Bệnh sởi

14/02/2006
Sởi là một bệnh truyền nhiễm có tính lây truyền rất cao. Bệnh lây do tiếp xúc trực tiếp với các chất tiết của mũi họng bệnh nhân và đôi khi có thể lây từ những đồ vật mới bị nhiễm bẩn các chất tiết đường mũi họng của bệnh nhân.

Thời kỳ ủ bệnh: Khoảng 10 ngày, nhưng có thể thay đổi từ 7-18 ngày kể từ khi tiếp xúc với nguồn bệnh đến khi bắt đầu sốt, thường là 14 ngày cho đến khi phát ban.

Thời kỳ lây truyền: Bệnh lây trước khi bắt đầu thời kỳ tiền triệu chứng cho đến sau phát ban 4 ngày, ít nhất sau phát ban 2 ngày.

Thời kỳ toàn phát: Bệnh nhân sốt, viêm màng kết mạc, viêm sổ mũi, ho và có nốt koplik ở niêm mạc miệng. Ban đỏ xuất hiện từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 của bệnh. Ban bắt đầu từ mặt, sau lan ra toàn thân và kéo dài 4-7 ngày; đôi khi bệnh kết thúc trong tình trạng tróc vảy. Giảm bạch cầu là triệu chứng phổ biến của bệnh.

Bệnh có diễn biến nặng hơn ở trẻ nhỏ và người lớn. Biến chứng của bệnh có thể do sự nhân lên của virut hoặc do bội nhiễm vi khuẩn bao gồm viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, viêm thanh khí quản và viêm não. Ở những trẻ được nuôi dưỡng kém, bệnh sởi sẽ làm trẻ nhanh chóng bị suy dinh dưỡng cấp tính và thiếu vitamin A trầm trọng dẫn đến mù.

Tất cả những người chưa bị mắc bệnh hoặc chưa được gây miễn dịch đầy đủ đều cảm nhiễm. Miễn dịch được tạo thành sau khi mắc bệnh bền vững. Trẻ sinh ra từ người mẹ đã bị bệnh sởi trước đây sẽ được miễn dịch thụ động do mẹ truyền cho trong khoảng từ 6-9 tháng tuổi hoặc lâu hơn tùy thuộc vào số lượng kháng thể mẹ tồn dư trong thời gian có thai và tỷ lệ giảm kháng thể trong máu mẹ.

Sởi là bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ mắc và tử vong rất cao. Để phòng bệnh sởi, cần cho trẻ em tiêm chủng vacxin. Thời gian tiêm tốt nhất là khi trẻ được 9 -11 tháng tuổi.

Việt Nam phấn đấu loại trừ sởi vào năm 2010

Ở nước ta, từ khi triển khai công tác tiêm chủng mở rộng (TCMR), tỷ lệ mắc và chết do bệnh sởi giảm hẳn. Tuy nhiên từ năm 1997-2000, số mắc sởi hằng năm tăng lên rất nhanh. Cũng trong thời gian này, một số vụ dịch sởi có quy mô vừa và lớn đã xảy ra, nhiều trẻ em trên 5 tuổi cũng bị mắc trong đó có nhiều trẻ đã được tiêm vacxin sởi.

Tình hình cho thấy công tác phòng chống bệnh sởi chỉ bằng tiêm một liều vacxin sởi duy nhất cho trẻ dưới 1 tuổi là không đủ để khống chế một cách bền vững và bệnh sởi vẫn là mối đe dọa cho sức khỏe, tính mạng trẻ em Việt Nam. Do vậy, ngoài một liều vacxin duy nhất tiêm cho trẻ dưới 1 tuổi, các chuyên gia y tế đã kiến nghị với Nhà nước cho trẻ tiêm mũi vacxin phòng sởi thứ 2 ở tuổi lớn hơn.

Ngày 20-7-2001, Chính phủ đã có Chỉ thị số 17/2001/CT-TTg chỉ đạo các tỉnh/thành phố, các bộ, ngành có liên quan triển khai Chiến dịch quốc gia tiêm nhắc mũi 2 vacxin sởi cho trẻ em từ 9 tháng đến 10 tuổi trong toàn quốc để thực hiện mục tiêu loại trừ bệnh sởi ở Việt Nam vào năm 2010. Trong hai năm 2002-2003, cả nước đã có 15.047.047 trẻ 9 tháng đến 10 tuổi được tiêm vacxin phòng sởi, đạt 99%. Sau chiến dịch, số mắc sởi và tỷ lệ mắc/100.000 dân giảm một cách rõ rệt. So với năm 2001, số mắc sởi năm 2004 giảm 57 lần, tỷ lệ mắc sởi/100.000 dân giảm 62 lần.

Cũng trong các năm 2001-2003, về cơ bản các cán bộ làm công tác TCMR ở các tuyến xã, huyện, tỉnh và cán bộ khoa lây bệnh viện các tuyến đã được tập huấn về yêu cầu và kỹ năng giám sát sởi. Hai phòng xét nghiệm sởi chuẩn thức quốc gia và 2 phòng xét nghiệm sởi khu vực hoạt động hiệu quả. Chúng ta cũng đã quản lý số liệu giám sát sởi theo phần mềm của WHO và thường xuyên cập nhật với WHO khu vực Tây Thái Bình Dương.

Việc tiêm nhắc mũi 2 vacxin sởi trong dịch vụ tiêm chủng thường xuyên được lựa chọn cho học sinh lớp 1 (trẻ dưới 6 tuổi). Lúc đầu công việc này được làm thí điểm ở Đà Nẵng và Yên Bái. Nhưng bắt đầu từ năm 2006, cả nước sẽ triển khai tiêm sởi mũi 2 cho trẻ em học lớp 1.

Đối chiếu với chiến lược loại trừ sởi do WHO đề ra, chúng ta đã thực hiện được toàn diện và có hiệu quả, như vậy có thể tin tưởng rằng Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu loại trừ bệnh sởi vào năm 2010 như đã cam kết trước cộng đồng quốc tế.

Theo Sức khỏe & đời sống

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video