Co Cài và nỗi đau ma túy

13/12/2010
Khoảng 15 năm trước, một số người dân di cư từ các tỉnh miền núi phía Bắc đến Co Cài (Thanh Hóa) sinh sống, trong đó có người sử dụng thuốc phiện. Thấy người Co Cài quần quật trên nương rẫy, họ hào phóng tặng thứ "thuốc quý", để hút vào là khỏe ra, tan cơn mệt nhọc. Ban đầu họ cho miễn phí, nhưng sau thì đổi chác, mua bán. Ngày một nhiều loại thuốc hơn, từ hút chuyển sang chích, ngậm… khiến nhiều người dân Co Cài nghiện ngập, bỏ bê nương rẫy...

Chúng tôi không khỏi ái ngại và thương cảm khi thầy giáo Nguyễn Trọng Hán, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trung Lý 2 (nằm tại bản Co Cài, xã Trung Lý, huyện Mường Lát, Thanh Hóa), chỉ vào hai em học sinh nhỏ loắt choắt đang cười rất tươi tắn trong giờ thể dục giữa giờ, cho biết: "Các em mới 6 tuổi, đều mồ côi cả cha mẹ vì ma túy. Một em có kết luận dương tính HIV/AIDS. Còn nhiều em trong trường đã nghi nhiễm bệnh, mà chưa có điều kiện xét nghiệm".

Bản có 33 đứa trẻ mồ côi vì ma túy

Ông Ngân Văn Cảnh (55 tuổi), Trưởng bản Co Cài, thở dài sườn sượt: "Nhà tôi cũng có hai đứa cháu ngoại còn nhỏ xíu mà đã mồ côi cha. Bố chúng nó đều chết cách đây mấy năm, do bị sốc khi tiêm chích ma túy, để chúng lại cho tôi chăm sóc. Ở bản nghèo heo hút này, trẻ con đáng thương lắm. Cả bản có 99 hộ dân (395 khẩu) người Mường, người Thái, mà có đến 33 cháu là trẻ mồ côi, từ đầy tháng đến 16 tuổi. Cha mẹ các cháu chết vì ma túy, vì HIV, nên chúng tôi có thể xác định được ngay cháu nào đã nhiễm bệnh từ cha mẹ, nhưng chưa có điều kiện để kiểm tra, xét nghiệm chính xác cho các cháu thôi. Mỗi lần nhìn hai đứa trẻ mồ côi nhà tôi, hay đi qua trường tiểu học, tôi không cầm nổi nước mắt, vì chúng còn quá nhỏ để biết được rằng, mình đang chịu bất hạnh như thế nào".

Cứ theo như ông Ngân Văn Cảnh, trước đây, người dân bản Co Cài sống bình yên tại đại ngàn Pá Quăn. Bản tuy nghèo, nhưng người dân cần cù nương rẫy, không ai trồng hay hút thuốc phiện, không có các tệ nạn xã hội khác. Ngay cái tên Co Cài (tiếng Thái nghĩa là cây đào), cũng thấy thanh bình, đẹp đẽ thế nào rồi. Nhưng làng bản bắt đầu tan hoang, ruộng nương bỏ hoang từ khi có ma túy đến bản. Đó là vào khoảng hơn 15 năm trước, khi một số người dân di cư từ các tỉnh miền núi phía Bắc đến Co Cài sinh sống. Có một số người trong đó sử dụng thuốc phiện. Thấy người Co Cài quần quật trên nương rẫy, họ hào phóng tặng thứ "thuốc quý", để hút vào là khỏe ra, tan cơn mệt nhọc.

Ban đầu họ cho miễn phí, nhưng sau thì đổi chác, mua bán. Ngày một nhiều loại thuốc hơn, từ hút chuyển sang chích, ngậm… khiến nhiều người dân Co Cài nghiện ngập, bỏ bê nương rẫy, hàng ngày vạ vật dưới chân nhà sàn ngáp vặt, gãi cổ gãi tai. Họ đều là những lao động chính, trụ cột gia đình, nên vợ con theo đó mà thêm đói rách, cơ cực. Lúc này, đám "người tốt" lộ rõ mặt thật, không hào phóng với những người nghiện nữa, muốn có thuốc "khỏe người" thì phải bỏ tiền ra mua.

Người nghiện ở Co Cài ra sức kiếm tiền, không phải bằng cách chăm chỉ lên rừng phát nương cuốc rẫy chờ mùa màng bội thu, mà chấp nhận đi làm thuê cho chính những người đã mời họ dùng thuốc phiện. Phổ biến và chủ yếu vẫn là gùi "hàng", tức là vận chuyển ma túy trái phép qua biên giới. Người nghiện còn khỏe rời bản với chiếc gùi, con dao rừng, mất tăm cả tuần, cả tháng.

Từ Co Cài đi bộ sang Lào còn nhanh hơn về trung tâm xã, nên các chuyến hàng của họ đi về như con thoi theo mọi lối mòn nhằm tránh bị cơ quan chức năng phát hiện. Người nghiện ốm yếu kiệt quệ sức lực (bà con gọi là "ngập", hầu hết đã nhiễm HIV/AIDS) thì chỉ còn cách trộm cắp vặt, từ cái nồi cũ đến cái quần rách, đem đổi chác lấy thuốc. Vào rừng (Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu) chặt trộm gỗ, hoặc chặt trộm luồng ở các vườn đồi của dân, tuồn ra sông Mã để về xuôi, lấy tiền công.

Nỗi đau còn hiển hiện

Trưởng bản Ngân Văn Cảnh ngồi bấm ngón tay hồi lâu, rồi chép miệng: "Kể cả hai đứa con rể của tôi, thì trong 10 năm nay, người Co Cài đã mất 25 người vì ma túy, chủ yếu trong độ tuổi thanh niên, trung niên, có 3 phụ nữ. Những cái chết cùng có nguyên nhân giống nhau: sốc ma túy hoặc HIV/AIDS. Họ chết, để lại gia đình và con cái, tạo nên nỗi đau nhức nhối về ma túy, HIV cho nhiều dòng họ.

Nhiều gia đình bất hạnh, mất 2-3 lao động chính vì ma túy: Nhà ông Lèn Văn Hoan mất 2 người trong số 4 người con; Nhà ông Vi Văn Chiến có 2 con trai nay đã chẳng còn ai; ở nhà ông Hà Văn Thịnh, 2 người con trai và 1 con dâu nghiện… Tệ nạn ma túy đã bị triệt phá, đẩy lùi trong thời gian gần đây, số người nghiện ngập đã giảm, nhưng nỗi đau cho các thế hệ sau của bản làng còn hiển hiện, nhức nhối.

Bản nhỏ Co Cài cách trung tâm xã Trung Lý chừng 30km, cách TP Thanh Hóa gần 200km, người dân sinh sống trong điều kiện tự nhiên hết sức khắc nghiệt. Trong số 99 hộ dân, trừ một hộ cận nghèo, còn thì toàn hộ nghèo hết. Nằm xa trung tâm, nên Co Cài được ưu tiên xây dựng một trường tiểu học. Nhưng trẻ con ở đây cũng chỉ học nhiều thì được hết tiểu học, vì muốn sang THCS, chúng phải đi bộ thêm 30km ra xã, 60km ra trung tâm huyện, rồi dựng lều trọ học, rất khó khăn, gian khổ. Co Cài từng có một học sinh duy nhất tiếp cận được với chương trình THCS, nhưng cũng đã chết vì HIV. Đám trẻ hiện nay ở bản có cha mẹ nghiện hút, hoặc đang "ngập", hoặc đã chết, đều khó tiếp cận được với y tế.

Hiện nay, Co Cài chỉ có một y tá thôn bản, cấp thuốc, tuyên truyền phòng tránh HIV/AIDS. Thi thoảng mới có đoàn y tế về xã, khi ấy bản buồn hơn vì con số nạn nhân HIV/AIDS được kết luận cũng tăng lên. Những người đã sử dụng ma túy thường rất ít quan tâm tới biện pháp phòng tránh HIV/AIDS cho mình và cho mọi người.

Đám thanh niên nghiện ma túy đều lập gia đình, hoặc chí ít là "cưới nhỏ" theo tập tục. "Cưới nhỏ" tương tự như tục lệ "sống thử", "ngủ thăm", được nhà gái chấp thuận sau khi nhận lễ một con gà, một con lợn nhỏ, vài chai rượu... của nhà trai. Sống với nhau như vợ chồng, hợp thì nên duyên, không hợp thì chia tay, nên cũng là nguyên nhân khiến HIV/AIDS lây lan rộng sang phụ nữ, trẻ em. Thêm nữa, sau khi chia tay, chịu mặc cảm, nhiều cô gái đã bị truyền bệnh từ chồng cũng chẳng mấy khi ở lại bản, mà tìm tới bản làng khác sinh sống.

Cái vòng luẩn quẩn đó càng khiến căn bệnh thế kỷ thêm bùng phát. Nỗi đau lớn nhất thêm nhiều số phận trẻ thơ mồ côi cả mẹ lẫn cha, trong người mang mầm căn bệnh quái ác vô phương cứu chữa, mà không phải lỗi tại các em

Theo cand.com.vn

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video