Công tác Hội - Những điều làm chúng tôi say mê

29/12/2016
Là cán bộ của Ban Dân tộc - Tôn giáo, nơi chúng tôi đến thường là những nơi khó khăn của đất nước. Ngoài những cảm nhận vẻ đẹp của Tổ quốc, chúng tôi còn có những kỷ niệm nhiều xúc động khi đến với cán bộ Hội, đến với chị em ở cơ sở.

Công tác Hội có vất vả không?

Trong rất nhiều câu chuyện đáng nhớ, chuyến đi đáng nhớ nhất đối với tôi là lần đi sinh hoạt chi hội xóm Lũng Đẩy Trên, xã Quốc Toản, huyện Trà Lĩnh (Cao Bằng) vào năm 2013.

Lũng Đẩy Trên là một thôn có giao thông đi lại khó khăn nhất của xã, dân cư phần lớn là người H’Mông. Đoàn công tác của chúng tôi xuất phát tại huyện lúc 6 giờ sáng. Chúng tôi đi theo đường bờ ruộng, men theo rìa đường một bản người Thái. “Con đường” vào thôn được tạo thành do dòng chảy của nước từ trên núi xuống mỗi khi trời mưa. Sau gần một giờ leo trên đường mòn, dốc ngược, chúng tôi ngồi nghỉ bên những tảng đá với khung cảnh xung quanh rất đẹp và nên thơ. Cảnh đẹp thế nhưng thật tình chúng tôi không còn tâm trí thưởng ngoạn vì mồm, mũi đang “thi” nhau thở, nhất là khi nghe chị chủ tịch Hội Phụ nữ xã thông báo mới đi được hơn 1/3 quãng đường. Sau gần một tiếng rưỡi đồng hồ với khoảng 3km đường mòn bằng đất lầy lội, đoàn công tác với 2/3 thành viên phải xách dép đi chân đất lội bùn cũng đã đến được nhà của chi hội trưởng.

Bao nhiêu mệt mỏi dường như tan biến khi chúng tôi nhận được sự tiếp đón nồng hậu của chị em. Đặc biệt là khi tiếp xúc, nói chuyện trong không khí rất cởi mở, ấm cúng, chị em đã mạnh dạn trao đổi về Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” cũng như một số hoạt động của Hội. Chúng tôi nhiệt tình chia sẻ, giải đáp những băn khoăn, trăn trở của chị em và hiểu rằng, cán bộ Hội cơ sở nơi đây dù rất vất vả, dù hoạt động trong hoàn cảnh của một xã còn nhiều khó khăn nhưng đã luôn phát huy tinh thần trách nhiệm, bám sát địa bàn, thường xuyên đến dự sinh hoạt chi hội, nắm rõ tên, hoàn cảnh của các hội viên. Các chị cho chúng tôi thấm thía một điều, đã chọn con đường làm công tác Hội, tức là đã tình nguyện làm một “sứ giả” luôn phấn đấu, mang lại những điều tốt đẹp nhất đến cho chị em hội viên, phụ nữ.

Vì sao chúng tôi say mê công tác Hội?

Công tác Hội tuy nhiều vất vả nhưng với chúng tôi, đồng bào và phụ nữ dân tộc thiểu số luôn hiện lên đâu đó sâu xa là những tình cảm chứa chan, chân thành, giản dị vô cùng. Điều đó đã thật sự làm cho chúng tôi say mê công tác Hội. Tôi còn nhớ như in chuyến đi công tác Lai Châu tuyên truyền về biển đảo ở xã Dào San, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu năm 2014. Hôm đó, Đoàn đi do Phó Chủ tịch Hội Nguyễn Thị Tuyết dẫn đầu. Khi buổi làm việc kết thúc, một chị chi hội trưởng như còn có điều gì chưa được bộc bạch với đoàn, bỗng đứng dậy xin có ý kiến. Tưởng chị có tâm tư gì, không ngờ chị bảo: “Xin được hát một bài tặng các chị”. Chị hát được một nửa bài, chúng tôi mới “phát hiện” ra đó là bài “Người trồng đào” bởi cái giọng lơ lớ hát tiếng phổ thông của người Hà Nhì, nhưng tấm chân tình của chị dành cho đoàn khiến chúng tôi vui mãi.

Lại có những câu chuyện làm chúng tôi vừa buồn cười vừa xót xa thế này: Vào một gia đình người H’Mông, một phụ nữ dáng vẻ đầy vẻ lam lũ vui mừng chào chúng tôi “Các con là cán bộ Trung ương à? Có khỏe không?”. Chúng tôi chào hỏi “mẹ” tíu tít rồi hỏi thăm: “Mẹ năm nay bao nhiêu tuổi rồi ạ?” – “Mẹ 45 tuổi rồi đó!” – Tất cả chúng tôi đều cười, cái cười cay cay nơi sống mũi, bởi đoàn chúng tôi, người trẻ nhất cũng đã gần 40, người lớn nhất cũng đã 54 tuổi rồi.

Tất cả những kỷ niệm, những cảm xúc buồn vui đó đã trở thành động lực thúc giục chúng tôi cần phải cố gắng hơn nữa, cần phải “xông pha” hơn nữa để góp phần giúp cho những người phụ nữ dân tộc thiểu số còn nhiều thiệt thòi, khó khăn ấy đỡ đi vất vả, để trên môi các chị nở được những nụ cười hồn hậu, trẻ trung hơn.

Phạm Thị Thúy Nga, Ban DTTG

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video