Câu chuyện cảm động về bức tranh cổ động Anh hùng liệt sỹ Lê Thị Hồng Gấm

13/07/2017
Hơn 50 năm gắn bó với hội họa, với việc sáng tác tranh cổ động tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị của đất nước, họa sỹ Dương Ánh không thể quên ấn tượng về bức tranh cổ động vẽ nữ anh hùng liệt sĩ Lê Thị Hồng Gấm.

Trao cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam bức tranh cổ động“Lê Thị Hồng Gấm - Tấn công kiên quyết quả cảm; Bám trụ vững chắc kiên cường”, họa sỹ Dương Ánh bồi hồi kể lại câu chuyện của 46 năm về trước.

Mùa thu năm 1971, họa sỹ Dương Ánh được Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng yêu cầu sáng tác gấp tranh cổ động về tấm gương chiến đấu dũng cảm của nữ anh hùng liệt sĩ Lê Thị Hồng Gấm để tuyên truyên rộng rãi trong toàn quốc. Nhận nhiệm vụ, họa sỹ Dương Ánh ngay lập tức bắt tay vào công việc. Câu chuyện về người con gái du kích đất Tiền Giang Lê Thị Hồng Gấm anh dũng chọn lấy hiểm nguy cho mình để cứu đồng đội, chiến đấu ngoan cường với quân giặc trên 2 chiếc trực thăng vũ trang trên cánh đồng quê hương chiếm trọn tâm trí họa sỹ, tạo cảm hứng mạnh mẽ cho ông...

Đó là ngày 18/4/1970, trên đường công tác, nữ xã đội phó Lê Thị Hồng Gấm cùng 2 đồng chí của mình bị địch phát hiện. Hai chiếc HU 1A chở đầy lính sà xuống, chúng dự định sẽ đổ quân bao vây bắt sống cả 3 người. Trước tình thế nguy cấp, Hồng Gấm bình tĩnh nói với đồng đội: Tôi có súng, tôi ở lại chiến đấu để thu hút chú ý của địch, các đồng chí chạy nhanh vào mé vườn chắc chắn sẽ thoát, cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Đồng đội của Hồng Gấm còn do dự, Hồng Gấm liền hét lên, hai đồng chí chạy nhanh đi, không kịp nữa đâu!.Còn lại một mình, Hồng Gấm dựa vào bờ ruộng để chiến đấu. Hai chiếc trực thăng phát hiện Hồng Gấm bắn trả, chúng lượn quanh bắn dữ dội hòng huy hiếp tinh thần và phát loa kêu gọi Hồng Gấm đầu hàng. Hồng Gấm bình tĩnh bắn trả rất chính xác, làm cho một trong hai chiếc trực thăng bị trúng đạn rơi tại chỗ. Chiếc còn lại khiếp sợ cất cánh lên bay lên khỏi tầm bắn, sau đó đổ quân bao vây chị. Hồng Gấm bị thương nặng nhưng vẫn kiên cường bắn trả đến viên đạn cuối cùng, diệt được thêm một số lính giặc. Máu trên người tuôn xối xả, chị vẫn quỳ, tỳ chắc khẩu súng trên vai chiến đấu đến hơi thở cuối cùng.

Câu chuyện cảm động về lòng dũng cảm, kiên cường của nữ anh hùng liệt sĩ chưa tròn 19 tuổi Hồng Gấm đã gây ấn tượng mạnh cho họa sỹ Ánh Dương nhưng vì không có bất kỳ hình ảnh nào ảnh nào của chị nên những bức tranh vẽ ra, họa sỹ đều không cảm thấy hài lòng. Không nản chí, họa sĩ lặn lội tìm hiểu và được sự giúp đỡ của rất nhiều người, ông đã gặp được chị Hoa, bạn cùng chiến đấu với chị Hồng Gấm, lúc đó đang điều trị tại Bệnh viện E Trung ương. Chị Hoa cũng không có ảnh chị Gấm nhưng Chị Hoa đã hiến kế cho họa sỹ lấy khuôn mẫu là chị Diệu,– người bạn cùng chiến đấu của họ. Chị Diệu và chị Gấm rất giống nhau (theo lời khẳng định của chị Hoa). Chị Hoa cũng nhắc nhở họa sĩ về khẩu súng mà chị Gấm sử dụng là súng AR15, khác với AK ngoài Bắc. Trong quá trình họa sĩ vẽ tranh, chị Hoa cùng chị Diệu đã tận tình góp ý để hình vẽ được giống với chị Gấm nhất.

Bức tranh cổ động “Lê Thị Hồng Gấm- Tấn công kiên quyết quả cảm; Bám trụ vững chắc kiên cường” hoàn thành và được Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng duyệt in với số lớn phát hành trong toàn quốc. Khi bức tranh được gửi về gia đình, mẹ liệt sỹ Hồng Gấm đã thốt lên: “Không có ảnh, không gặp người mà tranh vẽ đúng như Hồng Gấm”.

Tranh cổ động về người nữ anh hùng Lê Thị Hồng Gấm đã có tác độngmạnh mẽ, cổ vũ tinh thần chiến đấu, sẵn sàng hy sinh trong toàn quân, toàn dân, góp phần làm dấy lên các phong trào học học tập tấm gương Lê Thị Hồng Gấm như: "Bắn máy bay như Hồng Gấm”, “Đánh phá bình định như Hồng Gấm”, “Dẫn đầu như Hồng Gấm”...Tại Quảng Ngãi, Đại đội nữ Lê Thị Hồng Gấm chính thức được thành lập. Đây cũng là Đại đội nữ đầu tiên thành lập ở miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Bài do Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam cung cấp

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video