Giải pháp cho phụ nữ nghèo Thanh Hoá

30/03/2006
Xoá đói, giảm nghèo là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước.

Là tỉnh đông dân, số hộ đói nghèo nói chung, hộ đói nghèo do phụ nữ làm chủ nói riêng chiếm tỷ lệ còn cao, tới 26% tổng số hộ trong toàn tỉnh, các cấp Hội LHPN tỉnh Thanh Hoá đã làm gì để thực hiện chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ IX đề ra: Phấn đấu 80% trở lên số hộ đói nghèo do phụ nữ làm chủ được giúp đỡ.

 

Đi tìm nguyên nhân

 

Đứng thứ 3/64 tỉnh, thành phố về dân số với tổng số 3,7 triệu người, Thanh Hoá có địa hình đa dạng, địa bàn rộng với 222 xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, 15 xã biên giới giáp Lào, nơi xa nhất (huyện Mường Lát) cách trung tâm tỉnh lỵ 300 km, vì vậy công tác xoá đói, giảm nghèo gặp không ít khó khăn. Làm thế nào để nối dài cánh tay trong khi ở một số địa bàn vẫn còn địa bàn trắng tổ chức Hội do đồng bào dân tộc thiểu số còn di cư dọc theo dãy Trường Sơn.

 

Để có cái nhìn bao quát, tổng thể nhằm nắm chắc nguyên nhân, thực trạng đói nghèo, tìm ra các biện pháp hữu hiệu, từng bước xoá “tận gốc” căn bệnh nan giải này, Hội LHPN tỉnh Thanh Hoá đề nghị với Sở KHCN triển khai đề tài nghiên cứu “Thực trạng và giải pháp nâng cao đời sống hộ đói nghèo do phụ nữ làm chủ hộ tại Thanh Hoá”, được UBND tỉnh Thanh Hoá phê duyệt từ tháng 8/2004.

 

Qua điều tra khảo sát diện rộng 100% hộ đói nghèo do phụ nữ làm chủ của 27 huyện, thị, thành phố và qua điều tra xã hội học ở 12 xã của 4 huyện làm điểm triển khai mô hình: Nông cống, Hà Trung, Cẩm Thuỷ, Quảng xương đại diện cho 4 khu vực: Miền núi, trung du, đồng bằng, miền biển, cho thấy, tổng số phụ nữ nghèo ở miền núi cao nhất, chiếm 37,7%, tiếp theo là miền biển (27,6%), thấp nhất là vùng trung du, đồng bằng (chỉ có 16,1%). Tuy nhiên, nếu so sánh giữa tỷ lệ hộ nghèo do phụ nữ làm chủ thì kết quả lại ngược lại: vùng trung du, đồng bằng lại cao nhất, sau đó là miền biển và miền núi.

 

Tương tự, tỷ lệ mù chữ của phụ nữ miền núi cao nhất (13%), vùng biển (11,5%) và trung du, đồng bằng (8,23%) nhưng tỷ lệ nữ làm chủ chủ trên 55 tuổi miền núi lại thấp nhất (20,2%) trong khi vùng biển lại chiếm tới 33,7% và vùng trung du, đồng bằng 31,49%.

 

Cũng qua điều tra, khảo sát cho thấy, hộ có 3-5 con chiếm 38,8%, hộ có từ 6 con trở lên chiếm 3,02%, không có con 12,47%. Số hộ đói nghèo do phụ nữ làm chủ hộ chủ yếu là đơn thân, chiếm 64,7%, chồng ốm đau, bệnh tật chiếm 25,03%, chồng thoát ly 1,1%, chồng rượu chè, cờ bạc, lười lao động chiếm 9,14%. Số hộ đang ở nhà tạm chiếm 34,59%, hộ chưa có nhà 3,4%.

 

Nhìn lại con số trên có thể thấy rõ một điều: có nhiều nguyên nhân dẫn đến đói nghèo nhưng chung quy lại tập trung ở một số điểm: Chủ hộ có trình độ văn hoá thấp, thiếu kiến thức làm ăn, thiếu vốn sản xuất, ốm đau bệnh tật kéo dài, hoàn cảnh gia đình đơn thân, thiếu lao động, đất canh tác, bên cạnh đó còn một bộ phận do cả vợ và chồng đều lười lao động…

 

Lời giải cho bài toán khó

 

Từ đặc điểm, tình hình thực tiễn của địa phương, Hội LHPN tỉnh Thanh Hoá xác định, trọng tâm công tác chỉ đạo XĐGN là khai thác các nguồn vốn thông qua tín chấp với Ngân hàng NN&PTNT, ký uỷ thác với Ngân hàng Chính sách xã hội, huy động nguồn vốn trong nhân dân, tranh thủ các dự án quốc gia, quốc tế nhằm hỗ trợ vốn cho phụ nữ nghèo, đặc biệt là phụ nữ nghèo làm chủ hộ có vốn sản xuất.

 

Tiêu biểu cho hoạt động này là phụ nữ xóm Đông Bắc, xã Nga Liên, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hoá. Với 68 thành viên, đến tháng 12/2005 tổng các nguồn vốn vay của chị em đã lên tới 7,55 tỷ đồng, đặc biệt trong 5 năm có 9 lượt chị em vay tới 1,44 tỷ đồng đầu tư cải tạo diện tích trồng cói, mở rộng quy mô chăn nuôi, mua nguyên liệu sản xuất hàng TTCN, phát triển buôn bán kinh doanh, số lợi nhuận thu được từ 15-20 triệu đồng/hộ/năm.

 

Cùng với các hoạt động tạo vốn, các cấp Hội còn xây dựng các mô hình điểm, mô hình trình diễn chuyển giao tiến bộ KHKT ở các huyện Đông Sơn và Nga Sơn, tổng kết rút kinh nghiệm mô hình “sản xuất lúa chất lượng cao” triển khai nhân rộng ra toàn tỉnh, đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn phụ nữ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, xây dựng cánh đồng 50 triệu đồng/ha/năm, hộ nông dân thu nhập 50 triệu đồng/năm.

 

Bằng nhiều hoạt động thiết thực, trong tổng số 51.314 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ ở Thanh Hoá đã có 91% số hộ được giúp đỡ, trong đó 7.295 hộ đã thoát nghèo. Hội cũng đã quyên góp được trên 700 triệu đồng, góp phần thực hiện chủ trương của tỉnh Thanh Hoá và Nghị quyết của T.W Hội về hỗ trợ hộ nghèo xoá nhà tranh tre, dột nát, trong đó có hộ nghèo do phụ nữ làm chủ.

 

Nâng cao đời sống cho các hộ nghèo, đặc biệt là các hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hiện đang là vấn đề lớn, yêu cầu cấp thiết đối với các cấp Hội LHPN Thanh Hoá. Để tìm ra giải pháp thiết thực, Hội LHPN tỉnh Thanh Hoá đang xúc tiến triển khai mô hình CLB XĐGN tại 4 xã của 4 huyện chỉ đạo điểm: Cẩm Quý (Cẩm Thuỷ), Hà Tiến (Hà Trung), Quảng Khê (Quảng Xương) và Thăng Bình (Nông Cống) với các nội dung sinh hoạt cụ thể: Học tập các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; hỗ trợ hoạt động vay vốn, chia sẻ kinh nghiệm làm ăn; tập huấn chuyển giao KHKT, chăm sóc sức khoẻ sinh sản, đảm bảo vệ sinh môi trường; cam kết “Gia đình không có con em phạm tội và TNXH”; phổ biến chương trình hoạt động của Hội và tổ chức cho cán bộ Hội xây dựng kế hoạch, phân công, hướng dẫn giúp đỡ theo địa chỉ cụ thể cho các hộ đói nghèo.

 

Với cách làm năng động, sáng tạo trong xây dựng kế hoạch, giao chỉ tiêu cụ thể cho các cấp Hội: Tỉnh giúp một huyện, huyện giúp một xã, mỗi xã giúp 1-2 chi Hội và mỗi chi Hội giúp 1-2 hộ thoát nghèo/năm cùng với việc triển khai thực hiện hiệu quả mô hình CLB XĐGN, hy vọng đây sẽ là một trong những giải pháp hữu hiệu giúp một tỉnh mang đặc thù như Thanh Hoá tiến nhanh, tiến mạnh trong cuộc chiến chống đói nghèo, lạc hậu.

Đỗ Hoa - Trung tâm Thông tin

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video