Chuyện về nữ bác sĩ thành lập bệnh viện tư đầu tiên của Việt Nam

15/01/2008
Trong khi nhiều bệnh viện đến nay vẫn còn e ngại đối với việc mổ bướu Basedow, vì rất nguy hiểm đến tính mạng người bệnh, thì Bệnh viện Đa khoa Bình Dân Đà Nẵng, từ 10 năm trước đã mạnh dạn phẫu thuật, hạ tỷ lệ tử vong người bệnh xuống mức 0%.

Thành công này là kết quả tìm tòi, nghiên cứu khoa học không mệt mỏi của bác sĩ (BS) Vũ Thị Tư Hằng, người sáng lập bệnh viện và chị đã được tặng nhiều phần thưởng cao quí...

Thật khó có thể ngờ được người đứng ra thành lập bệnh viện tư đầu tiên ở nước ta, theo chủ trương xã hội hóa sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân của Đảng và Nhà nước, là một phụ nữ chân yếu, tay mềm.

Năm nay, BS Hằng đã ngoài tuổi 58, song trông chị còn trẻ lắm, nhất là gương mặt phúc hậu, với cái nhìn dịu dàng, nụ cười rất duyên đã làm cho ai gặp chị cũng thấy thật gần gũi. Thảo nào, có không ít bệnh nhân tới điều trị tại Bệnh viện Bình Dân gọi chị là "Cô Tiên". Cũng có rất nhiều bệnh nhân nghèo ghi lại trong sổ cảm tưởng của bệnh viện rằng, chị là ân nhân cứu mạng, sinh ra họ lần thứ hai...

Chị kể: Sau khi tốt nghiệp Đại học Y khoa Hà Nội, chị đã có gần 20 năm công tác tại Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng. Ý định thành lập Bệnh viện tư nảy ra trong chị kể từ lúc tham gia vào ban đời sống của Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng, lo cơm áo gạo tiền cho trên 1.000 cán bộ, công nhân viên.

Mãi đến giữa tháng 2/1996, niềm mong ước thành lập bệnh viện tư của BS Hằng được lãnh đạo Bộ Y tế chấp thuận. Và, chị quyết định đặt tên là Bệnh viện Bình Dân để mọi người hiểu được rằng, không chỉ có người giàu mới đi khám, chữa trị bệnh tại bệnh viện tư mà người nghèo càng nên đến với bệnh viện của chị, vì giá cả viện phí rất bình dân.

Cũng vì vậy, ngoài việc khám và điều trị các bệnh thông thường về nội, ngoại, sản, v.v... chị chọn cho bệnh viện một hướng đi có hiệu quả nhất là phẫu thuật bướu Basedow, một loại bệnh xã hội, ở nước ta người mắc bệnh này chiếm đến 25% dân số.

Đối với bướu Basedow, nhiều bệnh viện cho bệnh nhân uống thuốc bình mạch, bình giáp đến vài, ba tháng rồi mới phẫu thuật, nhưng tỉ lệ tử vong thường từ 2-3%. Cũng có bệnh viện không mổ mà điều trị bệnh bằng thuốc, song tỉ lệ người bệnh uống thuốc lành chỉ chừng 50%, mà khả năng tái phát, suy giáp rất cao.

Để khắc phục nhược điểm đó, chị đã nỗ lực tìm tòi, nghiên cứu và đã tìm ra phương pháp "Sử dụng propranolon để điều trị Basedow bằng phẫu thuật tức thì", không cần phải điều trị quá lâu để đạt được bình mạch, bình giáp mới mổ, đã rút ngắn thời gian và tiền bạc cho người bệnh.

Cũng nhờ áp dụng phương pháp mới, cho đến nay, Bệnh viện Bình Dân chưa từ chối điều trị bằng phẫu thuật cho bất cứ ca bệnh Basedow khó hay nặng đến mấy, song tỉ lệ tử vong luôn ở mức 0%. Điều này, hiện cũng chưa có bệnh viện nào đạt được...

Tiếng lành đồn xa, người bệnh từ các nơi đến Bệnh viện Bình Dân để điều trị, phẫu thuật bướu cổ ngày một đông. Đa số là những người miền quê có hoàn cảnh khó khăn, nghèo khó, ở Cao Bằng, Lạng Sơn, Thanh Hóa, Nghệ An, Tiền Giang, Cà Mau... thậm chí ở tít tận đảo Phú Quý, Phú Quốc.

Nhiều người đã đi điều trị khắp nơi, tốn nhiều tiền của, công sức, nhưng "tiền mất tật mang", rơi vào tình trạng bi quan, chán nản. Thế nhưng, đến Bệnh viện Bình Dân, họ được phẫu thuật cắt bỏ bướu Basedow, có lại niềm vui cuộc sống. Mỗi ca phẫu thuật chỉ tốn vài, ba triệu đồng, vậy mà còn được giảm miễn viện phí...

Đã gần 12 năm trôi qua, giờ đây Bệnh viện Bình Dân đã có một cơ ngơi 5 tầng, với 100 giường nội trú, khang trang, sạch đẹp tại số 376, Trần Cao Vân, TP Đà Nẵng. Đội ngũ cán bộ, công nhân viên cũng đã lên đến 130 người, trong đó có 52 bác sĩ, chiếm 70% bác sĩ có trình độ CKI - CKII và Thạc sĩ, làm việc bằng những thiết bị, máy móc hiện đại nhất, trị giá hàng tỷ đồng.

Năm qua, Bệnh viện Bình Dân đã "bội thu"... Cúp: "Cúp Sen Vàng Việt Nam" (Cúp dành cho những doanh nghiệp có thương hiệu nổi tiếng ở Việt Nam và quốc tế), "Cúp Vàng Thương Hiệu nhãn hiệu lần II", "Siêu Cúp thương hiệu mạnh và phát triển bền vững", khẳng định uy tín, chất lượng trong nhân dân.

Vinh dự lớn nhất của Bệnh viện Bình Dân là được đón Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đến thăm và làm việc.

Còn BS Hằng, với những nỗ lực, cố gắng của mình; nhất là việc nghiên cứu thành công đề tài khoa học "Sử dụng propranolon để điều trị Basedow bằng phẫu thuật tức thì", giúp đỡ hàng nghìn bệnh nhân nghèo, chị đã được Đảng và Nhà nước phong tặng nhiều phần thưởng cao quí: "Thầy thuốc ưu tú", Doanh nhân tiêu biểu của TP Đà Nẵng và cả nước, rồi Cúp Vàng Doanh nhân tâm tài lần thứ I, Cúp Vàng Doanh nhân Đất Việt thế kỷ 21, Giải thưởng Bạch Thái Bưởi.

Chị đã được mời báo cáo điển hình trong Hội nghị mạng lưới các nhà lãnh đạo Nữ APEC tại Hà Nội năm 2006 và được dự Hội nghị Thượng đỉnh phụ nữ toàn cầu tại Cairo Ai Cập và Berlin.

Nói về ước vọng của mình, BS Hằng thổ lộ: Sau Tết Mậu Tý, chị sẽ xây dựng thêm một bệnh viện nữa ở Đà Nẵng (120 giường) và hai bệnh viện khác ở TP Hồ Chí Minh (200 giường) và Hà Nội (100 giường). Từ đó cho ra đời Tập đoàn Bệnh viện Bình Dân, mở rộng mạng lưới trong cả nước để khám, chữa bệnh cho người nghèo...

Theo Long Vân- CAND

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video