Bạo lực gia đình: Thách thức không nhỏ

06/09/2006
Tác động tới 20-50% số phụ nữ thế giới, bạo lực gia đình đang là hiện tượng xuyên quốc gia, mang tính toàn cầu.

Đấu tranh ngăn chặn, tiến tới xoá bỏ hoàn toàn các hành vi bạo lực gia đình đối với phụ nữ đã trở thành mối quan tâm của các tổ chức quốc tế cũng như các quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ, trong đó có Việt Nam.

 

Thực trạng báo động

 

Thống kê của Toà án nhân dân tối cao từ ngày 1/1/2000 đến 31/12/2005 cho thấy, Toà án nhân dân các địa phương đã thụ lý và giải quyết sơ thẩm 352.047 vụ việc về lĩnh vực hôn nhân và gia đình, trong đó có tới 186.954 vụ ly hôn do bạo lực gia đình mà hành vi đánh đập ngược đãi chiếm 53,1% trong các nguyên nhân dẫn đến ly hôn.

 

Bạo lực gia đình diễn ra khá phức tạp, chủ yếu là do nam giới gây ra. Nguyên nhân là do tư tưởng phong kiến, độc đoán, gia trưởng, định kiến giới hoặc do ghen tuông, ngoại tình, chồng mắc tệ nạn xã hội hoặc do kinh tế khó khăn, thiếu công ăn việc làm cùng với sự thiếu nhận thức về pháp luật, về bình đẳng nam nữ, các quyền của phụ nữ. Bên cạnh đó, nhận thức của xã hội về bạo lực gia đình còn rất hạn chế. Trong khi người lao động ở nông thôn, nạn bạo hành thường là “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” thì ở thành thị, nạn bạo hành ở các gia đình trí thức diễn ra kín đáo, được nguỵ trang bằng vẻ ngoài đầm ấm, hạnh phúc. Thói quen suy nghĩ đây là “chuyện nội bộ gia đình”, rất ít các trường hợp bạo hành được đưa ra ánh sáng bởi thủ phạm thì đương nhiên phủ nhận, còn nạn nhân lại giấu diếm. Hơn nữa khi các vụ bạo lực gia đình được biết đến thì hình thức xử lý chưa toàn diện, mới chỉ xử lý dưới hình thức truy cứu trách nhiệm hình sự về cố ý gây thương tích cho người khác

 

Hội LHPN vào cuộc

 

Là tổ chức đại diện chăm lo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, Hội LHPN Việt Nam luôn coi bạo lực gia đình là vi phạm pháp luật, vi phạm quyền con người, làm tổn hại đến hạnh phúc gia đình và trái với đạo lý, truyền thống văn hoá của dân tộc. Tại Hội nghị lần thứ 6, BCH Hội LHPN Việt Nam đã ra Nghị quyết 07 về “Một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ và trẻ em gái”, trong đó nhấn mạnh tới việc tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Hội LHPN các cấp về phòng chống bạo lực gia đình. Hội đã tập trung chỉ đạo điểm mô hình tại 8 tỉnh/thành, đồng thời chỉ đạo các mô hình phòng chống bạo lực gia đìnhtại một số địa phương như: Phú Thọ, Thái Bình, Hà Nội, Hà Tĩnh, Quảng Trị….; mô hình phối hợp giữa Hội LHPN và Công an giải quyết các trường hợp bạo lực gia đình tại cộng đồng, từ đó nhân ra diện rộng.

 

Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh dưới nhiều hình thức: truyền thông trực tiếp tại cộng đồng, thành lập, duy trì sinh hoạt trong các CLB, tổ chức giao lưu nói chuyện chuyên đề, hội thi, hội thảo, giao lưu văn hoá, văn nghệ…Nội dung hoạt động gắn liền với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, phong trào xây dựng gia đình văn hoá, lồng ghép với việc thực hiện 3 tiêu chuẩn phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”. Bên cạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, chương trình hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo cũng được các cấp Hội quan tâm chỉ đạo. Thông qua việc tín chấp cho vay vốn, chuyển giao KHKT, dạy nghề, giới thiệu việc làm đã góp phần hạn chế bạo lực do nguyên nhân kinh tế.

 

Cùng với các hoạt động trên, T.W Hội LHPN Việt Nam còn phối hợp với Hội LHPN các tỉnh/thành tiến hành khảo sát, nghiên cứu về bạo lực gia đình; tổ chức các hội thảo lấy ý kiến đóng góp Dự thảo luật phòng chống bạo lực gia đình. Các cấp Hội phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể phát huy vai trò của tổ hoà giải ở cơ sở, giải quyết thành công nhiều vụ mâu thuẫn ngay từ khi mới phát sinh; kiến nghị với TAND tổ chức xét xử lưu động các vụ án tại địa phương nhằm răn đe kịp thời các vụ bạo lực gia đình.

 

Được sự hỗ trợ của Đại sứ quán Phần lan, Hội LHPN Việt Nam đã triển khai dự án “Tăng cường bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình trên cơ sở giới” tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Trị. Qua khảo sát ban đầu tạiHà Tĩnh, nơi đây vẫn còn 3.534 hộ còn có vấn đề về bạo lực gia đình và 1.428 gia đình xảy ra bạo lực.

 

Xuất phát từ thực trạng trên, Ban quản lý dự án các cấp đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho người dân trên địa bàn; tổ chức hàng chục lớp tập huấn cho đội ngũ tuyên truyền viên chủ chốt, cán bộ dự án, tổ trưởng, thành viên ban hoà giải các xã, phường, thị trấn; đặc biệt đã tổ chức các lớp kiến thức giới, quyền của phụnữ và pháp luật phòng chống bạo lực gia đình cho các đối tượng bị bạo lực hoặc bị đối xử bất bình đẳng, đối tượng có hành vi bạo lực, thu hút hàng trăm người tham gia.

 

Các CLB: “Gia đình hạnh phúc”, “Vì sự tiến bộ và hạnh phúc gia đình”, “Bình đẳng giới”… được thành lập mang lại hiệu quả rõ rệt trong việc giảm thiểu số vụ và các hành vi bạo lực gia đình. Tiêu biểu như ở thị trấn Thạch Hà, Hà Tĩnh trước khi triển khai dự án có 37 hộ có hành vi bạo lực, trong đó có 11 hộ xảy ra thường xuyên. Đến nay các hành vi bạo lực trong các gia đình đều giảm, đặc biệt 5 gia đình giảm hẳn. Tương tự, ở xã Thạch Hải, huyện Thạch Hà, tình hình cũng diễn ra tương tự. Trước khi thực hiện dự án, toàn xã có 25 hộ gia đình có bạo lực gia đình, trong đó có 7 hộ xảy ra thường xuyên, hiện tại đều tiến bộ, trong đó có 4 gia đình giảm hẳn. Còn ở xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, trước khi thực hiện dự án có 3 vụ ly hôn do đánh đập vợ, năm 2005 không có vụ nào có đơn lên xã; năm 2004 có 10 chị bị chồng đánh, nay không có chị nào đưa đơn…

 

Để không còn tình trạng bạo lực


Bất bình đẳng giới và bạo lực gia đình trên cơ sở giới là thực tế xã hội tồn tại lâu đời, biểu hiện của nó được coi là một phần giá trị của gia đình truyền thống, vì vậy đây là cuộc đấu tranh không thể một sớm một chiều, đòi hỏi phải có sự nỗ lực, tham gia của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể và cộng đồng xã hội. Cùng với việc chuẩn bị ban hành Luật phòng chống bạo lực gia đình, cần tiến hành đồng thời nhiều hoạt động, đặc biệt là công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của lãnh đạo các cấp về tầm quan trọng của cuộc đấu tranh, ngăn chặn bạo lực gia đình; nâng cao nhận thức cho nhân dân, đặc biệt là phụ nữ về bất bình đẳng giới, nguyên nhân và hậu quả, biểu hiện của bạo lực trong gia đình, đồng thời nâng cao kỹ năng cho cán bộ các ngành, đoàn thể trong việc xử lý các vụ bạo lực gia đình. Bên cạnh đó, bản thân người phụ nữ cũng phải nâng cao năng lực, trình độ, hiểu biết, tự làm chủ trong cuộc sống và có biện pháp phản ứng hợp lý để tự bảo vệ mình, có như vậy thì vấn nạn bạo hành trong gia đình mới có thể được ngăn chặn, đẩy lùi.

Đỗ Hoa - Trung tâm Thông tin

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video