Các cấp Hội phụ nữ Hà Nội: Đẩy mạnh các hoạt động vệ sinh an toàn thực phẩm

17/06/2010
Nhằm đảm bảo sức khoẻ cho người dân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, các cấp Hội phụ nữ Hà Nội đã tổ chức sâu rộng các hoạt động: tập huấn, truyền thông vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP); hướng dẫn hội viên trồng rau sạch; phổ biến kinh nghiệm nhận biết các loại rau an toàn...Nhờ đó đã góp phần nâng cao kiến thức của người dân về VSATTP.

Thị xã Sơn Tây: 100% cán bộ, hội viên được nâng cao kiến thức VSATTP

Chị Nguyễn Thị Vân, Chủ tịch Hội LHPN thị xã Sơn Tây cho biết, để tăng cường các biện pháp đảm bảo VSATTP, đồng thời chủ động phòng ngừa các vụ ngộ độc và dịch bệnh do sử dụng thực phẩm không đảm bảo VSATTP gây ra, từ đầu tháng 5 đến nay, Hội phối hợp với Trung tâm Y tế, phòng Y tế thị xã tổ chức 11 lớp huán luyện các kiến thức: Pháp lệnh VSATTP, các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực VSATTP, quy định điều kiện VSATTP đối với các cửa hàng ăn uống, các biện pháp phòng chống dịch tiêu chảy cấp và cúm A/H5N1...cho gần 1700 cán bộ, hội viên và nội dung tập huấn này được phát nhiều lần trên đài truyền thanh của thị xã. Ngoài ra, Hội còn tổ chức 6 lớp tập huấn kiến thức rửa tay bằng xà phòng cho trên 400 phụ nữ có con từ 0 – 6 tuổi và các cô giáo của trường mẫu giáo, nhà trẻ; khảo sát điều tra nước uống và sinh hoạt của 360 hộ dân để có biện pháp xử lý; tổ chức 15 buổi truyền thông kiến thức trồng rau an toàn.

Các chi, tổ phụ nữ và các câu lạc bộ đều tổ chức sinh hoạt, nâng cao kiến thức VSATTP cho hội viên như cách chọn mua và chế biến thực phẩm; không sử dụng thực phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc và không còn hạn sử dụng; chuyển giao quy trình trồng rau an toàn...

Huyện Ba Vì: Phấn đấu các gia đình đều biết trồng rau an toàn.

Sau khi được Hội LHPN tập huấn chuyển giao KHKT trồng rau an toàn và theo sự hướng dẫn của cán bộ Trạm Khuyến nông, các gia đình làm nông nghiệp trên địa bàn huyện Ba Vì đã chọn mua những hạt giống, cây giống tốt, không có mầm bệnh và trước khi gieo, trồng đều được xử lý nhiệt hoặc hoá chất để phòng trừ sâu bệnh về sau. Phân chuồng, phân lân được bà con bón lót hợp lý, an toàn cho từng loại rau. Để bảo vệ rau những khi cần thiết, bà con chỉ dùng thuốc bảo vệ thực vật có hoạt chất thấp, pha đúng tiêu chuẩn, liều lượng quy định để phun và ngừng phun trước khi thu hoạch ít nhất 1 tuần trở lên để rau không có dư lượng thuốc, không nhiễm vi sinh, đảm bảo sức khoẻ người tiêu dùng...

Chị Đỗ Thị Hảo, Phó chủ tịch Hội LHPN huyện cho biết, Hội đã tích cực vận động bà con bỏ thói quen tưới phân chuồng cho rau, được bà con đồng thuận hưởng ứng và đến nay đã bỏ hẳn thói quen này. Bên cạnh đó, Hội vận động cac gia đình chăn nuôi gia súc,gia cầm xây bể bioga đun nấu. thắp sáng...Những hội viên không có điều kiện trồng rau sạch, Hội phổ biến kinh nghiệm nhận biết cac loại rau an toàn để họ lựa chọn cho bữa ăn hàng ngày của gia đình mình.

Xã Duyên Hà (huyện Thanh Trì): Đảm bảo VSATTP cho từng sản phẩm

Để giữ uy tín các sản phẩm của địa phương mình, Hội LHPN xã đi sâu, đi sát các gia đình để nhắc nhở mọi người nâng cao chất lượng các sản phẩm và đảm bảo VSATTP như sử dụng nguyên liệu làm bánh chất lượng cao và có nguồn gốc đáng tin cậy; không dùng các chất phụ gia, phẩm màu không được phép sủ dụng trong chế biến thực phẩm; có đủ nước sạch trong quá trình chế biến các sản phẩm và nơi chế biến các sản phẩm phải sạch sẽ, cách biệt nguồn ô nhiễm ...

Ngoài ra hàng quý, Hội phụ nữ còn phối hợp với y tế huyện, xã tổ chức tập huấn kiến thức VSATTP và khám bệnh để phát hiện, ngăn ngừa những người không đủ điều kiện hành nghề. Chính quyền xã tạo điều kiện cho các gia đình đăng ký mã hàng, mã vạch và hút chân không để đảm bảo chất lượng và VSATTP cho các sản phẩm, đồng thời nhắc nhở các gia đình bán các sản phẩm do mình làm ra tại các ngõ, phố, chợ phải tuân thủ các quy định như sản phẩm đem bán được bày trong tủ kính, cách mặt đất 60cm và không để lẫn với đồ tươi sống...

Xã Vân Nội (huyện Đông Anh): Cần tập huấn rau an toàn tới từng hộ sản xuất

Hiện, Vân Nội là đơn vị sản xuất rau an toàn lớn nhất của huyện Đông Anh đã cung cấp hàng trăm tấn rau xanh và các loại củ, quả như: cải xanh, cải ngồng, súp lơ, cà chua, dưa chuột... cho người dân Thủ đô mỗi ngày. Thời gian qua, Hội phối hợp với Trung tâm Khuyến nông, Chi cục bảo vệ thực vật Hà Nội đã mở các lớp tập huấn về hướng dẫn kỹ thuật sản xuất rau an toàn nhiều người sản xuất rau của địa phương đã được tham gia. Khoá học trang bị những kiến thức khoa học mới: phân sinh học áp dụng trong canh tác rau cho năng suất hiệu quả; các mặt hàng rau xanh khi cung cấp ra thị trường đảm bảo đủ 3 yêu cầu; an toàn cho môi trường, an toàn cho người sản xuất và cho người tiêu dùng; tổ chức tham quan các mô hình sản xuất an toàn trong nhà lưới... Tuy vậy, vì lợi nhuận vẫn xảy ra hiện tượng một số các hộ trồng rau đã không ngần ngại lạm dụng phân hoá học, vi phạm quy trình trống rau an toàn. Có những hộ chỉ trồng rau sạch cho gia đình mình, và cung cấp rau không an toàn cho thị trường.

Xã Cổ Loa (huyện Đông Anh): Đầu tư nhiều hơn cho rau an toàn.

HTX sản xuất rau tại xóm Hương là địa chỉ duy nhất trong vùng được cấp giấp chứng nhận rau an toàn, còn một số thôn khác như Mạch Tràng, Nhồi Dưới cũng là nơi sản xuất rau xanh lớn trong vùng cung cấp cho địa phương nhưng chưa đủ tiêu chuẩn để được cấp giấy chứng nhận. Thực tế, các hộ trồng rau an toàn hiện nay cũng đang gặp nhiều khó khăn, trong đó khó khăn lớn nhất đó là chi phí để áp dụng trồng rau cần sự đầu tư lớn như: Lắp đặt hệ thống khung nhà lưới, đầu tư máy bơm nước tại cánh đồng, xây bể chứa vỏ thuốc trừ sâu, đặc biệt là đầu tư các giống cây mới cho năng suất cao. Phần lớn cac hộ hiện sản xuất với quy mô manh mún. nhỏ lẻ trên từng thửa ruộng (khoảng gần 1 sào) nên việc đầu tư chỉ mang tính tự phát. Một số hộ trồng rau vẫn “liều tay” áp dụng lỗi sản xuất cũ; tự lo từng khâu tiêu thụ.

Xã Đông Dư (huyện Gia Lâm): “ Người tiêu dùng phải tự biết bảo vệ mình”

Phụ nữ là người nội trợ chính trong gia đình, để bảo vệ sức khoẻ và lựa chọn những sản phẩm đảm bảo chất lượng phục vụ trong mỗi bữa ăn hàng ngày thì nhất thiết phải trang bị những kiến thức cơ bản về VSATTP. Khi chọn mua bất kỳ loại thực phẩm từ hàng tươi sống đến hàng đông lạnh cũng cần tìm hiểu rõ nguồn gốc, xuất sứ, cách thức và hạn sử dụng, nhãn mác đảm bảo, có địa chỉ đáng tin cậy. Đặc biệt, để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm mọi lúc mọi nơi, người tiêu dung nên mua rau quả ở những của hàng đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh rau an toàn cơ sở bán rau có nguồn gốc rõ ràng. bài trừ ngay những sản phẩm rau không an toàn.

Theo Phụ nữ Thủ đô

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video