Gương Phụ nữ làm kinh tế giỏi

12/12/2017
- Yên Bái: Chị Chuyên làm giàu từ mô hình trồng cây ăn quả có múi
- Quảng Ngãi: Chị Nguyễn Thị Hảo phát triển kinh tế với cây nấm

Yên Bái: Chị Chuyên làm giàu từ mô hình trồng cây ăn quả có múi

Chị Nguyễn Thị Chuyên, hội viên phụ nữ ở thôn Thiên Tuế, xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái là một trong những tấm gương điển hình trong vương lên thoát nghèo, làm giàu từ mô hình trồng cây ăn quả có múi.

Gia đình chị Chuyên trước đây gặp rất nhiều khó khăn bởi thu nhập quanh năm chỉ trông vào mảnh ruộng, nương ngô. Với bản chất chăm chỉ, cần cù, cùng sự giúp đỡ của Hội Phụ nữ xã, sự ủng hộ của người thân trong gia đình, chị đã thay đổi suy nghĩ quyết tâm thực hiện mô hình kinh tế theo hướng trồng cây ăn quả có múi trên mảnh đất của mình.

Chị Chuyên tâm sự: Năm 2010 được Hội Phụ nữ xã tư vấn, gia đình tôi đã mạnh dạn vay vốn của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 50 triệu đồng làm vốn đầu tư phát triển kinh tế. Lúc đầu diện tích đất của gia đình chỉ có 0,5ha, sau này gia đình đã mua thêm để mở rộng diện tích, đến nay diện tích đất trồng cây ăn quả của gia đình là 2ha.

Những ngày đầu phát triển kinh tế với mô hình mới chị đã gặp không ít những khó khăn, gian truân, vất vả. Do còn ít kinh nghiệm, trong những năm đầu vườn cây của chị không cho ra trái đều. Chị đã mày mò tìm hiểu, học hỏi thêm nhiều kiến thức về trồng trọt, tích cực tham gia các lớp tập huấn về trồng và chăm sóc cây ăn quả, thăm quan học hỏi kinh nghiệm mô hình của các tỉnh lân cận để áp dụng tốt diện tích cam của gia đình. Hiện nay, với diện tích đất trồng 2 ha, gia đình chị trồng hơn 1.000 gốc cam sành, cam đường canh, cam chanh, bình quân mỗi năm từ mô hình trồng cây ăn quả, trừ các chi phí gia đình chị thu lãi trên 300 triệu đồng. Từ mô hình phát triển kinh tế, trồng cây có múi với những áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới chính là cách làm giúp chị Chuyên vượt qua khó khăn, cải thiện được điều kiện cuộc sống gia đình.

Bên cạnh đó, để giúp chị em tại địa phương có đầu ra trong tiêu thụ sản phẩm với giá cả ổn định, không bị tư thương ép giá, hàng năm vào mùa vụ chị đã đứng ra làm đầu mối thu gom các loại cam và xuất bán ra các tỉnh bạn. Mỗi vụ chị đã tiêu thụ hàng nghìn tấn cam các loại, trừ chi phí nhân công, vận chuyển cũng cho thu nhập trên 400 triệu đồng.

Không chỉ là tấm gương điển hình làm kinh tế giỏi, chị Nguyễn Thị Chuyên còn làm chi trưởng phụ nữ thôn Thiên Tuế với 70 hội viên tham gia sinh hoạt, gồm các dân tộc Tày, Thái, Dao, Kinh. Đời sống chị em còn gặp nhiều khó khăn, chị đã tạo điều kiện cho các chị em vay không lãi để mua cây giống, khi cây trái cho thu hoạch có thu nhập chị mới lấy tiền giống. Với cách làm của chị Chuyên, nhiều chị em phụ nữ trong thôn đã cải thiện được kinh tế gia đình với việc phát triển trồng cây ăn quả có múi.

Quảng Ngãi: Chị Nguyễn Thị Hảo phát triển kinh tế với cây nấm

Tốt nghiệp Trường trung cấp Du lịch và khách sạn Saigon Tourist, Nguyễn Thị Hảo, sinh năm 1993, ở thôn Thạch Thang, xã Đức Phong, huyện Mộ Đức không xin vào công ty du lịch hay nhà hàng, khách sạn mà chọn cho mình một lối đi riêng, đó là quyết định theo đuổi nghề trồng nấm rơm. Và nghề trồng nấm đã mang lại cho Hảo nguồn thu nhập cả tỷ đồng mỗi năm.

Trên cánh đồng đất cát, người dân nơi đây thường bỏ không, vì trồng cây không hiệu quả thì Hảo đã trồng nấm rơm. Gọi là nấm rơm, nhưng nấm được trồng trên nguyên liệu là hoa của cây bông vải và được che đậy bằng bao bố, không dùng rơm rạ. Đây là cách làm mới, không giống cách làm nấm rơm truyền thống. Và cách làm này, nấm cho thu hoạch đạt sản lượng gấp 30 lần. Nguyễn Thị Hảo chia sẻ: “Người ta nghĩ đất cát là không trồng được gì nhiều nên họ bỏ hoang nhưng thực ra trồng trên đất cát mầm bệnh ít đi, năng suất trồng gấp 30 lần và đặc biệt là nguyên liệu đầu vào, trên bông vải thu hái trong vòng 1 tháng, rơm thì thu hái trong 5 ngày nên không có đủ lượng bán. Chất lượng đem xét nghiệm không có thuốc thực vật, không có phân hóa học nên sản phẩm đưa ra thị trường chất lượng”

Không phải tốn kém đầu tư nhà trồng nấm, trên diện tích 5 sào này, trung bình mỗi tháng, Hảo thu hoạch 15 tấn nấm. Sản phẩm bán chủ yếu ở chợ đầu mối và các chợ trong tỉnh. Ngoài ra, còn cung cấp cho bạn hàng ở tỉnh Quảng Nam và Đà Nẵng. Hàng ngày, có 40-50 lao động nữ làm việc. Để có được kết quả như hôm nay, 2 năm đầu, Hảo đã gặp khá nhiều khó khăn và trải qua nhiều lần thất bại, vì khó tìm đầu ra và sản lượng nấm thu hoạch thấp. Sau đó, Hảo đổi kỹ thuật, đổi cơ chất từ rơm qua mạc cưa, rồi mạc cưa qua bông.

Hiện nay, Hảo đã thành lập công ty nông nghiệp công nghệ cao Nông Hưng Phát và đang tiến hành các thủ tục để xây dựng nhà máy muối nấm để xuất khẩu trên diện tích 12 ha tại thị trấn Mộ Đức. Hảo cho biết: sắp tới em sẽ xây dựng 1 nhà máy để muối sản phẩm đóng gói xuất qua Hồng Kông và Nhật,2 thị trường này đã có hợp đồng sản xuất, nhà nước đã hỗ trợ cho thuê đất và tiếp cận nguồn vốn.

Với mô hình trồng nấm rơm trên đất cát, nguyên liệu là hoa của cây bông vải và dùng bao bố che đậy, không dùng rơm rạ, Nguyễn Thị Hảo ở xã Đức Phong, huyện Mộ Đức đã trồng nấm khá thành công và thu nhập cả tỷ đồng mỗi năm. Trong thời gian tới, các cấp Hội sẽ tổ chức học tập, tham quan và nhờ Hảo tham gia các lớp tập huấn phụ nữ khởi nghiệp.

Thu Hiền, Mai Hạnh

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video