Các phong trào vì tình người của Phụ nữ Bến Tre

16/04/2007
“Nếu không nhờ Hội Phụ nữ thì vợ chồng tôi không biết đến bao giờ mới cất được cái nhà che nắng che mưa đàng hoàng như thế này. Như mơ vậy...”. Đó là tâm sự rất thật lòng của một đôi vợ chồng nghèo ở Bến Tre được Hội LHPN tỉnh tặng nhà tình thương.

Ngôi nhà trong mơ

Chúng tôi theo chị Nga - chủ tịch Hội Phụ nữ xã Sơn Đông, thị xã Bến Tre - đến căn nhà tình thương đầu tiên mà Hội LHPN cất tặng vợ chồng anh Lê Hoàng Diệt ở ấp 2 vào năm 2003, gặp lúc anh đang hướng dẫn con trai học bài. Đó là một người cha mang nhiều di chứng của căn bệnh sốt rét rừng trong những năm đi bộ đội. Vợ anh, chị Trần Thị Hồng, phải gánh vác trách nhiệm lo cái ăn, cái mặc cho gia đình ba người. Sau ngày cưới, vợ chồng anh được cha mẹ cho ra riêng với căn chòi lá rộng chừng chục mét vuông đủ kê cái giường và cái bếp.

“Nhà nghèo, mỗi lần chòi bị tốc mái, gãy cột thì vợ chồng đi xin cây lá về sửa lại chứ chưa bao giờ dám mơ có được căn nhà rộng chắc chắn như thế này. Bão số 9 vừa rồi nhà chỉ bị tốc mái sơ sơ...” - anh Diệt vui vẻ tâm sự. Có chỗ ở ổn định, chị Hồng an tâm đi làm mướn, anh Diệt ở nhà lo cơm nước và dạy dỗ đứa con học lớp 4. Những người hàng xóm bảo rằng hai vợ chồng anh Diệt tuy nghèo nhưng sống rất hạnh phúc.

Anh Trần Văn Đức, sửa xe đạp, chạy xe ôm ở ấp 1, xã Sơn Đông, thú thật hai vợ chồng coi căn nhà này giống như biệt thự của nhà giàu, bởi nếu không có hội phụ nữ thì có lẽ nó chỉ tồn tại trong giấc mơ và vợ chồng anh sẽ mãi sống trong cảnh ở đậu.

Riêng với anh Nguyễn Văn Xê (ấp Quới An, xã Quới Sơn, huyện Châu Thành), mặc dù đã ăn ngủ ở trong căn nhà mới được hơn nửa năm nhưng tới bây giờ anh nói vẫn còn “vui như cưới vợ”. Hàng xóm thường thấy anh Xê đứng trước sân hạnh phúc ngắm nhìn ngôi nhà của mình.

Nghèo rớt mồng tơi lại đông con, hai vợ chồng làm thuê làm mướn tối mặt tối mũi may mắn lắm cũng chỉ đủ cái ăn cho cả nhà. Căn nhà đủ rộng cho 12 người có chỗ ngủ là ước mơ quá tầm tay của vợ chồng anh cả chục năm nay. Và rồi ước mơ đó trở thành hiện thực hồi giữa năm 2006 nhờ những tấm lòng của chị em trong tỉnh Bến Tre. “Cả đời sống lay lắt tạm bợ, nay được Hội LHPN tặng căn nhà, vợ chồng tui nhiều đêm ngủ tưởng mình đang mơ!” - anh Xê tâm sự.

200 đồng và những phong trào vì phụ nữ nghèo

“Tôi cũng không ngờ cuộc vận động tiết kiệm trong hội viên phụ nữ bốn năm qua cho kết quả lớn như vậy” - chị Nguyễn Thị Phương Đào, chủ tịch Hội LHPN tỉnh Bến Tre, bộc bạch.

Ý tưởng “làm một việc gì đó giúp phụ nữ nghèo ở nông thôn có căn nhà để ở” xuất phát từ suy nghĩ của chị nguyên chủ tịch hội Đặng Thị Hoa vào năm 2003. Có rất nhiều ý kiến đề xuất, nhưng cuối cùng ban thường vụ tỉnh hội quyết định chọn cách vận động mỗi chị em hội viên bỏ ống heo tiết kiệm 200 đồng/ngày. Sau mỗi quí sẽ gom góp lại cất nhà cho chị em nghèo. Chị Phương Đào bảo: “200 đồng là số tiền rất nhỏ không ảnh hưởng lớn đến chi tiêu sinh hoạt của gia đình nên ngay từ đầu chúng tôi tin là sẽ làm được”.

Theo chị Phương Đào, chính những cán bộ của hội là những người hưởng ứng phong trào này nhiệt tình nhất. Tại văn phòng làm việc của hội từ tỉnh đến xã đều nuôi … heo đất, mỗi người một con. “Vận động phong trào 200 đồng/người/ngày nhưng chị em chúng tôi đóng góp nhiều hơn tùy theo hầu bao của từng người”.

Qua bốn năm gầy dựng phong trào tiết kiệm, hội viên phụ nữ tỉnh Bến Tre đã góp được hơn 3 tỉ đồng xây dựng 500 căn nhà tình thương, tặng 88 sổ tiết kiệm tình nghĩa cho gia đình chính sách ... “Điều làm cho chúng tôi rất vui là phong trào này còn giúp hình thành được ý thức tiết kiệm không chỉ trong hội viên phụ nữ mà cả những thành viên trong gia đình chị em nữa” - chị Phương Đào, chủ tịch Hội LHPN tỉnh Bến Tre, cho biết.

Sau khi cuộc vận động tiết kiệm “200 đồng” kết thúc, từ đầu năm 2006, phụ nữ Bến Tre lại tiếp tục phát động phong trào tiết kiệm “Uống nước nhớ nguồn” trong hội viên và phụ nữ. Mỗi hội viên, phụ nữ tiết kiệm 1.000 đồng/tháng và vận động mạnh thường quân, các nhà hảo tâm trong ngoài tỉnh đóng góp để hỗ trợ công tác đền ơn đáp nghĩa. Đến cuối năm 2006, các cấp hội đã tiết kiệm được gần 233 triệu đồng, xây được 18 nhà tình thương, ủng hộ xây dựng đền thờ liệt sĩ 115 triệu và tượng đài Mẹ Thứ (Quảng Nam) 20 triệu đồng.

Đầu tháng 3-2007 khi tôi đến văn phòng Hội LHPN huyện Châu Thành, các cán bộ, nhân viên ở đây đang đập ống heo chuẩn bị đợt công tác xã hội Ngày quốc tế phụ nữ 8-3 sắp tới. Chị Nguyễn Thị Mười, Phó chủ tịch Hội cho biết, mấy con heo đất ở cơ quan mình có vẻ mập mạp vì được chủ “cho ăn” đầy đủ. Khi đập ống heo, tôi thấy rất ít tiền mệnh giá 200 đồng, phần lớn là 1.000 đồng, 2.000 đồng, thậm chí có cả tiền 10.000 đồng.

Chị Mười nói thêm: “Xúc động lắm, chúng tôi đã nhiều lần nhìn thấy chị em ở nông thôn mang từng bó rau, nải chuối tới cuộc họp của chi hội để đóng góp vì chị em không có tiền. Cán bộ Hội phải mang đi bán các loại nông sản mà hội viên đóng góp rồi nộp vào quĩ”.

Để tạo điều kiện cho chị em tham gia thuận lợi, hiệu quả nhất, nhiều địa phương linh động nghĩ ra nhiều hình thức đóng góp khác nhau. Chẳng hạn tại xã An Phước, huyện Châu Thành hội viên đóng góp bằng... dừa khô (vì vùng này trồng nhiều dừa). Nhiều chị cười hồn nhiên: mỗi tuần góp một trái, mỗi tháng bốn trái là... chuyện nhỏ. Hình ảnh những buổi họp rất vui, nhiều chị xách cả bọc dừa vui vẻ khi dự họp. Chị Huỳnh Phạm Thùy Linh (ấp 4, xã Sơn Đông, thị xã Bến Tre) dù phải thuê đất giồng của người ta trồng rau cải kiếm sống, nhưng khi hay tin đã mang tiền bán rau đóng góp đầu tiên. Hay chị Ngô Thị Cẩm (ấp 3) không chỉ đóng góp quĩ xây nhà mà còn chiết hàng trăm nhánh cây sơri giống tặng chị em trong xã...

Chị Ẩn ở Quới Sơn bày tỏ: “Nhờ căn nhà kiên cố nên cả nhà tôi bình an trong cơn bão số 9”. Sau bão chị có dành hết tiền công làm mướn một ngày đóng góp cho địa phương giúp những người bị sập nhà, dù hôm đó cả nhà thiếu gạo ăn. Không chỉ tạo được 500 căn nhà tình thương ấm áp cho các gia đình nghèo, cuộc vận động tiết kiệm của Hội LHPN tỉnh Bến Tre còn góp phần khơi dậy một điều rất thiêng liêng trong mỗi con người - đó là tình người.

Vân Trường (Báo Tuổi trẻ).

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video