Chính sách mọi phụ nữ đều tỏa sáng

26/09/2016
Năm 2016 là tròn 3 năm kể từ khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe khởi động chính sách “womenomics”, tạo điều kiện để nhiều phụ nữ gia nhập lực lượng lao động nhằm thúc đẩy kinh tế. Tuy nhiên, 3 năm sau, chính sách này với tên gọi chính thức là “Tạo ra một xã hội trong đó mọi phụ nữ đều tỏa sáng” lại đang hụt hơi.

Chưa tận dụng được sức mạnh người phụ nữ

Nền kinh tế ì ạch của Nhật Bản đang gặp khó khăn khi lực lượng lao động giảm sút vì dân số ngày càng già, tỷ lệ sinh ngày càng giảm. Trong khi thiếu lao động trầm trọng như vậy, thì hàng triệu phụ nữ học vấn cao lại đang không đi làm, bị trói chân ở nhà bởi nhiều xiềng xích, rào cản vô hình. Các chuyên gia cho rằng, chỉ cần đưa những phụ nữ đi làm thì nền kinh tế Nhật Bản sẽ thay đổi đáng kể. Ông Abe đã làm theo lời khuyên của giới chuyên gia nhưng tiến triển của “womenomics” (kinh tế phụ nữ) trong ba năm qua không được như ý muốn, cho dù “womenomics” được coi là bước ngoặt của xã hội Nhật Bản vốn do nam giới thống trị.

Chính phủ của ông Abe đang chậm chạp tiến tới các chỉ tiêu mà ông đã đặt ra cách đây ba năm, trong đó có mục tiêu là tỷ lệ phụ nữ nắm giữ vị trí cấp cao trong mọi lĩnh vực xã hội tới năm 2020 ít nhất 30%. Theo chuyên gia Kathy Matsui thuộc ngân hàng Goldman Sachs, khoảng 66% phụ nữ Nhật Bản đang tham gia lực lượng lao động, tăng so với tỷ lệ 60% năm 2010. Đây là con số cao kỷ lục với Nhật Bản nhưng vẫn kém xa với tỷ lệ 80% của nam giới nước này. Nếu so với các nước phát triển khác, tỷ lệ 66% cũng thấp hơn. Theo bà Matsui, nếu có thể đưa tỷ lệ phụ nữ Nhật Bản tham gia lực lượng lao động cao bằng mức của nam giới thì GDP của nước này sẽ tăng tới 13%.

Năm 2015, diễn đàn Kinh tế Thế giới xếp Nhật Bản vào vị trí thứ 101 trong tổng số 145 quốc gia thuộc Chỉ số khoảng cách giới toàn cầu, sau cả Botswana và Sri Lanka. Dựa trên các chỉ số về y tế, chính trị, giáo dục, kinh tế, chỉ số này đánh giá xem các quốc gia tận dụng nguồn tài năng của phụ nữ như thế nào.

Các chuyên gia cho rằng, tỷ lệ 66% phụ nữ đi làm ở Nhật Bản không cho thấy toàn cảnh bức tranh. Nguyên nhân là gần 60% trong số đó lại chỉ là những người làm bán thời gian hoặc các công việc tạm thời vốn không có mức lương tốt hay an sinh xã hội. Ngoài ra, phụ nữ trong đội ngũ quản lý vẫn rất ít, chỉ chiếm 7,5% trong số vị trí chủ tịch công ty tư và công, chiếm 8,3% trong số các vị trí quản lý ở các công ty có từ 100 nhân viên trở lên.

Hơn thế, một số chuyên gia cho rằng phụ nữ tham gia lực lượng lao động gia tăng lên 66% không phải là nhờ chính sách hay nỗ lực của ông Abe. Họ cho rằng đó thực ra là vấn đề cung-cầu trong nền kinh tế. Với tình trạng lao động thiếu hụt nghiêm trọng, số lượng công việc nhiều hơn 28% so với số người tìm việc, các công ty Nhật Bản không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tuyển dụng phụ nữ. Tháng 4 vừa rồi, một bộ luật chính thức có hiệu lực, theo đó các công ty có từ 300 nhân viên phải công bố số lượng nhân viên và quản lý nữ cũng như các mục tiêu, kế hoạch cụ thể để hỗ trợ họ.

Cần điều kiện cho phụ nữ tỏa sáng

Theo bà Setsuya Fukuda, nhà nghiên cứu cấp cao thuộc Viện Nghiên cứu An sinh Xã hội và Dân số Quốc gia Nhật Bản, cần nhiều thay đổi hơn thế, đặc biệt là phải thay đổi các chính sách hạn chế phụ nữ đi làm, khuyến khích mô hình “đàn ông là trụ cột”.

Hiện tại, Nhật Bản có một số chính sách kiểu đó, ví dụ như chủ một gia đình, thường là nam giới, có thể được giảm thuế nếu chồng/vợ kiếm dưới 1,03 triệu yen/năm (10.100 USD/năm). Khoảng 70% công ty Nhật Bản thậm chí còn có chính sách thù lao cho người phụ thuộc, tức là thưởng tiền cho các bà vợ để họ ở nhà chăm con cái và nhà cửa để chồng có thể tập trung đi làm.

Trong khi đó, nền kinh tế Nhật Bản tiếp tục chật vật tăng trưởng. Thủ tướng Abe buộc phải hoãn kế hoạch tăng thuế và chuẩn bị một gói kích thích kinh tế mới để kích thích tăng trưởng. Dư luận đang tự hỏi liệu Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đã cạn tiền tệ hay chưa. Chuyên gia Matsui thì nhận định vấn đề của Nhật Bản: “Nhật Bản chỉ đơn giản là thiếu người. Vì thế, chúng ta thực sự cần tập trung nhiều hơn vào phụ nữ”.

Muốn vậy, các chuyên gia cho rằng, chính sách “kinh tế phụ nữ” cần phải tập trung vào việc Nhật Bản có thể làm gì cho phụ nữ, thay vì chỉ tập trung vào việc phụ nữ có thể làm gì cho Nhật Bản. Muốn phụ nữ đi làm, Nhật Bản cần phải tạo điều kiện tối đa cho họ, từ chính sách chăm sóc trẻ cho tới giờ làm việc linh hoạt, mức lương công bằng với nam giới. Chính phủ không thể hối thúc họ đi làm trong khi họ không thể tìm chỗ để gửi con, lương thấp hơn đồng nghiệp nam cùng trình độ tới gần 30%, không được thăng tiến chỉ vì là phụ nữ, bị bắt nạt tại nơi làm việc khi mang bầu.

Một điều cần thay đổi trong “womenomics” là phải gắn thúc đẩy kinh tế với bình đẳng giới. Chuyên gia Maiko Kissada nói thẳng: “Khi chính phủ nói họ muốn tạo một xã hội mà mọi phụ nữ đều tỏa sáng, điều họ thực sự muốn nói là chúng tôi cần các bạn làm việc nhiều hơn”. Đây là một tồn tại của “womenomics”. Dù yêu cầu tăng tỷ lệ nữ trong lực lượng lao động nhưng giới chính trị gia chưa có biện pháp giúp cân bằng vai trò giới. Ông Abe từng nhắc đến một xã hội coi phụ nữ và nam giới chia sẻ việc nhà là chuyện bình thường. Nếu ông có thể biến chính sách đó thành hiện thực thì phụ nữ sẽ có cơ hội tỏa sáng thực sự.

Theo Dương Thùy - Báo phụ nữ Thủ Đô (HM)

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video