hợp Ban Tổ chức Trung ương Đảng tiến hành khảo sát đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TW tại 13 tỉnh, thành và 5 bộ, ngành theo kế hoạch 4268-CV/BTCTW. Hoàn thiện việc xây dựng bộ chỉ số giám sát thực hiện Nghị quyết 11 và Luật BĐG trong hệ thống Hội.

- Chỉ đạo các tỉnh, thành Hội, đơn vị trực thuộc phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu cho Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức hội nghị đánh giá 5 năm thực hiện Nghị định 19/2003/NĐ-CP, Trung ương Hội phối hợp với Bộ Nội vụ tham mưu cho Chính phủ tổ chức Hội nghị toàn quốc. Phối hợp sơ kết giữa kỳ thực hiện Kế hoạch hành động Vì sự tiến bộ của phụ nữ đến năm 2010.

- Phối hợp với Bộ Tư pháp tổng kết thực hiện Chương trình phối hợp số 14/2002-CTPH-TP-PN ngày 2/10/2002 về phổ biến giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý cho phụ nữ.

- Tiếp tục thực hiện tốt công tác tư vấn pháp luật, giải quyết đơn thư.

Nhiệm vụ 3:

- Tích cực cùng cấp uỷ, chính quyền, các ngành, các cấp tham gia chống lạm phát kinh tế bằng nhiều hoạt động. Các cấp Hội tập trung chỉ đạo tạo sự chuyển biến rõ rệt trong công tác XĐGN gắn với đẩy mạnh phong trào thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

- Tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ các nguồn vốn cho vay trong hệ thống Hội, tránh thất thoát; tăng cường khai thác tăng từ 3 - 5% vốn so với năm 2007. Triển khai vốn vay xuất khẩu lao động của Ngân hàng Chính sách xã hội tới các tỉnh, thành Hội. Đánh giá mô hình hoạt động TDTK của Hội, đăng ký hoạt động của Quỹ TYM theo tinh thần Nghị định 28/2005/NĐ-CP. Xúc tiến việc nghiên cứu để xây dựng Đề án thành lập Ngân hàng của Hội LHPN Việt Nam.

- Chuẩn bị các nội dung thực hiện cổ phần hoá Công ty Du lịch Hoà Bình (đơn vị trực thuộc của Hội LHPN Việt Nam).

- Hoàn thiện, trình Chính phủ Đề án đào tạo nghề cho phụ nữ.

- Chỉ đạo mô hình phụ nữhợp tác vay vốn, liên kết sản xuất kinh doanh. Tiếp tục phát triển mô hình CLB doanh nghiệp nữ, tập huấn kỹ năng quản lý doanh nghiệp nhỏ cho cán bộ, hội viên, phụ nữở cơ sở theo kế hoạch.

Nhiệm vụ 4:

- Tiếp tục chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 07/NQ-BCH ngày 29/12/2004 của Ban Chấp hành Trung ương Hội LHPN Việt Nam khoá IX về một số vấn đề xã hội bức xúc liên quan đến phụ nữ và trẻ em gái.

- Tuyên truyền vận động cán bộ, hội viên phụ nữ tích cực thực hiện cuộc vận động phụ nữ cả nước thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm do Ban Chấp hành TW Hội phát động, tập trung vào vận động thay đổi hành vi và tổ chức các mô hình phù hợp với từng địa phương.

- Hoàn thiện Đề án truyền thông thay đổi hành vi về cách nuôi dạy con dưới 16 tuổi của 5 triệu bà mẹ. Xây dựng và nhân rộng các mô hình về gia đình phù hợp với các vùng miền, đối tượng: CLB gia đình hạnh phúc, các mô hình dịch vụ gia đình… Đẩy mạnh công tác hướng dẫn thay đổi hành vi về VSMT, chăm sóc SKSS, phòng chống lây nhiễm HIV, trọng tâm là tuyên truyền vận động phụ nữ thực hiện DS – KHHGĐ đạt chỉ tiêu phát triển dân số. Có hình thức biểu dương gia đình ít con, hoà thuận, hiếu thảo ở các cấp.

Nhiệm vụ 5:

- Tập trung chỉ đạo các cấp Hội đổi mới nội dung và phuong thức hoạt động của Hội LHPN Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết 11/NQ-TW của Bộ Chính trị. Tổ chức triển khai thực hiện Đề án kiện toàn tổ chức bộ máy cơ quan TW Hội sau khi được phê duyệt; kiện toàn tổ chức, bộ máy cán bộ Hội chuyên trách các cấp theo hướng dẫn. Triển khai thực hiện Đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chủ chốt Hội LHPN cấp quận/huyện và xã/phường/thị trấn. Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khoá VIII về công tác cán bộ. Tiến hành bình xét danh hiệu Cán bộ Hội cơ sở giỏi năm 2009.

- Tập trung củng cố tổ chức Hội cơ sở, thực hiện đánh giá đúng thực chất xếp loại tổ chức cơ sở Hội theo hướng dẫn mới. Triển khai khảo sát, đánh giá thực trạng một số mô hình thu hút hội viên và sinh hoạt hội trong phụ nữ dân tộc Mông, Hoa, Chăm, Khơme để xem xét, hướng dẫn nhân rộng mô hình có hiệu quả. Xây dựng Đề án và triển khai thành lập Hiệp hội nữ doanh nhân Việt Nam.

- Phối hợp với Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam thống nhất ban hành văn bản liên tịch thống nhất vấn đề quản lý hội viên khối CNVC và lao động.

- Tổ chức Hội thảo nâng cao chất lượng cán bộ Hội phụ nữ cơ sở, xây dựng hội viên nòng cốt và nâng cao chất lượng công tác vận động phụ nữ có tôn giáo. Tiếp tục tập huấn nâng cao kiến thức công tác dân tộc, tôn giáo cho cán bộ Hội các tỉnh, huyện vùng trọng điểm theo khu vực; phối hợp với Ban Tôn giáo Chính phủ đánh giá 3 năm thực hiện Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo trong phụ nữ có đạo theo vùng miền.

- Tổ chức kiểm tra đánh giá hoạt động Hội và phong trào phụ nữnăm 2008 theo các cụm thi đua. Tổ chức Hội nghị BCH TW Hội lần thứ tư vào cuối năm 2008.

Nhiệm vụ 6: Hoàn thiện và ban hành chính thức Quy chế quản lý hoạt động đối ngoại, chiến lược vận động và khai thác tài trợ quốc tế, quy chế quản lý tài trợ quốc tế. Triển khai một số hoạt động về thông tin đối ngoại, đặc biệt là phát hành một số ấn phẩm giới thiệu về nội dung, chương tình hoạt động của Hội nhiệm kỳ 2007 – 2012. Tham dự cuộc họp của Liên đoàn các tổ chức phụ nữASEAN (ACWO) và nhận chức Chủ tịch Liên đoàn theo cơ chế luân phiên. Tiếp tục các hoạt động vận động tài trợ quốc tế. Phối hợp chuẩn bị tổ chức cuộc thi hoa hậu quý bà đẹp và thành đạt năm 2009.

 

Nơi nhận:

- VP TW Đảng, VP Chủ tịch nước, VPCP;

- Ban Dân vận, Ban TC TW;

- UB TW MTTQVN (để báo cáo);

- Uỷ viên ĐCT, Uỷ viên BCH TW Hội;

- Các tỉnh/thành Hội, đơn vị TT, Ban Nữ công

Tổng LĐLĐVN; Các ban, đơn vị TW Hội LHPNVN;

- Lưu VP.

TM. ĐOÀN CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC

(đã ký)

 

 

 

 

ĐẶNG THỊ NGỌC THỊNH

-----------------------------------------
Thông tin liên quan
Hội nghị lần thứ 3 BCH TW Hội LHPN Việt Nam khoá X
TW Hội LHPN Việt Nam.

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video