Bí mật cuộc đời nữ tiến sĩ đầu tiên làm... dân số

29/08/2010
Đầu tháng 8 năm nay, một dự báo khoa học cho biết, dân số toàn cầu sẽ đạt hơn 7 tỷ người vào năm 2011.

Trước đó, năm 2009, cũng đưa ra dự đoán, thế giới sẽ có khoảng 9,1 tỷ người vào năm 2050. Áp lực dân số đang là mối lo chung của cả nhân loại, đặc biệt là ở châu Á, châu Phi, châu Mỹ Latinh và vùng Caribean.

Thế nhưng, không nhiều người biết được rằng từ những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, đã có một người đàn bà dũng cảm đi tiên phong trong việc giúp phụ nữ đẻ ít, đẻ khoa học để được hưởng cuộc sống công bằng với nam giới. Đó là tiến sĩ Marie Stopes (1880-1958). Dĩ nhiên, thời điểm đó, bà bị khoa học nhìn bằng ánh mắt khác.

Đam mê khoa học

Marie Stopes là người gốc Scotland, sinh trưởng trong gia đình có cả bố và mẹ đều làm khoa học. Cha của bà - Henry Stopes là một nhà khảo cổ học hàng đầu; mẹ - Charlotte Carmichael Stopes là một người nghiên cứu về Shakespear, đồng thời tích cực tham gia các hoạt động đấu tranh đòi quyền bầu cử cho phụ nữ Anh quốc đầu thế kỷ 20.

Sự ảnh hưởng từ cả cha và mẹ đều ngấm vào Marie từ khi còn nhỏ. Ở tuổi niên thiếu, bà đã tuyên bố rằng nghề nghiệp sau này của mình sẽ được chia ra 2 con đường rõ rệt: Một là làm khoa học khảo cổ; Hai là làm những công việc liên quan đến con người và quyền con người. Và quả thật, mọi chuyện đã diễn ra đúng như vậy.

Rời Đại học London chỉ sau 2 năm đèn sách, bà giành một huy chương vàng về nghiên cứu sinh học, là trợ thủ đắc lực trong công trình nghiên cứu mang tính cách mạng của giáo sư Francis Oliver về thực vật cổ và hiện đại vào thời điểm đó. Nhờ vậy, niềm đam mê khoa học của bà như được tiếp lửa. Marie sang Munich (Đức) để tiếp tục theo đuổi ước mơ của mình.

Trở lại Anh năm 1904, bà trở thành Tiến sĩ trẻ nhất Liên hiệp Anh. Đại học Manchester danh tiếng ngay lập tức định mời về làm giảng viên. Tuy nhiên, họ không biết rằng vị tiến sĩ tài ba kia chỉ là một phụ nữ. Sau đó, khi vỡ lẽ, trường đại học này đã lờ đi đề nghị của chính mình.

Năm 1907, viện khoa học danh tiếng nhất Anh quốc là Royal Society đã làm một việc chưa từng có tiền lệ là gửi bà sang Nhật Bản - miền đất khi đó còn hoang sơ, tăm tối so với phương Tây.

Cả Anh quốc xôn xao về chuyến đi của "nữ thám hiểm" gan dạ. Mục đích của chuyến đi là để giải quyết một vấn đề mà 50 năm trước Darwin gọi là "bí ẩn đáng sợ" - Nguồn gốc tiến hóa của hoa. Sau bao nỗ lực, tại đảo Hokkaido, Marie đã tìm ra hóa thạch của loài hoa cổ xưa nhất thế giới. Đây là khám phá cực kỳ quan trọng để giải quyết bế tắc của Darwin.

Tuy nhiên, những điểm nhấn trong sự nghiệp khoa học của Marie không biến bà trở thành một phần của lịch sử. Chính "con đường thứ hai" mà bà tuyên bố khi còn thiếu thời mới thực sự đưa Marie nổi danh khắp thế giới vào thời điểm đó. Nhưng, cái danh đó cũng đầy tranh cãi và điều tiếng bởi lý do đơn giản: Bà là người tiên phong.

Bí mật phòng the và bước ngoặt cuộc đời

Năm 1911, Marie kết hôn với một nhà khoa học, Reginald Gates. Và mọi chuyện cũng từ đây mà ra. Trong một lần đi tìm tài liệu liên quan đến những hóa thạch, Marie vô tình thấy một cái giá trong Bảo tàng Anh quốc, trong đó chứa đầy các loại sách nói về hoạt động tình dục của con người. Lướt qua một chút, bà nhận ra rằng người chồng của mình mắc bệnh liệt dương.

Có thể bạn đọc sẽ khó mà tin được rằng, một nhà khoa học danh tiếng biết rõ về đời sống "tình dục" của thực vật mà lại mù tịt về chuyện phòng the của chính mình. Nhưng đó là sự thực. Bà nữ tiến sĩ khi đó vẫn "nguyên vẹn".  Marie quyết định chấm dứt hôn nhân với chồng. Tại tòa, Reginald Gates lại bẻ ngược sự thật. Ông ta bảo rằng ham muốn tình dục của vợ ở mức bất thường, mang tính bệnh lý, chứ ông ta có thể thỏa mãn nhu cầu của bất kỳ một người phụ nữ bình thường nào.

Từ câu chuyện của cá nhân mình, bà nhận ra rằng: Đến một nhà khoa học như bà còn mù tịt về chuyện chăn gối, còn bị đối xử bất công trong đời sống tình dục thì những người phụ nữ bình thường sẽ bất hạnh đến đâu?

Tại sao kiến thức về sức khỏe sinh sản lại là đặc quyền của nam giới? Với những câu hỏi này trong đầu, Marie đã trở thành người phụ nữ đi tiên phong trong lĩnh vực sức khỏe sinh sản. Năm 1916, bà viết cuốn sách đầu tiên trên thế giới hướng dẫn phụ nữ trong chuyện chăn gối, có tựa đề Married Love - "Tình yêu hôn nhân".

Phải mất 2 năm sau, Marie mới tìm được người để in sách. Tác phẩm của bà bán rất chạy và trở thành "cơn bão" đọc thời bấy giờ. Nó như là một cuộc cách mạng cho nữ giới. Tiếp sau đó, năm 1918, Marie tiếp tục cho ra đời cuốn Wise Parenthood - "Đấng sinh thành thông thái". Cuốn này cũng "đắt hàng" và như một cẩm nang cho các gia đình trong việc kiểm soát sinh đẻ.

Dịch vụ kế hoạch hóa gia đình đầu tiên

Ở những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ 20, khái niệm kiểm soát dân số hầu như chưa định hình trong xã hội loài người, dù ở kiến thức cơ bản cho đến tầm vĩ mô. Và nữ tiến sĩ Marie Stopes đã mở ra cánh cửa lịch sử của công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình khắp thế giới, bất chấp điều tiếng và dư luận xã hội.

Cùng với người chồng thứ hai là Humphrey Roe, năm 1921, Marie lập phòng khám kế hoạch hóa gia đình đầu tiên ở London.  Giới khoa học phản đối dữ dội, vì bà vốn chỉ nghiên cứu cổ sinh học, vì bà thuê y tá chứ không phải bác sĩ tư vấn cho khách hàng, vì bà là... phụ nữ.

Thế là Marie bỗng nhiên trở thành một phụ nữ nổi tiếng và nhiều tai tiếng! Bà bị giới y học và các tổ chức tôn giáo thời đó kiện. Nhưng cũng vì thế mà có nhiều người tò mò tìm đến phòng khám của bà. Bà đã phải mở các dịch vụ lưu động để tư vấn, chăm sóc cho phụ nữ, đặc biệt là đối tượng nghèo. Một lần, dịch vụ của bà đã bị tấn công và đốt phá.

Bất chấp điều tiếng, hiểm nguy, một mạng lưới các phòng khám dịch vụ sức khỏe sinh sản - kế hoạch hóa gia đình của Marie đã được xây dựng ở khắp Anh quốc. Bà và chồng đã chứng minh cho xã hội hiểu rằng, với một đội ngũ nhân viên nhỏ gọn, trong môi trường đơn giản, sạch sẽ là có thể cung cấp tốt dịch vụ cho phụ nữ nghèo.

Sau khi bà mất năm 1958, phòng khám vẫn tiếp tục hoạt động. Dịch vụ tư vấn Brook của Anh Quốc - là dịch vụ dành riêng cho người nghèo - xuất phát điểm từ phòng khám Marie Stopes International (MSI) nhưng sau đó đã tách ra và trở thành một cơ sở riêng biệt.

Phòng khám này tiếp tục hoạt động đến năm 1975 thì bị phá sản. Ngôi nhà Marie Stopes được mở cửa trở lại vào tháng 1/1976 và được một bác sĩ có tên Tim Black xây dựng lại cơ sở tài chính và danh tiếng của phòng khám như là một nhà cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình.

MSI bắt đầu hoạt động ở nước ngoài với việc thành lập trung tâm sức khỏe sinh sản dành cho phụ nữ ở thủ đô Dublin, Ireland năm 1977, tiếp theo là trung tâm Marie Stopes ở New Delhi năm 1978. Kể từ đó, các trung tâm khác liên tiếp được thành lập ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Cùng với các dịch vụ đa dạng về chăm sóc sức khỏe sinh sản, giờ đây MSI đã góp phần chống lại đại dịch HIV/AIDS trên phạm vi toàn cầu; chẩn đoán và điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục và cung cấp các dịch vụ có chuyên môn sâu rộng về làm mẹ an toàn. Các chương trình thủ thuật phòng tránh thai tự nguyện cũng là một phần của chương trình MSI.

Triết lý cung cấp dịch vụ do Marie Stopes khởi xướng vẫn còn đúng cho đến ngày nay tại các trung tâm của Marie Stopes International trên toàn thế giới. Đó là bình đẳng giới, cận lâm sàng và sự cần thiết phải tôn trọng khách hàng và kỹ năng khi giao tiếp với khách hàng.

Theo Việt Báo

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video