Chị "mây tre đan"

03/12/2005
Nói đến mô hình làm kinh tế giải quyết nhiều công ăn việc làm cho lao động tại chỗ của xã Thanh Lĩnh, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, ai cũng nhắc đến Công ty TNHH Xuân Hương.

Đây là doanh nghiệp sản xuất hàng mây tre đan xuất khẩu vào loại lớn nhất ở tỉnh Nghệ An, đối với huyện Thanh Chương là một mô hình kinh tế mới mà hiệu quả cao. Ấn tượng đặc biệt về công ty của bạn hàng, đối tác cũng như mọi người dân trong vùng là nữ giám đốc Nguyễn Thị Hương-kiêm Phó chủ tịch Hiệp hội mây tre đan xuất khẩu Nghệ An.

Trên một ngọn đồi thuộc thôn Thị Tứ bên dòng sông Lam là hệ thống nhà xưởng của công ty. Ngoài dãy nhà chính được xây khá kiên cố, còn lại các dãy nhà khác đều làm bằng tranh tre rất tươm tất, thoáng đãng. Khuôn mặt tươi vui, dáng người nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, chị Hương vui vẻ nói về cơ ngơi sản xuất của mình: "Dùng vật liệu tre nứa làm nhà xưởng rất mát lại hợp với nghề đan lát, chi phí xây dựng ít, tận dụng được nguồn nguyên liệu có sẵn. Thành công bước đầu hôm nay chính là nhờ ở sự tiết kiệm từ những sợi mây, sợi giang nhỏ nhất".


Nhìn bề ngoài của nữ giám đốc Nguyễn Thị Hương, ít ai có thể biết chị từng chịu nhiều cơ cực trong cuộc sống. Từ một cán bộ KHKT nhiều triển vọng ở cơ quan địa chất huyện Quỳ Hợp, vì điều kiện riêng gia đình xẻ chia, chị Hương về quê Thanh Lĩnh sinh sống. Đó là vào khoảng đầu năm 1990. Trước hoàn cảnh ấy, chị đã trải qua nhiều việc làm vất vả, nuôi con ăn học như buôn bán từng bó rau, quả trứng, bó củi ở chợ quê; buôn chuyến chè xanh, hoa quả xuống Vinh. Bươn chải sớm hôm đã cho chị nghị lực, những đứa con chăm ngoan học giỏi, khôn lớn từng ngày. Thân phận người phụ nữ vất vả đã khiến chị thấu hiểu sâu sắc nỗi khổ của người lao động, đặc biệt là người phụ nữ nông thôn. Ở quê chị, phụ nữ chiếm hơn 50% dân số, chủ yếu sản xuất nông nghiệp, nhưng một năm họ chỉ ra đồng ruộng có 3-4 tháng, còn 8-9 tháng nhàn rỗi. Từ chỗ thiếu việc làm nên phần lớn đời sống chị em khó khăn càng thêm thiếu thốn. Ý tưởng tìm việc làm phù hợp với nhiều người, nhiều lứa tuổi, tranh thủ được nhân công lúc nông nhàn cứ thôi thúc người kỹ sư hóa chất ngày nào tìm tòi, khám phá.

 

Phát hiện vùng đất Thanh Chương sẵn nguồn nguyên liệu dồi dào, có thể phát triển ngành nghề mây tre đan xuất khẩu, chị Hương mạnh dạn vay mượn tiền rồi khăn gói vào rừng khảo sát nguyên liệu, lần mò vào tận Nha Trang tìm nguồn tiêu thụ. Sau khi đưa mẫu và thuyết phục các cơ sở chế biến ở phía Nam ký hợp đồng, chị Hương trở về rừng thuê nhân công, xin giấy phép khai thác rồi đứng ra thu mua, gom hàng vận chuyển vào Nam. Từ buôn bán nhỏ đến lớn, đi lại như con thoi, dần dần thị trường được mở rộng đến Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, vào tận Thành phố Hồ Chí Minh. Trước thực trạng các cơ sở chế biến trong Nam nhập hàng thô của mình rồi chế biến thành nguyên liệu tinh, vận chuyển trở ra, vượt qua Nghệ An, bán cho các làng nghề ở các tỉnh phía Bắc với giá cao, chị Hương ngày đêm trăn trở. Trong khi đó, những cơ sở mây tre đan xuất khẩu ở Nghệ An đóng trên vùng nguyên liệu dồi dào lại phải chạy ra Bắc mua lại với giá cao hơn, chịu nhiều thiệt thòi, phụ thuộc. Một sự vòng vèo thật phi lý? Tại sao người ta làm được mà mình ở ngay vùng có nhiều thuận lợi lại không làm được? Chị cũng nhận thấy, nghề mây tre đan xuất khẩu có lợi thế tạo nhiều công ăn việc làm tại chỗ trên quy mô lớn. Hình ảnh về một mô hình kinh tế cứ lớn dần theo chị suốt những cuộc hành trình vào Nam ra Bắc. Trên những bước đường đó, chị được gặp nhiều nữ giám đốc thành đạt trong nghề và đón nhận ở họ sự đồng cảm. Ngày 1-1-2003, ước mơ và nỗ lực của chị thành hiện thực-Công ty TNHH Xuân Hương ra đời chính trên mảnh đất quê hương. Ngay sau đó, công ty tham gia vào Hội đồng liên minh HTX và doanh nghiệp ngoài quốc doanh tỉnh Nghệ An, góp thêm một ngành nghề mới ở huyện Thanh Chương: khai thác, thu mua, chế biến sản xuất hàng mây tre đan xuất khẩu, đào tạo nghề và bao tiêu sản phẩm sản xuất của dân.

 

Vượt lên khó khăn từ buổi đầu và được sự hỗ trợ, động viên của tỉnh, huyện về phát triển ngành nghề, giám đốc Nguyễn Thị Hương đã mạnh dạn vay vốn đầu tư, thuê thầy đào tạo nghề miễn phí cho dân, trang bị các loại máy móc thiết bị công nghệ mới, ứng dụng hiệu quả vào sản xuất. Nhiều đêm thâu, cô giám đốc miệt mài với bộn bề công việc, nghiên cứu các đề tài khoa học, công nghệ. Những ngày lặn lội ra Bắc mời các nghệ nhân ở các làng nghề nổi tiếng về quê mở lớp truyền nghề tạo điều kiện cho lao động vừa học vừa sản xuất, chế biến đã cho chị những thành công bước đầu. Kết quả, "Đề tài khoa học về chế biến nguyên liệu thô thành nguyên liệu tinh" đã được Sở khoa học công nghệ và môi trường tỉnh Nghệ An phê duyệt. Hơn 60 lao động tại xưởng, trong đó có tới 45 lao động nữ đang ổn định việc làm với mức lương từ 500.000đ đến 800.000đ/tháng. Sự phát triển của công ty đã cung cấp nguồn nguyên liệu đầy đủ, thường xuyên, góp phần tạo công ăn việc làm cho 4.000-4.500 lao động ở các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Yên Thành, Thanh Chương làm hàng mây giang xiên xuất khẩu. Công ty cũng đang đảm nhận nhiệm vụ của tỉnh giao là doanh nghiệp lớn nhất cung cấp nguyên liệu sản xuất hàng mây tre đan trên toàn tỉnh. Trong tương lai, để chủ động hơn, công ty sẽ được hỗ trợ đầu tư dự án trồng rừng cây nguyên liệu.

 

Chị Hương đã không quản mọi bề khó khăn như con thoi đây đó "tầm sư học đạo". Hễ biết đến làng nghề nào, nghệ nhân uy tín nào, chị đều tìm đến thuyết phục họ về giúp đỡ chị, công ty chị.

Bên hệ thống các máy chà, chẻ, chuốt, những bàn tay khéo léo đang vận hành, làm việc chăm chỉ, tỉ mỉ, chị Hương tỏ bày nguyện vọng: "Nếu doanh nghiệp được cấp đất ổn định, lâu dài ở địa phương, chúng tôi sẽ yên tâm đầu tư công nghệ, mở rộng sản xuất. Từ đó sẽ tạo việc làm nhiều hơn không chỉ cho lao động trực tiếp mà còn phát triển sản xuất đến tận từng hộ gia đình. Chúng tôi mong muốn cùng ngành mây tre đan xuất khẩu tỉnh nhà phát triển, tiến tới xuất khẩu trực tiếp sản phẩm ra nước ngoài".

Ngô Doanh

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video