Bước đầu thực hiện Cuộc vận động xây dựng mô hình sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng ở tỉnh Thái Bình

04/05/2007
Những ngày cuối tháng 4/2007,

khi mà các phương tiện thông tin đại chúng liên tiếp cảnh báo tình hình thiếu điện trong những tháng nắng nóng của mùa hè thì Hội LHPN Việt Nam đã chọn Thái Bình là tỉnh mở đầu triển khai Cuộc vận động "Xây dựng mô hình sử dụng TK&HQNL trong mỗi hộ gia đình thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về TK&HQNL. Xã Hùng Dũng, huyện Hưng Hà và xã Vũ Trung, huyện Kiến Xương là 2 xã làm điểm của tỉnh trong năm 2007.


Để giúp các gia đình giảm được mức tiêu thụ năng lượng, góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống, Cuộc vận động tập trung vào hai mảng hoạt động lớn là truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen TK&HQNL và hỗ trợ xây dựng mô hình sử dụng các thiết bị, đồ dùng, công nghệ TKNL trong gia đình như thay đèn sợi đốt bằng đèn huỳnh quang compact làm hầm ủ khí sinh học biogas, lắp đặt và sử dụng thiết bị nước nóng năng lượng mặt trời (NLMT). Các gia đình được hỗ trợ 30% tiền mua đèn compact, một triệu đồng/ một hầm ủ khí sinh học biogas, 1 ,3 triệu đồng/một thiết bị nước nóng năng lượng mặt trời.

 

Cuộc Vận động có ý nghĩa thiết thực đối với địa phương cũng như mọi gia đình nên đã được các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các ngành chức năng, các tồ chức, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, hai huyện, 2 xã làm điểm và các hộ gia đình tại địa bàn rất hoan nghênh, ủng hộ.

 

Mặc dù là một tỉnh có tỷ trọng công nghiệp không cao, song mức tiêu thụ năng lượng của tỉnh ngày một tăng trên cả hai lĩnh vực sản xuất và sinh hoạt, nhất là tiêu thụ năng lượng trong sinh hoạt gia đình.

 

Trong các hộ gia đình ở tỉnh Thái Bình, các nguồn năng lượng được sử dụng khá đa dạng, từ củi, gỗ, rơm rạ đến than, điện, xăng, dầu, gas và gần đây là hầm ủ khí sinh học biogas. Qua khảo sát các hộ gia đình ở xã Hùng Dũng, huyện Hưng Hà và xã Vũ Trung, huyện Kiến Xương, cho thấy, riêng đồ dùng tiêu thụ điện cũng khá phổ biến với nồi cơm điện, ti vi, quạt, máy bơm nước, đèn thắp sáng. Số gia đình có thiết bị tiêu thụ điện cao như tủ lạnh cũng đang tăng. Bình quân mỗi hộ gia đình ở xã Hùng Dũng có mức tiêu thụ điện từ 30.000 - 50.000 đ/tháng. Cũng không ít gia đình đã có mức tiêu thụ điện cao tới 400.000 - 500.000 đ/tháng. Những hộ sử dụng điện cho sản xuất như xay xát, ấp trứng cưa xẻ gỗ, sản xuất máy tái chế ni lông... mỗi tháng trả hàng triệu đồng tiền điện.

 

Điện lực Thái Bình cho biết, trên địa bàn toàn tỉnh, tiêu thụ điện năng cho khu vực gia đình chiếm tới 68,1% trong tổng tiêu thụ điện năng của cả tỉnh. Việc tiêu thụ năng lượng tăng nhanh, trong khi nguồn cung cấp điện năng còn hạn chế đã gây nên tình trạng thiếu điện, vì vậy Điện lực Thái Bình phải cắt khống chế phụ tải luân phiên, đặc biệt vào các tháng mùa khô.


Để đạt được mục tiêu tiết kiệm 7.150.000 Kwh điện trên địa bàn toàn tỉnh năm 2007, UBND tỉnh Thái Bình đã đề ra các biện pháp áp dụng cho các khu vực, trong đó đặc biệt chú trọng tới khu vực hộ gia đình, nhất là hộ gia đình ở nông thôn. Mặc dù bình quân số điện tiêu thụ của các hộ gia đình nông thôn tỉnh Thái Bình không cao, chủ yếu sử dụng cho thắp sáng, thông tin văn hoá và giải trí nhưng do tỷ lệ hộ gia đình ở nông thôn cao nên tiêu thụ điện trong các hộ nông dân vẫn chiếm tới 53%/tổng sản lượng điện thương phẩm. Mặt khác, tiềm năng tiết kiệm năng lượng trong các hộ nông dân cũng còn rất lớn, vì vậy nếu các hộ gia đình nông thôn thực hiện TKNL cũng sẽ mang lại hiệu quả cao.

 

Trước hết, trong lĩnh vực chiếu sáng, hiện các hộ nông dân sử dụng đèn sợi đốt còn phố biến. ở xã Hùng Dũng số bóng đèn sợi đốt hiện đang được sử dụng chiếm khoảng 60%, xã Vũ Trung chiếm 80%. Đây là loại đèn tiêu tốn nhiều năng lượng (phổ biến 75W) do bị toả nhiệt cao khoảng 80%), hiệu suất sử dụng chỉ còn 20%, tuổi thọ thấp. Nếu thay đèn sợi đốt bằng đèn compact 20W vẫn đảm bảo ánh sáng, tuổi thọ kéo dài thì cũng sẽ có hàng ngàn đèn được thay.

 

Tiềm năng về hầm biogas ở Thái Bình cũng rất lớn. Xã Vũ Trung gần kề thành phố nhưng hầu hết các gia đình đều chăn nuôi từ 1-2 con lợn. Nhiều gia đình chăn nuôi gia cầm như ngan, vịt với số lượng lớn. Xã Hùng Dũng có 70% hộ chăn nuôi với 4 đầu lợn trở lên, có 42 gia trại, mỗi gia trại tới hàng trăm đầu lợn. Không ít hộ gia đình ở 2 xã đã mạnh dạn tự đầu tư kinh phí xây hầm ủ khí sinh học biogas. Gia đình chị Phạm Thị Thủy ở xã Hùng Dũng đã đầu tư 5 triệu đồng xây loại hầm 15 khối. Chị cho biết, nhờ có hầm biogas mà chị không phải lo chất đốt, việc nấu nướng rất tiện lợi, chị lại sử dụng gas để thắp sáng nên mỗi tháng cả gia đình chỉ trả chưa đến 20.000 đ tiền điện. Trông chị thật thư thái trong căn bếp gọn gàng sạch sẽ vệ sinh khác hẳn với hầu hết những căn bếp của các gia đình ở nông thôn khi phải đun nấu bằng củi hoặc rơm rạ.

 

Không chỉ với đèn copmact và hầm biogas mà với thiết bị nước nóng NLMT cũng đã được không ít người dân Thái Bình quan tâm. Thực tế cho thấy hầu hết người dân có nhu cầu sử dụng nước nóng để tắm rửa; ngay cả vào mùa hè. Các gia đình ở nông thôn đun nước nóng bằng rơm, rạ, cửi, than, còn ở thành phố đun bằng điện. So với đun nước nóng bằng than, củi thì đun bằng thiết bị NLMT tiện lợi hơn. Còn so với sử dụng nước nóng đun bằngđiện thì sử dụng thiết bị nước nóng NLMT có hiệu quả kinh tế hơn. Do thiết bị có tuổi thọ 15 năm nên chỉ cần đầu tư ban đầu sau 3 năm sẽ hoàn vốn, 12 năm sử dụng không phải trả tiền điện. Tuy nhiên, đây vẫn là một công nghệ mới chưa được quảng bá rộng rãi ở Việt Nam, nhiều người chưa hiểu rõ lợi ích nên chưa có nhiều người đăng ký như đèn compact và hầm biogas.

 

Rõ ràng việc ứng dụng các công nghệ TKNL mà Cuộc vận động đang hướng đến sẽ mang lại hiệu quả về nhiều mặt. Đèn compact, thiết bị nước nóng năng lượng mặt trời đều tiết kiệm được điện, tiết kiệm được tiền trả hàng tháng, hầm ủ biogas tận dụng chất thải, giữ vệ sinh môi trường, giải quyết chất đốt và giải phóng công việc bếp núc cho người phụ nữ. Tuy nhiên, các loại công nghệ này đều có giá đầu tư ban đầu cao. Đèn compact cao hơn khoảng 10 lần so đèn sợi đất, đàn nước nóng đầu tư ban đầu cao hơn khoảng 3 lần so bình nóng lạnh đun bằng điện, hầm ủ khí sinh học cũng phải đầu tư cao. Việc hỗ trợ một phần kinh phí cho các gia đình để giảm đầu tư ban đầu là rất cần thiết, vì vậy đã được các gia đình ở 2 xã làm điểm nhiệt tình hướng ứng Số liệu đến cuối tháng 4/2007 cho thấy, số gia đình đăng ký thay đèn sợi đốt bằng đèn compact ở 2 xã là 100 hộ, đạt chỉ tiêu của cả năm 2007 của 2 xã. Số gia đình đăng ký làm hầm biogas cũng vượt gấp 3 lần so chỉ tiêu đề ra. Ngay cả thiết bị nước nóng NLMT cũng đã đạt chỉ tiêu đề ra. Vì vậy, trong thời gian tới hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức nhằm thay đổi thói quen sử dụng TK&HQNL và hỗ trợ xây dựng mô hình cần tiếp tục được đẩy mạnh cả về số lượng và chất lượng ở tỉnh Thái Bình và các tỉnh, thành khác.

 

 



 

 

 

 

 

Hạnh Sâm

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video