Câu lạc bộ phụ nữ đơn thân Vạn Phái: Một mô hình mới

14/07/2008
Huyện Phổ Yên (tỉnh Thái Nguyên) hiện có gần 2.000 phụ nữ đơn thân. Họ đơn thân vì chồng hy sinh trong chiến tranh, chết vì bệnh tật, ly hôn và một số trường hợp éo le khác. Cảm thông với họ, năm 2004, Hội LHPN tỉnh Thái Nguyên đã thành lập CLB phụ nữ đơn thân, chọn xã Vạn Phái (Phổ Yên) làm điểm, với mong muốn làm vợi bớt những mất mát, thiệt thòi cho các chị. Những phụ nữ từ 30 tuổi trở lên không chồng có con, không chồng, không chết hoặc ly hôn đều được mời tham gia CLB.

Chị Nguyễn Thị Nhàn, Chủ tịch Hội LHPN xã Vạn Phái cho biết: Những ngày mới thành lập, mời được những người phụ nữ này tham gia không phải đơn giản bởi họ rất mặc cảm, hơn nữa chị em cũng vất vả, bận rộn. Nhưng với sự kiên trì, thuyết phục cùng với những hoạt động thiết thực, số lượng hội viên đã tăng dần từ 79 hội viên ban đầu lên 130 thành viên như hiện nay. Ngoài những kiến thức về giới, các chị còn được học một số kiến thức về khoa học trồng trọt, chăn nuôi, được tư vấn về sức khoẻ sinh sản, cách nuôi dạy, chăm sóc người thân trong gia đình... Song có lẽ điều quan trọng hơn cả là những phụ nữ đơn thân đã nhận được sự giúp đỡ về tinh thần mỗi khi các chị cảm thấy chông chênh, trống vắng trong cuộc sống, giúp cuộc sống của mỗi chị đỡ cô quạnh. Đó là một bát cháo khi ốm, mái nhà thiếu đàn ông dột nát nay được dọi lại, hay con ốm, con đau được chị em khác đến đỡ đần. Có chị chồng chết, gia đình quá khó khăn không có gạo ăn, mái nhà xiêu vẹo có người đến giúp nhưng cũng không lo nổi bữa cơm cho thợ. CLB phải vận động chị em người nuôi bữa cơm, người thì ủng hộ tre, người lại cho vay tiền mua ngói... Vậy là có được m ái nhà từ tình người đầy ăm ắp. Bên cạnh đó, CLB còn giúp các cháu là con những thành viên trong CLB có gia cảnh thiếu thốn, học giỏi được trợ cấp học bổng để tiếp tục theo học như cháu Nguyễn Văn Mạnh, con của chị Nguyễn Thị Nguyệt ở thôn Cơ Phi; cháu Lê Thị Ánh Hồng, con chị Nguyễn Thị Lan ở Tân Cương.

 

Ở Vạn Phái, đa số gia đình phụ nữ đơn thân gặp khó khăn nên thường mặc cảm, tự ti phận nghèo. Những người có hoàn cảnh đặc biệt lại càng mặc cảm hơn như những chị em chồng chết do AIDS, những chị em không chồng có con hoặc bị chồng bỏ, chị em bị tàn tật...

 

Chị Ngô Thị Nhung là một thí dụ. Hơn 50 tuổi, chị vẫn phải xin ly hôn vì không chịu nổi thói “trăng hoa” và bản tính vũ phu của người chồng. Trước khi quyết định ly hôn, chị đã có những thời kỳ cảm thấy tuyệt vọng. Đến khi bỏ chồng chị lại sợ mang tiếng. Nhưng từ khi tham gia sinh hoạt CLB, suy nghĩ của chị đã khác. Giờ đây chị không cònn cảm thấy cô độc. Cuộc sống không còn ảm đạm, vô nghĩa. Ba con chị đã được chị tần tảo nuôi khôn lớn. Các cháu đều đã đi làm. Cháu trai lớn đã lấy vợ. Giờ đây chị đã lên chức bà nội. Chị nói với chúng tôi: Tham ghia CLB phụ nữ đơn thân, được gặp gỡ giao lưu với những người cùng cảnh ngộ tôi thấy tự tin hơn, thoải mái về tinh thân, cởi mở trong giao tiếp và được chia sẻ những nỗi buồn.

 

Còn chị Vũ Thị Hồng hoàn cảnh cũng rất đáng thương. Khi chúng tôi đến đầu ngõ, chị đang gánh phân ra đồng. Gặp chúng tôi, chị đặt vội quang gánhgiọng thều thào, rơm rớm nước mắt: “Nhà có con gà mái mẹ và mấy con gà con, thế mà đêm qua trộm vào bắt sạch”. Chúng tôi theo chân chị về nhà, bắt gặp ở sân những dòng chữ việt nghuệch ngoạc: “Gánh hộ chỗ phân tươi xuống đồng cho mẹ”.

 

Chủ tịch Hội LHPN xã giải thích: “Hồng nó không nghe được nhưng đọc được, viết được nên muốn nhắn gì với nó cứ phải viết ra. Những phụ nữ đơn thân, mỗi người một hoàn cảnh, chị nào cũng có những nỗi vất vả, nỗi khổ riêng, thế nên CLB đơn thân của chúng tôi mới cần thiết ra đời”. Là con gái đầu của cựu chiến binh Vũ Xuân Chí bị nhiễm chất độc màu da cam, chị Vũ Thị Hồng từ khi sinh ra đã không có được sức khoẻ như những đứa trẻ khác. Bà Đinh Thị Thư, người sinh ra chị Hồng kể với chúng tôi: Năm 17 tuổi đang theo học thì Hồng bị điếc và thường xuyên lên cơn động kinh phải bỏ học. Khi đã quá lứa, biết mình khó lấy chồng, Hồng đành “xin” một đứa con. Dù cảnh nhà gieo neo, nhưng thương con, thương cháu, tôi và chồng tôi xây cho mẹ con cháu một căn nhà nhỏ để hai mẹ con ra ở riêng. Gia cảnh nhà tôi khó khăn hơn khi giữa năm 2006, ông Chí chồng tôi đột ngột qua đời, tiêu chuẩn nạn nhân chất độc da cam của ông vì thế cũng hết. Còn chị Hồng sức khoẻ yếu, song vẫn phải làm ruộng để kiếm kế sinh nhai cho cả hai mẹ con. Thằng bénăm nay lên tám mà còi như trẻ lên năm, do ảnh hưởng chất độc da cam từ ông ngoại và từ mẹ cũng ốm đau quặt quẹo luôn.

 

Cũng dễ hiểu, gia cảnh như thế, cuộc sống của gia đình chị Hồng càng khó khăn. Trong ngôi nhà chật hẹp của chị chẳng có gì đáng giá ngoài bộ bàn ghế cũ kỹ được cho và một chiếcgiường đơn. Chẳng có tủ nên quần áo sạch bẩn đều ắt tuốt lên dây. Mái ngói cũng dột nát. Chị nghẹn ngào không nói được lời nào khi được CLB phụ nữ đơn thân của xã biếu chút quà và huy động mọi người trong xã đến sửa giúp lại trái nhà để hai mẹ con chị Hồng có chỗ đầm ấm. Hỏi chuyện chị, chúng tôi phải viết ra giấy: Chị tham gia CLB phụ nữ đơn thân được giúp đỡ gì? Dù nói năng khó khăn, chị Hồng ngập ngừng giây lát rồi trả lời: Thấy vui hơn vì được hướng dẫn cách nuôi dạy con và được chỉ cho một số cách chăn nuôi, cấy lúa, bón phân đúng cách đạt năng suất cao.

 

Có thể nói, CLB phụ nữ đơn thân xã Vạn Pháo không chỉ là mô hình tập hợp, thu hút thêm hội viên, mà còn thể hiện tính nhân văn và thiết thực của phong trào phụ nữ, góp phần quan trọng giúp các chị em có hoàn cảnh éo le giảm bớt khó khăn và vơi đi nỗi cô đơn trong cuộc sống, rất cần được các cấp, các ngành quan tâm ủng hộ và nhân rộng ra các địa bàn khác.

 

Lê Phương Hiên - Tạp chí Lao động xã hội

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video