Can-xi ảnh hưởng quan trọng đến sự phát triển chiều cao của trẻ

17/08/2011
Can-xi rất cần thiết đối với sự phát triển của trẻ. Với mong muốn con mình phát triển tối ưu về thể chất, nhất là chiều cao, nhiều bà mẹ thường xuyên bổ sung can-xi cho trẻ, từ đó dẫn đến việc lạm dụng can-xi.

Thực tế, việc thiếu, hay lạm dụng can-xi đều ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển của trẻ. Để bạn đọc có thêm kiến thức về việc bổ sung can-xi đúng cách cho trẻ, Bác sĩ Lưu Thị Nhất Phương, Trưởng Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ, cung cấp những thông tin hữu ích như sau:

Chiều cao của một người tùy thuộc vào nhiều yếu tố như: di truyền, giấc ngủ, hoạt động về thể chất, yếu tố dinh dưỡng, điều kiện và môi trường sống. Về yếu tố dinh dưỡng, có 3 giai đoạn quyết định đến sự phát triển chiều cao của trẻ:

- Giai đoạn trong bào thai: trong suốt 9 tháng mang thai, thai phụ cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ để tăng trọng lượng bình quân từ 10-12 kg, nhằm bảo đảm cho em bé đạt độ dài cơ thể là 50 cm lúc mới sinh, và cân nặng khoảng 3 kg.

- Giai đoạn sơ sinh đến 3 tuổi: năm đầu trẻ có thể tăng đến 25 cm. Hai năm tiếp theo, mỗi năm có thể tăng 10 cm.

- Giai đoạn dậy thì: chiều cao sẽ tăng từ khi hình thành cho đến hết tuổi dậy thì. Với con gái, thời kỳ tăng trưởng nhanh nhất là từ 8-13 tuổi. Còn con trai sẽ từ 10-15 tuổi. Tại thời điểm này, chiều cao có thể tăng 7-12cm/năm. Sau đó vẫn tiếp tục tăng chậm dần cho hết tuổi trưởng thành, với con gái là 18 tuổi và con trai là 20 tuổi. Sau tuổi dậy thì, chiều cao ở trẻ tăng rất chậm. Có thể ước tính chiều cao lúc trưởng thành của trẻ như sau: chiều cao của trẻ 10 tuổi bằng 80% chiều cao lúc trẻ trưởng thành; chiều cao lúc trưởng thành bằng gấp đôi chiều cao trẻ lúc 2 tuổi.

Một chế độ dinh dưỡng hợp lý, chăm sóc sức khỏe tốt là cơ sở để trẻ phát huy tối đa sự phát triển về chiều cao. Chế độ dinh dưỡng cần phải đảm bảo năng lượng phù hợp với từng lứa tuổi. Bởi dinh dưỡng là yếu tố rất quan trọng trong phát triển chiều cao, trong đó phải kể đến vai trò của các chất dinh dưỡng như: chất đạm, chất béo, vi chất dinh dưỡng,... Can-xi là một trong những muối khoáng có chức năng quan trọng trong cơ thể. Xương bao gồm 99% là can-xi. Chính vì vậy can-xi rất cần thiết cho con người, đặc biệt ở trẻ em trong việc phát triển bộ xương, răng, chiều cao. Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến việc trẻ thiếu can-xi như bất thường chuyển hóa vitamin D, suy tuyến cận giáp, chế độ ăn thiếu can-xi, thừa phosphate,... Ngoài ra, trong trường hợp trẻ có nguy cơ cao hạ can-xi máu là sinh nhẹ cân, đặc biệt là những trẻ chậm phát triển trong tử cung, mẹ bị tiểu đường, sinh ngạt, suy hô hấp ở trẻ sinh non. Một nguyên nhân khác khiến cho trẻ thiếu can-xi đó là trẻ thiếu ra ngoài trời (do sau sinh các bà mẹ thường nằm trong buồng tối, tránh ánh nắng mặt trời nhiều tuần, nhiều tháng sau sinh dẫn đến cả mẹ và con đều có nguy cơ thiếu vitamin D và hạ can-xi máu).

Triệu chứng hạ can-xi máu ở trẻ có thể nhận biết qua các biểu hiện như: khóc đêm, đổ mồ hôi trộm; chậm mọc răng, răng sậm màu, dễ gãy; xuất hiện rụng tóc vùng sau gáy tạo thành hình vành khăn. Các biểu hiện ở xương: thóp rộng, bờ thóp mềm, thóp lâu kín, có các bướu đỉnh, bướu trán (trán dô), đầu bẹp cá trê. Các trường hợp còi xương nặng có di chứng: chuỗi hạt sườn, dô ức gà; vòng cổ chân, cổ tay, chân cong hình chữ X, chữ O. Trương lực cơ giảm (cơ hô hấp kém hoạt động làm trẻ dễ bị viêm phổi, trương lực cơ thành bụng giảm làm cho bụng chướng, rốn lồi); chậm phát triển vận động: chậm biết lẫy, biết bò, đi, đứng... Trẻ bị hạ can-xi có biểu hiện tăng kích thích thần kinh cơ hay tình trạng Spasmophilie: có những cơn co thắt thanh quản gây khó thở, nấc cụt do co thắt cơ hoành, ọc sữa do co thắt cơ dạ dày, tiêu và tiểu són nhiều lần do co thắt cơ thành ruột và cơ bàng quang. Nếu không giải quyết tốt nguyên nhân gây hạ can-xi máu thì ngoài những biến chứng như trên thì lâu dài sẽ ảnh hưởng đến xương và gây còi xương sớm, biến dạng xương, gù vẹo cột sống. Các biến dạng về xương có thể trở thành vĩnh viễn nếu không được điều trị kịp thời, khi trẻ lớn lên đầu có dạng hình cá trê hoặc méo một bên, ngực lép kiểu ức gà, lưng gù, chân cong, răng hô, tướng đi chữ bát.

Nhu cầu can-xi khác nhau tùy theo từng lứa tuổi. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thì trẻ em từ 0-1 tuổi cần 400mg-600mg/ngày, trẻ em 1-10 tuổi cần 800 mg/ngày, người lớn 11-24 tuổi cần 1200 mg/ngày, người lớn 24-50 tuổi cần 800mg-1000mg/ngày, phụ nữ có thai và người cao tuổi cần 1200mg-1500mg/ngày. Vượt quá mức tiêu thụ can-xi có thể gây ra kích thích niêm mạc dạ dày. Điều này có thể dẫn tới trẻ mỏi mệt, chán ăn, đau dạ dày, buồn nôn, táo bón. Lượng can-xi thừa ít được hấp thu, nếu được hấp thu sẽ bị thải ra ngoài cùng nước tiểu gây sỏi thận. Những biểu hiện của quá liều can-xi, gồm: khát nước, tiểu nhiều, buồn nôn, nôn mửa, mất nước, tăng huyết áp, rối loạn tim mạch... Khi có các biểu hiện trên, phải ngừng tất cả các nguồn cung cấp can-xi và vitamin D và đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế. Trong các trường hợp phải điều trị lâu dài nên kiểm tra can-xi niệu thường xuyên. Nếu lượng can-xi niệu trên 300 mg/24 giờ (7,5mmol/24 giờ) thì phải ngừng điều trị...

Do đó, cần phải bổ sung can-xi đúng cách cho trẻ. Can-xi không được tạo ra trong cơ thể mà phải được cung cấp hàng ngày bởi thức ăn. Những thực phẩm giàu can-xi là: sữa, các chế phẩm từ sữa, mè, trứng, tép, cua đồng, rạm, đậu nành và những chế phẩm làm từ đậu nành... Tuy nhiên, muốn can-xi được hấp thu và sử dụng tốt thì cơ thể phải có đủ vitamin D. Nếu không, có khi trẻ vẫn ăn uống đủ can-xi mà vẫn bị thiếu can-xi. Vì vậy ta còn gọi những trẻ còi xương là “còi xương do thiếu vitamin D”. Khi thiếu can-xi mức vừa, có thể bổ sung thuốc chứa can-xi, vitamin D loại có hàm lượng thấp (can-xi 200mg-500mg, vitamin D 200IU). Sau 3 tháng, kiểm tra lại nếu đã đủ thì ngừng thuốc, khi nào thiếu bổ sung lại. Loại có hàm lượng can-xi và vitamin D hoặc chỉ có vitamin D hàm lượng cao, tác dụng kéo dài chỉ dùng theo chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không tự ý dùng để bổ sung can-xi, vitamin D cho trẻ không có bệnh.

Theo Baocantho online

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video