Các giá trị, chuẩn mực văn hóa gia đình Việt Nam hiện nay và vai trò của người phụ nữ trong gia đình

28/06/2010
Gia đình là tế bào của xã hội, là nền tảng để phát triển xã hội. Trân trọng tình cảm gia đình, gìn giữ nếp nhà là một nét văn hóa tốt đẹp của dân tộc ta. Trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, việc giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống của gia đình là điều rất cần được coi trọng; trong đó phụ nữ giữ vai trò chủ đạo. Ảnh hưởng của người phụ nữ tác động đến hầu hết các lĩnh vực trong cuộc sống gia đình.

Văn hóa gia đình là một bộ phận hợp thành của nền văn hóa Việt Nam. Đó là hệ thống những giá trị, chuẩn mực đặc thù, có chức năng kiểm soát, điều hành hành vi và mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình và giữa gia đình với xã hội. Chính vì thế, giữ gìn văn hóa gia đình cũng là góp phần giữ gìn truyền thống văn hóa Việt Nam. Thực hiện tốt chức năng giáo dục gia đình là điều kiện tiên quyết trong việc hình thành nhân cách cho các thế hệ tiếp nối.

Mặc dù cuộc sống có nhiều thay đổi, những gia đình có 3, 4 thế hệ cùng chung sống ít dần đi, nhưng những giá trị tốt đẹp của gia đình truyền thống Việt Nam vẫn được trân trọng và trao truyền cho các thế hệ tiếp nối. Sự “kính trên, nhường dưới”, yêu thương, quan tâm chăm sóc nhau, luôn luôn được các thành viên trong các gia đình gìn giữ. Để tạo dựng một gia đình hòa thuận, mọi thành viên trong gia đình đều phải có trách nhiệm đóng góp công sức vun đắp, cùng chia sẻ, gánh vác các công việc của gia đình và người phụ nữ phải là người khéo léo sắp xếp để làm sao tất cả mọi người trong gia đình đều thấy được trách nhiệm của mình đối với gia đình.

Trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế sâu rộng ngày nay, cuộc sống của mỗi gia đình và của cả xã hội ngày càng được cải thiện. Nhịp sống, và sự giao lưu văn hoá rộng mở, tác động thường xuyên, nhiều chiều …Các giá trị văn hoá gia đình  đứng trước những câu hỏi:  tiếp thu, lưu giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, chuẩn mực như thế nào? Trong cuộc sống hiện đại, người phụ nữ có vai trò rất lớn trong việc hình thành những giá trị văn hoá mới; là người chọn lọc, phát triển và nhân lên những giá trị văn hoá tốt đẹp cho các thành viên trong gia đình.

Với thiên chức của mình, phụ nữ là người khéo léo sắp xếp, tổ chức cuộc sống gia đình, chăm sóc và giáo dục con cái trong gia đình. Người phụ nữ giữ vai trò trọng yếu trong việc điều hòa các mối quan hệ gia đình. Họ biết sắp xếp một cách hợp lý, trọn vẹn và chia sẻ với chồng, bảo ban con cái, chăm sóc cho cha mẹ chồng cũng như xử sự tế nhị với gia đình bên chồng.

Ngày nay người phụ nữ không chỉ làm vợ, làm mẹ, chăm sóc gia đình, mà còn tham gia giữ các vai trò khác trong nhiều lĩnh vực như chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội v.v… Khả năng đảm trách công việc của người phụ nữ không thua kém người đàn ông. Có rất nhiều nhà lãnh đạo, chính trị gia xuất sắc, rất nhiều doanh nhân tài ba là nữ. Người phụ nữ vừa phải lo hoàn thành nhiệm vụ xã hội vừa phải chăm lo cho gia đình chu đáo đề giữ gìn hạnh phúc gia đình và để làm được điều đó họ cũng cần có người hậu thuẫn chính là người chồng của mình. Để giữ gìn và phát huy các chuẩn mực gia đình người phụ nữ hiện đại phải là những người “giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Vì lẽ đó, vai trò của người phụ nữ ngày càng trở nên nặng nề hơn.

Để làm tốt được vai trò này, người phụ nữ rất cần sự sẻ chia, giúp đỡ việc nhà của người chồng. Cha ông ta có câu: “thuận vợ thuận chồng tát bể Đông cũng cạn”.Và đây chắc chắn cũng sẽ là kinh nghiệm và truyền thống để người phụ nữ Việt Nam hiện đại giải quyết hợp lý và hài hoà cả hai trách nhiệm là việc nhà và việc xã hội.

Gia đình là tổ ấm tràn đầy tình yêu thương nuôi dưỡng mỗi con người lớn lên và trưởng thành. Gia đình là điểm tựa tinh thần vô cùng lớn lao cho mỗi người, là nơi khơi nguồn mọi sáng tạo, thành công, nơi chúng ta trở về sau mỗi hành trình mệt mỏi, là nơi che chở mỗi khi chúng ta vấp ngã hay thất bại trên đường đời. Gia đình cho chúng ta động lực phấn đấu trở thành người có ích cho xã hội, thành đạt trong cuộc sống… Với phụ nữ cũng vậy, họ có thể là những doanh nhân thành đạt, chủ tịch hội đồng quản trị của một tập đoàn lớn, những nhà ngoại giao hay giám đốc một công ty… Họ có thể đầy uy quyền trong xã hội, song khi về nhà họ trở lại với thiên chức người vợ, người mẹ đảm đang, yêu chồng thương con hết mực. Họ tôn trọng chồng con vì họ luôn nghĩ rằng mình thành đạt ngoài xã hội nhưng gia đình mới là cái nôi làm nên thành công đó.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn. Hạt nhân của xã hội là gia đình”. Những lời dạy của Bác đến nay vẫn có tính thời sự, khẳng định giá trị hết sức to lớn của gia đình, cũng như trách nhiệm của mỗi người, cả nam lẫn nữ, trong việc xây dựng gia đình thực sự là tổ ấm hạnh phúc, đồng thời xây dựng một hình ảnh đẹp của con người và đất nước Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

Để giữ gìn các giá trị chuẩn mực văn hóa gia đình Việt Nam trong giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội hiện nay, mỗi người Việt Nam cần ý thức rằng, xây dựng gia đình hạnh phúc không chỉ là việc riêng của mỗi nhà mà còn là trách nhiệm của cả xã hội; gia đình no ấm, hạnh phúc, bình đẳng, tiến bộ góp phần tạo nên sức mạnh của đất nước. Các sở, ban, ngành, các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em, Luật Phòng chống bạo lực gia đình và các luật khác có liên quan đến gia đình, để làm tốt công tác gia đình.Giữ gìn và phát huy tốt các giá trị văn hóa gia đình Việt Nam sẽ góp phần quan trọng trong việc xây dựng đất nước giàu mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.

 

Chu Thị Bích Huệ (Hội LHPN tỉnh Thái Nguyên)

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video