Góp ý dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc XI

08/03/2012
“Vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, bảo vệ môi trường” là một trong 6 nhiệm vụ trọng tâm mà dự thảo văn kiện Đại hội phụ nữ toàn quốc lần thứ XI (nhiệm kỳ 2012-2017) của Hội LHPN Việt Nam đã đề ra.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, bà Bà Lê Thị Nương, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa trăn trở:

Các Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, đề án “Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm” giai đoạn 2010-2015” được triển khai từ lâu, lao động nữ đi học nghề cũng rất nhiều nhưng huyện nào, xã nào cũng chỉ quanh đi quẩn lại có vài nghề truyền thống như thuê ren, đan nát… Trong khi đó, đầu ra chỉ tập trung ở thị trường trong nước mà chưa hướng ra được thị trường nước ngoài. Quy mô các doanh nghiệp lại nhỏ, vốn ít nên các làng nghề cũng chỉ hoạt động cầm chừng được một vài năm, thậm chí một vài tháng rồi giải thể. Thu nhập của lao động nữ rất thấp (trung bình từ 10000 đồng đến 20000 đồng/ngày), không ổn định nên họ bỏ nghềkhiến các đề án trở về con số không. Để giải quyết được nhiều việc làm cho phụ nữ bà kiến nghị: “TW Hội cần phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể xây dựng mô hình sinh thái gắn với du lịch làng nghề để thu hút khách. Ngoài ra, mỗi địa phương cần chuyên môn hóa một nghề nhất định và xây dựng thương hiệu cho riêng mình”.

Chị Đỗ Thị Hồng Loan, Chủ tịch Hội PN Công ty CP Thủy sản Bình An, TP Cần Thơ chia sẻ: “Tại công ty, chúng tôi đã triển khai các mô hình nhằm hỗ trợ, giúp đỡ chị em hội viên như mô hình: “Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập; hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc… Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức, thực hiện, chúng tôi gặp một số khó khăn. Vì vậy, tôi mong rằng “Đại hội Đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XI sẽ quan tâm hơn đến những hoạt động phong trào công tác Hội trong doanh nghiệp; nên có những quy chế cụ thể và có kế hoạch làm việc định kỳ hàng tháng, hàng quý với ban giám đốc nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức Hội hoạt hoạt động. Hội cũng cần lên phương án liên kết với ngân hàng cho chị em hội viên được vay vốn để có điều kiện phát triển kinh tế, tăng thu nhập, giúp chị em ổn định cuộc sống. Có như vậy, tổ chức Hội trong doanh nghiệp mới thực sự phát triển và phát huy vai trò”.

Bà Nguyễn Thị Nở, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Long Tân, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai mong muốn: Hội LHPN có nhiều chương trình, đề án làm tăng thêm cơ hội học nghề, tạo việc làm cho lao động nữ, đặc biệt là lao động nữ ở khu vực nông thôn, phụ nữ ở độ tuổi trung niên, lao động nữ dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn. Bà cho biết, thời gian gần đây, công tác phối hợp dạy nghề cho phụ nữ ở nông thôn đã từng bước được chú trọng nhưng do đặc điểm Nhơn Trạch là một huyện thuần nông, các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ chậm phát triển nên cơ hội có việc làm thường xuyên cho phụ nữ sau học nghề và đầu ra sản phẩm làm ra còn khó khăn. Do đó, theo bà: “Hội cần phải định rõ đối tượng, ngành nghề đào tạo, độ tuổi, học vấn, nhận thức, điều kiện học tập của chị em để có hình thức đào tạo hợp lý nhằm nâng cao chất lượng lao động. Bên cạnh đó, đẩy mạnh dạy nghề theo mô hình “3 trong 1” (doanh nghiệp, cơ sở đào tạo, người lao động); tuyên truyền, xây dựng mô hình điểm; tăng cường thực hiện các biện pháp giải quyết việc làm sau đào tạo nghề cho phụ nữ như hội chợ việc làm, ngày hội tư vấn và tuyển dụng trực tiếp… để nâng cao hiệu quả dạy nghề, góp phần tạo thêm cơ hội cho chị em trong việc tìm kiếm việc làm có thu nhập ổn định, giúp xóa đói giảm nghèo và nâng cao vị thế cho phụ nữ trong xã hội hiện nay”.

TTTT tổng hợp

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video