Con nhà giàu lên phố học đại học

28/03/2006
Trong khi rất nhiều sinh viên chạy đôn đáo để kiếm một công việc làm thêm ngoài giờ học để đủ tiền thuê chung một phòng trọ chật chội, nộp học phí và những khoản chi tiêu khác mà bố mẹ không đủ khả năng để chu cấp, thì lại có những sinh viên chưa bao giờ biết đến sự thiếu thốn mặc dù cũng đều ở các tỉnh xa tới.

Mua nhà riêng cho con

 

Em họ tôi đỗ vào khoa Đầu tư, Đại học Kinh tế Quốc dân, tất nhiên đó là niềm vui lớn của gia đình chú dì tôi rồi. Trước ngày lên Hà Nội nhập học, chú dì đã tổ chức liên hoan đến gần hai mươi mâm mời bà con ngõ phố, đồng nghiệp, bạn bè, họ hàng. Để con trai khỏi bị hẫng khi tới môi trường mới, để vẫn có cảm giác êm ấm như ở nhà, chú dì quyết định cùng ra Hà Nội mua cho cậu quý tử một căn hộ đầy đủ tiện nghi và kéo theo một bà giúp việc.

 

Gia đình chú dì tôi vào loại khá giả nên việc mua thêm một căn hộ vừa phải ở Hà Nội không là chuyện quá khó khăn. Dì tính: “Mai sau em nó ra trường nếu không ở lại Hà Nội làm việc thì bán đi, chứ để emnó chịu cảnh phải thuê nhà trọ, ăn cơm bụi cơm bờ, tự mình giặt giũ quần áo dì xót lắm. Nhà một mụn con chứ nhiều nhặn gì đâu”.

 

Không để con thiếu thứ gì

 

Cơ quan mẹ tôi có một bác nămvừa rồi con gái lên Hà Nội học đại học. Không có điều kiện mua nhà riêng cho con nhưng hai bác cũng lên phố tìm thuê cho con một căn hộ hai tầng khang trang với giá một triệu rưỡi một tháng. Rồi sắm ti vi, tủ lạnh, máy tính nối mạng, máy giặt, bếp ga… cùng với một bà giúp việc để con gái “yên tâm học hành”. Cô bé đi học bằng xe gas, dùng điện thoại đắt tiền, và luôn bận trên mình những bộ quần áo đẹp. Thế nhưng mẹ cô vẫn chưa yên tâm, tối nào cũng gọi điện ra chuyện trò, hỏi han và nhắc nhở con gái trăm thứ chuyện. Dù cách Hà Nội gần 400 km nhưng một tháng một lần không bố thì mẹ lại lên tàu ra sống với con vài ngày để bù đắp những ngày thiếu vắng tình cảm gia đình.

 

Có thực sự cần thiết?

 

Em gái tôi học cùng lớp với cô bé, nói rằng: “Nó đi hoc xa nhà mà sung sướng hơn cả dân Hà Nội. Thế nhưng lúc nào trông cái mặt cũng buồn buồn đến tội nghiệp, chẳng chơi với ai và cũng chẳng ai muôn chơi với nó. Có vẻ nó học hành căng thẳng lắm nhưng ba học kỳ vừa rồi thấy kết quả cũng nhàng nhàng. Còn bà giúp việc của cô bé thì: “Từ khi tôi ở với con gái họ đến giờ thấy thỉnh thoảng mới có một người họ hàng tạt qua, điện thoại thì cũng chỉ có bố mẹ gọi thôi. Suốt ngày học với học, chẳng khác gì thời nó ôn thi vào đại học ở quê”.

 

Cậu em họ tôi ở một mình với bà giúp việc nhưng tối nọ bất ngờ tới thăm tôi thấy có cả mấy cậu sinh viên mặt mũi đứa nào trông cũng già đời, nghe nói là “anh trai của bạn cùng lớp em” ngủ lại. Nhìn đống quần áo, sách vở ném ngổn ngang trên bàn, trên giường, tôi biết những nhân vật này thường xuyên có mặt trong ngôi nhà này để tụ tập ăn uống. Bà giúp việc thì thào: “ Thấy mấy cậu thanh niên đó cứ đến rồi vạ vật ở đây suốt tôi cũng sờ sợ, lo là em cô đang bị lợi dụng mà không biết đấy. Bọn này chơi bời chứ học hành gì. Cậu ấy nóilà nếu kể bất cứ chuyện gì ngoài này cho ông bà trong nhà biết, tôi sẽ bị đuổi về”. Tôi chột dạ, em họ tôi còn quá ngây thơ, không biết đã và sẽ xảy ra chuyện gì đây khi tiếp xúc với “đám bạn” thế này? Biết sẽ làm chú và dì lo lắng nhưng tôi vẫn quyết định gọi điện về cho họ biết cuộc sống của cậu em ngoài này và không quên cảnh bảo họ bằng nhữngchuyện mà tôi từng biết về sự ăn chơi, sa sút, hư hỏng, thậm chí bị đuổi học của một số sinh viên con nhà giàu khi lên phố học để họ biết mà có sự điều chỉnh lại.

 

Ngày nay, nhiều gia đình có điều kiện về kinh tế, lại chỉ có một đứa con, nên họ dành tất cả sự tốt đẹp cho đứa con của mình. Ngay từ khi còn nhỏ những đứa trẻ này đã được bố mẹ “bọc đường”, biến chúng thành những “con gà công nghịêp”. Đến khi vào đại học, bước sang một môi trường mới, tưởng rằng bọn trẻ sẽ được “giải thoát”, được tự xoay xở, tạo lập cuộc sống cho riêng mình nhưng bố mẹ chúng vẫn duy trì, thậm chícòn phát huy hơn cách bao bọc như thế. Một điều mà các ông bố, bà mẹ đã không nhận ra được là, sự chăm bẵm quá mức của họ đã tước đi mất cơ hội, điều kiện để những đứa con được thể hiện khẳ năng tự lập, tự chủ của mình trong cuộc sống, đặc biệt là cuộc sống xa nhà.

 

Mặt khác, sống trong một điều kiện quá đủ đầy vật chất những đứa con của họ không những không ý thức được giá trị của đồng tiền, giá trị của cuộc sống mà còn rất dễ bị những thành phần xấu lợi dụng, lôi kéo theo những cám dỗ của cuộc sống nơi thành phố lớn, đưa đến những hậu quả khó có thể lường trước..

 

Mong các ông bố, bà mẹ của “những sinh viên giàu có” sớm nghĩ lại cách chăm sóc, yêu thương con của mình.

Khánh Huân - Nhà Xuất bản phụ nữ

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video