Các cấp Hội cùng chung tay vì an toàn thực phẩm

18/08/2017
- Hội LHPN TP Hà Nội: Giám sát việc bảo đảm an toàn thực phẩm
- Hội LHPN tỉnh Quảng Trị: Tổ chức 17 lớp tập huấn chăn nuôi, trồng trọt hướng đến nông nghiệp sạch.
- Hội LHPN tỉnh Khánh Hòa: Mô hình liên kết sản xuất rau sạch.

Hội LHPN TP Hà Nội: Giám sát việc bảo đảm an toàn thực phẩm

Hội LHPN Hà Nội đã chủ trì tổ chức Đoàn giám sát liên ngành về bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm tại 6 quận, huyện trên địa bàn thành phố, gồm 6 chợ
( chợ Mai Động quận Hoàng Mai; chợ Ngọc Hà,quận Ba Đình; chợ Hôm - Đức Viên quận Hai Bà Trưng; chợ Nghĩa Tân quận Cầu Giấy; chợ Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm; chợ Phùng, huyện Đang Phượng); 13 cơ sở kinh doanh dịch vụ, thức ăn đường phố. Đoàn đã làm việc với ban quản lý chợ, trực tiếp kiểm tra, giám sát thực địa; đồng thời làm việc với lãnh đạo UBND các quận, huyện và các phòng, ban, ngành chức năng của các đơn vị về công tác quản lý nhà nước về thực hiện bảo đảm an toàn thực phẩm của đơn vị. Qua giám sát, đã phát hiện một số hạn chế và đề xuất UBND các quận huyện tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các hộ kinh doanh doanh thực hiện các thủ tục, hồ sơpháp lý theo quy định, lưu giữ mẫu thực phẩm, có sổ ghi chép việc lấy nguồn thực phẩm hàng ngày của cửa hàng; đảm bảo nguồn nước trong quá trình chế biến thức ăn; yêu cầu nhân viên cần sử dụng găng tay, đeo tạp dề, khẩu trang trong chế biến thức ăn và bán hàng; thiết bị tủ đông bảo quản thực phẩm cần vệ sinh sạch sẽ. Có biện pháp tái kiểm tra các hộ kinh doanh khắc phục hạn chế sau khi bị xử lý. Đoàn giám sát cũng tiếp thu các ý kiến của UBND các quận, huyện và Ban quản lý các chợ về những khó khăn, tồn tại trong việc phân cấp quản lý các ngành hàng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn; các hộ kinh doanh đang phải ký nhiều bản cam kết của nhiều ngành, tạo khó khăn cho việc thực hiện; phương tiện để thử nhanh thực phẩm tươi sống chưa được đầu tư…

Hội LHPN tỉnh Quảng Trị: Tổ chức 17 lớp tập huấn chăn nuôi, trồng trọt hướng đến nông nghiệp sạch.

Trong tháng qua, các cấp Hội LHPN tỉnh Quảng Trị đã tổ chức 17 lớp tập huấn chăn nuôi gà, lợn, trồng nấmcho 347 học viên là hội viên, phụ nữ. Các học viên được trang bị kiến thức về lý thuyết cũng như thực hành những nội dung kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc, phòng và trị bệnh cho gà, lợn; kỹ thuật trồng nấm rơm, nấm sò, quy trình trồng nấm mang thu hoạch chất lượng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm. Sau các lớp tập huấn, học viên sẽ bắt tay vào chăn nuôi, sản xuất, tập trung xây dựng mô hình, hướng đến sản xuất sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn, tạo việc làm, tăng thu nhập, đồng thời các học viên sẽ là những là những người biết tuyên truyền, chia sẽ kiến thức, trao đổi kinh nghiệm với các gia đình trong cộng đồng, cùng giúp nhau chăn nuôi, sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, giảm nghèo bền vững.

HộiLHPN tỉnh Khánh Hòa: Mô hình liên kết sản xuất rau sạch

Mô hình được triển khai ở xã Vĩnh Phương, thành phố Nha Trang. Các thành viên trước đây trồng rau nhỏ lẻ theo từng hộ gia đình, cho năng suất không cao, đầu ra sản phẩm không nhiều, thu nhập không ổn định, khi tham gia mô hình đã khắc phục khó khăn, mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Hiện nay số thành viên của mô hình đã tăng từ 16 hộ lên 26 hộ. Phần lớn chị em tập trung sản xuất các loại rau ngắn ngày như: rau ngót, rau muống, rau cải, rau dền, rau đay... đảm bảo đúng quy trình sản xuất rau an toàn. Những loại rau này có chi phí sản xuất thấp, giá cả ổn định và phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng tại địa phương, đáp ứng nhu cầu bữa ăn hàng ngày trong gia đình, các thương lái chợ đầu mối, các nhà hàng trên địa bàn thành phố. Để đạt được hiệu quả kinh tế cao, đảm bảo chất lượng nguồn rau sạch, an toàn, ngoài việc khai thác nguồn vốn sản xuất mở rộng diện tích canh tác, tổ liên kết còn tranh thủ sự hỗ trợ nguồn vốn vay từ Hội LHPN xã, tham gia các lớp tư vấn, hướng dẫn phương thức, biện pháp trồng, chăm sóc rau sạch, an toàn do các cơ quan chức năng tổ chức, giúp chị em có điều kiện trao đổi, học hỏi kinh nghiệm sản xuất, từ đó nâng cao chất lượng cũng như năng suất sản phẩm. Nhờ vậy, sau mỗi đợt thu hoạch, trừ các khoản chi phí, đầu tư canh tác, mỗi thành viên trong mô hình có thu nhập hơn 8 triệu đồng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình.

Dương Lý Anh, Phương Thiện, Khánh Hòa

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video