Dương Thị Xuân Quý - Tấm gương về nhân cách nhà văn và người phụ nữ Việt Nam

07/05/2019
Nửa thế kỷ qua, tên tuổi và sự nghiệp của Dương Thị Xuân Quý đã đi vào văn học sử Việt Nam đương đại như một trong những tấm gương cao đẹp và trong sáng nhất về nhân cách nhà văn và người phụ nữ Việt Nam.

Dương Thị Xuân Quý sinh ngày 19/4/1941, tại Hà Nội, quê gốc ở thôn Phú Thịnh, xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Dương Thị Xuân Quý được thừa hưởng truyền thống của một gia đình nho học và yêu nước lâu đời. Cụ tổ đời thứ 16 của chị là cụ Dương Phúc Tú (1505-1563) đỗ trạng nguyên thời nhà Mạc, tiếp đến là nhà nho Dương Duy Thanh (1804-1861) là đốc học Hà Nội, người soạn bia ở đền Đồng Nhân ca ngợi công đức Hai Bà Trưng. Gần hơn, ông nội của Dương Thị Xuân Quý là cụ Dương Trọng Phổ (1862-1927) là một nhà nho sinh ra cụ Dương Bá Trạc (1884-1944) đỗ cử nhân năm 17 tuổi là một trong những sáng lập viên của Đông Kinh nghĩa thục (cả hai cha con đều bị Pháp bắt và đày đi tù giam ở Côn Đảo năm 1909). Bác ruột của chị là giáo sư Dương Quảng Hàm, một trí thức uyên bác tinh thông cả Hán học và Tây học, vị giáo sư trường Bưởi danh giá, là người thầy của các nhà văn hóa nổi tiếng như Nguyễn Lân, Hữu Ngọc, Nguyễn Văn Hiếu - cựu Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội. Giáo sư Dương Quảng Hàm là soạn giả đặt nền móng cho nền quốc học hiện đại với các tộc phẩm Việt Nam văn học sử yếu, Việt Nam thi văn tập tuyển và nhiều tác phẩm nghiên cứu và dịch thuật khác, người mở đầu cho ngành văn học sử ở nước ta. Hai người bác khác của chị Quý là họa sĩ Dương Bích Liên, Dương Cầm Chương. Thân phụ của Dương Thị Xuân Quý là ông Dương Tụ Quán (1902-1969) cũng là nhà nho và nhà biên khảo được nhiều người ghi nhớ trong tư cách trụ cột của Văn học tạp chí và tạp chí Tri Tân. Trong gia tộc họ Dương có một phụ nữ rất nổi tiếng là giáo sư Lê Thị (Dương Thị Thoa), người phụ nữ Thủ đô xinh đẹp và quả cảm cùng một đồng chí khác treo lá đại kỳ cờ đỏ sao vàng trên tiền sảnh Nhà hát Lớn Hà Nội trong ngày 19/8/1945, mở đầu cho cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền tại Hà Nội. Tôi đã có lần cùng cán bộ, công nhân Viện Bảo tàng Văn học Việt Nam tìm đến số nhà 98A Hàng Bông - Hà Nội thắp nén tâm nhang bái tạ gia tộc họ Dương đã cống hiến nhiều hiền tài cho đất nước, trong đó có Dương Thị Xuân Quý. 

Với một truyền thống gia đình như vậy, chúng ta hiểu vì sao Dương Thị Xuân Quý đã sớm tỏ ra một nữ sinh có chí hướng. Tốt nghiệp phổ thông, chị thi đỗ và trở thành sinh viên khoa đầu tiên trường Báo chí Trung ương. Sau ba năm học tập (1959- 1961), chị được nhận về làm việc tại tòa soạn báo Phụ nữ Việt Nam. Nhiều đồng nghiệp cùng cơ quan đã dành cho chị sự cảm phục về tính thẳng thắn trong nghề và say nghề, đặc biệt là tính trung thực, một phẩm chất rất cao của người làm báo. Khi cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mĩ mở rộng ra miền Bắc, Dương Thị Xuân Quý là cây bút xông xáo, có mặt ở những nơi khó khăn, ác liệt nhất. Qua những chuyến đi như thế, chất liệu báo chí đã chuyển hóa thành chất liệu văn chương như một lẽ tự nhiên. Trên văn đàn, người ta thấy xuất hiện những truyện ngắn với một tên tuổi mới mang bút danh Dương Thị Xuân Quý, sau đó không lâu, những sáng tác ấy được tập hợp in trong tập truyện ngắn đầu tay của chị với tên sách: Chỗ đứng, xuất bản năm 1968. Vào thời điểm đó Dương Thị Xuân Quý là một trong số những cây bút chống Mĩ có tập sách in riêng sớm nhất.

Chỗ đứng là một cái tên cứng cỏi, có thể ít nữ tính nhưng là mang ý nghĩa như là tuyên ngôn cho một lẽ sống. Một cái tên mang tâm thế của có một thế hệ. Lứa chúng tôi hồi đó là như vậy, vào đời trước tiên là chọn một "chỗ đứng" để thực thi một lẽ sống một khát vọng mà mình đã lựa chọn khác hẳn với lớp trẻ bây giờ lấy "lập thân lập nghiệp" là điểm xuất phát. Với "chỗ đứng" ấy, cuộc sống ở miền Bắc lúc bấy giờ cũng thiếu thốn, gian khổ, cũng bom đạn sống chết hàng ngày nhưng chưa thỏa với chí hướng của một người cầm bút muốn lặn xuống tận đáy những thử thách nghiêm trang nhất của đất nước, của chiến tranh như Dương Thị Xuân Quý.

Và Dương Thị Xuân Quý tình nguyện vào chiến tường. Hai chữ "tình nguyện" với chị thật là thiêng liêng. Bởi vì chị có nhiều lý do rất xác đáng để ở lại hậu phương lớn. Chồng vừa mới đi B, con gái đầu lòng mới hơn một tuổi đời, cơ quan cũng rất cần có một cây bút chủ lực như chị. Đọc Nhật ký của Dương Thị Xuân Quý chúng ta xúc động nghẹn lòng trước sự giằng xé day dứt khôn tả của một người mẹ phải dứt ruột ra đi, để lại con thơ thiếu sự chăm sóc của cả mẹ lẫn cha. Đối với Dương Thị Xuân Quý, con đường tới chiến trường là hai cuộc hành trình. Nhân hai lần cái nhọc nhằn, gian khổ, hiểm nguy của người lính, ta bắt gặp cuộc hành trình lớn lao đó của Dương Thị Xuân QuýChiếc ba lô oằn nặng trên vai, nhưng nỗi thương con còn nặng hơn nhiều nữa. May mắn sao chúng ta còn có những dòng chữ quý báu ấy, những trang chữ có rất nhiều sự thật, và khí phách. Nó như luồng ánh sáng trực chiếu vào thế giới nội tâm soi rọi đến từng chi tiết nghị lực và phẩm hạnh của chị.

Với khí phách và nghị lực ấy, chị thích nghi mau lẹ với cuộc sống ở chiến trường. Truyện ngắn Hoa rừng ra mắt bạn đọc không lâu khi chị vào đến Khu Năm, đánh dấu một bước tiến vững vàng về văn nghiệp của chị. Nhưng cuộc sống ở hậu cứ với những ngày đói quay đói quắt, những chuyến đi gùi gạo dài ngày lúc nào cũng có thể gặp địch phục kích, những trận sốt rét, những trận B52 rải thảm, với Dương Thị Xuân Quý chưa hẳn là chiến trường. Chiến trường thực sự theo chị phải là nơi giáp mặt hàng ngày với cái sống và cái chết, "nơi nhiều nguy hiểm nhưng vui kỳ lạ" như lá thư chị viết cho Chu Cẩm Phong. Và chị đã đến đó, một vùng sâu ác liệt bậc nhất của chiến trường Khu Năm, nơi đọ súng từng ngày giữa ta và địch, thỏa nguyện được tự thể nghiệm mình trước những thử thách khắc nghiệt nhất. Một phụ nữ Thủ đô quen sống với ánh đèn đường phố với sách vở và mơ mộng đã âm thầm chuẩn bị cho mình một tiềm năng kỳ lạ để chọn một "chỗ đứng" giữa những con người bình thường mà phi thường trong mắt bão chiến tranh. Và tại đấy trong một trận càn quét tàn bạo quy mô lớn của quân đội đánh thuê Hàn Quốc tại xã Duy Thành huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, ngày 8/3/1969, Dương Thị Xuân Quý đã anh dũng hi sinh như một người anh hùng. Chị là nữ nhà văn liệt sĩ duy nhất trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mĩ.

Cuộc sống của Dương Thị Xuân Quý đã dừng lại năm 28 tuổi nhưng tên tuổi sự nghiệp của chị đã đi vào ký ức của người đọc như một trong những tên tuổi đẹp nhất, làm vẻ vang cho thế hệ các nhà văn chống Mĩ. Chị cũng đáng là đóa "Hoa rừng" còn mãi với thời gian.

Sau một nửa thế kỷ, tấm gương hi sinh và bài học cao quý của Dương Thị Xuân Quý để lại cho chúng ta là sự can đảm và đầy bản lĩnh để xác định một "chỗ đứng" can trường đầy trách nhiệm và lòng kiêu hãnh trong cuộc sống và sự nghiệp vĩ đại của nhân dân, của Tổ quốc. "Chỗ đứng" trong lòng dân tộc ấy ngày nay vẫn và sẽ là bài học khẩn thiết và cấp bách đối với mọi người cầm bút. Bởi chỉ với một "chỗ đứng" đó, chúng ta mới có thể hoàn thành thiên chức cao quý của một nhà văn./.

Hữu Thỉnh – dangcongsan.vn

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video