Cần Thơ: Những mô hình kinh tế hiệu quả giúp hội viên, phụ nữ thoát nghèo

12/06/2019
Với nhiều mô hình thiết thực, cuối năm 2018, Hội LHPN phường Thới Long, TP Cần Thơ đã giúp 22 hộ hội viên vươn lên thoát nghèo. Chị Lý Mộng Tuyền, Chủ tịch Hội LHPN phường, khẳng định: “Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế thông qua việc thành lập các mô hình giải quyết việc làm hiệu quả; làm hồ sơ đề nghị hỗ trợ hội viên vay vốn đầu tư sản xuất…”.

Tổ phụ nữ may túi bao trái cây được thành lập vào năm 2018, với 15 thành viên, góp phần tăng thu nhập cho chị em với mức trung bình hằng tháng đạt từ 1,5 triệu đồng trở lên. Ðây là một trong những mô hình giải quyết việc làm hiệu quả mà Hội LHPN phường Thới Long, quận ÔMôn đã xây dựng nhằm giúp hội viên phụ nữ, đặcbiệt là phụ nữ lớn tuổi, nhàn rỗi có điều kiện tham gia phát triển kinh tế gia đình.

 

Chị Lê Thị Bảo Lang, tổ trưởng Tổ phụ nữ may túi bao trái cây cho biết, xuất phát từ nhu cầu của bà con trong vùng cần có túi bao để bảo vệ trái cây khỏi sâu rầy, sạch đẹp, bán được giá, gia đình chị mở cơ sở sản xuất may túi bao trái cây. Năm 2018, được Hội LHPN cơ sở hỗ trợ, đồng hành, chị và chị em cùng nhau mở rộng cơ sở thành tổ phụ nữ may bao trái cây. Cơ sở của gia đình chị Bảo Lang chịu trách nhiệm làm đầu mối, giao vật liệu để các thành viên mang về nhà tự may và cách 3 ngày hoặc 1 tuần, các thành viên sẽ giao sản phẩm một lần.

 

Chị Huỳnh Thị Ran, thành viên tổ nói: “Tôi đã lớn tuổi, trước giờ chỉ ở nhà nội trợ và chăm sóc các cháu. Được sự hướng dẫn của cô Lang, tôi tham gia mô hình may túi bao trái cây được hơn 1 năm nay. Trung bình mỗi ngày tôi có thể may được khoảng 300 túi”. Chị Nguyễn Thị Diệu Hiền, thành viên tổ, góp lời: “Năm 2017, tôi học nghề may do Hội LHPN phường tổ chức, sau đó có đi may ở xí nghiệp được khoảng 1 năm. Hiện nay, tôi đang mang thai con thứ 2 nên xin nghỉ làm ở nhà. Công việc may túi bao trái cây này giúp tôi có thêm nguồn thu nhập”.

 

Bên cạnh tổ may bao trái cây, nhờ số vốn vay hỗ trợ từ Hội, gia đình chị Huỳnh Thị Cẩm Chinh, ở khu vực Thới Hòa 2, có điều kiện buôn bán, ổn định cuộc sống. Chị Chinh không có đất sản xuất, trước kia chỉ ở nhà chăm sóc con cái, thu nhập của cả nhà chỉ dựa vào tiền lương làm tài xế của chồng chị. Được sự động viên của các cán bộ Hội, khoảng 5 năm nay, chị Chinh vay vốn mở quán ăn sáng và buôn bán trái cây. Chị Chinh nói: “Chị em trong Hội quan tâm, động viên và giúp đỡ gia đình tôi rất nhiều. Bán ăn sáng, tôi lời mỗi ngày hơn 300.000 đồng. Còn mua bán trái cây thì tùy bữa”.

 

Trước đây, bà Phạm Thị Liệt, cũng ở khu vực Thới Hòa 2, có 4 công đất ruộng nhưng canh tác không hiệu quả. 3 năm nay, bà Liệt chuyển sang trồng chanh không hạt. Hiện, chanh đã cho trái 2 mùa. Bà Liệt nói: “Ban đầu khi chuyển đổi mô hình làm ruộng sang làm vườn, tôi được Hội Phụ nữ giúp làm hồ sơ vay vốn 50 triệu đồng để đầu tư sản xuất. Vụ chanh đầu tiên, sản lượng đạt 7 tấn, giá bán trung bình khoảng 15.000 đồng/kg, trừ chi phí, 4 công chanh mang về cho gia đình hơn 80 triệu đồng. Vụ này sản lượng đạt hơn 10 tấn, từ đầu vụ đến nay, tôi bán giá trung bình 10.000-15.000 đồng/kg”.

 

Tương tự, chị Huỳnh Thị Kim Loan, ở khu vực Thới Hòa 2, cũng được hỗ trợ vay 40 triệu đồng để đầu tư thuê đất trồng ổi và nhãn idol. 3 năm nay, gia đình chị Kim Loan có thu nhập trên 200 triệu đồng/năm, thuộc diện khấm khá ở địa phương.

 

Chị Lý Mộng Tuyền, Chủ tịch Hội LHPN phường Thới Long cho biết, thực hiện phong trào phụ nữ “phát huy nguồn lực, thực hành tiết kiệm, giảm nghèo bền vững”, ngay từ đầu năm, Hội LHPN phường đã triển khai đến từng chi hội, rà soát nắm danh sách hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ, đề ra chỉ tiêu mỗi chi hội nhận đỡ đầu thường xuyên 1 hộ nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Song song đó, Hội chủ động xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp, mang lại hiệu quả kinh tế cao, thu hút hội viên tham gia; đồng thời, tích cực hỗ trợ xét cho vay vốn để các hộ nghèo đầu tư sản xuất, chăn nuôi, mua bán nhỏ; thành lập mới và duy trì 17 tổ hùn vốn…

Hải Thư

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video