Giải pháp hỗ trợ phát triển làng nghề truyền thống

07/01/2006
Từ khi thực hiện chính sách đổi mới nền kinh tế đến nay, nhất là sau khi Chính phủ có Quyết định 132/2000/QĐ-TTg về một số chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn,

nhiều nghề truyền thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số được khôi phục và phát triển, như: nghề thêu, dệt thổ cẩm, mây tre đan… Sự biến đổi đó đã phần nào góp phần làm thay đổi diện mạo vùng nông thôn miền núi.


Hiện tại, đã có hơn 40% sản phẩm ngành nghề nông thôn được xuất khẩu đến thị trường của 100 nước trên thế giới. Số hộ và cơ sở sản xuất nghề nông thôn ở khu vực nông thôn đang ngày càng tăng với tốc độ tăng bình quân hàng năm từ 8-10%/năm. Trong khi dân số tăng, diện tích đất bị thu hẹp thì việc phát triển nghề truyền thống lại càng cần được chú trọng. Theo ông Diệp Kinh Tần, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tốc độ tăng trưởng ngành nghề nông thôn mấy năm gần đây khoảng 30%. Đây là tốc độ tăng trưởng cao, song do dân số tăng nhanh nhưng đất đai gần như đã khai hoang hết nên người nông dân không có việc làm rất nhiều. Do đó, việc phát triển làng nghề là rất cần thiết.


Tuy nhiên, trên thực tế, ngành nghề truyền thống vùng nông thôn gặp không ít khó khăn. Tuy đã có các chính sách cho phát triển nghề nhưng chưa đồng bộ, lại phải chịu sự quản lý của nhiều Bộ, ngành khác nhau. Phát triển ngành nghề phi nông nghiệp ở nông thôn chủ yếu vẫn mang tính tự phát, sử dụng công nghệ lạc hậu và các thiết bị máy móc có từ lâu đời. Trên 80% các cơ sở không đủ vốn đầu tư để đổi mới kỹ thuật…


Xuất phát từ những yêu cầu để đáp ứng bảo tồn và phát triển ngành nghề truyền thống, mới đây Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tổ chức hội thảo “Mỗi làng một nghề”. Theo ông Tôn Gia Hoán, Trưởng phòng ngành nghề nông nghiệp nông thôn (Cục chế biến nông, lâm sản và nghề muối), cả nước hiện có hơn 2.000 làng nghề. Việc hình thành ra một làng nghề rất khó khăn. Cho nên, đối tượng chính của chương trình “Mỗi làng một nghề” là ưu tiên hỗ trợ cho những làng chưa có nghề để họ phát triển nghề, tạo việc làm cho nông dân. Bên cạnh đó, những làng đã có nghề nhưng chưa đạt tiêu chí, những làng có nghề đang bị mai một, cũng cần hỗ trợ để họ tìm cách khôi phục và phát triển nghề, đáp ứng nhu cầu thị trường.


Việc gắn kết giữa truyền thống với hiện đại để phát triển nghề truyền thống cũng phải đặc biệt được coi trọng. Tuy nhiên, muốn được thực hiện được yêu cầu này thì cần phải thay đổi nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số với nghề truyền thống. Ông Tôn Gia Hoán cho biết, từ trước đến nay, đồng bào dân tộc thiểu số sống chủ yếu tự cung tự cấp. Nếu không quan tâm phát triển nghề này thì tự nó sẽ mất. Vì thế cần hỗ trợ để họ vừa phát triển thành một nghề, vừa tạo thêm được nguồn thu nhập mới.


Khi chương trình “Mỗi làng, một nghề” đi vào hoạt động, bước đầu sẽ thí điểm ở 15 tỉnh, mỗi tỉnh sẽ chọn ra một số làng nghề. Các địa phương cũng được giúp đỡ xây dựng kế hoạch và có phương án cụ thể là sản xuất sản phẩm gì và tìm đầu ra cho sản phẩm. Mặt khác, chương trình sẽ hỗ trợ cho người dân vốn, đào tạo truyền nghề, xúc tiến thương mại và cải tiến mẫu mã sản phẩm đưa đi truyền bá qua các kênh thông tin... Tuy mới thực hiện thí điểm, song chương trình “Mỗi làng, một nghề” đã mở ra cho những làng nghề truyền thống, đặc biệt là những nghề đang có nguy cơ mai một triển vọng mới.

Theo VOV

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video