Các mô hình tập hợp, thu hút hội viên, phụ nữ của các cấp Hội phụ nữ hiện nay

29/09/2007
Thực hiện chủ trương đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, trong nhiệm kỳ 2002 – 2007, các cấp Hội LHPN Việt Nam đã mạnh dạn xây dựng các mô hình sinh hoạt nhóm, tổ, câu lạc bộ…phù hợp với các đối tượng, địa phương để tập hợp, thu hút hội viên phụ nữ tham gia sinh hoạt Hội

Tổng hợp của các tỉnh/thành Hội cho thấy: hội viên, phụ nữ được tập hợp sinh hoạt dưới các hình thức tổ/nhóm/câu lạc bộ do Hội LHPN Việt Nam quản lý có thể chia làm 2 loại:

Một là, theo tổ chức Hội: được hình thành theo đơn vị hành chínhtại tất cả các tỉnh/thành trong cả nước, bộ máy tổ chức và quản lý hội viên xuyên suốt từ trung ương đến cơ sở, đơn vị nhỏ nhất là chi/tổ phụ nữ, hoạt động chặt chẽ theo Điều lệ Hội. .

Hai là, theo các mô hình hoạt động của Hội phụ nữ: được hình thành và hoạt động tại các cơ sở, thành viên có thể là hội viên Hội phụ nữ hoặc phụ nữ chưa gia nhập Hội, đây là hình thức tập hợp hội viên, phụ nữ mới hình thành trong những năm gần đây.

Theo thống kê của các tỉnh/thành Hội năm 2006, cả nước có khoảng 13.257.398 hội viên trong tổng số 20.695.366 phụ nữ từ 18 tuổi trở lên (chiếm tỷ lệ 64.06%)sinh hoạt trong hệ thống tổ chức Hội LHPN Việt Nam thuộc 141.161 chi hội và 223.158 tổ phụ nữ. Ngoài ra, có một bộ phận phụ nữ chưa phải là hội viên nhưng vẫn đang sinh hoạt theo các mô hình của Hội phụ nữ.

Các mô hình tập hợp, thu hút hội viên, phụ nữ của các cấp Hội phụ nữ hiện nay tạm chia thành 3 nhóm như sau:

Nhóm mô hình theo lĩnh vực kinh tế

Hiện có 236.647 tổ/nhóm/câu lạc bộ hoạt động trong lĩnh vực kinh tế, thu hút được 2.498.249 hội viên phụ, nữ tham gia.Gồm các Nhóm mô hình hỗ trợ sản xuất, phát triển kinh tế gia đình bao gồm các loại tổ/nhóm, câu lạc bộ như tổ phụ nữ chăn nuôi giỏi, tổ phụ nữ tương trợ tình nghĩa, câu lạc bộ khuyến nông, câu lạc bộ phụ nữ xoá đói giảm nghèo, câu lạc bộ sản xuất lúa chất lượng cao, nhóm thực hiện KHHGĐ tăng thêm thu nhập.... Các mô hình này hiện nay rất phong phú ở các tỉnh/thành tuy nhiên, số lượng không nhiều.

Nhóm mô hình vay vốn tín dụng tiết kiệm bao gồm các loại tổ/nhóm vay vốn tín dụng - tiết kiệm, vay vốn tiết kiệm tín dụng, hùn vốn.

Nhóm mô hình khác bao gồm các tổ/nhóm/câu lạc bộ mua sắm vật dụng đắt tiền phục vụ đời sống gia đình, mua sắm phương tiện sản xuất nông nghiệp, đánh bắt thủy, hải sản

Mục đích của nhóm các mô hình theo lĩnh vực kinh tế là hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế gia đình, nâng cao đời sống. Vì vậy đối tượng tham gia các mô hình này chủ yếu là phụ nữ còn khó khăn về kinh tế, cần được sự hỗ trợ về việc làm, về vốn và kinh nghiệm sản xuất. Các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế được hội viên, phụ nữ quan tâm nhiều nhất, thu hút được số lượng phụ nữ lớn nhất.

Nhóm mô hình theo lĩnh vực văn hoá - xã hội

Hiện có 55.889 tổ/nhóm/câu lạc bộ phụ nữ hoạt động trong lĩnh vực VHXH với 1.838.406 thành viên. Hình thức hoạt động của mô hình này bao gồm các tổ/nhóm/câu lạc bộ chăm sóc sức khoẻ, phòng chống tệ nạn xã hội, xây dựng gia đình hạnh phúc, nuôi dạy con cái, văn hoá văn nghệ…

Nhóm mô hình xây dựng gia đình hạnh phúc gồm các nhóm/câu lạc bộ gia đình hạnh phúc, nuôi con theo khoa học, nuôi con thành đạt, câu lạc bộ mẹ chồng mẫu mực, con dâu hiếu thảo, tổ phụ nữ không sinh con thứ 3…

Nhóm mô hình chăm sóc sức khỏe, bảo vệ môi trường gồm các tổ/nhóm cam kết “Gia đình không có trẻ em SDD”, câu lạc bộ sống khỏe, nhóm SKSS, câu lạc bộ phòng chống SDDTE, tổ phụ nữ tự quản, vệ sinh môi trường, câu lạc bộ phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường, tổ phụ nữ thu gom rác…

Nhóm phòng chống tệ nạn xã hội gồm các tổ/nhóm/câu lạc bộ như tổ phụ nữ không có chồng con mắc TNXH, câu lạc bộ phòng chống buôn bán phụ nữ và trẻ em, câu lạc bộ phòng chống TNXH, câu lạc bộ phòng chống tội phạm…

Nhóm mô hình theo đối tượng

Cả nước có 61.903 tổ/nhóm/câu lạc bộ hoạt động theo nghề nghiệp, đối tượng, tập hợp được 449.378 hội viên, phụ nữ theo các nhóm đối tượng như nữ doanh nghiệp, nữ nghệ sĩ, nữ luật gia, nữ nhiếp ảnh, nữ trí thức, nữ thanh niên… Các mô hình theo đối tượng khác nhau thì nội dung sinh họat cũng khác nhau như: nội dung sinh họat của câu lạc bộ doanh nghiệp nữ là trao đổi, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm hợp tác liên kết trong quá trình sản xuất kinh doanh, tìm hiểu chế độ chính sách đối với các doanh nghiệp...; đối với câu lạc bộ nữ chủ nhà trọ là tuyên truyền phòng chống TNXH, giữ gìn an ninh trật tự, phổ biến luật lao động, luật đất đai...

Tuy nhiên, nhiều mô hình tương tự trên địa bàn được thành lập với các tên gọi khác nhau nhưng nội dung cơ bản giống nhau song chưa được thống nhất phân loại để quản lý, đào tạo, bồi dưỡng. TW và nhiều tỉnh/thành chưa phân công đầu mối tập hợp, theo dõi mô hình, chua kịp thời sơ kết, tổng kết, hay Hội cấp dưới không có sự phản hồi hoặc sự linh hoạt khi có các văn bản chỉ đạo của Hội cấp trên yêu cầu thành lập mô hình trong khi thực tế địa phương không có nhu cầu. Vì vậy, tình trạng nghèo nàn về nội dung, đơn điệu về hình thức luôn diễn ra. Việc tập hợp nữ thanh niên, phụ nữ cao tuổi, nữ trí thức, doanh nhân, công nhân lao động chưa đáp ứng yêu cầu.

Thực tế trên cho thấy cần tiếp tục nghiên cứu các mô hình hiện có, từ đó thực hiện một số giải pháp nhằm xây dựng, nhân rộng mô hình thu hút hội viên, phụ nữ trong tình hình mới như sau:

·Rà soát, thống kê và đánh giá hoạt động của các mô hình và thống nhất đề ra cách thức tổ chức, phương thức vận hành của các loại mô hình.

  • Xây dựng, biên soạn tài liệu sinh hoạt, hướng dẫn tổ chức thực hiện, theo dõi tổng hợp tình hình hoạt động của các loại mô hình.
  • Tập huấn đội ngũ cán bộ, cộng tác viên có năng lực và phương pháp xây dựng và triển khai các mô hình.
  • Nâng cao chất lượng nội dung và đổi mới hình thức hoạt động của từng loại mô hình thông qua việc phối hợp với các ngành chức năng.
  • Hàng năm tiến hành ký kết, sơ kết chương trình liên tịch phối hợp với Ban nữ công LĐLĐ, các trường đại học, các hiệp hội khoa học và các ban ngành liên quan trong việc tập hợp thu hút các đối tượng là nữ trí thức, nữ CNVC, nữ thanh niên, nữ lao động...
Phạm Thị Thọ - Ban TCCB TW Hội LHPNVN

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video