Chị Chủ tịch Hội giàu sáng kiến

06/11/2006
Tích cực tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện, thực hiện hiệu quả phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, đặc biệt là sáng kiến “xoá ấp trắng cơ sở hội, hộ trắng hội viên” đã đưa Hội LHPN tỉnh Long An trở thành điểm sáng để các tỉnh/thành Hội học tập trong nhiệm kỳ vừa qua. Trong thành tích chung đó phải kể đến người chèo lái, chị Chủ tịch Hội Trần Thanh Hồng - người mà chúng tôi có dịp trao đổi tại Lễ trao Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam 2006.

BTV: Thưa chị, trong buổi lễ tôn vinh đầy ý nghĩa này, cảm xúc của chị như thế nào?

 

Chị Trần Thanh Hồng (TTH): Thực sự tôi rất bất ngờ được nhận Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam và vô cùng xúc động, nhất là buổi lễ diễn ra tại đây - thủ đô Hà Nội.

 

TTH: Chị có thể chia sẻ thành tích nổi bật nhất của Hội lHPN tỉnh Long An trong nhiệm kỳ vừa qua, trong đó có đóng góp của cá nhân chị?

 

Bước vào nhiệm kỳ 2001-2006, tôi và các chị trong BCH Hội LHPN Long An rất trăn trở: Làm thế nào để vực dậy phong trào khi chỉ tiêu: xoá hộ trắng hội viên nhiều năm Long An không đạt? Trả lời câu hỏi này, Hội LHPN Long An quyết định: Tìm biện pháp “xoá điểm trắng cơ sở Hội, xoá hộ trắng hội viên” làm khâu đột phá thực hiện cho được trong nhiệm kỳ này. Đồng thời BCH cũng xác định rõ nguyên nhân: Do Hội chưa có biện pháp tích cực cũng như phương pháp phù hợp với từng đối tượng, từ đó chỉ đạo xây dựng các mô hình tập hợp thu hút hội viên. Kết quả, kết thúc nhiệm kỳ, Long An đã có 89% ấp xoá điểm trắng cơ sở hội và trên 90% số hộ có phụ nữ 18 tuổi trở lên có hội viên.

 

BTV: Là tỉnh gặp không ít khó khăn do thiên tai, lũ lụt, làm thế nào thu hút được hội viên vùng sâu, vùng xa?

 

TTH: Long An có 14 huyện thị, trong đó 5 huyện thuộc khu vực Đồng Tháp Mười 1 năm có đến 3,4 tháng chịu lũ lụt, phụ nữ nhập cư nhiều. Những tháng nông nhàn, chị em lại dồn về các khu công nghiệp trong tỉnh kiếm sống, do đó số lượng phụ nữ di biến động ngày càng gia tăng. Trước tình hình đó, Hội đã đề ra các giải pháp cụ thể đối với từng đối tượng để chị em khu vực Đồng Tháp Mười cũng như chị em tại các khu công nghiệp trong hoàn cảnh nào cũng có thể tham gia sinh hoạt.

 

Đối với số chị em thuộc các huyện Đồng Tháp Mười thường xuyên đi làm ăn xa, Hội tổ chức sinh hoạt vào các giờ nghỉ trưa, buổi tối tại nơi ở mới. Bên cạnh đó, các cấp Hội tăng cường phối hợp nắm bắt tình hình, thực trạng, số lượng di biến động cũng như tâm tư, nguyện vọng của chị em, từ đó đề ra nội dung, hình thức phù hợp với từng đối tượng.

 

Còn đối với chị em ở khu công nghiệp lâu nay chưa được quan tâm, chú ý, Hội tổ chức cho chị em sinh hoạt vào các giờ tan ca, giờ nghỉ trưa và các ngày nghỉ để chị em thuận lợi trong sinh hoạt. Cùng đó, nội dung sinh hoạt luôn được đổi mới, phù hợp, thiết thực với cuộc sống, đặc thù công việc của chị em.

 

BTV: Ngoài đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt, theo chị, động lực nào thúc đẩy hội viên đến và gắn bó với tổ chức Hội?

 

TTH: Muốn chị em đến và “trụ lại” với mình, trước hết phải cho chị em thấy quyền (được bảo vệ) cũng như lợi ích thiết thực khi “có tên” trong tổ chức Hội. Để làm được điều đó, nhiều năm qua, Hội đã khai thác, huy động gần 43 tỷ đồng cho hàng nghìn hội viên vay phát triển sản xuất. Đối với phụ nữ nghèo, Hội đứng ra tín chấp Ngân hàng NN&PTNT, Ngân hàng CSXH cho gần 300 chị em vay với số tiền 150 tỷ đồng; thành lập 4 tổ hợp tác kinh tế về may mặc, dệt thảm, đan…giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho 45.000 chị. Bên cạnh đó, tuỳ theo hoàn cảnh, mỗi chị em còn đóng góp mỗi người 5-10 nghìn đồng cho nhau vay không tính lãi, giúp nhau ngày công, cây, con giống, hướng dẫn, trao đổi kinh nghiệm làm ăn. Tham gia tổ chức Hội, chị em khó khăn được hướng dẫn vay vốn làm ăn, chị em khá hơn được học hỏi kiến thức xã hội, pháp luật, được giao lưu biểu diễn văn hoá văn nghệ, tham gia các hoạt động xã hội, tình đoàn kết ngày càng gắn bó…Đó chính là sợi chỉ xuyên suốt, là “nam châm” thu hút ngày càng nhiều chị em đến với tổ chức Hội.

 

BTV: Hoạt động nhân đạo, từ thiện luôn được Hội quan tâm, bản thân chị đã vận động ủng hộ được trên 3 tỷ đồng, chị có thể điểm qua những nét nổi trội nhất?

 

TTH: “Xóa nhà tranh tre lứa, lá” là việc làm các cấp Hội quyết tâm thực hiện trong thời gian qua. Cùng với các cấp, các ngành, đoàn thể trong tỉnh, Hội LHPN Long An đã quyên góp xây dựng được 36 nhà tình nghĩa, trên 500 nhà tình thương và đặc biệt đã trao 877 suất học bổng cho trẻ em nghèo, cấp gần 1.000 xe lăn cho người tàn tật. 5 năm, Hội đã giúp cho trên 10.000 người có hoàn cảnh khó khăn.


BTV:
 Trong bộn bề công việc nhiệm kỳ mới, Hội LHPN Long An cần tập trung làm những việc gì?


TTH: Hội LHPN Long An còn nhiều việc phải làm: đẩy mạnh hơn nữa công tác dạy nghề, tạo việc làm tại chỗ cho chị em, đặc biệt là đối với chị em các huyện khu vực Đồng Tháp Mười; phối hợp đấu tranh, ngăn chặn các hành vi buôn bán phụ nữ dưới nhiều hình thức; tuyên truyền, giáo dục, vận động chị em xây dựng gia đình “no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”…Trước mắt, tập trung triển khai thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội phụ nữ tỉnh Long An nhiệm kỳ 2006-2011.


BTV:  Xin cảm ơn chị!

 

 

 

 

 

Đỗ Hoa - Trung tâm Thông tin (thựchiện)

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video