Cần bảo đảm nguồn tài chính và nhân lực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS

03/12/2010
Chính phủ đã trình QH các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia về HIV/AIDS. Theo nhận định của Cục trưởng (CT) Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, nếu không có chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2011-2015 toàn diện, mạnh mẽ thì sẽ khó kiểm soát được. Tuy nhiên, để bảo đảm tính bền vững của chương trình, cần phải bảo đảm nguồn lực tài chính và nhân lực cho công tác phòng chống HIV/AIDS.

- Được biết, Chính phủ đã trình QH các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia về HIV/AIDS. Là đơn vị tham mưu giúp Bộ Y tế quản lý nhà nước về công tác phòng, chống HIV/AIDS, Cục trưởng có thể  cho biết sự cần thiết của chương trình mục tiêu quốc gia về phòng, chống HIV/AIDS?

CT Nguyễn Thanh Long: Việc đề xuất Chương trình mục tiêu quốc gia về HIV/AIDS đã được Bộ Y tế thảo luận và cân nhắc kỹ lưỡng với các bộ, ngành liên quan và trình QH. Nguyên nhân trước hết là do về cơ bản chưa khống chế được HIV/AIDS và hiện nay, bệnh này còn chứa đựng các yếu tố nguy cơ lan ra cộng đồng. Hiện, số người nhiễm HIV/AIDS đã được phát hiện ở 63/63 tỉnh, thành phố; 97,53% số quận, huyện và 70,51% số xã, phường. Theo kết quả ước tính thực hiện từ năm 2007, đến năm 2012 tại Việt Nam có khoảng 280.000 người nhiễm HIV, số bệnh nhân AIDS tăng lên khoảng 75.000 người. Có 10 tỉnh có tỷ lệ nhiễm trên 0,3% trong đó có một số tỉnh có tỷ lệ nhiễm cao như tỉnh Điện Biên với tỷ lệ 599 người nhiễm HIV/100.000 người dân. Điều này cho thấy, nếu không có chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2011-2015 toàn diện, mạnh mẽ dịch sẽ khó kiểm soát được. Tiếp đến là hoạt động phòng, chống HIV/AIDS liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, do vậy cần phải có tính liên kết, liên vùng lãnh thổ trong và ngoài nước; tăng cường sự chỉ đạo, phối hợp liên ngành, liên vùng sự tham gia của các ban ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị, xã hội đặc biệt ở tuyến tỉnh, huyện và tại cộng đồng trong việc nâng cao nhận thức của người dân về dự phòng lây nhiễm HIV, thực hành các hành vi an toàn, triển khai các biện pháp can thiệp, điều trị, chăm sóc và hỗ trợ bệnh nhân HIV/AIDS. Việc chuyển Dự án phòng, chống HIV/AIDS thành Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015 độc lập sẽ tập trung được sự phối hợp liên ngành, liên vùng và nâng cao tính đồng thuận giữa các cơ quan, ban ngành đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Để bảo đảm tính bền vững của chương trình phòng, chống HIV/AIDS, cần phải bảo đảm nguồn lực tài chính và nhân lực cho công tác phòng chống HIV/AIDS.

- Cục trưởng có thể cho biết những cam kết của Việt Nam với quốc tế trong việc phòng chống HIV/AIDS?

CT Nguyễn Thanh Long: Việt Nam đã thực hiện các cam kết quốc tế do các Lãnh đạo cấp cao của Chính phủ tham gia ký kết như đánh giá thực hiện mục tiêu phát triển thiên niên kỷ do nguyên Chủ tịch Nước Trần Đức Lương tham dự và ký kết; Hiệp định khung Chương trình PEPFAR giữa Chính phủ Mỹ và Chính phủ Việt Nam ký kết ngày 22.7.2010, Chính phủ Mỹ cam kết sẽ tăng tài trợ, nếu Chính phủ Việt Nam tăng nguồn ngân sách quốc gia cho chương trình phòng chống HIV/AIDS; Tuyên bố Bali ký kết ngày 8.10.2003; Chương trình hành động Vientiane do nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải ký cam kết ngày 29.12.2004 về giảm tỷ lệ nhiễm HIV, tăng cường tiếp cận điều trị ARV và nhiễm trùng cơ hội.

- Triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia Phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2011-2015 sẽ tập trung vào những nội dung gì, thưa Cục trưởng?

CT Nguyễn Thanh Long: Chương trình mục tiêu quốc gia Phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2011-2015 sẽ tiếp tục thực hiện các mục tiêu của Chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020. Cụ thể trước hết khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư xuống dưới 0,3%; giảm tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con xuống dưới 5%, tăng số lượng bệnh nhân được điều trị ARV lên ít nhất 105.000 người vào năm 2015 và đưa số người được điều trị Methadone lên 80.000 người vào năm 2015.

Xuất phát từ tính hiệu quả, Chương trình sẽ khống chế và làm giảm các ca nhiễm mới đồng nghĩa hàng năm có thể cứu được hàng chục nghìn trường hợp nhiễm HIV và hàng nghìn đứa trẻ sinh ra từ các bà mẹ mang thai không bị nhiễm HIV. Chương trình điều trị khi được triển khai sẽ giúp cho bệnh nhân sống khỏe mạnh, giảm gánh nặng chăm sóc y tế, giảm gánh nặng kinh tế cho gia đình và xã hội. Các chuyên gia cũng tính toán về tính hiệu quả kinh tế khi đầu tư cho chương trình này. Ví dụ, nếu  đầu tư sớm thì 1 đồng đầu tư cho dự phòng sẽ tiết kiệm được 10,8 đồng cho tương lai, đầu tư 1 đồng cho Methadone trong giai đoạn 2011-2015, sẽ tiết kiệm được 10 đồng cho tương lai.

- Trong chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon gần đây cũng đã có phát biểu, đề xuất với Chính phủ Việt Nam về việc cần thiết đưa chương trình phòng chống HIV/AIDS thành chương trình mục tiêu quốc gia ưu tiên. Vậy Cục trưởng đánh giá vấn đề này như thế nào?

CT Nguyễn Thanh Long: Trong chuyến thăm Việt Nam, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon đã có buổi làm việc với chương trình phòng, chống HIV/AIDS tại huyện Từ Liêm, Hà Nội. Tổng thư ký đánh giá cao việc cung cấp những dịch vụ chăm sóc giúp cứu sống nhiều người nhiễm HIV, ngăn chặn đại dịch này lây lan, giảm tử vong do AIDS, góp phần đưa Việt Nam tiến gần hơn đến các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ. Tổng thư ký cũng khẳng định, để đạt được mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, Việt Nam cần đầu tư mạnh mẽ hơn nữa cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS và cần thiết đưa chương trình phòng chống HIV/AIDS thành chương trình mục tiêu Quốc gia ưu tiên.

- Xin cám ơn Cục trưởng!

Vi Hoa thực hiện
Theo Đại biểu Nhân Dân

TÂM ĐIỂM

Video