Chuyện về người phụ nữ “thép”: Mẹ VNAH Nguyễn Thị Thảo

22/11/2007

“Trong thời chiến các anh sẵn sàng hy sinh giúp đỡ nhau trên tinh thần đồng đội. Bây giờ các cháu có điều kiện hơn nên cố gắng giúp đỡ nhau để tiếp nối truyền thống đoàn kết của cha anh”, đó là những lời mẹ VNAH Nguyễn Thị Thảo thường hay động viên, nhắc nhở đoàn viên thanh niên (ĐVTN) địa phương.

“Mấy con ĐVTN thường đến thăm mẹ. Nó đến giúp đỡ việc nhà như: lau chùi nhà, nấu cơm, giặt giũ. Rồi nó lắng nghe mẹ kể chuyện về thời chiến tranh gian khổ mà cha anh đã sẵn sàng chiến đấu hy sinh để giành độc lập tự do cho Tổ quốc...”, mẹ VNAH Nguyễn Thị Thảo vui mừng nói.

Mẹ sinh ra tại vùng đất Củ Chi, TP.HCM. Lúc 20 tuổi, mẹ Thảo thoát ly khỏi gia đình để hoạt động cách mạng ở các vùng Chợ Lớn, Sài Gòn, Tân Định. Mẹ Thảo làm liên lạc tiếp tế, nắm tình hình của kẻ địch, tạo cơ sở cách mạng, mở các đường dây bí mật từ nội thành đến các chiến khu lân cận. Vài năm sau đó, địch luôn bám sát và theo dõi, mẹ Thảo được chuyển về chiến khu An Điền, Bến Cát. Trong lúc hoạt động cách mạng ở quê nhà, mẹ Thảo kết duyên cùng với ông Nguyễn Văn Xuất, Trưởng ban quân nhu Trung đoàn 310. Đến năm 1955, bị lộ, chồng mẹ Thảo bị bắt đi tù ở Côn Đảo. Mẹ ở nhà vẫn vững tâm làm tròn trách nhiệm công việc của mình. Mẹ đi làm thuê, làm mướn nhưng vẫn hoạt động cách mạng. Mẹ nhớ lại: “Lúc đó, giới chủ tin tưởng giao cho mẹ đi áp tải củi, những lần đi mẹ mua số lượng lớn xăng dầu, thuốc men để tiếp tế cho cơ sở. Đến năm 1972, địch phát hiện mẹ hoạt động cách mạng nên truy đuổi gắt gao mẹ phải trốn ra Bình Tuy để tiếp tục hoạt động”. Những gì mẹ Thảo nhớ và kể lại cho chúng tôi nghe cũng chỉ là một phần bởi tinh thần “thép” của người con gái hồi đó đã đóng góp cho cách mạng biết bao nhiêu công việc mà mẹ đã quên. Không chỉ một mình mà cả gia đình mẹ đều tham gia cách mạng. Mẹ có 3 người con liệt sĩ và được Tổ quốc ghi công, đó là chị Nguyễn Thị Minh, Tiểu đội trưởng quân đội nhân dân Việt Nam đã hy sinh trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước. Anh Nguyễn Minh Lý, Hạ sĩ quân đội nhân dân Việt Nam đã hy sinh năm 1968 ở Truông Bồng Bông và anh Nguyễn Văn Nhơn, bộ đội Miền, đã hy sinh tại chiến trường Campuchia (1987). Trong những năm tháng kháng chiến vì độc lập dân tộc con mẹ đã theo tiếng gọi của Tổ quốc lên đường tham gia chiến đấu, không may 3 người con thân yêu đã hy sinh tại chiến trường. Những năm đầu sau khi hòa bình lập lại, gia cảnh mẹ gặp nhiều khó khăn. Hàng ngày mẹ vất vả, vật lộn với cái ăn cái mặc để lo cho 4 người con còn lại. Trước hoàn cảnhđó, mẹ được địa phương vận động Bốn bang người Hoa xây cất cho mẹ một căn nhà tình nghĩa. Các con của mẹ lớn lên đã lập gia đình ở riêng. Chỉ tay lên tường nhà, nơi treo những bằng liệt sĩ, mẹ nói: “Đảng, chính quyền địa phương đã giúp đỡ mẹ, làm cho mẹ xoa dịu một phần những mất mát đau thương mà không thể nào bù đắp được”.

Đối với ĐVTN, mẹ thường dạy bảo những điều hay việc tốt. Mẹ khuyên: “Thanh niên ngày nay phải sống, làm việc và sinh hoạt theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đây cũng là những lời gởi gắm và tin tưởng của mẹ VNAH đến thế hệ trẻ sau này”.

Theo Báo ĐT Bình Dương

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video