Chim sơn ca của tình hữu nghị

03/11/2005
Nếu ví tình hữu nghị Trung - Việt như một lẵng hoa đẹp tươi thì có thể nói: Một trong những cánh hoa đẹp là nữ phóng viên Vương phong, hiện là Phó Tổng Biên tập tạp chí Liễu Châu, trực thuộc Tân Hoa Xã Trung Quốc

Chị sinh năm 1951, tức chỉ hai năm sau khi nhà nước kiểu mới Cộng hòa Nhân dân ra đời, đem lại cho các dân tộc trên lục địa TrungHoa một cuộc đời mới vinh quang và tươi sáng.

 

Cha chị vốn là một học sinh Hoa kiều tại Philippine, theo lời kêu gọi của Đảng Cộng sản về nước tham gia kháng Nhật cứu nước. Cách mạng thành công, cha chị được đi học nghề báo, và trở thành một phóng viên giỏi.

 

Năm 1956, ông được phân công sang làm Trưởng Phân xã của Tân Hoa Xã, thường trú tại Hà Nội. Vì còn nhỏ, lại rất được cha yêu quý chiều chuộng, nên Vương Phong đã theo cha sang Việt Nam, đất nước nhiệt đới tươi đẹp như lời em kể lại sau này: Những cây dừa cao, to, sum xuê cành lá, hồ Hoàn Kiếm lung linh gợn sóng, những người dân Việt Nam hiếu khách, nhiệt tình, những bài hát Việt Nam say đắm lòng người . . . " .

 

Hàng ngày, cha chị đi khắp nơi viết bài, chụp ảnh. Đêm về, ông lại kể cho chị nghe những câu chuyện về đất nước Việt Nam còn đang nghèo nàn kham khổ, vừa phải gồng mình dựng xây, vừa phải kiên trì đấu tranh giải phóng miền Nam. Ông kể về các bạn nhỏ Việt Nam vừa đi học vừa giúp cha mẹ, ông bà mọi việc, rồi những câu chuyện cổ tích của xứ sở nhiều nắng nhiều gió này . . . Tất cả tạo nên trong Vương Phong một tình yêu ngây thơ, vừa thiêng liêng vữa gần gũi. Từ lúc nào, chị đã coi Việt Nam như nhà mình, Hà Nội như Bắc Kinh nhỏ bé xinh đẹp của riêng mình.

 

Đặc biệt trong những câu chuyện của cha chị, có một ông tiên rất mực hiền từ, rất mực yêu quý trẻ con, có tên là Bác Hồ, đồng thời lại là lãnh tụ tối cao của Cách mạng Việt Nam. Khi chị hỏi ông tiên ấy như thế nào, thì cha chị đã hát cho chị nghe bài hát của các bạn thiếu nhi Việt Nam: “Bác chúng em dáng cao cao, người thanh thanh. Bác chúng em mắt như sao, râu hơi dài...” Qua đó, từ lúc nào chị cũng thấy yêu Bác Hồ, và chị thỏ thẻ nói với cha rằng: "Con rất muốn được gặp Bác Hồ. Cha nhất định phải cho con đến gặp Bác để con nói những lời yêu kính ". Cha chị cười xoa đầu chị, bảo sẽ có ngày chị được toại nguyện. Và cái ngày mong ước ấy đã đến, thật tình cờ như trong một giấc mơ kỳ diệu vậy.

 

Được gặp và chụp ảnh chung với Bác Hồ

 

Hôm đó Chính phủ Việt Nam đón một đoàn khách cao cấp nước ngoài sang thăm. Tối hôm trước, cha Vương Phong đã nói "Thể nào Bác Hồ cũng đến, con ngoan thì cha sẽ cho đi theo đón Bác".

 

Sáng hôm đó, chị tung tăng chạy khắp khu nhà Phân xã tìm hái những bông hoa đẹp nhất để dành tặng Bác Hồ. Rồi chị theo cha sang sân bay Gia Lâm. Vì cha chị phải chạy đi chạy lại phỏng vấn, chụp ảnh, đưa tin, nên chị được đứng bên cạnh vợ của Đại sứ Trung Quốc La Quý Ba là bà Lý Hàm Trân, cùng rất nhiều các quan chức ngoại giao quốc tế khác

 

Trời mưa nên máy bay đến muộn, Vương Phong đứng phía đầu đội danh dự, cầm bó hoa nóng ruột chờ mong. Bỗng mọi người chợt reo to "A...Bác Hồ đến rồi". Chị nhìn ra xa, thấy một cụ già râu tóc bạc phơ đang sải bước trên đường băng vẫn còn thấp thoáng đọng nước. Đáp lại sự chào đón của đám đông, Bác Hồ vẫy tay tươi cười như một người cha, người ông dịu hiền.

 

Loáng cái, Bác Hồ đã đến đứng ngay cạnh chị, ôn tồn trò chuyện với Đại sứ La Quý Ba. Giọng Bác thật ấm áp, phát âm tiếng Trung Quốc thật dễ nghe, Vương Phong đứng cạnh như muốn nuốt lấy từng lời.

 

Bỗng Bác quay lại, nhìn em rồi hỏi: "Cháu mấy tuổi rồi? Có biết nói tiếng Việt Nam không?".

 

Vương Phong thấy Bác Hồ giống hệt ông nội mình, ân cần và gần gũi quá, nên mạnh dạn nói đến ba câu bằng tiếng Việt: "ăn cơm chưa?", "ăn rồi", "Xin chào đồng chí". Bác cười một cách sảng khoái rồi hỏi chị: "Cháu có thích Việt Nam không? Chị sung sướng nói ngay, liền một mạch: "Cháu rất thích Việt Nam. Cháu cũng yêu Bác Hồ". Bác chăm chú nghe rồi ôm chị vào lòng, hôn nhẹ lên má. Lúc đó chị cảm thấy mình là một đứa trẻ hạnh phúc nhất trên đời vì đã gặp được người mà đêm ngày từng ao ước. Hơn thế nữa, Bác Hồ, ông tiên của các bạn nhỏ Việt Nam cũng yêu chị. Bác cũng là ông tiên của cuộc đời chị, một cô bé Trung Quốc.

 

Lúc đó, các phóng viên, nhà báo thi nhau chụp ảnh cho Bác và Vương Phong. Bác Hồ không những để cho họ chụp thật nhiều ảnh đẹp, mà còn dắt chị đứng lên, hướng đến đông đảo mọi người vẫy vẫy tay chào. Nhớ lại những câu chuyện cha chị đã kể về Bác, cùng với cảm giác ngây ngất được đứng chụp ảnh cùng Bác, chị Vương Phong thật sự hiểu được vì sao Bác Hồ đã hy sinh cuộc đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc để nhân dân Việt Nam, các bạn nhỏ Việt Nam ai cũng được ấm no, hạnh phúc như chị.

 

Những năm dài thương nhớ Việt Nam

 

Sau hôm được gặp và chụp ảnh chung với Bác Hồ, trong lòng Vương Phong lúc nào cũng lâng lâng một niềm hạnh phúc.

 

Khi gần bảy tuổi, chị phải về lại Trung Quốc để đi học. Mặc dù lúc đó mẹ chị cũng đã sang Việt Nam, chị không muốn phải xa bố mẹ, xa Việt Nam, nhưng khi nghe nói Bác Hồ sắp sang thăm Trung Quốc, đi cùng với Bác sẽ có Đại sứ La Quý Ba, nếu chị về đợt đó sẽ được đi cùng chuyên cơ với Bác và vợ chồng Đại sứ, thì chị đã đồng ý ngay. Cha chị dặn chị: “Nếu con học giỏi, sau này sẽ còn nhiều dịp quay lại Việt Nam và được gặp Bác Hồ”. Trên chuyến bay về Trung Quốc lần đó, Bác Hồ cũng nhận ra chị, cho chị được ngồi vào lòng nhiều lần, tặng chị nhiều bánh kẹo, và căn dặn phải chăm ngoan học giỏi, ủng hộ các bạn nhỏ Việt Nam đánh Mỹ.

 

Rồi chị không ngờ mình cũng lại theo học nghề báo như cha chị. Trong cuộc đời là phóng viên, lúc nào ở đâu chị cũng nói và viết về Việt Nam, về Bác Hồ yêu kính.

 

Sau hôm được chụp ảnh chung với Bác Hồ tại sân bay Gia Lâm, chú Tạ Sĩ Phong là phóng viên báo Tân Việt Hoa đã tặng gia đình chị 2 bức ảnh làm kỷ niệm. Chị đã nâng niu gìn giữ chúng như những kỷ vật, định khi nào sang Việt Nam thăm lại Bác Hồ sẽ khoe với Bác. Nhưng thật tiếc, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc đã có những giai đoạn sóng gió, nên hơn 40 năm ròng, chị chưa lần nào được trở lại Việt Nam. Tuy vậy, đối với riêng chị, Bác Hồ - Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn là tinh hoa của nhân dân Việt Nam anh dũng quật cường, giàu lòng vị tha và vô cùng mến khách. Đã có hàng trăm bài báo của cô viết về cuộc chiến đấu vĩ đại của nhân dân Việt Nam chống Mỹ, về đất nước Việt Nam tươi đẹp hiền hòa. Theo chị, xứ sở và nhân dân anh hùng đó là tiêu biểu cho các dân tộc nhỏ bé ý thức được quyền làm người của mình giữa thế giới hiện đại.

 

Trở lại quê hương thứ hai

 

 Ảnh minh họa
Thật may mắn làm sao, những năm dài xa cách rồi cũng kết thúc. Đầu thập kỷ 90, hai nước Việt Nam, Trung Quốc trên đường đổi mới và hiện đại hóa đã lập lại quan hệ hòa bình láng giềng hữu nghị. Lúc nào chị Vương Phong cũng cầu mong cho nhân dân và chính phủ hai nước hiểu biết gắn bó với nhau theo tinh thần của bài hát năm nào "Việt Nam Trung Hoa – Núi liền núi, sông liền sông, chung một biển Đông - Thắm tình hữu nghị, sáng như rạng đông... "

 

Tháng 10 năm 2000, trong một lần sang Bắc Kinh công tác, đoàn đại biểu Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đã gặp chị Vương Phong trong một bữa tiệc chiêu đãi. Được biết chị đã từng gắn bó với Việt Nam, từng được Bác Hồ ôm hôn và cho chụp ảnh chung, lại cũng được biết những tình cảm dạt dào chị luôn dành cho nhân dân ta trong suốt hơn 40 năm qua. Lãnh đạo đoàn đã mời chị sang thăm lại Việt Nam.

 

Trung tuần tháng 12 năm 2000, nhân dịp Lễ hội Văn hoá Du lịch quốc tế tại thành phố Hồ Chí Minh, chị Vương Phong bồi hồi trở lại Việt Nam sau 43 năm xa cách.

 

Máy bay hạ cánh xuống phi trường Tân Sơn Nhất vào lúc màn đêm vừa buông xuống. Nhìn qua cửa sổ, chị thấy thành phố mang tên Bác Hồ rực rỡ ánh đèn, người và xe cộ đi lại tấp nập, đúng như lời một người bạn của chị từng nói: Thành phố Hồ Chí Minh như một Pari nhỏ ở Đông Nam Á.

 

Rồi chị được đi dọc Việt Nam, được thăm nhiều danh lam thắng cảnh, được tiếp xúc với không biết bao nhiêu bạn bè và các gương chiến đấu anh hùng, lao động giỏi. Chuyến đi đó làm chị vô cùng xúc động. Khi về nước, chị lại tiếp tục viết báo ca ngợi đất nước và con người Việt Nam với nhân dân Trung Quốc, rồi chị vinh dự được đảm nhận trọng trách Phó Tổng thư ký Hội Hoakiều Việt Nam, Lào, Campuchia của thành phố Bắc Kinh.

 

Ca khúc Việt Nam- niềm say mê của Vương Phong

 

Theo Vương Phong, ca khúc của Việt Nam rất hay, giọng điệu và lời bài hát phối hợp rất hài hòa. Sau hơn 40 năm xa cách, giờ đây chị lại được tắm mình trong dòng sông âm thanh ân tình ấy. Lần đi thăm Hội An, trên ô tô chị đã được nghe bài hát “Nhớ về Hà Nội" của nhạc sĩ Hoàng Hiệp.

 

Đang định đi tìm mua thì anh lái xe đã vui vẻ tặng luôn chị, và chị sung sướng mang về nhà nghe đi nghe lại đến thuộc lòng.

 

Năm 2002, có dịp đến Hà Nội vì không nói được nhiều tiếng Việt, chị đã phải dùng cách hát to giai điệu các bài hát yêu thích tại Cửa hàng băng đĩa Hồ Gươm. Nghe Vương Phong hát, các nhân viên bán hàng đã lục lọi cung cấp đủ mọi bài hát cho chị mang về Trung Quốc. Một túi da căng đầy toàn đĩa hát âm nhạc Việt Nam. Khi về đến Bắc Kinh, chị đã tìm sách học tiếng Việt để tự mầy mò phát âm đánh vần.

Cuối cùng, chị đã tự hát được rất nhiều nhạc phẩm chị thích, đặc biệt là các bài hát về Hà Nội.

 

Trong một buổi liên hoan chào mừng Quốc khánh Trung Quốc, giũa hội trường rộng lớn toàn khách quốc tế, chị đã đứng lên hát vang bài nhớ về Hà Nội". Cả hội trường lặng im nghe chị hát bằng tất cả trái tim mình, khi chị hát xong thì cả một trận cuồng phong tiếng vỗ tay như bão nổi sấm rền. Hôm đó chị nhận được không biết bao nhiêu hoa tươi. Người ta gọi chị là tiểu thư Hà Nội, là "fan" Việt Nam, là chim Sơn ca của tình hữu nghị Trung-Việt".

 

Cho đến hôm nay, mặc dù đã ngoại ngũ tuần, nhưng chị Vương Phong vẫn trẻ trung, vui vẻ và yêu đời lắm. Những kỷ niệm về Việt Nam, về Bác Hồ kính yêu đã khắc sâu vào tâm trí chị. Chị cho biết, hiện cha chị cũng đã ngoài 80, nhưng thỉnh thoảng ông cụ vẫn dạy chị cách phát âm những tiếng Việt Nam quá khó, những cách nhấn giọng kiểu đặc biệt của các miền, để chị có thể hát được nhiều bài hát của Việt Nam hơn.

 

Mỗi lần Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh tổ chức các hoạt động đối ngoại, chị vẫn đến tham dự và hỏi thăm tình hình Việt Nam, nơi chị đã từ lâu coi là quê hương thứ hai của mình. Và tất nhiên là chị lại hát những bài hát của tình đời, tình người, tình hữu nghị giữa các dân tộc

Theo Tạp chí Hữu nghị

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video