Gương nữ nông dân Quảng Ngãi làm kinh tế giỏi

25/06/2022
Nắm bắt được nhu cầu của thị trường về giống gà thịt chất lượng cao, vợ chồng chị Phạm Thị Thuận ở đội 2, thôn Phú Lộc, xã Tịnh Phong, huyện Sơn Tịnh đã đầu tư phát triển trang trại chăn nuôi gà thả đồi thay vì phương pháp truyền thống nuôi nhốt trong chuồng. Mô hình này đã và đang đem lại thu nhập cao cho gia đình chị.
Mô hình chăn nuôi gà đồi của chị Phạm Thị Thuận

Sinh ra và lớn lên ở vùng quê thuần nông, sau khi lập gia đình, chị Thuận cũng trải qua nhiều năm bôn ba làm đủ thứ nghề, từ sản xuất trồng trọt, buôn bán, rồi lên Tây Nguyên trồng cây lâm nghiệp. Đến năm 2017, vợ chồng chị quay trở về, quyết chí làm giàu trên chính quê hương của mình.

Trong tay có ít vốn tích lũy được, chị tập trung xây dựng trang trại và chăn nuôi gà thả đồi. Trên 5 sào đất ở đồi Rẩy Sỏi (thuộc thôn Phú Lộc), chị cho xây dựng 4 khu chuồng nuôi. Mỗi khu chuồng chị thả nuôi 2.000 con gà giống Minh Dư mua từ Bình Định. Đây là giống gà khỏe mạnh, có chất lượng thịt thơm ngon và rất thích hợp trong điều kiện thả vườn. Để đảm bảo vệ sinh chuồng trại, tạo ra sản phẩm có chất lượng, chị luôn tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình kỹ thuật trong chăn nuôi.

Chị Thuận cho biết: Với 4 khu chuồng, gia đình chị dành ra 1 khu để nuôi úm gà con, giữ nhiệt độ thích nghi cho gà; đặc biệt tuân thủ quy trình cho gà uống vắc xin và tiêm phòng dịch bệnh theo đúng chu kỳ. Khi nuôi đủ 28 ngày, lúc gà có thể thích nghi với môi trường mới thì sẽ chuyển sang chuồng khác và cho gà ra vườn đồi tìm kiếm thức ăn, mục đích là để gà vận động giúp thịt săn chắc. Chị luôn chú ý tới yếu tố thời tiết, do đó chuồng gà luôn có màn che phủ, đảm bảo ấm áp, kín gió, hạn chế dịch bệnh.

Ngoài khu chuồng để nuôi úm gà, 3 khu chuồng còn lại chị dành để nuôi các lứa gà kế tiếp nhau. Nuôi gà thả đồi khoảng 4 tháng là có thể xuất chuồng, vì thế nhờ thả nuôi nhiều lứa nhỏ khác nhau nên trại gà của chị thường xuyên có gà thương phẩm xuất bán ra thị trường. Đầu ra của sản phẩm có sự ổn định vì gia đình chị bán trực tiếp cho các thương lái tại chợ gà trong tỉnh.

Nói về kinh nghiệm chăn nuôi gà thả đồi, chị Thuận chia sẻ: Gà tuy là giống dễ nuôi nhưng cũng dễ mắc bệnh. Do vậy, từ quy trình vệ sinh chuồng trại đến khâu chăm sóc, ăn uống cũng phải được thực hiện bài bản. Gà từ lúc nhập về cho đến 2,5 tháng tuổi thì chỉ cho ăn cám, sau khi đủ 2,5 tháng trở lên mới cho ăn cám trộn với bắp xay (nếu cho ăn bắp sớm gà sẽ không phát triển và thịt không săn chắc).

Bên cạnh đó, vào mùa đông thì cần thắp điện sưởi ấm cho đàn vật nuôi. Chuồng gà cần thông thoáng, hứng được ánh nắng mặt trời. Máng ăn, máng uống luôn được vệ sinh sạch sẽ... Nhờ vậy, đàn gà lứa nào cũng phát triển tốt, ít dịch bệnh, cho chất lượng thịt thơm ngon. Bạn hàng luôn tin tưởng và thường xuyên đặt hàng khi gà của chị đủ tuổi xuất chuồng.

Hiện nay, bình quân với 4 khu chuồng trại, nuôi 3 lứa gà/năm, mỗi lứa khoảng 6.000 con gà, lúc nào chị cũng đủ hàng để xuất bán sản phẩm gà thịt thương phẩm ra thị trường. Gà trống xuất chuồng có trọng lượng khoảng 2,5 kg/con, gà mái khoảng trên 2 kg/con. Mỗi năm xuất bán 6 lứa gà thịt (mỗi lứa khoảng 2.000 con) mang lại nguồn thu nhập hơn 700 triệu đồng cho gia đình chị, sau khi trừ chi phí thu lãi khoảng 300 triệu đồng. Từ khi nuôi gà thả vườn đồi đến giờ kinh tế của gia đình chị đã ổn định và ngày càng khấm khá hơn.

Theo Chủ tịch Hội ND xã Tịnh Phong, Bùi Ngọc Thắng cho biết: Những năm qua, việc chăn nuôi gà thịt thả vườn đồi trên địa bàn xã đang phát triển rất mạnh. Tuy nhiên, do tình hình dịch Covid-19, giá vật tư tăng cao nên lợi nhuận của các hộ chăn nuôi không được tốt như trước.

Trên địa bàn hiện có hộ chị Phạm Thị Thuận nhờ tìm được đầu ra ổn định, lại mua tận ngọn, bán tận gốc nên việc chăn nuôi gà thả đồi của gia đình chị luôn phát triển. Đây là một trong những hộ chăn nuôi gà thả đồi đạt hiệu quả nhất ở địa phương. Nhờ chăm chỉ làm ăn, tìm hướng đi đảm bảo nên số lượng, chất lượng gà thả đồi của gia đình chị Thuận luôn ổn định, bền vững và phát triển. Địa phương mong muốn tiếp tục nhân rộng mô hình này để có thêm nhiều hộ nông dân học hỏi, làm theo nhằm gia tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Có thể nói, với ý chí và nghị lực, cộng với nhiều sáng tạo trong cách làm nên vợ chồng chị Phạm Thị Thuận trở thành một gương điển hình về phát triển kinh tế, quyết tâm làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.

hoinongdan

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video