Doanh nhân nữ Việt Nam cần vượt trội hơn nữa

05/06/2008
"Những người phụ nữ tham gia vào chính trường bản thân đã phải có năng khiếu bẩm sinh rồi, chứ không phải ai cũng lên làm lãnh đạo được. Có năng khiếu nhưng cũng phải có thực tế trải nghiệm qua các cương vị lãnh đạo từ cơ sở lên, phải luôn trau dồi học hỏi, mà học hỏi ở đây không có nghĩa chỉ là bằng cấp...” -Đó là khẳng định của bà Trần Thị Thủy, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Bà Trần Thị Thủy đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam, trưởng Ban Tổ chức hội nghị Thượng đỉnh phụ nữ toàn cầu 2008 tại Hà Nội. Trước thềm hội nghị, phóng viên Lanhdao.net đã có cuộc trao đổi với bà.


Quốc tế đánh giá cao vai trò của nữ doanh nhân Việt Nam

 * Ngày 5-7/6, Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị thượng đỉnh phụ nữ toàn cầu tại Hà Nội với chủ đề” Women and Asia – Driving the Global Economy”,“Phụ nữ và châu Á – động lực của nền kinh tế toàn cầu”. Hội nghị này có ý nghĩa thế nào đối với nữ doanh nhân Việt Nam?

- Đây là hội nghị hết sức quan trọng vì nó tập hợp lực lượng phụ nữ trên toàn cầu, kể cả các nữ lãnh đạo và nữ doanh nhân. Hội nghị sẽ đẩy mạnh hoạt động của phụ nữ trong khu vực châu Á Thái Bình Dương, làm động lực cho nền kinh tế. Đây là cơ hội để các doanh nhân, doanh nghiệp trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm thành công cũng như thất bại trên thương trường để hội nhập kinh tế quốc tế. Tôi nghĩ doanh nhân nữ Việt Nam chắc chắn sẽ học hỏi được rất nhiều.

* Hình ảnh nữ doanh nhân VN dưới con mắt những nhà lãnh đạo của khu vực và thế giới như thế nào?

- VN là một nước châu Á có tỷ lệ nữ làm đại biểu quốc hội chiếm 25% - cao nhất nhì trong khu vực, tỷ lệ doanh nghiệp do nữ làm chủ cũng là 25%. Việt Nam có 3 lần tham dự Hội nghị thượng đỉnh phụ nữ toàn cầu ở Hàn Quốc (có 17 nữ doanh nhân tham gia), Ai Cập (40) và CHLB Đức (70). Không chỉ tăng về số lượng, đại biểu nữ của ta cũng đóng góp tiếng nói tích cực vào các chuyên đề. Cả ba lần tham dự, bạn bè quốc tế đều đánh giá cao vai trò của nữ doanh nhân VN.

* Hội nghị thượng đỉnh phụ nữ toàn cầu tổ chức tại VN trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu có những khó khăn nhất định. Các doanh nhân nữ cũng đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề. Trước mắt hội nghị lần này có sáng kiến gì tháo gỡ khó khăn cho các nữ doanh nhân không thưa bà?

- Trong bối cảnh kinh tế hiện nay, không chỉ doanh nhân nữ mà doanh nhân nam cũng đang "chới với" trong nền kinh tế. Do đó, nên trong hội nghị lần này, chúng tôi tổ chức Diễn đàn cơ hội đầu tư và kinh doanh với Việt Nam, mời khoảng 300 CEO từ các tập đoàn lớn từ các quốc gia tới tham dự diễn đàn để trao đổi kinh nghiệm với Chính phủ Việt Nam. Chính phủ đã giao Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cùng các bộ ngành liên quan chủ trì hội nghị lần này để giải quyết những vấn đề mà chúng ta quan tâm. Diễn đàn sẽ là “nút mở” để chúng ta tiếp tục có những bàn luận về tình hình kinh tế xã hội VN hiện tại.


Đôi khi chính phụ nữ cũng thường "níu áo lẫn nhau"

* Thực tế có nhiều doanh nhân nữ tham gia kinh doanh nhưng thành tựu của họ chưa thực sự nổi bật như nam giới. Theo bà nguyên nhân của tình trạng này là vì đâu?

- Tôi nghĩ đó là thực tế, song cũng là cái nhìn của xã hội. Đặc tính chung của phụ nữ phương Đông nói chung và Việt Nam nói riêng là cần cù chăm chỉ, khiêm tốn, nhưng cũng có phần tự ti và không táo bạo như nam giới. Do những đặc điểm riêng về giới, nên không phải doanh nhân nữ nào cũng dám bươn chải để làm lớn. Điều đó lý giải vì sao các doanh nhân nữ thường làm chủ những doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thế nhưng ngược lại, cũng vì khá chặt chẽ, cẩn thận nên doanh nghiệp của họ đỡ đổ vỡ hơn của nam giới.

* Nhưng có một nghịch lý là, nếu những người phụ nữ tham vọng quá đề cao bản thân thì bị cho là khoe khoang, ngược lại thì bị chê là yếu kém, tự ti...

- Khi thấy người trẻ mà sốc nổi thì xã hội sẽ đánh giá là chủ quan, tự phụ, còn già mà dè dặt thì bị coi là bảo thủ, trì trệ. Đúng sai không dám nói nhưng tôi nghĩ nó chưa toàn diện. Đối với phụ nữ cũng vậy, ở khía cạnh này khía cạnh kia, chắc chắn họ sẽ bị đánh giá, thậm chí có phần khắt khe hơn so với nam giới.

Song có một thực tế thế này. Không chỉ xã hội mà chính phụ nữ chúng ta cũng thường hay "níu áo lẫn nhau". Không ít người mang thai muốn sinh con trai trước, nghe tin có con gái họ còn buồn trước cả ông chồng. Tư tưởng "trọng nam, khinh nữ" đâu đó vẫn còn tồn tại trong xã hội và trong chính chúng ta. Đây là vấn đề về tư tưởng từ bao đời nay. Chúng ta không nên trách gì người phụ nữ mà nên phấn đấu xóa bỏ dần những ranh giới của định kiến phong kiến. Đó cũng là cả một quá trình không đơn giản.

Thủ trưởng không đồng nghĩa với ra lệnh...

* Trong bối cảnh hội nhập kinh tế hiện nay, theo bà, một nữ lãnh đạo doanh nghiệp cần những phẩm chất gì?

- Phẩm chất thì có nhiều, nhưng đối với doanh nhân nữ, cần có những tố chất đặc biệt. Theo ý kiến của bản thân tôi người đó phải có tính quyết đoán cao, đồng cảm với mọi người, có vai trò của người làm chủ, nhân hậu, cái tâm trong sáng, tạo được lòng tin với người khác. Trong thương trường, nếu không giữ được lòng tin thì không ai hợp tác với chúng ta cả.

Là lãnh đạo nếu không có thái độ cầu thị, không quan tâm đến đời sống, công việc của nhân viên thì họ cũng không có lý do gì để yêu quý mình. Người Việt mình coi tình cảm là trên hết. Nếu có tình cảm thì họ sẵn sàng góp sức vì công ty, vì thủ trưởng mình. Còn nếu chỉ nghĩ làm thủ trưởng đồng nghĩa với ra lệnh thì không thể tập hợp được lực lượng.

Ngoài ra, nữ  lãnh đạo cũng cần giữ thái độ khiêm tốn. Khiêm tốn không hẳn là gặp ai cũng chào mà là làm thế nào đó để nhân viên cảm nhận được rằng mình hòa đồng với họ, sống chân thực và sống được trong mọi tầng lớp. Người phụ nữ thành đạt nếu ra vẻ quan quyền, không hiểu đời sống của nhân viên thì rồi cấp dưới cũng chán họ.

Có doanh nhân nữ tâm sự với tôi thế này: Doanh nghiệp của chị ấy không lớn đâu nhưng đến ngày sinh nhật của nhân viên, ai cũng được chị tặng hoa kèm theo một món quà nho nhỏ. Dù chẳng đáng là bao nhưng nhân viên rất xúc động vì thủ trưởng cao nhất đã nhớ đến họ. Thăm nom nhau những lúc ốm đau, hỏi chuyện vui chuyện buồn trong gia đình thì họ sẽ đồng cảm, gắn bó với mình hơn và có động lực để làm việc tốt hơn.

Để doanh nhân nữ trở thành lực lượng chính trị xã hội

* Những doanh nhân nữ xuất sắc trong thương trường thường có xu hướng tham gia vào chính trường như bà Phạm Thị Loan, Nguyễn Thị Nguyệt Hường, Võ Thị Thủy... Bà nhận định thế nào về xu hướng này?

- Những người phụ nữ tham gia vào chính trường bản thân người ta đã phải có năng khiếu bẩm sinh rồi, chứ không phải ai cũng lên làm lãnh đạo được. Có năng khiếu nhưng cũng phải có thực tế trải nghiệm qua các cương vị lãnh đạo từ cơ sở lên, phải luôn trau dồi học hỏi. Học hỏi ở đây không có nghĩa chỉ là bằng cấp mà là nghiên cứu tài liệu, tin tức về thương trường về các vấn đề để có óc tổng hợp lại. Những người như vậy chắc chắn giải quyết công việc sẽ thấu đáo hơn.

Chúng ta có 15 nữ doanh nhân là đại biểu Quốc hội khóa 12 và chúng ta tự hào vì các chị là những người có uy tín được dân bầu. Thế nhưng nếu nói họ có tham vọng cũng chưa hẳn đúng vì nhiều trường hợp do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc giới thiệu chứ không phải họ tự ra ứng cử. Tôi cũng mong muốn có nhiều chị em nữ tham gia nghị trường. Nếu họ đóng góp đươc tiếng nói của mình vào Quốc hội thì đó là điều vô cùng cần thiết.

* Để doanh nhân nữ trở thành một lực lượng chính trị của xã hội theo bà điều cần lưu ý là gì?

- Tôi nghĩ phụ nữ muốn được xã hội công nhận, họ cần cố gắng, vượt trội hơn nữa. Nếu một người nữ với một người nam có năng lực bằng nhau chưa chắc người ta đã chọn nữ. Do đó, tôi nghĩ khi đề bạt phải thì phải cẩn trọng. Nếu ta cứ đề bạt ào ào thì cũng không được. Cho nên, đó cũng là một thách thức.

* Với cương vị Chủ tịch Hội đồng doanh nhân nữ VN, bà có thông điệp gì gửi gắm các doanh nhân nữ Việt Nam?

- Nói thông điệp thì hơi lớn nhưng trong tình hình khó khăn hiện nay, tôi mong các nữ doanh nhân thực hiện vai trò của mình, cùng cố gắng chung vai với cả nước để ổn định tình hình kinh tế - chính trị của đất nước ta.

Lanhdao.net

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video